Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:20 (GMT +7)

“Phấn son tô điểm sơn hà”

VNTN - Lịch sử mấy nghìn năm của đất nước và dân tộc Việt đã lưu giữ biết bao câu chuyện đặc biệt về những người phụ nữ.


Hai Bà Trưng đánh Tô Định (bên trái) và Bà Triệu cưỡi voi (bên phải) - Tranh Đông Hồ.

Tại đền thờ Huyền Trân Công chúa ở Huế vẫn còn lưu giữ dòng lưu bút xuất thần của Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Mỹ Hoa: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ quốc gia, có những vấn đề quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ”.

1. Những người anh hùng dân tộc đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt đều là phụ nữ. Hai Bà Trưng, bởi thù nhà, nợ nước đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân đô hộ, thiết lập triều đình riêng “Ải bắc quân thù kinh vó ngựa”. Tiếng vang và hình ảnh uy nghi lẫm liệt của những bậc anh thư ấy của nước Việt đã làm cho Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc phải thốt ra lời khi tiếp Cố vấn Hoa Kỳ Henry Kissenger: “Họ (Việt Nam - NV) là một dân tộc vĩ đại, anh hùng và đáng khâm phục. Hai nghìn năm trước, Trung Quốc đã xâm lược họ, và Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng". Gần hai nghìn năm sau tại Đà Nẵng, ngài Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại: “Việt Nam là một đất nước mạnh mẽ. Từ những năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã khơi dậy tinh thần dân tộc của những người dân đất nước này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn”.

Người anh hùng dân tộc tiếp theo cũng là một phụ nữ: Triệu Thị Trinh. Ngán thay cho các đấng nam nhi của dân tộc được gọi là “Hoa Hạ”, đánh không thắng nổi một người đàn bà và đã dùng đến mưu mô xảo quyệt: ra lệnh cho quân lính cởi bỏ quần áo. Dẫu có là anh hùng lẫm liệt thì Bà Triệu vẫn chưa thoát khỏi cái e thẹn của nữ nhi thường tình. Phải chi bà như mấy cô hôm nay, thấy quân giặc cởi bỏ y phục rút kiếm xông lên hô lớn: Đứa nào dám tiến lên bà “cắt” thì đã chả có ngôi mộ gió ở núi Tùng, Triệu Sơn, Thanh Hóa mấy nghìn năm nay. Truyền thống yêu nước “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh ấy” đã truyền lại cho các thế hệ con cháu để rồi suốt các cuộc trường chinh của lịch sử dân tộc, sát cánh cùng các đấng nam nhi là các bậc anh thư trác tuyệt.

2. Lão Tử đã từng nói với các học trò rằng: Cái gì cứng dễ gãy, cái gì mềm sẽ bền lâu. Có phải vì vậy mà trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử, nhiều người phụ nữ đã được lịch sử chọn giao trách nhiệm thiêng liêng đứng ra gánh vác sơn hà. Đó là một Dương Vân Nga trước bối cảnh nhà Tống lăm le xâm lược và vua con nhỏ tuổi đã tự tay khoác áo hoàng bào cho Lê Hoàn và mời ngài lên ngôi vua để thống lĩnh ba quân tướng sỹ đương đầu với quân thù. Đừng đem hệ quy chiếu của hôm nay hoặc hệ quy chiếu của Nho giáo để “bình loạn” về hành động vì nước này của Thái hậu Dương Vân Nga bởi vì khi ấy, Nho giáo đâu đã thịnh hành ở Việt Nam để mà bắt buộc “Tam cương, ngũ thường”.

Mấy trăm năm sau Thái hậu Dương Vân Nga, khi khí số nhà Lý đã suy đến cùng cực, giặc giã nổi lên khắp nơi, nhân dân lầm than, khốn khổ thì lại xuất hiện một Trần Thị Dung. Lịch sử không có chữ nếu song nếu năm ấy Linh Từ Quốc mẫu không đứng ra gánh vác trọng trách này liệu đất nước sẽ ra sao trong cuộc xâm lăng sau đó của giặc Mông - Nguyên. Một bà thái hậu là vợ của vua Lý phải chấp nhận lấy em họ mình, lấy kẻ đã giết chồng mình, một bà mẹ của đương kim thánh thượng đã tìm cách để con gái mình: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh cũng là cháu ruột gọi mình là cô.

Việc nhường ngôi êm đẹp ấy đã ra đời một triều đại hiển hách có lịch số hơn 200 năm với hào khí Đông A đã đánh cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Cũng chính Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung là người đã thống quản toàn bộ triều đình xuôi về Nam Định thực hiện kế sách “Vườn không nhà trống” để các đấng nam nhi yên tâm giết giặc. Sau Trần Thị Dung không lâu, một người cháu của bà là An Tư Công chúa đã tình nguyện sang trại giặc làm vợ Thoát Hoan để giúp thư nạn cho nước. Thoát Hoan thua phải chui vào ống đồng chạy về Trung Quốc và bà cũng đã đi theo chồng. An Tư Công chúa, bây giờ hồn người ở nơi đâu? Còn biết bao những người phụ nữ mà chỉ cần nhắc tới tên họ cũng đủ làm cho các đấng nam nhi phải nghiêng mình.

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu lịch sử

Những năm cả dân tộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong thế kỷ XX đã xuất hiện những người phụ nữ mà chỉ cần nhắc tới tên họ cũng đủ làm cho người nghe phải nghiêng mình kính phục. Đó là những Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình v.v..

3. Hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân chính trị đã có từ cổ xưa. Thế nhưng với nước Việt, các cuộc hôn nhân chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chính các cuộc hôn nhân này đã giúp mở mang lãnh thổ. Có lẽ cuộc hôn nhân chính trị nổi tiếng giúp nước Việt mở rộng cương thổ tới phía Bắc Đà Nẵng hiện nay là cuộc hôn nhân của Huyền Trân Công chúa và vua Chế Mân của Champa. Có phải thân gái dặm trường ra đi tới nơi ngàn dặm xa xôi ấy nên mới có điệu Nam Bình hôm nay: “Nước non ngàn dặm ra đi.../ Mối tình chi!/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Lý/ Xót thay vì, Đương độ xuân thì/ Số lao đao hay là nợ duyên gì?...”.

Tháp mộ Công nữ Ngọc Vạn (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Vũ Trung Kiên

Mấy trăm năm sau Huyền Trân công chúa, năm 1620, Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn đã về làm dâu Chân Lạp và đặt nền móng cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Mười một năm sau cuộc hôn nhân chính trị ấy, vào năm 1631, Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cũng về làm vợ vua Po Romê. Nhờ cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Có phải vì hôn nhân chính trị nên sự hy sinh của các bà ít được nhắc tới hay không? Chỉ biết rằng sử sách nhà Nguyễn sau này ít nhắc tới công lao của hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa. Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên về mục Ngọc Vạn và Ngọc Khoa đều ghi là: không có truyện. Sách Phổ hệ nhà Nguyễn trước Gia Long (1920) cũng chỉ vài dòng ngắn ngủi: Ngọc Khoa con gái thứ của Sãi vương, không để lại dấu tích. Ngọc Vạn con gái thứ của Sãi vương, không có dấu tích gì về Ngọc Vạn…

Đền thờ Huyền Trân Công chúa (Huế). Ảnh: internet.

Năm 1929, nhà cách mạng Phan Văn Hùm bị thực dân Pháp giam ở Khám Lớn Sài Gòn, tại nơi giam giữ ông đã gặp những người tù yêu nước là phụ nữ. Sau khi ra tù, Phan Văn Hùm viết sách “Ngồi tù Khám Lớn” và kết luận mừng chung cho cả giống nòi bởi đã đến nước có phụ nữ ngồi tù vì yêu nước “thời hẳn vận nước hết hồi bĩ cực”.

Sử gia Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám đã chép lại lời Đường Thái Tông: “Soi vào gương bằng đồng, ta có thể biết quần áo của mình có ngay ngắn không. Dùng lịch sử làm gương soi, có thể biết nguyên nhân hưng vong của một triều đại. Lấy người làm gương soi, có thể biết việc mình làm là đúng hay sai…”. Những tấm gương anh hùng tiết liệt, những sự hy sinh thầm lặng và cao thượng của các bậc anh thư nước Việt trong lịch sử ở trên đã và sẽ mãi là gương soi cho muôn đời vậy!.

Vũ Trung Kiên

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy