Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
01:45 (GMT +7)

Phát triển giáo dục – đào tạo, quan tâm giảm nghèo bền vững

VNTN - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bàn thảo và quyết nghị nhiều vấn đề lớn, trong đó phát triển giáo dục - đào tạo và quan tâm giảm nghèo bền vững là hai trong nhiều nhiệm vụ được đặt ra của nhiệm kỳ mới.

Những kết quả phấn khởi

Kết thúc nhiệm kỳ 2016 - 2020, bên cạnh những thành quả đạt được ở nhiều lĩnh vực, giáo dục - đào tạo và công tác giảm nghèo cũng nhận được những kết quả tích cực.

Với ngành Giáo dục và Đào tạo, được đánh giá đạt kết quả toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Các mục tiêu đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Như công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 được hoàn thành sớm trước 1 năm so với kế hoạch. Từ kết quả này, Thái Nguyên là tỉnh thứ 21 trên 63 tỉnh thành trong toàn quốc được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc và là tỉnh đầu tiên trong khu vực trung du miền núi phía Bắc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được triển khai có hiệu quả, đến nay đã có trên 84,33% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, vượt hơn 4,33% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX đề ra. Ngoài ra, công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp có cơ cấu hợp lý, phù hợp với thực tế ở từng địa phương, đơn vị, đáp ứng được cơ bản nhu cầu giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc và học tập của nhân dân. Các dự án xây dựng Trường THPT Chuyên, mở rộng Trường PTDT nội trú đảm bảo có trên 8% học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) được học ở các trường PTDT nội trú, được nhân dân, các cấp, ngành đánh giá cao. Công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều tiến bộ, phát huy tác dụng tích cực...

Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội

Còn với công tác giảm nghèo, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể từ 13,4% đầu năm 2016 dự kiến xuống còn 3,1% vào cuối năm 2020; giảm 10,3% - bình quân giảm 2,06%/năm (mục tiêu là 2%/năm).

Có được kết quả trên là nhờ tỉnh đã huy động tốt nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2016 - 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 51.554 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi, kinh phí gần 2.210 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động được gần 6.463 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn do trung ương phân bổ chiếm 9,24%; vốn ngân sách tỉnh chiếm 7,43%; vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 45,22%; vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ giảm nghèo chung chiếm 37,04%; vốn huy động khác chiếm 1,07%. Tỉnh cũng đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2020, như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho người hộ cận nghèo, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT dự kiến hết năm 2020 đạt 98,5%; miễn giảm học phí cho 185.905 học sinh, sinh viên, người DTTS và người nghèo với kinh phí là 49.076 tỷ đồng; trợ cấp xã hội 156.947 học sinh với kinh phí 42.557 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 75.823 học sinh, nâng tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98,6%; hỗ trợ về nhà ở cho 3.591 hộ nghèo; tạo việc làm cho 21.500 lao động...

Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, tỉnh đã tổ chức “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” với kết quả năm 2018, huy động được 26,836 tỷ đồng; năm 2019: 28,218 tỷ đồng và năm 2020: 34,915 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 4 huyện (Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương). Triển khai dự án xóa “trắng điện” tại 34 xóm chưa có điện trên địa bàn huyện Võ Nhai và 14 xóm của huyện Đồng Hỷ. Hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 34 hộ nghèo có đảng viên được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên...

Nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới

Bên cạnh những kết quả đáng mừng trên, cả giáo dục - đào tạo và công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ. Tham luận của Sở Giáo dục và Đào tạo trong Văn kiện Đại hội đã chỉ rõ: chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo dù đã được nâng cao nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chương trình giáo dục nhà trường, phương pháp giáo dục, việc đánh giá kết quả học tập đổi mới chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên còn chậm chuyển biến về nhận thức, hành động khi tham gia đổi mới giáo dục; cơ sở vật chất, phòng học ở nhiều trường học còn thiếu, nhất là đối với các cơ sở giáo dục mầm non, một số công trình đã xuống cấp, chưa được đầu tư xây dựng mới; chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng, miền; các điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mới đáp ứng ở mức độ tối thiểu.

Cũng tại tham luận đưa vào Văn kiện Đại hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhìn nhận những khó khăn, thách thức của công tác giảm nghèo: tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng phần lớn chuyển sang hộ cận nghèo; chênh lệch giữa khu vực thành thị với khu vực miền núi còn khá lớn, như cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của hai thành phố Thái Nguyên và Sông Công thấp (chỉ 0,97% - 2,0%) nhưng đối với hai huyện Định Hóa, Võ Nhai hộ nghèo còn cao (tỷ lệ 9,7% - 13,63%); tốc độ giảm nghèo không đồng đều, vẫn còn tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo ở vùng thường xảy ra thiên tai như các huyện Võ Nhai, Định Hóa; các chính sách trợ giúp xã hội cho người nghèo như: đào tạo nghề, giải quyết việt làm... hiệu quả chưa cao. Từ thực tế trên, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong tham luận cũng đã đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Đối với giáo dục - đào tạo, cần: xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện chính sách phát triển XHH giáo dục, đặc biệt là chính sách phát triển trường lớp mầm non tại khu công nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Khẩn trương đầu tư, cải tạo, xây dựng phòng học xuống cấp, bổ sung trang thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực của tỉnh. Tập trung nguồn lực để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, khắc phục tình trạng quá tải ở các trường học, đặc biệt là bậc học Mầm non và Tiểu học. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đổi mới chương trình giáo dục từ việc chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, bao gồm đức, trí, thể, mỹ. Đa dạng hóa nội dung giáo dục nghề nghiệp theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học...

Đối với công tác giảm nghèo, cần: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS, địa bàn đặc biệt khó khăn; huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo. Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo...

Tại Đại hội đã thông qua Nghị quyết với các chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo và công tác giảm nghèo: Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; phấn đấu có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường PTDT nội trú; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên. Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo và thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Với giáo dục - đào tạo: triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh XHH trong phát triển giáo dục và đào tạo; tiếp tục quan tâm đến giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát huy tiềm năng thế mạnh của Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với công tác giảm nghèo: huy động các nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, phù hợp thực tiễn và nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường lao động; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy