Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:34 (GMT +7)

Ở tiệm cắt tóc

Truyện ngắn. Anh Thư

VNTN - Đó là một salon nhỏ nhưng tiện nghi và khá đông khách nằm trong con ngõ rộng khu trung tâm thành phố. Chủ tiệm kiêm thợ cắt chính trực tiếp quản lý gần chục cô gái trẻ phụ việc. Mỗi người một khâu. Người gội, người sấy, người uốn, người ép, người nào cũng luôn chân luôn tay. Khách đến làm tóc đa phần là khách quen và đều là người có thu nhập, hay ít ra dáng vẻ của họ cũng nói lên điều đó.

Tôi chỉ là một khách sơ sơ. Sơ thôi chứ chưa quen, chưa thân, càng không được liệt vào dạng khách VIP, bởi một hai tháng tôi mới tới đây một lần, nhu cầu chỉ đơn giản là cắt tóc cho ngắn bớt, không nhuộm không hấp, không quấn xoăn, cũng không sơn móng tay móng chân, không đắp mặt nạ dưỡng da. Mỗi lần đến, nhân viên chỉ đâu ngồi đó, bảo gì làm thế. Một vị khách thường dân. Một vị khách tẻ nhạt và đơn điệu.

Trước khi cắt tóc, bao giờ cũng phải gội đầu. Gội để tóc không vướng bụi vướng mồ hôi, tóc trở về đúng vị trí ban đầu, khi cắt mới không bị lệch. Là các cô thợ phụ nói với tôi điều đó.

Bàn gội của tôi kẹp giữa bàn gội của hai thượng đế. Nằm bên phải là một chàng trai và nằm bên trái là một cô gái trắng nõn trắng nà. Làn da trắng càng được tôn thêm nhờ chiếc áo dây màu đen và quần sooc bò trẻ trung. Tư thế cô nằm rất thoải mái. Hai chân duỗi dài. Một tay cô cầm điện thoại vỏ gắn đá lấp lánh. Tay kia thả lơi ra ngoài bàn gội cho cô thợ phụ làm móng. A, cô tranh thủ thời gian, vừa gội đầu, vừa làm móng chân móng tay, vừa gọi điện buôn dưa lê với một ai đó. Vẻ nhàn nhã của cô khiến tôi liên tưởng đến cảnh vua chúa ngày xưa với bao quân hầu đầy tớ vây quanh, kẻ quạt đầu, kẻ quạt chân, kẻ thì đấm bóp...  Nếu tôi có nhiều tiền để đi chăm sóc sắc đẹp thường xuyên, chưa chắc tôi đã dám nằm ườn vẻ vừa quyền quý vừa trễ nải thế này, để bao người phải xuýt xoa chiều chuộng. Những bài giảng về đạo đức, về chủ nghĩa xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân đã ngấm vào tôi kĩ quá rồi. Sao lại dám để quần chúng hầu hạ và bản thân mình thì hưởng thụ đầy ích kỉ như thế chứ? Nhưng thôi, tị nạnh làm gì. Cô xứng đáng được như thế. Làn da, gương mặt và...

Cô thợ gội đầu vẫn miệt mài bên mái tóc cô gái. Cô muốn làm nó mượt hơn. Chắc thế. Cô thợ làm móng đã di chuyển xuống phía chân cô gái. Cô thợ không còn đứng nữa mà ngồi trên một chiếc ghế thấp, cẩn thận nâng đôi bàn chân cô gái đặt lên lòng mình, nơi có sẵn chiếc khăn bông trắng muốt, mềm mại. Khoảng cách từ mặt cô thợ đến bàn chân cô gái chưa đầy gang tay. Cô chăm chú nhìn sát vào chân cô gái, tỉ mẩn lấy đi từng chút bụi bặm bám ở móng. Đôi chân tôi ngứa ngáy. Nó cũng muốn được chiều chuộng như thế thì phải. Tôi chạnh lòng thương. Từ trước đến giờ, tôi chỉ bắt nó đi lại làm việc mà chưa bao giờ chăm sóc nó chu đáo. Có lẽ, một lúc nào đó, tôi sẽ phải quan tâm đến điều này chăng!

Chàng trai đang nằm trên ghế gội đầu phía bên phải tôi yên lặng, đôi mắt nhắm nghiền thoải mái, để mặc cho cô thợ rửa mặt, rửa vành tai. Đây là công đoạn tôi cũng rất thích. Vừa êm ái, vừa buồn buồn nhồn nhột. Cũng cảm giác được ve vuốt. Tất nhiên, chẳng mấy khi tôi rửa mặt. Tôi sợ chính tôi quen với sự sung sướng này, rồi hư mất. Khi thanh toán, mỗi công đoạn làm đẹp được tính đầy đủ, chi tiết. Đồng lương công chức không cho phép tôi phung phí. Con bạn tôi cằn nhằn: “Mày dốt bỏ mẹ. Hưởng thụ được lúc nào thì cứ hưởng thụ chứ. Bo bo như thế, giầu làm sao được”. Giầu ư? Tôi chỉ mong đủ ăn là tốt lắm rồi. Mặc kệ nó muốn nói thế nào thì nói. Chỉ riêng việc tôi đến đây cắt tóc hàng tháng cũng là một sự xa xỉ. Các cửa hiệu bình dân tiện nghi chả kém đây là mấy, tiền cắt tóc chỉ mất năm chục, một trăm. Tôi đã tiêu tốn gấp mấy lần như thế, hậu quả của một lần trót dại, nghe lời cô bạn đến đây, thế là thành quen. Nói cho công bằng thì họ cũng làm tóc đẹp hơn một chút. Và để bù đắp lại cái sự tốn ấy, bao giờ tôi cũng phải kéo dài thời hạn chừng một tuần hay chục ngày, có khi tháng rưỡi hai tháng mới mò ra. Cây kéo trên tay chị chủ tiệm cắt xoèn xoẹt, tóc rụng lả tả xuống nền nhà. Chị chủ tiệm sẽ khe khẽ phàn nàn rằng tôi để tóc dài quá, trông ốm ốm thế nào. Tôi công nhận điều chị nói là đúng. Tôi để tóc dài không hợp, mặt thưỡn ra như cái bơm. Chị chủ tiệm có thâm niên cắt tóc từ thuở mười tám đôi mươi, đến bây giờ cũng ngót nghét hai chục năm. Nhờ cây kéo mà chị nuôi được chồng được con, lại mua thêm mấy căn nhà mấy mảnh đất ở thành phố. Còn tôi thì chỉ cần vài đường kéo của chị, gương mặt nom đã khác, bầu bĩnh, tươi tắn chứ không nhăn nhó buồn buồn như trước.

***

Cô gái xinh đẹp bên cạnh tôi đã thôi nói chuyện điện thoại mà chuyển sang thủ thỉ với cô thợ gội đầu. Cô bảo em gội đầu ở ngoài hiệu quen rồi, gội ở nhà không sạch được, khó chịu lắm. Đầu óc tôi làm phép tính nhanh: nếu gội đầu bên ngoài, ít nhất một tuần phải gội 2 lần. Một tháng gọi cho có 4 tuần. 2 nhân 4 bằng tám. Mỗi tháng cô gái có 8 lần gội đầu ở bên ngoài. Mỗi lần cả gội cả sấy, hữu nghị 80 ngàn. Tám mươi nhân tám là 640 ngàn. Như vậy, riêng việc gội đầu đã mất đứt hơn nửa triệu bạc một tháng. Chưa kể cái khoản móng tay móng chân, rồi đắp mặt nạ và mát xa cho da, rồi còn khoản cắt uốn nhuộm hấp dưỡng tóc... vân vân và vân vân, trăm thứ bà giằng cho một nhan sắc. Bao nhiêu tiền cho đủ? Tiếng cô lại thủ thỉ “Sáng nay đi vội, ăn tạm bát phở. Ngồi cạnh mấy con nhà quê, chúng nó cứ húp xì xoạp. Mình thì không nuốt nổi. Bực mình”... “Thằng cha ấy đi con Venza ghẻ mà cứ đòi đón em. Nẫu ruột...”

A...Tôi hơi nhăn mặt. Cô thợ gội đầu cho tôi sơ ý phụt nước đầy vào tai tôi rồi. Lỗ tai trở nên lùng bùng. Những lời từ cửa miệng cô gái xinh đẹp cũng trở nên lùng bùng. Chắc là khách quen thân của tiệm. Cô cởi mở và hay chuyện thật. Con gái đẹp, biết kiêu kì đúng chỗ và cởi mở đúng chỗ, khối anh chết lăn chết lóc. Tự nhiên tôi nhớ đến người bạn cùng lớp đại học. Bọn con trai đặt cho cô biệt danh “Chém gió thành bão”, sau nâng cấp chuyển thành “Thánh chém”. “Thánh chém” thì đỉnh rồi, chẳng ai siêu hơn được. Cô bạn lạ ở chỗ lúc nào, ở đâu, với ai, cô cũng “chém được”. Thực tế và hư cấu đan xen đầy logic trong câu chuyện. Có thể tin hết. Cũng có thể không dám tin. Nghe chuyện cô mãi, người ta sẽ có ý nghĩ rằng cô giống như một thứ giống loài cao quý, hơn người, luôn có khả năng chinh phục mọi đối tượng. Chỉ cần cô vẫy tay một cái, bao chàng trai ngả rạp, tình nguyện làm nô lệ cho cô, tình nguyện cung tiến cho cô mọi sản vật quý hiếm. Khổ nỗi, cô chẳng xinh đẹp gì nếu chưa muốn nói là xấu. Gia cảnh thì thường thường bậc trung. Học hành cũng chẳng giỏi giang, chỉ được cái thông minh vặt. Nghe chuyện cô, bọn trong lớp có đứa tỏ ra tin sái cổ, cũng có đứa cười đểu, bơm thêm vào làm cô càng bốc. Riêng tôi, rút kinh nghiệm, thấy bóng dáng cô thì lịch sự hỏi han một hai câu rồi rút nhanh. Như thế tôi tránh được cảm giác khó chịu phải nín miệng nghe mãi những điều không thật...

***

Cô gái bên cạnh tôi vẫn tiếp tục chém gió. Anh thanh niên vẫn đang lim dim cặp mắt. Chắc anh muốn tận hưởng khoảnh khắc dễ chịu, khi bàn tay cô thợ mat-xa da đầu cho anh. Cô thợ mat-xa như thế được một lúc rồi. Mái tóc ngắn của anh không còn đọng lại dù chỉ một hạt nước. Khách gội đầu nghiền nhất là những giây phút này, được thả lỏng chân tay, thư giãn đầu óc. Có người ngủ một giấc ngon lành. Riêng tôi thì chẳng bao giờ ngủ được, thậm chí còn cảm thấy có phần căng thẳng, dù đã tự nhủ mình “thả lỏng đi, thả lỏng đi”. Gội đầu ở ngoài hiệu đối với tôi là sự xa xỉ, bởi nó ngốn một khoản tiền trong cái túi lúc nào cũng lép kẹp. Hơn thế, nó còn chiếm dụng của tôi rất nhiều thời gian: thời gian đi đến tiệm + thời gian chờ đợi + thời gian gội sấy. Bởi vậy, về mặt này, tôi là người tiết kiệm, thậm chí có thể gọi là bủn xỉn.

Anh thanh niên chợt bắt chuyện: “Thu nhập của em hàng tháng có được dăm triệu không?”. “Lấy đâu ra anh, ba triệu là cật lực lắm rồi”. “Thế thôi à?”. Một thoáng im lặng, anh chuyển chủ đề mới: “Nhà em có dầu gội dành cho nam giới không”. “Nhà em chỉ có dầu gội cho nữ, vì khách đa phần là nữ, chẳng mấy khi có khách nam như anh”. Đúng thế thật. Chưa bao giờ tôi đến đây mà gặp đàn ông con trai, ngoại trừ một cậu là thợ cắt nhưng cậu ấy cũng nghỉ việc cách đây vài tháng rồi. Anh thanh niên lại hỏi: “Dầu gội đầu của nhà em loại nào là xịn nhất?”. “Lát - xi ạ. Vừa có xả, có dưỡng hấp luôn”. Anh thanh niên lúc này đã ngồi dậy. Cô thợ đưa cho anh chai dầu gội màu nâu đỏ. Anh hỏi lại, nghi ngờ: “Đây là loại xịn nhất à?”. “Vâng”. “La - xi à”. “Lát - xi” -  Cô thợ chữa lại:  “Anh muốn mua dùng hay sao?”

 Anh thanh niên không trả lời, xách cặp rời khỏi bàn gội, ra hiệu “sấy cho anh đi”. Anh ta có vẻ là một doanh nhân trẻ thành đạt. Lịch sự, bảnh bao. Râu quai nón đa tình. Người trẻ thành đạt bây giờ không thiếu. Cũng không ít người thích chui vào tiệm tóc nữ để xả xì - trét, hoặc cần phải làm dáng trước khi gặp đối tác. Trong lúc cô thợ sấy tóc, anh lại tiếp tục hỏi về các loại dầu gội đầu ở đây, với những tên tây đọc lõm bõm lúc đúng lúc sai. Tôi cũng từng bị đồng nghiệp chế giễu về cách phiên âm tiếng nước ngoài nên hoàn toàn chia sẻ được với anh. Ngoại ngữ mà. Ai có năng khiếu thì học nhanh. Ai chăm chỉ cần cù cũng tạm tạm được. Chưa biết thì rồi sẽ biết. Không thể căn cứ vào mấy từ tiếng Anh phiên âm không đúng để làm thước đo đánh giá trình độ hòa nhập xã hội của người ta. Ngay trong một chương trình truyền hình trực tiếp sự kiện chàng trai không chân tay người Úc đến Việt Nam diễn thuyết, ít nhất cũng có ba kiểu đọc tên riêng của anh ta đó thôi. Người dẫn chương trình đọc một kiểu. Người thuyết minh clip đọc một kiểu. Băng quảng cáo đọc một kiểu. Ai thích theo kiểu gì cũng được, sao lại bắt bẻ đúng sai.

Bình thường tôi vốn ghét đàn ông đi mát xa gội đầu, nằm ườn tấm thân lười nhác để các cô gái trẻ đấm bóp, xoa nắn. Nhưng chàng thanh niên này tỏ vẻ rất thân thiện, giọng nói trẻ trung, ấm áp. Lạ là anh ta chỉ quan tâm đến dầu gội đầu loại xịn. Chỉ hỏi thôi chứ không mua. Trước khi anh thanh niên rời đi, tôi còn nghe anh nói “Chỗ anh cũng phân phối loại dầu này... loại dầu này... bữa sau anh sẽ mang đến đây một ít”...

Anh thanh niên vừa đi khỏi, cô thợ sấy cười hi hi: “Đầu tư 80 ngàn gội đầu để seo thì cũng “ấy” thật”.  Tôi chưa kịp hiểu “ấy” có nghĩa là gì, các cô khác đã nhao nhao: “Chắc là làm phân phối hay bán hàng. Dùng khổ nhục kế chui vào đây tiếp thị, ác thật”. “Anh ta cứ hỏi em loại dầu xịn nhất trong khi chỉ gội pen-tin”... Các cô thật thông minh và dí dỏm. Họ ít tuổi hơn tôi, cùng lắm là ngang bằng tuổi tôi nhưng chắc chắn sự trải nghiệm cuộc sống có thừa.

***

Tôi đã yên vị trên ghế cắt tóc, mắt nhìn thẳng vào tấm gương trước mặt. Gương ở cửa hiệu cắt tóc khéo nịnh đầm ra phết. Soi gương ở đây bao giờ cũng thấy trắng trẻo, trẻ trung hơn lúc soi gương ở nhà. Nhưng điều ấy lại khiến tôi nghi ngờ về chính nhan sắc thực của mình. Cụ thể là mái tóc sau khi đã xong các công đoạn gội - cắt - sấy -  tỉa, nó ôm sát vào gương mặt tôi. Tôi thấy mình xinh ra, tươi tắn và đầy sức sống. Nhưng khi về nhà, thì ôi thôi, sự thể nó lại chẳng như tôi hình dung. Vẫn là một cô gái mệt mỏi, bơ phờ đang nhìn tôi.

“Lần trước em tỉa ở đâu mà bị lệch thế này. Hỏng từ trong hỏng ra rồi”. “Dạ, lần trước chị cắt cho em mà”. “Đâu có, lâu lắm rồi em mới tới”. “Dạ không, em mới cắt ở chỗ chị tháng trước”. “À chị nhớ ra rồi. Chắc hôm đó chị buồn ngủ quá đấy. Công việc liên miên suốt, chán ghê cơ. Thôi, chị sẽ cắt bù cho em. Lần này để kiểu đầu khác cho nó hiện đại”. Ôi hóa ra lần trước chị ấy cắt hỏng tóc tôi. Thế mà tôi đâu có biết, chỉ thấy chị ấy tỉa nhanh hơn mọi lần, vèo một cái đã xong rồi. Mái tóc tôi không có gì đặc biệt, lại không biết chọn kiểu nào cho hợp với gương mặt nên tôi thường để chị muốn cắt thế nào thì cắt. Chẳng phải tôi chung tình gì với chị mà của đáng tội tôi cũng đã thử cắt ở vài nơi nhưng không hợp. Chỗ tiền triệu thì không dám vào. Chỗ rẻ hơn thì cắt chẳng có dáng dấp gì. Thế là lại phải quay về với cửa hiệu của chị.

Lần này, chị cắt cao hơn cho tôi, lại khoét thêm một đường cong áp với vành tai. Chị bảo như thế cho khác đi một chút. Tôi vốn dễ tính, nghe vậy biết vậy. Con mắt của thợ nghề sẽ khác với con mắt người bình thường chứ. Vả lại, cắt cao thế này, chắc khoảng hai tháng sau tôi mới phải cắt tiếp. Như thế thời gian cũng được giãn ra, đỡ tốn.

Cửa kính mở ra. Từ ngoài bước vào một cô gái cao, thanh mảnh. Mái tóc dài hơi xoăn được nhuộm ánh tím. Chị chủ tiệm ngừng tay kéo: “Em làm gì?”. “Chị xem mái em thế này, có nối được không” “Nối mái à” “Vâng, em muốn nối dài ra để xõa”. Chị bảo “Được” rồi gọi vào trong “Lấy nắm tóc hôm trước nối còn ra đây” “Màu đấy có hợp không cô” - Từ góc phòng, tiếng một nhân viên vọng ra. “Hợp”. Chị rời ghế, đứng dậy. Tóc mái của cô gái bị “bò liếm”. Chị cần phải hướng dẫn nhân viên làm để tránh bị lỗi. Cô gái chỉ nối mỗi cái mái thôi nhưng sẽ phải chờ rất lâu. Từng sợi tóc nhỏ li ti được gắn vào, gắn rất khéo để không ai có thể nhận ra được. “Trời nóng thế này nối làm gì”. Chị chủ tiệm buột miệng trong khi cô gái đã ngồi yên, và các cô thợ phụ bắt đầu nối được vài sợi. Trời, sao chị khuyên người ta mà không khuyên trước đi, bây giờ làm dang dở rồi, chẳng lẽ đứng lên.

***

Chị chủ tiệm đã tỉa xong tóc cho tôi. Chị vẫy cô thợ phụ lại sấy. Sấy xong, tóc vào nếp, chị sẽ chỉnh sửa một chút cho hoàn hảo. Tiếng máy sấy kêu ào ào. Hơi nóng sực lên. Nhiệt độ trong tiệm cắt tóc bao giờ cũng cao hơn nhiệt độ bên ngoài, bởi cùng một lúc ba bốn chiếc máy sấy công suất hàng nghìn oát đồng loạt vận hành. Đó là chưa kể đến các loại mùi hóa chất: mùi dầu gội dầu xả, mùi thuốc nhuộm, thuốc uốn. Rồi mùi dầu dưỡng, mùi nước hoa... Tất cả trộn lẫn vào nhau, quện vào nhau. Chưa có chuyên gia nào tìm hiểu và đo nồng độ ô nhiễm không khí ở đây. Nếu đo và công bố trên các phương tiện truyền thông, chắc dân chúng thêm một lần nữa tá hỏa, như đã từng tá hỏa với phở phooc môn, kẹo có chất gây ung thư, rồi thịt gà bẩn, nội tạng bẩn vân vân, rồi lên án, rồi tẩy chay, quay trở về với bồ kết lá sả và nuôi tóc dài. Báo chí thì ca ngợi công cuộc trở về truyền thống của chị em với niềm tự hào dân tộc sâu sắc...

Tôi bật cười, thú vị với ý nghĩ ngô nghê của mình. Cô thợ sấy tóc ngạc nhiên “Chị cười gì thế?”. “À, mình nghĩ đến một câu chuyện vui nên buồn cười”. Cô thợ sấy cũng cười, nụ cười minh họa. Cô làm ở đây cũng đến vài năm rồi. Chẳng biết cô có nhớ tôi không chứ riêng tôi thì nhớ mặt cô ngay từ lần đầu. Gương mặt mỏng. Các đường nét trên người cô cũng mỏng. Cô hay mặc áo hai dây và quần sooc, khoe bờ vai gầy gò và đôi chân dài gân guốc. Áo hai dây và quần sooc là trang phục thường xuyên của các cô gái làm ở tiệm cắt tóc. Nhưng bây giờ, mốt đó cũng được thay dần bằng những bộ đồng phục. Nhìn các cô mặc đồng phục, thấy tiệm cắt tóc đẹp hơn văn minh hơn, không còn lố nhố đùi và vai như trước nữa.

Cây kéo lách tách thêm vài nhát nữa thì chị chủ tiệm lấy chiếc gương rời ra soi cho tôi nhìn đằng sau gáy. “Đấy, thấy chưa, khác hẳn lúc đầu nhé”. Tôi hiểu vai trò thượng đế của mình đến đây là chấm dứt, liền rút tiền ra trả. “Ba trăm em ạ” - Chị chủ tiệm nhắc. “Chị mới lên giá ạ?” Tôi rụt rè. “Đâu, lên giá lâu rồi, từ Tết ra mà”. Tôi miễn cưỡng đưa thêm tiền, lòng hậm hực không vui. Tháng trước tôi vừa mới cắt ở đây, giá là 250 nghìn, bây giờ thêm năm mươi nghìn, mà lại bảo tăng lâu rồi. Kiểu này, lần sau tôi lại tìm chỗ khác để cắt vậy. Thiếu gì tiệm cắt đẹp, giá cả lại vừa phải, chẳng qua tôi lười không chịu tìm đó thôi. Mà có lẽ tôi chuyển sang nuôi tóc dài. Thay đổi đi, biết đâu lại hay hơn...

***

Tôi ngồi lên yên xe nóng bỏng, nổ máy. Đi một đoạn, xe kêu tạch tạch rồi dừng lại. Có tiếng phanh kít kít vội vàng ở đằng sau. “Con điên này, đi đứng thế à”. Tôi ngoái đầu nhìn lại. Một người đàn ông có gương mặt tái đang ném về phía tôi những lời hùng hổ: “Muốn chết à. Đi đứng thế à. Đập bỏ cha mày bây giờ”. Tôi định bảo “Ô hay, ông không có mắt à. Ông có biết luật giao thông quy định mỗi xe đi cách nhau bao nhiêu mét không?” nhưng lưỡi tôi cứ đờ ra. Nói lý với những trường hợp như thế này có khi thiệt thân. Dễ chừng ông ta sẽ dừng xe, sấn tới vung quả đấm túi bụi vào mặt tôi ấy chứ...

 Sau khi ném vào mặt tôi những lời dọa nạt, người đàn ông nổ máy xe vù vù phóng tiếp, bất chấp đèn đỏ đang chờ ở ngã ba trước mặt. Tôi về số, đề xe. Không nổ. Tôi cong người, đạp máy. Nỗi tủi hờn dâng đầy cổ họng. Tôi muốn mua một chiếc xe tay ga từ lâu rồi. Kinh nghiệm của những lần chạy xe ngoài đường nói cho tôi biết ai đi xe đẹp, biển đẹp sẽ không bị bắt nạt, thậm chí còn được quyền bắt nạt, được quyền mắng mỏ người đi xe xấu hơn. Xe xấu mà biển tỉnh lẻ lại càng là đối tượng bị băm bổ. Còn lâu lắm tôi mới đủ tiền mua xe. Phải rồi, tôi sẽ vay. Vay ngân hàng tôi cũng vay. Vay rồi trả chứ có tiêu hoang phí đâu mà lo.

Chẳng biết có hiểu được suy nghĩ của tôi hay không mà chiếc xe cà tàng nổ máy giòn tan. Tôi đi chậm lại, nhường cho xe buýt vượt xéo sang đường đón trả khách. Một cô gái áo hai dây màu đen và quần sooc bò bước lên xe, làn da trắng lấp lánh trong nắng. A, cô gái vừa gội đầu và làm móng tay móng chân đây mà. Không biết cô ra khỏi tiệm cắt tóc từ bao giờ. Lúc tôi cắt tóc xong, trả tiền và đi, cô gái nối tóc vẫn ngồi ở đó. Thêm một vài người phụ nữ nữa líu ríu bước vào. Cô gái này ra trước tôi. Có lẽ cô chờ xe buýt đã được một lúc rồi. Vậy mà lúc trước ở tiệm cắt tóc, cô bảo có xe ô tô đưa đón!

Tự nhiên, tôi nhớ đến anh thanh niên trong tiệm cắt tóc. Giờ này anh ta ở đâu nhỉ, có đang nằm ườn trên bàn gội ở một tiệm cắt tóc nào đó để “seo” dầu gội đầu, hay cũng đang ngồi xe buýt như cô gái xinh đẹp này?

Xe buýt vụt đi, phả vào tôi luồng khói đen xì, hôi hám. Những sợi tóc trên đầu tôi ngọ nguậy. Hình như chúng đang dài ra.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước