Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
11:59 (GMT +7)

“Ổn định” - bẫy nghề nghiệp hay đòn bẩy phát triển bản thân?

Một cách hiểu về “ổn định trong công việc”

Trong bản tin “Làn sóng Solopreneur - Cuộc cách mạng của thế hệ tự do” đăng tải gần đây, tác giả Linh Phan chia sẻ một thông tin đáng chú ý: “theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ, số lượng solopreneur tăng gấp đôi từ năm 2011 đến năm 2021, chiếm tới hơn 1/3 lực lượng lao động. Tại Việt Nam, không có hiệp hội nào thống kê con số này nhưng theo khảo sát của Linh Phan năm 2022 thì 30% đã làm việc tự do và khoảng 60% đã hoặc đang nghĩ tới việc chuyển đổi sang hình thức làm việc tự do”.

                                    1-1691570069.jpg
Ngày nay, khái niệm ổn định không còn đơn thuần là theo đuổi một công việc lâu dài một cơ quan để nhận mức lương theo quy định. Với nhiều người, sự ổn định thực sự là khi họ tìm được công việc phù hợp, có thể phát huy hết khả năng của mình và nhận về nguồn thu nhập tương xứng. Ảnh: Văn phòng làm việc của một nhóm bạn trẻ tại phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên.

Solopreneur chỉ các doanh nhân độc lập, những người tự tổ chức, quản lý, điều hành và phát triển công việc kinh doanh của mình. Sự gia tăng của lực lượng solopreneur chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên: “Tôi muốn tự chủ hơn, hạnh phúc hơn và phát triển bản thân mạnh mẽ hơn trong công việc của mình” giữa thế giới nghề nghiệp. Hiện trạng dịch chuyển nghề nghiệp hoặc môi trường làm việc của lực lượng lao động trong thị trường làm dấy lên những câu hỏi: Đâu là sự ổn định trong sự nghiệp? Khi nào ổn định là chiếc bẫy và khi nào nó trở thành đòn bẩy phát triển bản thân của mỗi người?

Ổn định trong công việc, đây là một chủ đề cũ kỹ nhưng cũng vô cùng thời thượng bởi người đi làm nào, ở thời kỳ nào cũng cần giải quyết vấn đề này. Không ít người định nghĩa khái niệm ổn định bằng các mô tả như ít/không thay đổi cơ quan làm việc, ít/không thay đổi vị trí nghề nghiệp, ít/không thay đổi ngách chuyên môn, mức lương, công việc hàng ngày hay trang phục làm việc, môi trường làm việc. Đây là những khía cạnh ở bên ngoài của khái niệm, những khía cạnh mà ai cũng có thể quan sát hoặc dễ dàng có được thông tin.

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm sâu sắc đến các yếu tố bên trong của khái niệm ổn định, đó là mục tiêu nghề nghiệp, hệ giá trị theo đuổi, lý tưởng cống hiến, năng lực chuyên môn và ngọn lửa học tập cũng như sức khỏe tinh thần. Quan niệm về ổn định sẽ cần các khía cạnh ở cả bên ngoài (để người khác có thể nhận diện) và bên trong (để chính người lao động nhận diện bản thân mình). Dù thế nào, ngày nay, ổn định trong công việc không còn đồng nghĩa với việc cả đời chỉ làm một công việc hay chỉ gắn bó với một cơ quan duy nhất nữa.

Để tư tưởng “ổn định” không trở thành chiếc bẫy nghề nghiệp

Theo đuổi một công việc trong nhiều năm, gắn bó lâu dài với một cơ quan, hưởng mức lương không quá cao nhưng đều đặn chuyển về tài khoản mỗi tháng, đó là những dấu hiệu ổn định bên ngoài rất quen thuộc. Thường thì để có một công việc như vậy, người lao động đã trải qua một quá trình đào tạo nghiêm túc (bất kể trong nhà trường, tự học hay vừa học vừa làm), đã đầu tư tiền bạc cho con đường nghề nghiệp, đã dành thời gian để trau dồi kiến thức, kỹ năng đáp ứng công việc. Một cuộc sống đều đặn với nhịp công việc đã thành thói quen sẽ tạo nên một vùng an toàn nhất định về tài chính và về vị trí xã hội. Ổn định như vậy chẳng có gì phải bàn nếu trong vùng an toàn ấy, người lao động cảm nhận được sự yên tâm từ sâu thẳm bên trong, cảm nhận được niềm vui giản dị với công việc và quan sát thấy sự phát triển mỗi ngày trong năng lực làm việc của chính mình. Họ thấy khả năng của mình được phát huy và công việc đáp ứng được hệ giá trị riêng của mình.

                                    2-1691570069.jpg
Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn mô hình tự tổ chức, quản lý, điều hành và phát triển công việc kinh doanh của mình. Ảnh: Anh Nguyễn Hoàng Long, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá hiện đang tự tổ chức mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm mỳ gạo bao thai.

Ngược lại, làm việc và sống trong vùng an toàn nhưng tâm trí luôn đấu tranh chật vật cho một lý tưởng nào đó đang bị kìm hãm, tinh thần thường xuyên ở tình trạng âu lo kéo dài, năng lực làm việc không được phát huy dù đã ra sức cố gắng học hỏi ra sao, khi ấy “ổn định” trở thành bẫy nghề nghiệp. Một công việc gắn bó trong nhiều năm không nên chỉ dậm chân tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu duy nhất là đồng lương đều đặn hàng tháng. Hoặc nếu có, công việc ấy nên là phương án vùng đệm trước khi chúng ta bước chân sang vùng đất nghề nghiệp thực sự của mình.

Nếu thẳm sâu trong tâm trí bạn luôn có một tiếng nói nhỏ bé nhưng tinh tế nhắc nhở về việc cần đối xử công bằng hơn với những năng lực thế mạnh bạn đang sở hữu, vậy hãy lắng nghe nhu cầu thực sự ấy của mình và có kế hoạch hành động cho nó. Bởi lẽ, “ổn định” theo ý nghĩa thuần túy cần một chốn đi về, thuần túy cần một mức lương trang trải các hóa đơn, thuần túy cần một chức danh chứng minh bạn không phải là “kẻ lông bông” trong mắt người khác, ổn định theo cách hiểu này thực sự là một cái bẫy nghề nghiệp. Ở trong cái bẫy ấy, người ta có vẻ thoải mái, vững vàng nhưng rất có thể, họ đang héo mòn và chịu đựng sự trì hoãn của mình mỗi ngày. Triền miên gồng mình đáp ứng một công việc mình không thuộc về gây lãng phí thời gian, mài mòn hứng thú và thúc đẩy nghịch lý “bên ngoài bình thường bên trong bất ổn”.

Hãy để tư tưởng “ổn định” trở thành đòn bẩy phát triển bản thân

Khái niệm “ổn định” sẽ trở thành đòn bẩy phát triển bản thân, thúc đẩy nghề nghiệp khi chúng ta dành sự tập trung xứng đáng cho những yếu tố bên trong của khái niệm này. Đó là sự ổn định về mục tiêu và lý tưởng nghề nghiệp, ổn định về đường hướng phát triển bản thân dẫu rằng dọc hành trình bạn sẽ trải qua nhiều công việc hay môi trường làm việc. Nói cách khác, chúng ta cần tập trung vào những điều thực sự quan trọng đối với mình trong sự nghiệp. Ai đó rồi sẽ tìm thấy khái niệm ổn định có vai trò đòn bẩy của mình khi trả lời được các câu hỏi: Đâu là con người chuyên môn (hiểu biết, khả năng, lý tưởng nghề nghiệp) thực sự của mình? Đâu là những nguyên tắc và giá trị độc đáo làm nên bản sắc cá nhân của chúng ta trong công việc? Chúng ta sẽ hạnh phúc khi trở thành ai, khi làm được những gì và khi tạo nên được điều gì cho những người xung quanh?

Trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại”, Jim Collin khẳng định ai cũng có một điểm “con nhím” bên trong của mình. Đó là giao điểm giữa niềm đam mê (mối quan tâm sâu sắc nào đó, hứng thú lâu dài nào đó), khả năng nổi trội (kỹ năng, khả năng tốt nhất) và nhu cầu của xã hội. Định vị và ổn định được điểm con nhím, việc phác họa lộ trình phát triển nghề nghiệp sẽ trở nên tối ưu, khả thi và tràn đầy cảm hứng. Ổn định về mục tiêu và lý tưởng nghề nghiệp, ổn định về hệ giá trị và bản sắc cá nhân, chúng ta sẽ trở thành một mũi tên tập trung mọi nguồn lực, năng lượng mà mình có để hướng tới đích. Không những thế, tất cả những phương án nhiễu dù hấp dẫn đến đâu cũng đều sẽ được “lọc” tự động, chúng ta sẽ chỉ tiếp thu những gì phù hợp với con đường phát triển. Điều tuyệt vời của sự ổn định đến từ bên trong, đầu tiên nó giúp thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và sau đó là sự phát triển nghề nghiệp. Bởi lúc này, chúng ta hoàn toàn rõ ràng việc mình muốn phát triển sự nghiệp trong vùng đất chuyên môn nào, tập trung vào khả năng thế mạnh gì và hướng tới một cuộc sống ra sao gắn với nghề nghiệp. Tất cả có ý nghĩa như những chiếc động cơ đốt trong đưa chúng ta đi xa trên hành trình sự nghiệp.

Tập trung vào sự ổn định đích thực

Làm việc trong nhà nước hay ngoài nhà nước? Đi làm thuê hay làm tự do? Nên nghỉ việc để theo đuổi công việc khác hay bám trụ với công việc hiện tại? Khi những câu hỏi ấy xuất hiện, thậm chí xuất hiện nhiều lần, điều đó vẫn không hề đáng lo. Những câu hỏi này là tín hiệu cho thấy ai đó đang thực sự trăn trở về nghề nghiệp và mong muốn hướng đến những điều tốt đẹp cho sự nghiệp của họ. Điều đáng lo ở đây là chúng ta ra quyết định mà chưa trả lời thấu đáo “vì sao cần đi đến quyết định này?”. Một nhà thơ người Pháp, Pierre Reverdy, từng nói “Mục đích của cuộc đời là đi tìm sự cân bằng trong những điều vốn không ổn định”. Giữa sự thay đổi không ngừng của thế giới nghề nghiệp, chúng ta cần có sự cân bằng và ổn định từ bên trong. Nói cách khác, chúng ta cần chú ý và thiết lập sự ổn định thực sự trong bản thân mình, điều đó sẽ giúp chúng ta vững vàng ở mỗi bước đi dù vẻ ngoài có chuyển đổi công việc nhiều lần hay trung thành với nghề nghiệp hiện có, nhất là đặt trong bối cảnh của xu hướng nghề nghiệp không giới hạn ngày càng mạnh mẽ hơn ở mọi nơi trên thế giới.

Nhung Tumany

1 đã tặng

1

0

0

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy