Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:19 (GMT +7)

Phát triển nghệ thuật múa dân tộc: Sự cân bằng giữa bản sắc và hiện đại

Việt Nam có 54 dân tộc và dân tộc nào cũng có điệu múa mang bản sắc riêng của mình. Nhưng tác phẩm múa đó thuộc dân tộc nào, hẳn không có nhiều người biết ngoài cư dân bản địa, các nhà nghiên cứu và những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực Múa.

Thông thường, để nhận biết tác phẩm múa thuộc dân tộc nào, người ta căn cứ vào trang phục của dân tộc ấy. Nhưng sự hiểu biết về trang phục cũng là ẩn số đối với nhiều người, chưa kể trong bối cảnh hiện tại, nhiều dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống của họ vào những dịp quan trọng của dân tộc mình. Vì vậy, những kiến thức về việc nhận biết múa truyền thống giữa các dân tộc vẫn còn khá mơ hồ với phần đông người dân hiện nay.

Để phát triển nghệ thuật Múa dân tộc theo hướng cân bằng giữa bản sắc và hiện đại, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam 2024, nằm trong Tuần lễ múa Việt Nam được tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua tại thành phố Kon Tum, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Trước và sau cuộc thi, Ban Tổ chức (BTC) đều khẳng định, đây là hoạt động mang tính chất nghề thuần túy, là dịp để các nhà biên đạo các nghệ sĩ biểu diễn phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật; tạo điều kiện cho tác giả, nghệ sĩ biểu diễn có cơ hội đóng góp, giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, cập nhật những sáng tạo mới, tiếp thu kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn nghệ thuật múa vì mục tiêu xây dựng Nền nghệ thuật múa Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại.

Tác phẩm múa “Rơm” sân khấu thực cảnh tại Hội An
Tác phẩm múa “Rơm” sân khấu thực cảnh tại Hội An

Chính vì vậy, cuộc thi đã trở thành sân chơi dành cho các biên đạo đang công tác tại các tổ chức công lập và ngoài công lập; sinh viên theo học chuyên ngành biên đạo múa thuộc các trường nghệ thuật ở trong nước và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam có trình độ chuyên môn và tác phẩm đáp ứng tiêu chí Cuộc thi. Ngoài ra, BTC cũng không giới hạn về lứa tuổi hoặc vùng miền…, nhằm phát hiện và bồi dưỡng, nâng cao tài năng biên đạo, diễn viên múa dân tộc chuyên nghiệp.

Trên thực tế, từ lâu Múa dân tộc là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của Việt Nam, phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, phong tục tập quán và tâm hồn của người dân bởi bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt, tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống của từng dân tộc. Mỗi điệu múa thường được kết hợp với âm nhạc dân gian, trang phục truyền thống, và các nhạc cụ như trống, sáo, chiêng, đàn bầu, đàn nhị…, để tạo nên sự hòa quyện giữa âm thanh và hình thể. Do đó, các điệu múa không chỉ để biểu diễn mà còn mang theo những giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần.

Có thể điểm qua các tác phẩm - điệu múa xòe của người Thái là hình ảnh biểu trưng cho sự đoàn kết, múa sạp của người Mường gắn liền với cảnh lao động nông nghiệp, còn múa lân rồng, múa nón của người Kinh lại thể hiện sự vui mừng và thường diễn ra trong những dịp trọng đại của địa phương, cộng đồng dân cư sản sinh ra tác phẩm múa.

Tác phẩm Múa dân tộc Hà Nhì
Tác phẩm Múa mang bản sắc dân tộc Hà Nhì

Tuy nhiên, trước sự nở rộ của nhiều loại hình nghệ thuật, sự giao thoa giữa các nền văn hóa trên thế giới, Múa dân tộc đã dần bị thu hẹp. Nhiều sự kiện lễ hội, Múa dân tộc chỉ góp mặt như một điểm nhấn, nhắc nhở người dân địa phương nhớ về nét văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, những đề án lưu giữ và số hóa những tác phẩm Múa dân tộc đã được hình thành. Đồng thời, để Múa dân tộc có thể phát triển trong đời sống đương đại, các nghệ sĩ múa đã tìm cách kết hợp những yếu tố truyền thống của Múa dân tộc với kỹ thuật và cảm hứng sáng tạo của Múa đương đại để tạo nên các tác phẩm mới lạ, vừa mang hồn cốt dân tộc, vừa có tính đột phá hiện đại.

Để hiện đại hóa Múa dân tộc, thổi hồn đương đại vào những tác phẩm Múa truyền thống, các biên đạo múa đã tìm hiểu kỹ lưỡng văn hóa của người địa phương -  cộng đồng sở hữu tác phẩm Múa dân tộc để phát triển và biến tấu từng động tác theo hướng cải biên để phù hợp với ngữ cảnh mới.

Sự thành công của Múa dân tộc trên những sân khấu thực cảnh gần đây cho thấy, xu hướng làm mới, kết hợp giữa truyền thống và đương đại đã và đang góp phần khẳng định giá trị của Múa trong đời sống nghệ thuật hiện nay.

Yếu tố truyền thống đã trở thành căn cốt để yếu tố đương đại phát triển. Và đây chính là hướng đi mới của nghệ thuật Múa nói chung, Múa dân tộc nói riêng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn, táo bạo này đã biến tác phẩm Múa đơn thuần trở thành câu chuyện có nội dung, lớp lang bài bản. Và người tiên phong cho sự sáng tạo này có thể kể đến Đạo diễn - Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc và Giám đốc âm nhạc Đức Trí. Gần đây hai tác giả này đã mang vở múa đương đại cùng chất liệu rơm thực hiện ngay tại chính cánh đồng lúa chín, tôn vinh vẻ đẹp bình dị hiền hòa của làng quê Hội An vào mùa gặt hái.

Chia sẻ về sự độc đáo của “Rơm”, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc và Giám đốc âm nhạc Đức Trí cho biết: Âm nhạc dân gian kết hợp cùng nghệ thuật múa đương đại, chính là sức mạnh của “Rơm”. Và sức mạnh ấy càng  được tăng lên khi “Rơm” được thực hiện vào thời điểm hoàng hôn trên cánh đồng trái tim lúa Hội An (khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An). Bối cảnh, nét văn hóa bản địa chính là chất liệu truyền thống đã tạo nguồn cho sự sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm múa đương đại mang đậm chất truyền thống.

Các nghệ sĩ không chỉ sử dụng các động tác truyền thống mà còn cải biến chúng, kết hợp với các hình thức nghệ thuật khác như âm nhạc điện tử, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn, biểu đạt cảm xúc phức tạp, tạo nên một ngôn ngữ múa mới.

Hòa quyện giữa dân tộc và hiện đại

Ngoài “Rơm” trước đó còn có “Đi qua vùng cỏ non” của Lê Ngọc Văn và nhiều tác phẩm múa khác đã nhận được sự ủng hộ của công chúng yêu nghệ thuật. Từ đó làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận về Múa không chỉ đơn thuần là phụ họa, mà là một tác phẩm có nội dung, thông điệp rõ ràng nhờ cách tiếp cận mới đầy sáng tạo của các nghệ sĩ múa. Đây cũng chính là kết quả của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần giúp múa dân tộc tiếp tục phát triển trong môi trường nghệ thuật hiện đại mà còn mở ra những chân trời mới cho múa đương đại Việt Nam. Trong tương lai, Múa dân tộc sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và nền tảng vững chắc cho sự sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, để Múa dân tộc phát triển, tiếp tục mở rộng dư địa trong đời sống nghệ thuật vẫn còn là bài toán khó. Như phần đầu bài viết đề cập, sự hiểu biết về Múa dân tộc, hay công tác truyền dạy vẫn còn là ẩn số khiến công chúng, người yêu nghệ thuật vẫn chưa thực sự hiểu biết biết về những tác phẩm múa đặc trưng, tiêu biểu của 54 dân tộc anh em. Do đó, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để lan tỏa giá trị của nghệ thuật Múa dân tộc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo và đang trình xin ý kiến Quốc hội.

Trong nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030, có những hạng mục phát triển văn hóa bản địa trở thành ngành công nghiệp không khói trong tiến trình phát triển kinh tế địa phương. Để thực hiện điều này, Nhà nước sẽ bố trí những khoản kinh phí phù hợp để góp phần khẳng định, lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa trong đó có Múa dân tộc. Theo bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam, nêu ý kiến: “Khâu đầu tiên của việc bảo tồn là phải sưu tầm, nghiên cứu và nắm vững nguồn gốc, phong tục tập quán và hoạt động chính trong múa dân tộc. Muốn bảo tồn được thì phải có sự xuyên suốt, đồng bộ trong việc quản lý, triển khai. Cần tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và mời những giáo viên có trình độ chuyên môn cao để trang bị kiến thức về nghệ thuật dân tộc cho người làm công tác múa một cách toàn diện, sâu sắc hơn”. Đây chính là mục tiêu của đào tạo Ngành Múa trong việc thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa truyền thống.

Với sứ mệnh gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc vùng núi phía Bắc, những năm qua Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc không ngừng tìm tòi, sáng tạo từ những điệu múa dân gian để hấp dẫn người xem. Tiết mục múa “Hoa Núi” do NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc dàn dựng. Ảnh: Quang Khải
Với sứ mệnh gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc vùng núi phía Bắc, những năm qua Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc không ngừng tìm tòi, sáng tạo từ những điệu múa dân gian để hấp dẫn người xem. Tiết mục múa “Hoa Núi” do  NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc dàn dựng. Ảnh: Quang Khải

Song để Múa truyền thống có thể tỏa sáng và đủ sức cuốn hút lớp khán giả mới - thế hệ Gen Z, các chuyên gia Múa khẳng định, cần làm mới Múa truyền thống. Cần kết hợp giữa truyền thống và đương đại - để Múa đi vào đời sống nghệ thuật. Theo nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Quang, việc đưa chất liệu múa dân gian dân tộc vào múa chuyên nghiệp ở Việt Nam dựa trên những nguyên tắc cơ bản để tránh làm mai một các giá trị truyền thống của múa dân gian. Trách nhiệm nặng nề này đặt lên vai các thế hệ biên đạo trẻ của Việt Nam: “Muốn hiện đại thế nào thì cũng không thể đánh mất bóng dáng ngôn ngữ, truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Bản sắc nhìn ở góc độ ngôn ngữ, tức là các động tác múa được biến đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng không mất đi bản sắc và giá trị của dân tộc đó”.

Những sáng kiến, đề xuất của các nhà giáo, nghệ sĩ, hay người quản lý đều là kênh quan trọng để Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cùng các nhà quản lý có được những quyết sách đúng đắn trong phát triển Múa truyền thống nói riêng, Múa đương đại và nghệ thuật Múa nói chung.

Những cuộc thi dành cho diễn viên, biên đạo Múa cũng là bước đi quan trọng để Hội Nghệ sĩ Múa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lan tỏa nghệ thuật Múa gần hơn với công chúng. Từ đó góp phần định hướng phát triển nghệ thuật Múa truyền thống nhằm đáp ứng đúng yêu cầu nhiệm vụ của xã hội hiện nay.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy