Phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên góp phần thực hiện công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng
Nguyễn Thúy Quỳnh
(Tham luận tại Hội thảo khoa học Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện, Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức ngày 18/5/2023)
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam là dịp để đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước một lần nữa thấy được sức mạnh vĩ đại của văn hóa trong việc “soi đường cho quốc dân đi”, tạo nên những thành quả to lớn, vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, góp phần thực hiện công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng là nhiệm vụ lớn lao của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong một tiến trình lịch sử rất dài. Trong điều kiện còn hạn chế về khả năng khảo cứu, thu thập dữ liệu làm cơ sở nghiên cứu khoa học một cách thấu đáo, chúng tôi xin được nhìn lại tiến trình ấy từ điểm nhìn hiện tại của thế hệ mình, từ những thành quả của đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên qua các thời kỳ để nhận diện rõ hơn những vấn đề đặt ra trong đời sống hôm nay.
1.
Từ khi ra đời, những nội dung tư tưởng của Ðề cương về văn hóa Việt Nam đã được lớp văn nghệ sĩ đầu tiên tiếp nhận như một lý tưởng thẩm mỹ, hòa cùng với lý tưởng cách mạng trở thành kim chỉ nam hành động trong suốt quá trình sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Với vị trí quan trọng của mình trong lịch sử cách mạng, Thái Nguyên là nơi chứng kiến một phần sự cống hiến đặc biệt ấy.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,Thái Nguyên là nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam cùng nhiều cơ quan văn hóa văn nghệ như Trường Văn nghệ nhân dân, Toà soạn báo Vệ quốc quân, Trường Mỹ thuật kháng chiến, các Đoàn Kiến trúc sư, Đoàn Nhạc sĩ, Đoàn Sân khấu với Đoàn kịch Chiến thắng nổi tiếng.... “Địa chỉ đỏ” xóm Chòi, xã Mỹ Yên huyện Đại Từ gắn liền với tên tuổi các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ như Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Nguyên Hồng, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tô Hoài, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm… Cùng với xóm Chòi, đồi Cọ xóm Bản Bắc (xã Điềm Mặc huyện Định Hóa) cũng đi vào lịch sử với vị trí đặc biệt: nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.
Từ ATK Thái Nguyên, những tác phẩm Cảnh khuya (Hồ Chí Minh), Đàn chim Việt (Văn Cao), Sáng tháng Năm, Việt Bắc (Tố Hữu), Nhật ký ở rừng, Đôi mắt (Nam Cao), Quê hương Việt Bắc, Xung kích (Nguyễn Đình Thi),… cùng hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật khác đã đến với đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Với tinh thần “mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”, các văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước đã kiến thiết một nền văn nghệ cách mạng rực rỡ, kiến tạo những giá trị tinh thần quan trọng của một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những giá trị quan trọng ấy góp phần đưa đất nước, đưa dân tộc đến thắng lợi trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Thừa hưởng thành quả của công cuộc “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, phong trào văn nghệ quần chúng ở Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên nét chủ đạo của văn hóa kháng chiến. Trong cuốn lưu bút quý giá mà đồng chí Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Thị xã Thái Nguyên lập ra, ghi lại những dòng đầy cảm kích của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và các văn nghệ sĩ kháng chiến khi qua lại Thái Nguyên vào thời điểm “tiêu thổ kháng chiến”, nhạc sĩ Văn Chung đã mô tả đất và người thị xã Thái Nguyên năm 1947 như sau: “Thái Nguyên hoang tàn vắng ngắt, nhưng ngầm chứa một mãnh lực của những trai đất Thái đang luyện tập để giết giặc… Những tiếng hô và hát từ mờ sáng đến nửa đêm đã làm tôi rộn lên những ý nghĩ kính mến…”. Còn đạo diễn kịch Trần Hoạt tháng 4/1948 đến thị xã Thái Nguyên đã vô cùng hào hứng với bầu không khí sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi: “…Cái thú nhất là lúc nào cũng được thanh niên hỏi han về kịch, xin kịch, chép kịch, tất cả mọi chuyện đều kịch cả…”.
Trong những năm tháng ấy, ở một đơn vị bộ đội đóng tại Đại Từ, một người thanh niên Công giáo đi theo kháng chiến đã viết giai điệu và lời ca thiết tha, biết bao tự hào về Đảng mà anh tin theo: “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên, đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới. Ngàn triệu dân siết tay nhau đứng quanh Đảng Lao động Việt Nam, khối kết đoàn công nông bền vững”. Bài hát ngay lập tức có sức lan tỏa vô cùng rộng rãi. Tổng cục Chính trị chỉ thị phổ biến cho tất cả các đơn vị trong toàn quân nhằm cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Bài hát “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam”, sau này là “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” đã trở thành một trong những bài hát truyền thống của Đảng. Người sáng tác bài hát, nhạc sĩ Đỗ Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cũng là một trong những văn nghệ sĩ hàng đầu của khu vực Việt Bắc, thành viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Bắc Thái.
2.
Từ khi hòa bình lập lại, đặc biệt là sau ngày đất nước thống nhất, với vị trí là trung tâm kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật của khu vực Việt Bắc, Thái Nguyên là nơi tập trung của nhiều cơ sở kinh tế trọng điểm của ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, cơ khí, cùng với các cơ quan, đơn vị lớn trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật (7 đoàn văn công, 4 tòa soạn báo in, 1 đài phát thanh khu vực, 1 nhà xuất bản, 1 trường văn hóa nghệ thuật, hàng chục đội chiếu bóng lưu động…). Cùng với đó là một hệ thống thiết chế văn hóa đồ sộ và rộng khắp: các rạp chiếu bóng trong nhà và ngoài trời, rạp hát, bảo tàng, hiệu sách nhân dân; thư viện, tủ sách, đài truyền thanh được mở đến tận các xí nghiệp và hợp tác xã để phục vụ khán thính giả.
Tương ứng với một cơ sở hạ tầng xã hội như vậy, Thái Nguyên là nơi sống và làm việc của một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo với rất nhiều tên tuổi lớn: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Cầm Giang, Xuân Cang, Vi Hồng, Trịnh Quý, Đàm Thanh, Đỗ Minh, Vi Kiến Minh, Hứa Tử Hoài, Bạch Trà, Quang Tốn, Thọ An, Ngô Mạn, Tư Châu, Lê Khình, Vương Thào, Vương Khánh Trường… cùng nhiều người khác.
Các thế hệ văn nghệ sĩ đã nối tiếp nhau kiến tạo một nền văn học nghệ thuật mới, thực sự phát triển cả về đội ngũ, lẫn chất lượng và số lượng tác phẩm, đa dạng về phong cách và mang những giá trị đặc sắc của Việt Bắc, của Thái Nguyên. Những tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ Thái Nguyên hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống của người dân, từ công xưởng đến đồng ruộng, từ thành phố đến miền núi. Những lời ca “đi cùng năm tháng” như Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Muôn vàn tình thương yêu (Phạm Tuyên, phần lời Tày của Nông Quốc Chấn), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý), Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh) Thái Nguyên thành phố hôm nay (Vương Khánh Trường), những tiết mục múa Tày, múa Dao, Lô Lô của biên đạo Lê Khình, Vương Thào, những bức ảnh thời sự nghệ thuật của Chu Thi, Trần Thắng, An Sơn, những vở diễn Rừng Khuôn Mánh, Nùng Văn Vân, Thủ lĩnh áo chàm, Đôi dòng sữa mẹ, Nhân danh công lý, Đại đội trưởng của tôi… của Đoàn kịch nói Quân khu I, Đoàn Cải lương Bắc Thái, Đoàn kịch nói Bắc Thái… đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Thái Nguyên.
Có thể nói, ở vào thời kỳ khó khăn nhất về vật chất do chiến tranh và hậu quả chiến tranh, đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Nguyên lại thực sự giàu có và vô cùng phong phú. Đội ngũ văn nghệ sĩ là một nguồn lực quan trọng làm nên sự phong phú ấy. Với sự kết tinh của nghệ thuật và tư tưởng, những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao ở thời kỳ này đã có tác dụng truyền cảm hứng rất lớn, cổ vũ khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng, lao động sáng tạo, ý chí chiến đấu dũng cảm kiên cường, tinh thần nhân văn sâu sắc, góp phần làm nên những thành quả to lớn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết tỉnh Thái Nguyên.
3.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mở ra một thời kỳ phát triển mới. Với một tầm nhìn chiến lược và đầy trách nhiệm, tiếp tục coi văn nghệ là một mặt trận của công tác tư tưởng - văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ là bộ phận tinh hoa cần được đầu tư dài hạn, Tỉnh ủy, UBND Bắc Thái đã quyết định thành lập Hội VHNT tỉnh. Sự ra đời của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (năm 1987) là một sự kiện quan trọng của đời sống văn học nghệ thuật Bắc Thái lúc bấy giờ, với đội ngũ hội viên là các văn nghệ sĩ được rèn luyện, sáng tạo và trưởng thành trong phong trào công nhân và đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc, kế thừa sự nghiệp rực rỡ của Hội Văn nghệ Khu tự trị Việt Bắc.
Trong những năm tiếp theo đó, đặc biệt là từ khi Bộ Chính trị khóa X ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều quan tâm, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo.
36 năm qua, đồng hành với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước và quê hương Thái Nguyên, hòa nhịp với tiến trình vận động của nền văn học nghệ thuật nước nhà, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã từng bước được xây dựng và trưởng thành về mọi mặt. Đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội gồm 4 thế hệ (Thế hệ tham gia chống Mỹ cứu nước và xây dựng nền văn nghệ Việt Bắc; Thế hệ trưởng thành sau chiến tranh; Thế hệ trưởng thành trong công cuộc Đổi mới; Thế hệ trẻ đương đại) là lực lượng xung kích đưa đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với nhân dân. Các tác giả đã tập trung khai thác các đề tài lịch sử cách mạng và kháng chiến, sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước và địa phương, truyền thống văn hóa các dân tộc; khẳng định những nhân tố tích cực, đấu tranh phê phán tiêu cực và các biểu hiện sai trái lệch lạc, hướng công chúng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Đội ngũ hội viên của Hội đã sáng tác và công bố hơn 500 đầu sách văn học nghệ thuật, gần 60 triển lãm nghệ thuật (gồm các chuyên ngành nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc) với hàng nghìn tác phẩm, nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn (múa, âm nhạc, sân khấu). Nhiều văn nghệ sĩ đã đem về cho Thái Nguyên những giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, trong đó đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Cùng với đó, rất nhiều hoạt động VHNT từ Thái Nguyên đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng văn học nghệ thuật nước nhà (như Lễ hội thơ Nguyên tiêu hàng năm, Gặp mặt văn nghệ sĩ trẻ Việt Bắc, Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi, Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915 anh hùng, các cuộc thi thơ online...).
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong 10 năm qua, hơn 100 lượt văn nghệ sĩ đã đoạt giải ở trung ương và tỉnh.
Báo (nay là tạp chí) Văn nghệ Thái Nguyên thực sự trở thành một kênh thông tin uy tín và hiệu quả trong việc quảng bá đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, thông qua việc đăng tải nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh sinh động đời sống xã hội, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Có thể khẳng định rằng, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã trở thành một lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ tỉnh.
4.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng cần thẳng thắn thấy rằng: giữa những gì Đảng, Nhà nước, xã hội cần và thành quả đóng góp của văn nghệ sĩ Thái Nguyên vẫn còn có khoảng cách cần phải suy nghĩ. Đội ngũ đông đảo, nhưng chưa đảm trách tốt vai trò, sứ mệnh trong việc dẫn dắt, định hướng thẩm mỹ của cộng đồng. Những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chưa nhiều. Còn thiếu vắng các tác phẩm bám chắc vào thực tế đời sống xã hội ở những địa bàn, lĩnh vực mũi nhọn, vùng đồng bào dân tộc, giới trẻ; thiếu vắng những tác phẩm đạt tới những chiều kích trí tuệ, nhân văn cao lớn, vượt ra ngoài đường biên địa phương hạn hẹp. Ngược lại, vẫn còn một bộ phận văn nghệ sĩ có xu hướng bình dân hóa, nghiệp dư hóa, thực dụng, chạy theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng, dẫn đến hạ thấp tiêu chí, chuẩn mực thẩm mỹ, ngưỡng văn hóa cộng đồng.
Ở góc độ tổ chức, Hội VHNT cũng còn hạn chế khi chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong việc chủ động tham mưu thực hiện chủ trương chính sách của trung ương ở địa phương, tham góp ý kiến với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về những chế độ chính sách phù hợp trong đầu tư cho hoạt động sáng tạo, quảng bá các tác phẩm, các công trình văn học nghệ thuật chất lượng cao phục vụ nhân dân.
Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam là dịp đội ngũ văn nghệ sĩ đánh giá lại những gì đã làm được và chưa làm được, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để động viên nhau tiếp tục thực hiện sứ mệnh của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, sáng tạo và cống hiến cho Tổ quốc cho Nhân dân trong một lĩnh vực “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người” như Nghị quyết 23-NQ/TW đã khẳng định.
Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã xác định 5 nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới, bao gồm: (1) Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo phải gắn với phát triển con người, gắn với thị trường văn hóa, nhu cầu lành mạnh và chính đáng của công chúng và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên. (2) Tăng cường khai thác các nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật. (3) Xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín trong cộng đồng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ sáng tác trẻ. (4) Tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động VHNT. (5) Tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, chống những quan điểm lệch lạc trong văn học nghệ thuật.
Chúng tôi cũng mong muốn rằng trong thời gian tới, các giá trị to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khoá X về "xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" tiếp tục được cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ trong những chủ trương chính sách của tỉnh, tạo cơ chế, chính sách để văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng bộ.
Chúng tôi mong tỉnh có sự đầu tư thỏa đáng cho các tác phẩm, công trình sáng tạo có giá trị về đề tài lịch sử cách mạng và kháng chiến, công cuộc đổi mới, phục vụ thiếu nhi, đồng bào dân tộc. Trên địa bàn có thêm nhiều thiết chế, công trình công cộng như công viên cây xanh, khu liên hợp văn hóa thể thao, nhà trưng bày triển lãm, nơi nhân dân có thể được hưởng thụ văn hóa, nơi các văn nghệ sĩ được quảng bá tác phẩm sáng tạo của mình.
Và sau cùng, để luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” của Đảng mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị, thực sự đi vào cuộc sống ở mọi lĩnh vực khác nhau trong tổng thể xã hội, chúng tôi cũng chân thành mong đợi và hy vọng mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi cán bộ tham mưu của Đảng bộ tỉnh đều là một người am hiểu sâu sắc về văn hóa. Để mỗi chủ trương, quyết định, mỗi chính sách được thực thi vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, vừa thấm đẫm các giá trị văn hóa, nhân văn, mỗi hoạt động thực tiễn trong phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị đều là quá trình thực hành văn hóa. Được như vậy, văn hóa sẽ thực sự trở thành cốt lõi trong sự phát triển bền vững của Thái Nguyên; khát vọng phát triển tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện trở thành hiện thực trong một tương lai gần.
N.T.Q
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...