Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:58 (GMT +7)

Ôm rơm mà không rặm bụng

VNTN - Về hưu mới có chục ngày đã thấy ông Lê lững thững đi bộ quanh khu dân cư. Mấy người thấy lạ, xì xào:

- Gớm, đi làm nhà nước, phó thác việc dân việc phố cho vợ cho con. Nay mới về lại nhăm nhe làm cán bộ hay sao mà quan sát lắm vậy.

Thực ra ông Lê  đi bộ vừa để thư giãn, vừa biết thêm gia cảnh người cùng tổ cùng khu dân cư để thêm gần gũi.

Lúc đi theo đường bê tông chính, chẳng có gì đáng nói. Lúc về theo con đường phụ hẹp hơn ông phát hiện ra phía sau nhà văn hóa có hiện tượng lạ: Cái bãi rộng mấy trăm mét vuông thấp hơn nền nhà văn hóa là một xưởng làm than tổ ong. Trông cái mái lợp lá tuềnh toàng, liếp nứa cót quây vênh váo xung quanh.

Than cám, đất đổ mấy đống cao ngất. Than và đất vương vãi tung tóe ra xung quanh. Mưa tràn cả sang vườn mấy nhà. Hai cái máy ép than tổ ong đang chạy cót két. Mấy người đàn ông cởi trần, quần  cộc nhem nhuốc. Phía bên phải mấy cái xe đạp đèo lồng sắt đang xếp than khô chờ đèo đi bán… Ông Lê  thấy lạ vô cùng. Giữa khu dân cư được gọi là sáng xanh sạch đẹp này lại có một xưởng làm than phản văn hóa như thế. Thảo nào đi trên đường ông luôn dẫm phải than đất vương vãi.

Như nghèn nghẹn dâng lên ngực. Vừa lúc đó có mấy người dân ở xung quanh cũng đi ra vây quanh ông. Thấy không khí thân mật ông Lê mới ướm hỏi:

- Tôi mới về, đi dạo bộ, thấy cái cảnh lạ này. Ông nói rồi chỉ lên cái xưởng làm than.

Lập tức ông bị nghe ù cả tai:

- Ông bây giờ mới biết à. Đúng là quan liêu. Nó tồn tại mấy năm rồi. Các nhà quanh đậy chịu bao nhiêu ấm ức: Bẩn thỉu, ồn ã, mất trật tự an ninh quá. Họ ở đây kê mấy cái giường ọp ẹp, nhà vệ sinh không có.

- Thế sao không tham gia với các bác cán bộ tổ dân phố?

- Ôi dào, tham gia chán rồi. Họ bảo hợp đồng những mười năm. Họ cũng vì lấy tiền cho tổ hoạt động, họ có bỏ túi đâu…

Về nhà, ông mang chuyện tâm sự với vợ, bà Lê gắt:

- Ông về nghỉ hưu thì lo sức khỏe cho tôi nhờ, đừng “ôm rơm rặm bụng”.

Tối đó ông đến nhà nói với ông Phong, Tổ trưởng. Tưởng là bị phản đối, không ngờ ông Phong hăng hái:

- Ông mới về mà nhạy bén. Cái xưởng này có từ lúc chưa tách nhập tổ. Nó nay là của chung 3 tổ. Nhưng vì đóng ở tổ ta nên mọi thiệt thòi về môi trường, an ninh, phá hủy hạ tầng… tổ ta chịu hết. Nói là mấy triệu một tháng nhưng chia ra đủ thứ.

Ông Lê phân tích thêm:

- Có những cái hại không nhìn thấy là lá phổi của dân ông ạ. Còn tiền các ông cứ đưa lên bàn cân xem. Nay mai ta phải làm lại con đường gần 100m này sẽ là bao nhiêu. So với tiền thu cho họ thuê, liệu có lợi không. Cái gì có lợi cho dân phải làm ngay ông ạ. Xin ông hôm nào họp chi bộ, ban chủ nhiệm nhà văn hóa đưa ra bàn bạc sớm chấm dứt hợp đồng cho dân nhờ.

Nghĩ là nói xong để đấy. Không ngờ cuối năm ấy xưởng làm than được tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho nhà văn hóa.  Năm tới phường lại cùng 3 tổ bàn bạc xây dựng lại nhà văn hóa cho bà con có chỗ họp hành, sinh hoạt, vui chơi tử tế. Ông Lê thấy rạo rực trong lòng. Các ông đã làm được một việc có ích để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước