Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
14:20 (GMT +7)

OCOP - Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn

Trong những năm gần đây, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế vùng nông thôn cả nước nói chung, nông thôn Thái Nguyên nói riêng. Kể từ khi UBND tỉnh ra Quyết định số 3485/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 về việc ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 - 2025, đến nay chương trình đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.

OCOP - Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn
Các sản phẩm Ocop  của tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao  cho người sản xuất

Chương trình OCOP với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân,đảm bảo NTM phát triển bền vững.

Thực hiện Đề án, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia).

OCOP - Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn
Các vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đang được mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh

Bắt tay vào thực hiện chương trình, thế mạnh của tỉnh ta là hầu hết mỗi địa phương đều có những nông sản đặc sản nức tiếng như: Chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), Miến dong Việt Cường (Đồng Hỷ), Gạo Bao thai (Định Hóa), Gạo nếp Thầu Dầu (Phú Bình), Bánh chưng Bờ Đậu (Phú Lương), Khau nhục (Võ Nhai, Định Hóa), Tương Úc Kỳ, Nham trám Hà Châu (Phú Bình) và nhiều danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc là lợi thế cho phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch...

Để từng bước xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất nông sản lớn; thuận lợi về giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho các địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có:

Quyết định số 3485/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 (đã nói trên); Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch số 2121/KH-SNN ngày 09/7/2021 thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định việc áp dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu trong trong thời đại 4.0. Đây được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

OCOP - Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào từng công đoạn trong quá trình chế biến sản phẩm

Xác định năng lực cán bộ triển khai thực hiện chương trình là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của chương trình ở mỗi địa phương nên công tác tuyên truyền, tập huấn được đặc biệt chú trọng. Đây cũng là bước đi nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các chủ thể tham gia chu trình OCOP.

Tận dụng lợi thế là trung tâm vùng về giáo dục, năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các trường đại học trên địa bàn, các địa phương, đơn vị triển khai hàng chục hội thảo, lớp tập huấn, đặc biệt là các chương trình livestream với các nội dung: hỗ trợ các địa phương, chủ thể thực hiện chu trình OCOP; chuyển đổi số trong chương trình OCOP; hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán sản phẩm OCOP trên mạng xã hội cho 500 lượt người và hàng nghìn lượt người (tham gia bằng hình thức trực tuyến)...

 Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cũng được coi trọng, nhằm kết nối và đưa sản phẩm ra thị trường. Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, tỉnh đã khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo, các trang thương mại điện tử), trên website Nông thôn mới, OCOP Thái Nguyên.

Nhờ vậy nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã tìm được những cơ hội đầy tiềm năng ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất khi chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy.

OCOP - Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn
Các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP liên tục được tổ chức

Liên tục trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao được tổ chức. Hàng trăm biển hiệu giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các đơn vị cấp huyện, cấp xã được lắp đặt. Hàng nghìn huy hiệu OCOP đã được thiết kế và chế tác nhằm quảng bá, tôn vinh các chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm OCOP tiêu biểu được giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử (C-Thái Nguyên, Viettel, VinaPost, Voso, Sendo, Lazada, Amazon...). Website OCOP Thái Nguyên nhằm số hoá việc quản lý, đánh giá, xếp hạng và quảng bá phát triển các sản phẩm cũng đã được xây dựng...

Phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng. Tiêu biểu như trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”, chỉ sau 4 giờ livestream các chủ thể na đã bán 1.650 đơn trong đó bán trực tuyến 6,3 tấn na và bán trực tiếp 2,5 tấn cho khách tham quan; ngoài ra đã bán 500 đơn cho các sản phẩm khác như: trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc...

Tiếp nối thành công của "Phiên chợ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên” diễn ra tại xã La Hiên (Võ Nhai), "Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên năm 2023" do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, có sự tham gia của 15 tiktoker, streamer và 20 đại diện HTX trong tỉnh tham gia livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok. Trong phiên livestream từ 15 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút ngày 24-11 đã thu hút được gần 12 triệu lượt xem và hơn 300 đơn đặt hàng trực tuyến, với 600 sản phẩm.

Tiếp đó, tại HTX miến Việt Cường (tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Bắc Bộ (Liên minh HTX Việt Nam), UBND huyện Đồng Hỷ, Team nông sản đặc sản Thái Nguyên và một số cơ quan trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tổ chức Chương trình livestream phiên chợ sản phẩm miến dong Việt Cường và nông sản Thái Nguyên gắn với quảng diễn các món ăn, ẩm thực từ miến và các nông sản khác. Phiên livestream từ 9h đến 12h30 ngày 29/11/2023, đã có hàng chục nghìn lượt người theo dõi và đã có 900 đơn hàng với trên 1.500 sản phẩm được đặt hàng trực tuyến, tiêu thụ…

Xác định khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là khâu đột phá trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách khoa học, công nghệ đối với các chủ thể tham gia chu trình OCOP, tư vấn và hỗ trợ gần 50 đơn vị phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP.

Đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố và các chủ thể OCOP triển khai thực hiện Quyết định của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam. Tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị trong việc thực hiện các ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng nông nghiệp, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ”, “Nông nghiệp thông minh” vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP.

OCOP - Tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn
Các sản phẩm OCOP ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã đã được hỗ trợ cấp chứng nhận VietGap cho trên 500 ha chè; 300 ha lúa; 150 ha rau, củ, quả. Qua từng năm, chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng được hình thành khép kín từ các khâu: nuôi, trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm.

Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu như: VietGap, hữu cơ, an toàn sinh học,..., khả năng hội nhập toàn cầu có tiềm năng rất lớn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%.

Kể từ khi triển khai thực hiện đến nay, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị đã làm gia tăng nội lực kinh tế của các địa phương trong tỉnh.

Từ những thành tựu đã đạt được, tỉnh Thái Nguyên đang hướng tới mục tiêu có trên 200 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên và ít nhất 10 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp Quốc gia vào cuối năm 2025. Điều này chứng tỏ sự cam kết và quyết tâm của tỉnh trong việc định hướng một tương lai bền vững và phồn thịnh cho nền kinh tế địa phương.

Ngô Thanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy