Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Ông “dở hơi” ở xóm tôi

VNTN - Tôi để ý, mấy năm nay, ông Tuân ở xóm thường hay đi khắp nơi tìm và đưa mấy con chó hoang về nhà nuôi. Rảnh rỗi ông ra các quán ăn, quán nhậu gần nhà để xin cơm thừa canh cặn về nuôi đàn chó. Đàn chó của ông ngày càng nhiều.

Thấy ông như vậy nhiều người lời ra tiếng vào, rì rầm toàn những lời độc địa:

- Đúng là dở hơi, nuôi người không xong còn đi nuôi chó…

- Cái ông này chắc có vấn đề rồi, nuôi gì không nuôi lại nuôi mấy con chó ghẻ. Mang mấy con chó ấy về vừa bẩn nhà, có ngày rước họa vào thân…

Mặc dư luận, hàng ngày ông Tuân vẫn bận bịu chăm sóc đàn chó. Nhiều lần tôi để ý thấy đàn chó được tắm rửa cẩn thận lắm. Mấy chú chó ông đem về lúc đầu con nào cũng bẩn thỉu, gầy còm. Có con còn bị ve, bọ, ghẻ lở bám đầy mình, đôi mắt trắng dã hoang dại như cả tháng trời không có một bữa ăn tử tế. Ấy thế mà qua mấy hôm, ông Tuân chăm sóc con nào con nấy mượt mà, khỏe mạnh. Ông Tuân đi làm về, cả đàn chạy ùa ra quẫy đuôi rối rít, kêu ư ử như thầm cảm ơn người ân nhân đã cưu mang.

Ảnh minh họa

Chuyện sẽ không có gì nếu nhà bà Vân trong xóm không bị mất chó. Đầu đuôi thế nào chẳng ai biết, vậy mà bà Vân cứ đi lu loa váng cả xóm làng là nhà ông Tuân trộm chó nhà mình. Chuyện đến tai ông tổ trưởng. Thế rồi ông ta đích thân đến tận nhà ông Tuân để làm “ra ngô ra khoai” mọi chuyện. Vừa vào ngõ ông cất giọng:

-Ông Tuân có nhà không?

Ông Tuân quần áo lấm lem, còn dính đầy lông chó, chạy ra hồ hởi:

-Bác tổ trưởng, có việc gì quan trọng vậy, sao hôm nay rồng lại đến nhà tôm thế này?

-Quan trọng gì, tôi nghe bà Vân nói nhà bà ta bị mất chó, trong xóm đồn rằng nhà ông ăn cắp đấy. Giờ ông giải thích sao đây?

-Ấy chết, sao bác lại nói thế. Nhà tôi từ trước đến nay làm ăn chân chính không bao giờ có chuyện đó được. Bác phải xem lại thế nào, chứ thế này thì oan quá! - Ông Tuân sửng sốt.

-Được, ông nói vậy thì để tôi gọi bà Vân sang xem.

“Sắp có biến mọi người ơi” - người trong xóm nghe chừng có chuyện liền hô nhau sang hóng. Họ lại xầm xì với nhau: “Nhà ông này từ trước nay toàn nuôi mấy con chó lạ, không rõ nguồn gốc. Suốt ngày chỉ đi lo mấy con chó chắc ông này phải có vấn đề gì.”

Vừa lúc đó, bà Vân rẽ đám đông đi vào. Bà bắt đầu sục sạo tìm, ngó lên ngó xuống vẫn không thấy chó nhà mình đâu. Bà bực lắm.

- Bố ơi, con tìm được con chó này. Con thấy nó nằm ở ngoài đồng đang thoi thóp, hình như yếu lắm rồi. Con mang về xem có cứu được không - con trai ông Tuân đi làm về rẽ đám đông, bế trên tay một con chó, giọng hớt hải.

Cả xóm chẳng ai bảo ai quây lấy chú chó. Bà Vân nhận ra đây là con chó của nhà bà. Mọi người còn chưa hiểu ra chuyện gì. Ông tổ trưởng hỏi ông Tuân:

-Ông Tuân, chuyện là thế nào đây?

-Thật ra tôi thấy những con chó lang thang, toàn bới đống rác mà ăn, đã thế còn bị người ta hắt hủi. Thương quá tôi đem về nuôi chứ không có ý gì đâu… Các ông các bà thấy không, ở nước ngoài họ coi con chó như người bạn trung thành, thường xuyên tắm rửa, còn chăm sóc y tế… Còn ở mình mấy ai để ý đến chuyện đó đâu. Lại còn thịt cả chó để ăn. Thời buổi này rồi đâu ai còn thiếu ăn. Giết thịt chó dã man lắm.

Nghĩ ngợi giây lát ông tổ trưởng lên tiếng:

-Tôi thấy ông Tuân nói đúng đấy, loài chó trung thành, tình nghĩa mà chúng ta đối xử tàn nhẫn quá.

Bà Vân im lặng từ nãy, giờ bỗng ngượng ngùng góp lời:

-Tôi có ý thế này. Từ hôm nay tôi muốn góp chút thực phẩm để bác Tuân nuôi đàn chó. Mà tiện đây tôi cũng xin lỗi bác nhé, tôi đổ oan cho bác rồi.

Ông Tuân vui vẻ:

- Không có gì đâu bà.

Cả xóm lại rỉ tai nhau. Rồi họ tự bảo nhau thỉnh thoảng sẽ quyên góp thực phẩm giúp ông Tuân nuôi đàn chó. Riêng tôi thì nghĩ nếu ai cũng sống nghĩa tình và làm được điều như ông Tuân thì xã hội sẽ văn minh, tốt đẹp biết chừng nào.

Nông Thập

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước