Thứ tư, ngày 16 tháng 04 năm 2025
02:36 (GMT +7)

Ông già… thời tiền sử

VNTN - Ông già Tiền sử - cái tên gợi cho nhiều người liên tưởng đến hình ảnh những dị nhân cổ quái trong phim chưởng bộ Trung Quốc. Còn trong trí tưởng tượng của tôi, ông mang khuôn mặt gồ ghề của đá, giọng nói của sấm, khi đi chân thình thịch nện từng bước xuống mặt đường. Nhưng không phải, ông lành như cây rừng, giọng nói thủ thỉ giống hơi thở của đại ngàn, và từng bước chân nhẹ thoăn thoắt như con dê leo núi. Đó là ông Đồng Văn Lan, thành viên Ban Quản lý di tích xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.

 

Duyên nợ - Nhiều người nói như thế về ông. Bởi suốt mấy mươi năm cuộc đời và chắc chắn đến hết đời, trong ông chỉ có mấy từ được nhắc lại mỗi ngày: “thời kỳ tiền sử” và những hiện vật có niên đại hàng vạn năm được tìm thấy trong lòng đất. Dù không phải là nhà sử học, cũng không phải nhà khảo cổ học, song ông thuộc nằm lòng về niên đại từng hiện vật, những lớp trầm tích và giá trị lịch sử của chúng. Ông biết được điều đó do tự tìm hiểu, nghiên cứu qua các tài liệu sách vở liên quan. Ông thủ thỉ: Ban đầu đọc thấy khô khan, khó nhớ, nhưng càng đọc càng mê. Tôi đã nhiều lần về Bảo tàng tỉnh; hoặc đến Phòng Quản lý Di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mượn sách và các tài liệu liên quan đến công tác khảo cổ học để nghiên cứu, đúc kết và tạo cho mình chút vốn liếng về khảo cổ học thời tiền sử.

Do chịu học, chịu đọc, nên ông khác người ở chỗ là biết được phía sau từng núi đất, núi đá cao dựng vách, nham nhở phong nhũ với vô số chòm mỏm đè chồng, quấn quýt ẩn chứa cả một nền văn hóa Bắc Sơn cổ đại trong tỉnh Thái Nguyên. Ông xòe bàn tay ra trước mặt tôi, giải thích: Các dòng chảy lẻ nhỏ từ Nghinh Tường, Vũ Chấn, Sảng Mộc, Cúc Đường, Thượng Nung giống như 5 ngón tay trên 1 bàn tay hội lại thành sông Thần Sa. Cũng bởi thế mà sông Thần Sa không bao giờ vơi cạn, luôn xanh trong và trở thành nơi cung cấp nguồn nước, thức ăn cho người tiền sử. Các đoàn khảo cổ học trong nước, quốc tế khi về đây nghiên cứu, đều có chung kết luận: Khu vực xã Thần Sa có núi cao, rừng rậm, sông sâu. Trong núi lại có nhiều hang động. Các cửa hang động đều hướng ra sông hoặc bãi bằng nên được người tiền sử lựa chọn làm nơi ở.

15 năm tham gia Ban Quản lý Di tích, ông có điều kiện tham gia cùng các đoàn trong, ngoài nước về Thần Sa để nghiên cứu khảo cổ. Ông cho biết: Đợt khai quật Mái đá Ngườm gần đây nhất được thực hiện vào năm 2017, với sự vào cuộc của các chuyên gia Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Wollongong (Australia). Tại đây, các chuyên gia đã thu được số lượng hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá. Qua phân tích từ mẫu tro và nhuyễn thể thu được, các chuyên gia khẳng định: Người tiền sử đã sinh sống ở đây từ khoảng 41.000 năm tới 23.000 năm trước Công Nguyên - thời hậu kỳ đá cũ.

Từ chân Mái đá Ngườm nhìn xuống sông Thần Sa, tôi nói động viên: 74 tuổi mà ông chưa nói lẫn câu nào. Ông cười hiền hậu, bảo: Mình là hướng dẫn viên du lịch, nhất là du lịch liên quan đến khảo cổ học, nói câu nào, các bạn trẻ và du khách chép lại câu đó. Nhiều người cẩn thận ghi âm lại từng lời mình nói. Lỡ miệng “phát thanh” sai về niên đại, về lịch sử và về giá trị văn hóa di tích thì tự thấy mình có tội lớn… Giây lát dừng lời, ông ngước mắt nhìn lên vách núi Ngườm, chỉ cho chúng tôi xem từng nhũ đá buông mành, rồi chỉ về từng chiếc hố lớn do các nhà khảo cổ học đào tìm dấu xưa trong trầm tích. Ở đó là cả một khối “tài sản” văn hóa vô giá của người tiền sử từng bị khỏa lấp vì sự nghiệt ngã thời gian. Nhưng lại trở thành “lực hấp dẫn” đối với các nhà khảo cổ học trong nước, quốc tế. Ông trở lại câu chuyện với chúng tôi: Từ mé sông Thần Sa lên đến Mái đá Ngườm được xây dựng bằng 72 bậc đá. Không phải là 72 phép thần thông của Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không, mà do năm 1972, các nhà khảo cổ học là Hoàng Xuân Chinh và Trần Ngọc (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã có báo cáo sơ bộ về kết quả khảo sát, khai quật với Viện. Đây là một trong những tài liệu quan trọng đầu tiên khẳng định Thần Sa là vùng đất cư ngụ của người tiền sử, cần được đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học. Do vậy các nhà văn hóa trung ương, địa phương tạo dựng thành 72 bậc đá từ mé sông Thần Sa lên Mái đá Ngườm để ghi nhớ dấu mốc thời gian quan trọng cho Di chỉ.

Ông dẫn chuyện mạch lạc như một hướng dẫn viên được đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều người về đây có nhận xét về ông như thế. Và cánh mũi ông phổng phao, tinh thần sảng khoải, nói dốc ruột: Tôi sinh ra ở xóm Trung Sơn, nhà kề bên đường từ trung tâm xã vào khu Di chỉ, nên có may mắn là được tiếp cận nhiều với các đoàn khảo sát, nghiên cứu khảo cổ. Qua họ tôi biết được: Từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, các học giả người Pháp là H. Mansuy và M. Colani đã đến vùng núi hoang, sông thẳm này để khảo sát, khai quật tìm những cổ vật liên quan đến sự sống, sự sinh của người tiền sử. Đến năm 1925, Mansuy và Colani chính thức công bố công trình đóng góp vào việc nghiên cứu tiền sử Đông Dương, trong đó có đề cập đến 4 di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn được phát hiện và nghiên cứu trên đất Thái Nguyên. Đó là các di tích: Khắc Kiệm, Nghinh Tắc, Nà Ca và Ky thuộc huyện Võ Nhai. Kể từ bấy giờ, vùng đất Thái Nguyên đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ các vùng khảo cổ học của Việt Nam ở thời kỳ tiền sử. Nhưng tất cả chỉ như một dấu chấm của mực bút khắc nét vào bản đồ khảo cổ học. Rồi để đó như một sự lãng quên…

Năm 1971, tức là sau 46 năm các học giả người Pháp phát hiện ra kho báu cổ học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chinh cùng một số các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam mới có điều kiện đến khu vực Thần Sa, qua khảo sát đã phát hiện Di chỉ Miệng Hổ, sau này gọi là hang Phiêng Tung. Ông Lan nhớ lại: Năm đó, khi chúng tôi đưa đoàn khảo cổ vào nghiên cứu, đứng trước hang, thấy nhũ đá từ trên vòm hang cắm xuống, từ dưới nền hang dựng lên, cái nhũ nào cũng chắc, nhọn và nham nhở, trông giống như răng thú. Ông Hà Văn Tiệm, Chủ tịch UBND xã buột miệng, nói: Trông giống như cái miệng con hổ. Hang có tên Miệng Hổ từ bấy giờ. Cũng ở hang này, năm 1978, tôi đưa đoàn khảo cổ học và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, khảo sát một số hang động. Đến hang Miệng Hổ, đứng đó trò chuyện, đồng chí Vũ Ngọc Linh, Bí thư Tỉnh ủy hỏi: Đây là núi gì? Tôi nói: Núi Phiêng Tung. Đồng chí Linh bảo: Thế gọi luôn là hang Phiêng Tung. Nên từ bấy đến nay, hang này mang tên gọi Phiêng Tung hoặc Miệng Hổ. Cũng ở khu vực này còn có hang Học Trò. Do những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, để bảo đảm an toàn, thầy trò ở Trường cấp I, II Thần Sa phải sơ tán vào hang và tiếp tục tổ chức lớp học. Lâu ngày thành quen, và thành tên hang.

Ông thuộc rành rẽ về vùng đất, con người Thần Sa, nên ngoài cái tên “Ông già Tiền sử”, nhiều người dân còn gọi ông là nhà sử học về Thần Sa. Bởi một dạo ông được Ban Sử xã trưng tập, giao cho nhiệm vụ sưu tầm các cứ liệu phục vụ cho việc biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ xã Thần Sa. Việc được giao, ông luôn hoàn thành xuất sắc. Nhưng ấn tượng, gắn bó như máu thịt vẫn là việc liên quan đến các di tích khảo cổ học thuộc di chỉ Thần Sa. Ông khề khà kể: Từ tấm bé tôi đã cùng lũ trẻ trong vùng ngụp lặn dưới lòng sông Thần Sa tìm cá, nhặt cuội chơi trò con trẻ. Lắm lần rủ nhau lên các khu vực hang lấy củi, leo trèo cây tìm quả chín, chẳng biết mệt là gì. Rồi khi có đoàn cán bộ khảo cổ về địa phương khảo sát, nghiên cứu, biết tôi nhanh nhẹn, thuộc đường, thạo hang nên đến nhà nhờ đưa đi. Thấy lạ, nhưng vì tò mò, tôi nhanh nhảu nhận lời, đưa các ông, bà chuyên gia từ thủ đô Hà Nội vào thăm núi, xem hang.

Nói đúng hơn thì hồi bấy giờ ông đang làm cán bộ xã. Vốn được trời phú cho sức khỏe, mau lẹ, sống thực bụng và sở hữu khuôn mặt dễ mến. Qua tiếp xúc, giữa ông với các thành viên đoàn khảo sát, nghiên cứu khảo cổ học thân thiện từ khi nào chẳng hay. Trên các “hành trình” tìm về thời tiền sử ấy, ông nói cho họ nghe về tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình; còn họ giảng giải cho ông nghe về trầm tích, về thời đại của đá. Ông tự hào: Tất cả các đoàn nghiên cứu khảo cổ học về Thần Sa đều tìm đến tôi. Tất nhiên mọi hoạt động của họ đều có thông qua chính quyền sở tại. Nhưng với riêng tôi, họ thường gọi điện liên hệ trước. Vừa là chỗ... thân tình, đồng thời là thuận việc cho họ. Mỗi lần đưa đoàn đi thăm hang, hoặc đào tìm, ông đều để ý rất kỹ xem họ lấy thứ gì từ trong lòng đất núi của quê hương mình. Khi đoàn về xuôi, bà con đến nhà trà nước, lựa ý hỏi ông về việc họ đã lấy, mang đi thứ gì, có nhiều vàng không? Ông băn khoăn: Họ chẳng lấy cái gì ngoài mấy mảnh đá, vỏ ốc... Ông giảng giải cho bà con cùng biết: Đó là những hiện vật vô giá phục vụ cho ngành sử học và khảo cổ học, không riêng của Việt Nam, mà của cả thế giới. Có mặt ở đó, ông Đồng Minh Chế, Trưởng xóm Trung Sơn tự hào: Người dân chúng tôi quen đi núi, lội ruộng, đời đời kiếp kiếp ở đây mà không biết mình được sống trên vùng đất di sản. Chỉ khi ông Lan kể cho nghe về người tiền sử, về giá trị di chỉ Thần Sa, chúng tôi mới thấy vinh dự, tự hào. Ông Lan là người đại diện cho nhân dân trong vùng, giúp các nhà khoa học tìm ra những minh chứng xác đáng về con người thời tiền sử. Và để cơ quan chức năng Nhà nước minh chứng với các nền văn hóa trên thế giới rằng: Thần Sa của Việt Nam - cái nôi sinh sống của loài người từ hàng vạn năm trước đây. Ông Lan trăn trở: Những tưởng nơi ngàn xưa từng tồn tại một nền văn minh của loài người bị thời gian khỏa lấp. Và những tài liệu quý liên quan đến người tiền sử ở vùng đất Thần Sa được khai quật, gói ghém lại trong tủ hồ sơ. Nhưng bởi những tài liệu sơ khai từ các lần khảo sát, nghiên cứu trước đây lại cực kỳ có giá trị, nên nhiều người trong giới nghiên cứu về cổ học, sử học cổ đại đã không bỏ qua, mà lặng lẽ nghiên cứu, chuẩn bị cho những chuyến khảo sát kiếm tìm, trong đó có một số nhà khảo cổ học thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Ông nhớ lại: Năm 1981, các nhà nghiên cứu cổ học của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã trở lại, sau gần 1 tháng tôi đưa họ “mò mẫm” khắp các sườn núi trong vùng, kết quả đã phát hiện ra hơn 10 di tích khảo cổ học. Cuối đợt khảo sát đó, một chuyên gia khảo cổ nói ví von với tôi: Ở Thần Sa lưu giữ một “kho báu” đầy cổ vật có giá trị hơn tất cả các kim loại quý. Đó là những hiện vật, cổ vật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Ngay năm sau, các nhà khoa học giàu kinh nghiệm thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Viện Khảo cổ học; Viện Đông Nam Á; Khoa sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và Khoa Bảo tàng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã thực hiện đợt khai quật có quy mô lớn. Kết quả tìm được 659 công cụ đá, gồm hòn quậy, mảnh cuội, mảnh tước, công cụ mũi nhọn. Đặc biệt tại Mái Đá Ngườm, ở 3 hố khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3 bộ xương người táng theo tư thế bó gối. Ngoài ra còn có xương hàm đười ươi, xương hàm răng voi và hàng nghìn tiêu bản đá, công cụ lao động, vũ khí săn bắt bằng đá của người Việt cổ… Giây lát dừng lời như để thưởng cho mình một chút thư nhàn, ông à lên thành tiếng và nói như một nhà khảo cổ thời tiền sử thực thụ: Anh có biết không? Hố khai quật tại Di chỉ này thể hiện rõ về 4 tầng văn hóa khảo cổ, mang đặc trưng của nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi và Thần Sa.

 

Mái đá Ngườm, một địa chỉ được nhiều du khách trong nước, quốc tế quan tâm tìm đến.

Ông say sưa kể về các tầng trầm tích, về kỹ thuật chế tác đá, về niên đại công cụ lao động bằng đá và các nhuyễn thể tìm được ở di chỉ khảo cổ học Thần Sa. Ông khoe: Ngôi nhà sàn 6 gian của gia đình tôi là chỗ ở cho các đoàn khảo sát, nghiên cứu khảo cổ học và sử học. Đặc biệt ít năm trước, một số Viện và trường đại học liên quan đến khảo cổ, gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và hơn 100 sinh viên các nước bán đảo Đông Dương, gồm Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia về ở 18 ngày. Đó cũng là những ngày vui vẻ, hạnh phúc và tôi đã học thêm ở họ rất nhiều kiến thức về khảo cổ, về sử học. Nhờ đó mà mỗi lần đưa các đoàn du khách trong nước, quốc tế về tham quan di chỉ Thần Sa, tôi có thể kể cho họ nghe rành rẽ về giá trị di sản quê mình, về kỹ năng sinh tồn của người thời tiền sử. Cũng bởi thế mà nhiều người gọi tôi là ông già… thời tiền sử. Tôi thấy vui, bởi mình đang được đóng góp công sức cùng các nhà chuyên môn tìm kiếm và phát huy giá trị di sản nhân loại.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những ngọn núi ký ức

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Đào Thanh Tịnh và nghiệp y võ

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Tuổi trẻ và khát vọng cống hiến

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Ngàn thu sự nghiệp nổi từ đây!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Bài 4: Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 tháng trước