Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
11:43 (GMT +7)

Phát triển văn học nghệ thuật trước yêu cầu mới của thời đại

Từ ngày 2 đến 5/8, tại Hà Tĩnh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với VHNT trước yêu cầu mới”. Hội nghị có sự tham gia của 275 học viên đại diện cho 29 đơn vị, tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số tỉnh phía Nam là cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ công tác trong các ngành: Tuyên giáo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VHNT và báo chí.

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương phát biểu và trực tiếp giảng dạy một chuyên đề tại Hội nghị

VHNT phải phản ánh trung thực đời sống văn hóa, xã hội

Trong chuyên đề của mình trình bày tại Hội nghị tập huấn, GS.TS Hồ Sĩ Quý nhắc đến Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nói tới việc xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, văn hóa, chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Nói đến văn hóa thực chất là nói đến con người, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Ông lý giải: Trong tầm nhìn dài hạn hoặc theo lát cắt lịch đại văn hóa làm ra con người và con người là sản phẩm văn hóa. Muốn sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập của văn hóa thì xuất phát điểm phải bắt đầu từ con người.

Vấn đề ông đặt ra đối với văn nghệ sĩ, người nắm vũ khí sáng tạo ra VHNT, người có trách nhiệm tiên phong đánh thức và gợi mở cho xã hội hình dung con đường đi về tương lai, kích thích mỗi cá nhân tự vấn về văn hóa làm người, trước hết, họ phải phản ánh trung thực đời sống văn hóa, xã hội. Và ông đã khẳng định: Việc xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay, về thực chất là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để VHNT nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và cho bản thân nghệ thuật.

Ông đã đề xuất một phương án cho “Hệ giá trị VHNT Việt Nam” giai đoạn hiện nay là: Nhân dân, Tổ quốc và Tác phẩm. Đây chính là sự gợi mở cho các nhà sáng tạo VHNT nói riêng và nhà quản lý nói chung để có thể phát huy vai trò, thế mạnh của VHNT đối với việc xây dựng, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới.

Tự do trong sáng tác và sự cần thiết đầu tư cho văn học trẻ

Tự do trong sáng tác là vấn đề nóng bỏng của đời sống VHNT đang đặt ra, nhất là vào lúc đổi mới tư duy đang được khích lệ, sinh hoạt dân chủ đang trở thành tập quán xã hội lành mạnh, quyền tự do cá nhân ngày càng được tôn trọng. Mặc dù từ năm 1986 đến nay, Đảng đã “cởi trói” cho văn nghệ sĩ ở nhiều khâu: tự do chọn đề tài, phương thức thể hiện cũng như nới lỏng tự do trong khâu xuất bản, quảng bá tác phẩm. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn tồn tại những can thiệp của cơ quan quản lý, thể hiện ở việc “lấn sân”quản lý nhà nước về mặt luật pháp. Điều này khiến quyền làm nghề của văn nghệ sĩ chưa thực sự phát huy, ảnh hưởng đến sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Bởi thế chuyên đề “Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do trong sáng tạo VHNT” do PGS.TS Phạm Quang Long với nhiều giải pháp đề xuất đã “gãi đúng chỗ ngứa” đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và người quản lý lĩnh vực này.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn

Thực tế cho thấy, tự do sáng tạo luôn được đặt trong mối tương quan với hiện thực trong mối quan hệ thẩm mỹ. Hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ mong muốn được tạo điều kiện về hành lang tư tưởng và pháp lý để sáng tạo những tác phẩm hay, có giá trị, trường tồn với thời gian. Đương nhiên, các tác phẩm ấy phải là của những văn nghệ sĩ tài ba, yêu dân, yêu Tổ quốc và yêu nghệ thuật. Và trong quá trình sáng tạo, các văn nghệ sĩ cũng phải tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng tạo, phù hợp các tinh hoa văn hóa, văn học nhân loại vào thực tiễn đời sống xã hội của Việt Nam. Nhất là, phát triển VHNT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam, không đi chệch “đường ray” tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Một vấn đề năm nay thu hút khá nhiều học viên quan tâm, lắng nghe đó là sự quan tâm đầu tư do văn học trẻ và sự mờ nhạt của “văn học xanh” do nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trình bày ở chuyên đề “Tình hình văn xuôi hiện nay”. Ông chọn văn xuôi Việt Nam đương đại nghiên cứu bởi đây là nơi tập trung thể hiện đậm nét gương mặt con người thời đại nhìn từ phương diện văn hóa.

Theo nhà nghiên cứu, ngoài những ưu điểm thì hiện nay đội ngũ nhà văn mới chú ý đến mối quan hệ giữ con người và xã hội nhưng ít quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Điều này khiến “văn học xanh” còn rất khiêm tốn trong bản đồ văn học Việt Nam hiện đại/đương đại. Hơn nữa, sự cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn, cơ chế của văn hóa đại chúng khiến những người cầm bút hiện nay đang chạy theo cuộc đua viết sách bán chạy (đáp ứng nhu cầu thị trường) hơn là viết sách hay.

Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trình bày chuyên đề “Tình hình văn xuôi hiện nay”

Bên cạnh đó, thống kê của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng cho thấy, trong số hơn 1.200 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay đang hoạt động có đến hơn một nửa cây bút văn xuôi. Quan sát tình hình văn học nói chung và văn xuôi hiện nay có thể thấy, đối với các thế hệ 5X, 6X có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển văn học, hiện thời gian viết và bút lực của họ không còn dư dả. Bởi vậy, nếu đầu tư bàn bản cho thế hệ người viết 7X, 8X, 9X nhất định sẽ có một mùa màng văn chương trong tương lai (trung hạn và dài hạn).

Và vấn đề cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương để văn xuôi phát triển rực rỡ, theo quan điểm của nhà nghiên cứu không chỉ ở riêng thể loại văn xuôi mà có lẽ rộng mở ở cả nền VHNT nước nhà khi “nhắm” đầu tư đến những người trẻ thế hệ 7X - 9X.

Đưa VHNT trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển

Phát biểu bế mạc Hội nghị tập huấn ngày 5/8, PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Hội nghị giúp học viên cập nhật về quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, VHNT của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2022 và định hướng, giải pháp phát triển văn hóa văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Khóa học thực sự hữu ích với các học viên khi được tiếp cận vấn đề xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay và việc tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm quyền tự do trong sáng tạo VHNT; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội VHNT; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo VHNT; nắm bắt thông tin về tình hình văn xuôi, tình hình âm nhạc trên không gian mạng hiện nay... Các chuyên đề, giúp học viên nâng cao nhận thức các quan điểm của Ðảng về VHNT; lý luận, phê bình VHNT trong thời kỳ mới; vận dụng, phát huy hiệu quả vào công tác tuyên truyền, đẩy mạnh sáng tác, quảng bá VHNT có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Từ đó, xây dựng nền văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Quá trình học tập, các giảng viên và học viên cũng đã thảo luận sôi nổi về kinh nghiệm xử lý một số vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao năng lực xử lý các tình huống nảy sinh trong đời sống VHNT ở các địa phương, đơn vị. Điều này góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, kỹ năng nghề nghiệp, cũng như hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong lĩnh vực VHNT. Đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ nắm bắt sát, đúng tình hình thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đoàn Thái Nguyên chụp ảnh lưu niệm với PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (thứ 4 từ trái sang)

Theo đánh giá của nhiều học viên, tại Hội nghị năm nay, đội ngũ giảng viên tham gia tập huấn là các GS, PGS, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình có uy tín chuyên môn trong giới, các nhà lãnh đạo, quản lý dày dặn kinh nghiệm, nắm vững cả lý luận và hoạt động thực tiễn để truyền đạt các chuyên đề như: GS.TS Hồ Sĩ Quý; PGS.TS: Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phạm Quang Long; PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng. Bên cạnh đó, chủ đề tập huấn sát với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị giai đoạn tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ phát triển văn hóa được nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; sát với thực tiễn đời sống VHNT nên với mỗi học viên đều thấy rất bổ ích. Sau lớp tập huấn, tin tưởng và hy vọng rằng, các học viên sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, đưa VHNT trở thành sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần cho sự phát triển của mỗi địa phương và của cả dân tộc.

Trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn, các học viên được đi thực tế một số di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh như: Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc…

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy