Ở nhà chồng
VNTN - Khách vừa ra khỏi cửa, Phương vội vàng đi lấy nước ấm rửa mặt cho thằng bé, vừa lau kỹ mồm, má cho con, Phương vừa lẩm bẩm:
- Bực mình không để đâu cho hết.
Mẹ chồng Phương thấy thái độ của con dâu thì lấy làm lạ. Bà hỏi:
- Có chuyện gì thế con?
- Mấy bà khách cứ hôn vào mồm vào má thằng bé, con không thích tí nào. Khoa học đã chứng minh rồi, bao nhiêu là vi trùng vi khuẩn lây nhiễm theo đường hô hấp, trong khi phổi thằng bé còn non…
Nghe con dâu phàn nàn, mẹ chồng Phương không nói gì.
Quê bà nó vậy, nhiều người ăn trầu môi đỏ tía, ướt nhoẹt, nhưng vẫn vồ vập thơm thít trẻ con, nước quết trầu bôi nhoe nhoét là chuyện thường. Nhiều đứa trẻ theo mẹ, theo bà đi thăm người đẻ là nhảy tót lên giường ôm em bé hoặc hò hét váng tai khiến em bé giật mình khóc thét. Cái cách thể hiện của người dân quê bao đời, không được lịch sự và giữ…vệ sinh cho lắm.
Thấy mẹ chồng im lặng, Phương phân trần:
- Con không có ý gì khác, chỉ là không thích người lạ thơm vào mồm vào má em bé, mất vệ sinh thôi mẹ ạ.
Lựa lúc thằng bé ngủ say, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ chồng Phương mới thủ thỉ kể cho Phương nghe chuyện của bà. Cũng như Phương, bà là gái thành phố đi làm dâu ở nông thôn. Quê chồng bà đất đai trù phú, cuộc sống khấm khá, cách sinh hoạt tiện nghi nên bà không thấy hụt hẫng nhiều so với nếp sống ở đô thị.
Rồi bà sinh con. Mấy ngày đầu họ hàng, xóm làng đến thăm hỏi khá đông. Rồi bỗng dưng không thấy ai đến chơi nữa. Gia đình chồng lấy làm lạ, lo lắng tìm hiểu, hỏi dò và biết được nguyên nhân.
Thì ra, có lần vài bà trong xóm đến chơi, lúc các bà ra về chưa hết ngõ đã thấy cô dâu mới mang cốc chén đi rửa. Câu chuyện loang ra, mỗi người bình một kiểu, nhưng đa số cho rằng cô này “chê chúng tôi bẩn, chê chúng tôi nhà quê, coi thường chúng tôi…”. Người nọ bảo người kia, từ đấy không thấy ai đến thăm và chơi với nhà bà nữa.
Mẹ chồng Phương buồn buồn:
- Đó là những ngày tháng nặng nề nhất trong cuộc đời làm dâu của mẹ. Gia đình chồng gần như bị cô lập trong xóm làng. Mà thực tâm mẹ không coi thường ai, chỉ là cái nếp sạch sẽ được giáo dục từ bé thôi.
- Thế rồi chuyện được giải quyết thế nào hả mẹ? Phương hỏi.
- Ông bà con không nói gì, không trách gì mẹ nhưng họ rất buồn. Mẹ cũng tự nhận khuyết điểm là chưa thật sự tế nhị. Đáng ra, mẹ phải để khách ra về hẳn rồi mới dọn rửa cốc chén. Rồi mẹ chủ động tham gia vào công việc giỗ chạp, đám hiếu, đám hỷ ở nhà chồng, chịu khó đi chơi hàng xóm, thấy ai có việc cần là xắn tay vào làm. Vài năm thì chuyện đó cũng ngoai đi con ạ.
Phương hiểu điều mẹ chồng muốn nhắc cô. Việc thơm trẻ con rõ ràng là không tốt, là mất vệ sinh nhưng đó là cách người lớn thể hiện tình cảm từ đời này sang đời khác rồi. Phương không thích cũng không nên thể hiện ra mặt như vậy. Cô chột dạ nghĩ đến hành động lau mồm lau má cho con của mình lúc nãy, không biết có ai ngoài mẹ chồng cô nhìn thấy không?
Phương thần người nghĩ ngợi: Sống quả là khó, thời mẹ chồng mình lạc hậu đã đành, đến thời mình mà vẫn còn phải ý tứ cả những chuyện ấy nữa sao? Nhưng mà, mình đi làm dâu, không thể thoải mái vô tâm như ở với bố mẹ đẻ được. Đất có lề, quê có thói, mẹ mình đã dặn mình như thế trước ngày mình đi lấy chồng.
Phương lễ phép nói với mẹ chồng: Con hiểu ý mẹ rồi, con sẽ rút kinh nghiệm mẹ ạ.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...