Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
03:02 (GMT +7)

Phát huy giá trị lịch sử tại quê hương vị vua xưng đế đầu tiên của dân tộc

VNTN - Tôn vinh danh nhân, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ. Những năm qua, thị xã Phổ Yên đã chú trọng, quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ trên đặc biệt là đối với Vua Lý Nam Đế, vừa là thực hiện trách nhiệm đồng thời khẳng định niềm tự hào lớn lao của chính quyền, nhân dân đối với vị vua xưng đế đầu tiên của dân tộc.

Vị vua xưng đế đầu tiên của dân tộc

Lý Nam Đế còn được gọi là Lý Bí hay Lý Bôn sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17 tháng 10 năm 503). Lên 5 tuổi, cha Lý Bí mất, đến 7 tuổi thì mẹ cũng mất, Lý Bí phải sống nhờ nhà chú ruột. Trong Ấp có vị sư, pháp danh là Pháp Tổ Thiền Sư xin về nuôi ở chùa (nay là chùa Hương Ấp). Năm 13 tuổi, ông theo Thiền Sư về làng Giang Sá tu luyện (thuộc thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Lý Bí là người thông minh, trí tuệ, đức độ, khí lượng hơn người.

Năm 544, Lý Bí dấy binh khởi nghĩa chống lại nhà Lương, được nhiều người hưởng ứng, cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông tự xưng là Lý Nam Đế, lấy hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Dựng lên cả một Vương triều: Vương triều Tiền Lý.

Ngày 20 tháng 03 (13 tháng 4 Dương lịch) năm 548, Lý Nam Đế qua đời, ông ở ngôi được 5 năm (544 - 548), thọ 46 tuổi. Thi hài của ông được an táng ngay trong động Khuất Lão, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Vương triều Tiền Lý tồn tại trong khoảng 60 năm (544 - 602), với 4 đời Vua : Lý Nam Đế (544 - 548), Lý Đào Lang Vương (549 - 555), Triệu Việt Vương (549 - 570) và Hậu Lý Nam Đế (571 - 602).

Trong hơn một ngàn năm Bắc Thuộc, nước ta bị phong kiến Phương Bắc đô hộ, có hàng chục cuộc khởi nghĩa to, nhỏ, trong đó cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thu được thắng lợi vang dội nhất, giành được độc lập tự chủ lâu dài nhất. Trong lịch sử nước nhà, Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng Đế, và cũng là người đầu tiên đặt Niên hiệu “Thiên Đức”.

Sau gần 1500 năm, ngày 6/10/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên), phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với chủ đề “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế”. Kết quả cuộc Hội thảo Khoa học với 32 bản tham luận của các nhà nghiên cứu đã khẳng định: Quê hương của Vua Lý Nam Đế là ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên ngày nay.

Ngày 12/ 12/ 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 4101/QĐ-BVHTT&DL, xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đối với chùa Hương Ấp và đền Mục, đều thuộc xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên.

Các đồng chí lãnh đạo thị xã Phổ Yên dâng hương tại đền thờ Lý Nam Đế    Ảnh: Đình Quỳnh

Việc xác định được quê hương của Vua Lý Nam Đế thuộc thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên không chỉ đã giải đáp được câu hỏi tồn nghi 15 thế kỉ: “Quê hương của Vua Lý Nam Đế ở đâu?” và nhiều giả thiết đặt ra trước đó, mà còn đem lại cho địa phương nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung niềm tự hào là quê hương của vị Vua xưng Đế đầu tiên của dân tộc, góp phần tạo nên sức sống mới về tinh thần trong mọi tầng lớp nhân dân.

Thiết thực phát huy giá trị lịch sử

Ngay sau Hội thảo Khoa học “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế” thành công, thị xã Phổ Yên đã có nhiều việc làm kịp thời, thiết thực, nhằm tôn vinh danh nhân Lý Nam Đế và phát huy giá trị những di tích lịch sử gắn với tên tuổi của Ông. Thị xã đã báo cáo đề nghị xét công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đối với chùa Hương Ấp và đền Mục. Khi có quyết định, đã tổ chức với nghi lễ trang trọng đón Bằng di tích. Năm 2017, Ban Tuyên giáo Thị ủy Phổ Yên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật thị xã Phổ Yên và Đảng ủy xã Tiên Phong, xuất bản cuốn sách “Tiên Phong - Vùng đất địa linh”. Trong nội dung có phần giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Vua Lý Nam Đế và một số di tích tiêu biểu gắn với tên tuổi của Ông. Cuốn sách đã được phát hành rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân toàn thị xã. Xã Tiên Phong, quê hương của Lý Nam Đế đã thành lập “Ban Quản lý các di tích lịch sử văn hóa”, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Những ngày sinh, ngày lên ngôi và ngày mất của Vua Lý Nam Đế hàng năm đã được tổ chức Lễ dâng hương trang trọng.

Nhiều công trình mang tên Lý Nam Đế trên đất Phổ Yên đã được ra đời: Ngày 18/6/ 2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Lý Nam Đế. Con đường khởi đầu từ Km 43, quốc lộ 3 cũ đến chân cầu vượt Đồng Tiến (phường Đồng Tiến) đây là con đường đi vào xã Tiên Phong, quê hương của Lý Nam Đế, con đường dài 1650m, bề rộng từ 19,5 - 40,5m, hành lang mỗi bên rộng 4 - 6m, hai bên có đèn cao áp và cây xanh, hệ thống cấp thoát nước đầy đủ. Đây là con đường đẹp của thị xã Phổ Yên, hàng ngày có hàng ngàn lượt người qua lại.

Ngày 31/10/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 3357/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt dự án xây dựng Trường THPT Lý Nam Đế thị xã Phổ Yên”, do UBND thị xã Phổ Yên làm chủ đầu tư. Công trình có nhiều hạng mục đáp ứng cho dạy và học trong đó có khối nhà lớp học 4 tầng với 24 phòng học, tổng diện tích sàn 3900 m2, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Đặc biệt ngôi trường này liền kề với đồi Cao Vương (Khao Vương). Tương truyền khi Lý Nam Đế thắng giặc Lương trở về, ông đã tổ chức lễ khao quân tại đây. Dưới chân núi Cao Vương là cánh đồng Tráng (tương truyền nơi Lý Nam Đế luyện tập binh lính). Trường Lý Nam Đế được thành lập ngày 22/12/2016 và đi vào hoạt động năm 2017. Lúc đầu có 8 lớp 10, đến năm học 2019 - 2020 trường đã có 24 lớp học với gần 1000 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Nhà trường đã đặc biệt quan tâm giáo dục truyền thống, học sinh khi vào học lớp 10 được giáo dục về thân thế và sự nghiệp của Vua Lý Nam Đế. Để nâng cao niềm tự hào và xác định trách nhiệm của học sinh với ngôi trường được mang tên Ông, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan và tham gia vệ sinh, trồng cây, chăm sóc các di tích gắn với tên tuổi Lý Nam Đế…Tin tưởng rằng Trường THPT Lý Nam Đế sẽ ngày càng thu hút được nhiều học sinh con em các dân tộc vào học tập, trở thành một trung tâm giáo dục trọng điểm của thị xã Phổ Yên.

Sau nhiều lần khảo sát tính toán, ngày 9/5/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1228/QĐ-UBND về việc Phê chuẩn “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên”. Với mục tiêu: Bảo tồn, tôn tạo hướng tới đưa khu di tích Lý Nam Đế trở thành điểm du lịch tâm linh trọng điểm kết nối với các điểm du lịch quan trọng của tỉnh và các tỉnh, thành phía Bắc, đồng thời phát huy được tối đa giá trị di tích lịch sử, nâng quy mô của khu di tích mang tầm cỡ quốc gia. Toàn bộ khu di tích được quy hoạch gần 55 ha gồm nhiều công trình hạng mục. Ngoài các công trình: Đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng được tu bổ tôn tạo một cách cơ bản, dự án còn có nhiều hạng mục chức năng khác như: Tượng đài Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan… Dự án được chia làm 3 giai đoạn: 2019 - 2020, 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Mỗi giai đoạn sẽ thực hiện từng nhóm dự án và sẽ được hoàn thành vào năm 2030. Ngày 24/10/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình “Tu bổ, tôn tạo đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên”, chủ đầu tư là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Với nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ có mục đích: 48.600 triệu đồng và xã hội hóa 11.400 triệu đồng. Đồng thời, song song với việc thực hiện các dự án, các cơ quan chức năng phối hợp với các nhà chuyên môn nghiên cứu, phục dựng để sớm đưa lễ hội hàng năm trở lại quần thể di tích lịch sử Lý Nam Đế.

Thời gian 7 năm kể từ sau khi Hội thảo Khoa học xác định quê hương của Vua Lý Nam Đế, bấy nhiêu công việc được tiến hành là sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo và chính quyền các cấp cùng toàn thể nhân dân. Nhất định với sự quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo, chính quyền, nhân dân, những dự án gắn với tên tuổi Lý Nam Đế trên đất Phổ Yên sẽ được hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho thị xã Phổ Yên và tiến tới là thành phố trực thuộc tỉnh trong thời gian không xa.

Phan Thức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy