Phát triển không gian đô thị thành phố Thái Nguyên
VNTN - Trải qua hơn 50 năm thành lập, xây dựng và phát triển, không gian đô thị thành phố Thái Nguyên đã có những thành tựu nhất định. Trong những năm gần đây cùng với tốc độ đô thị hóa cao, không gian đô thị thành phố đã được hoạch định và xây dựng theo định hướng quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt lần thứ nhất (1996) và lần hai (2005) gồm 28 đơn vị hành chính, trong đó 19 phường, 9 xã với tổng diện tích 18.970,48 ha, dân số toàn đô thị 330.707 người; trong đó dân số thường trú 279.710 người (niên giám thống kê 2009).
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 với quy mô 22.313,56 ha, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thành phố Thái Nguyên hiện có (17.069,76 ha, sau khi đã trừ diện tích xã Lương Sơn được chuyển về thành phố Sông Công quản lý) và mở rộng 5.243,8 ha về các phía: Phía Bắc là xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình). Tổng dân số hiện hữu khu vực lập quy hoạch là 337.932 người.
Ảnh: Tuấn Anh MC
Đồ án quy hoạch nhằm các mục tiêu cụ thể như: Xây dựng thành phố Thái Nguyên phát triển thịnh vượng: Có cơ cấu GDP hiện đại (Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp) với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, GDP bình quân đầu người ở mức cao; đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về vật chất, tinh thần, cung cấp việc làm, tạo ra thu nhập và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người; xứng đáng với vị thế của một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; một trung tâm dịch vụ hiện đại và hiệu quả của Quốc gia, vùng Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên. Xây dựng thành phố Thái Nguyên có cấu trúc đô thị bền vững: Đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu; xây dựng hệ thống trung tâm và các khu đô thị mới hiện đại; phát triển các khu vực nông nghiệp, hiện đại hóa các khu vực nông thôn; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường; tạo ra các nguồn lực, hình thành các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng thành phố Thái Nguyên sinh thái, xanh, có tính đặc trưng cao: Có không gian hòa nhập với hệ sinh thái môi trường, tạo dựng những giá trị cảnh quan đặc trưng đậm sắc thái vùng miền; chú trọng thiết lập các không gian mở, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Cầu, tổ chức không gian đi bộ, công viên chuyên đề, quảng trường đô thị với chất lượng kiến trúc được đặt lên vị trí hàng đầu. Cụ thể hóa quy hoạch chung, Thành phố đã và đang phát triển nhanh theo hướng mở rộng quy mô, dàn trải trên diện rộng thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng các khu dân cư, khu đô thị tập trung. Chính vì vậy phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thành phố chuyển thành đất ở đô thị, các hạng mục công ích đô thị còn hạn chế đầu tư, hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ dần trở nên quá tải theo thời gian nếu không được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ và hiện đại. Bên cạnh đó, do áp lực từ việc bùng nổ dân số, dịch chuyển dân cư từ vùng nông thôn về thành phố, các khu dân cư hiện hữu, các làng trong đô thị ngày càng mở rộng với mật độ đông đúc, chất lượng không gian đô thị bị phá vỡ, hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Vấn đề đặt ra là, nếu không kịp thời điều chỉnh thì chúng ta sẽ phát triển thành một đô thị quy mô lớn nhưng mất cân bằng, thiếu bản sắc, chất lượng sống thấp. Vậy giữa đô thị hiện đại và đô thị lớn có những điểm tương đồng nào và khác nhau những gì?
Một đô thị lớn hoàn toàn có thể trở thành một đô thị hiện đại và một đô thị hiện đại không nhất thiết phải là đô thị lớn. Đô thị hiện đại ngày nay và trong tương lai sẽ đi cùng với sự tiến bộ về công nghệ xây dựng, trình độ quản lý, dân trí, công nghệ thông tin. Người ta nói đến việc xây dựng nên nhiều mô hình đô thị thông minh (smart city), đô thị sinh thái (eco' city), ở đó đô thị được xây dựng và quản lý chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu sống và làm việc của công dân đô thị.
Hình thái đô thị phát triển dạng lan tỏa - theo xu hướng hiện tại đòi hỏi một quỹ đất xây dựng rất lớn, sẽ thu hẹp các diện tích tự nhiên gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, thiếu không gian xanh. Bên cạnh đó sẽ thu giảm khả năng thoát nước mặt, tự thấm nước của lòng đất và khả năng điều hòa nước mặt của hồ ao, sông suối…; thường gây ngập úng cục bộ khi có mưa lớn - điều tưởng chừng ít xảy ra đối với đô thị có độ dốc lớn như Thái Nguyên. Đồng thời ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Đô thị phát triển lớn nhưng thiếu bền vững, là do cạn kiệt đất canh tác, thu hẹp kế sinh nhai cho một bộ phận không nhỏ người dân vùng ven đô, xuất hiện nhiều tiêu cực gây áp lực lên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đô thị. Đô thị lớn đòi hỏi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí bảo dưỡng lớn. Do việc đầu tư hạ tầng bị dàn trải nên chất lượng cơ sở hạ tầng cũng không được cao và đồng bộ, hiện đại. Mặt khác, khả năng kết nối giữa các không gian đô thị khó đạt được hiệu quả cao, mật độ phương tiện giao thông lớn, mất nhiều thời gian đi lại của người dân. Làm chậm tiến trình phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế do phải tập trung nguồn lực lớn vào giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thực hiện dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Đối với loại hình đô thị phát triển theo kịch bản hiện đại bền vững như mục tiêu đã đề ra, hoàn toàn phù hợp với hướng phát triển của đô thị thành phố Thái Nguyên. Việc phát triển hướng tới một đô thị hiện đại, thân thiện và giàu bản sắc, với xu hướng kiến tạo thành phố tri thức, thành phố xanh…, sẽ tạo ra bước đột phá trong sự phát triển hệ thống đô thị Việt Nam. Đây sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của cả tỉnh và là đầu tàu các tỉnh miền núi phía Bắc. Rút ngắn thời gian hiện đại hóa, công nghiệp hóa của tỉnh nhà, đồng thời giảm lãng phí nguồn lực của nhân dân do khắc phục những định hướng phát triển quy hoạch sai lầm.
Phát triển đô thị theo hướng đáp ứng các tiêu chí đô thị (về kinh tế, y tế, giáo dục, chất lượng hạ tầng kỹ thuật, nhu cầu nhà ở, an sinh xã hội, môi trường,…) góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững hơn là tập trung mở rộng không gian đô thị, khu vực hiện hữu ít được quan tâm dần xuống cấp và lạc hậu. Theo hướng này, hiệu quả sử dụng đất do tích hợp nhiều chức năng không gian công cộng được nâng cao. Hạ tầng xã hội phát triển mang lại cho mọi người dân đô thị chất lượng sống cao, chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội đầy đủ, tiện nghi. Cùng với đó, cự ly di chuyển, thời gian di chuyển trong đô thị ít, giảm chi phí; thời gian đầu tư giao thông hạ tầng kỹ thuật, tăng khả năng kết nối các không gian đô thị.
Suy cho cùng, việc định hướng xây dựng hình ảnh đô thị năng động, sáng tạo, môi trường tự nhiên trong lành… là động lực tốt nhất để thu hút và đảm bảo cho cư dân đô thị sinh sống, học tập và lập nghiệp.
Ths.KTS. LÊ CAO HẢI
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...