Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:07 (GMT +7)

Phía sau cánh cổng

VNTN - Ông Ninh một tay ôm bó hoa to tướng, tay kia giữ khư khư trước ngực chiếc hộp các - tông dán giấy hồng, thắt nơ đỏ, đi bộ từ đầu ngõ vào nhà mình. Hàng xóm hai bên ngõ đổ ra, xuýt xoa:

-Ông Ninh mua quà tặng vợ ngày 20 - 10 đấy à?

-Vâng, thì ngày của Phụ nữ mà các bác, không chiều vợ còn chiều ai.

-Sao tâm lý thế. Gớm chả bù cho ông xã nhà tôi…

-Nhìn chồng người ta mà thèm, vừa giàu tiền vừa giàu tình cảm…

Lời khen ngợi, ánh mắt ngưỡng mộ của các bà, các cô trong xóm bám theo bước chân ông mãi.

Gia đình ông Ninh nổi tiếng hạnh phúc nhất xóm. Từ ngày về đây, năm nào nhà ông cũng được xóm bình bầu là gia đình văn hóa xuất sắc. Ông có chức vị, kiếm ra tiền. Vợ ông chỉ ở nhà nội trợ nhưng nghe đâu cũng là người được ăn học đàng hoàng. Bà cư xử với xóm giềng vừa khéo léo vừa thật thà, rộng rãi khiến ai cũng quý trọng.

Khép cổng, khóa cẩn thận, ông Ninh vào nhà ném phịch gói quà và bó hoa xuống bàn, buông mình trên nệm ghế sô - pha đắt tiền. Vợ ông vội vàng chạy ra tháo giầy cho chồng, tìm lọ cắm hoa. Mắt nhắm hờ, ông cất giọng khô khốc:

-Cơm nước xong chưa?

-Em đun lại nồi cá kho cho ngon, tí ti là xong.

-Tôi đã bảo cô bao lần rồi. Có mỗi việc cơm bưng nước rót mà làm không ra hồn. Lần nào về cũng phải chờ. Tôi nói cho cô biết, tôi thiếu gì nơi mời cao lương mĩ vị. Bộ quần áo ngủ của tôi đâu?

Bà vội vàng chạy lên gác lấy quần áo xuống cho ông thay rồi quay quả dọn cơm, mời ông vào ăn. Ông chưa buông bát bà đã vội gọt hoa quả bày lên đĩa cho ông “tráng miệng”.

Cái cảnh này diễn ra thường ngày trong nhà ông. Bà ở nhà, là nội tướng. Nội tướng phải cơm dẻo canh ngọt, quần áo sạch sẽ tinh tươm, phục vụ chồng con chu đáo. Tôi ra ngoài kiếm tiền, kiếm danh, tôi là ngoại tướng. Đồng tiền chi phối mọi thứ, kể cả tương lai con cái, kể cả địa vị xã hội, ngoại tướng quan trọng lắm. Ông đã phân công rõ ràng như thế kể từ khi họ lấy nhau. Thế nên, từ hai chục năm qua, ông là người đưa ra quyết định cuối cùng, không ai ho he trái lời. Hôm nào ông vui thì cả nhà được vui. Hôm nào ông khó chịu thì cả nhà không ai dám cười.

Nhưng ông bảo, cuộc đời chả khác gì cái sân khấu, lúc diễn vở hài, lúc diễn vở bi. Mỗi người là một diễn viên trên cái sân khấu khổng lồ ấy. Muốn diễn thì phải hóa trang chứ ai để mặt “mộc”. Như gia đình mình, ra ngoài cánh cổng kia là ra sân khấu, phải đeo bộ mặt khác. Làm sao cho thiên hạ “lác mắt” vì chúng ta vừa giàu có vừa hạnh phúc. Tôi là người có địa vị xã hội, tôi không “tu thân tề gia” thì làm sao “bình” được thiên hạ?

Nghe lời ông, các diễn viên gia đình đều đeo lên chiếc mặt nạ hạnh phúc mỗi khi ra khỏi nhà hoặc khi có khách đến chơi. Diễn mãi thành quen, ai cũng mỉm cười hân hoan, ai cũng nói mình sung sướng, mình vui, mình toại nguyện lắm lắm.

Thế nhưng, nếu có ai để tâm nhìn kỹ vào những đôi mắt ấy, sẽ thấy thẳm sâu một nỗi buồn. Nếu ai nhìn kỹ những nụ cười ấy, sẽ thấy vương mùi chua chát. Nhất là bà, đôi khi bà ước được chạy về nhà gục đầu vào lòng cha mẹ để khóc như một đứa trẻ con, ước được giãi bày tâm sự với đứa bạn thân từ thời để chỏm, rằng bà không hề hạnh phúc như người ta tưởng. Nhưng rồi bà lại nuốt nước mắt, mỉm cười. Chỉ đêm đêm, phía sau cánh cổng nhà, trong căn buồng khóa kín, trên chiếc giường hai chục năm qua bà nằm một mình, nước mắt lại tuôn ướt gối.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước