Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:35 (GMT +7)

“Ở hai đầu nỗi nhớ”

VNTN - “Có một không gian nào… Đo chiều dài nỗi nhớ. Có khoảng mênh mông nào… Sâu thẳm hơn tình thương”… Lời bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ” của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngân rung, từng từ sâu lắng, đọng lại thành nỗi nhớ, giọt vào mùa xuân cuộc đời, bỗng gợi cho tôi nhớ đến tình yêu lứa đôi của hai con người kiên trung với lý tưởng Cộng sản yêu nước, đó là Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân.

 

Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường ngày 24/5/1944. Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Tôi là một trong những người Thái Nguyên hạnh phúc, vì mỗi ngày đều được đi trên tuyến đường mang tên Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân. Không ít lần nhàn tản, thả bộ bên lề đường, ngắm nhìn từng tòa nhà vươn cao, dưới chân nó là nhịp sống hối hả, bận rộn. Cuộc sống là thế, ai lo phận nấy, nhưng là người, ai chẳng có phút giây mơ màng, hoài niệm về một trường đoạn trên dòng chảy lịch sử của dân tộc. Ở đó có những tình yêu được đơm nở giữa chông gai, nghiệt ngã nhất... Vâng! Bấy giờ họ đều còn rất trẻ. Hoàng Văn Thụ 26 tuổi, Hoàng Ngân 14 tuổi, hai tâm hồn đồng cảm, gặp nhau là mến thương bởi cùng sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước; sớm được giác ngộ cách mạng và có lòng căm thù giặc sâu sắc.

 

Liệt sĩ Hoàng Ngân (1921 - 1949), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh tư liệu lịch sử.

Hoàng Văn Thụ người Lạng Sơn - Hoàng Ngân người Hải Phòng. Gặp nhau, yêu nhau, nhưng vì nhiệm vụ Đảng giao, buộc hai người phải “Ở hai đầu nỗi nhớ”. 4 năm sau (1939), họ đính hôn trong vội vã vì “Giặc lùng, giặc bắt, giặc vây”. Rồi cũng vì nhiệm vụ, 2 người đi 2 ngả để tiếp tục xây dựng phong trào cách mạng. Tình yêu giữa hai người được chôn chặt vào lòng, toàn tâm dành cho cách mạng, cho nhân dân. Biền biệt xa: Anh gây dựng, củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên… Chị gây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Trong điều kiện hoạt động bí mật, địa bàn lại rộng khắp, nhưng chưa bao giờ giữa hai người mất liên lạc. Họ biết thông tin về nhau qua các đồng chí Việt Minh. Rồi tổ chức Đảng như “Ông tơ, bà nguyệt”, se cho họ gặp lại nhau nhân cuộc họp do Xứ ủy Bắc kỳ tổ chức tại Hà Đông vào tháng 1/1941. Nhưng có phải vì “Con tạo trêu ngươi”, gặp nhau chưa kịp nồng thì cuộc họp bị địch bao vây. Chị giúp các đồng đội trốn thoát, còn bản thân bị địch bắt, kết án 12 năm tù, giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). 2 năm sau, anh cũng vào nhà tù Hỏa Lò, bị địch tuyên án tử hình.

 

Người dân Bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tự hào có di tích lịch sử mang tên liệt sĩ Hoàng Ngân.

Trong thời gian cùng ở một “hỏa ngục”, nhưng khắc nghiệt nhà tù không cho hai người được gặp nhau. Chỉ có những đồng chí kiên trung mới biết đến mối tình đẹp đẽ của họ, nên thương mến, giúp chuyển những lời nhắn nhủ... Cũng như bao người trong cuộc đời thường, tình yêu nhân thêm sức mạnh, giúp họ có thêm gan vàng, dạ ngọc, vượt lên đau đớn thể xác, tinh thần, trở thành tấm gương đấu tranh với cường bạo ở nơi ngục tối… Vâng! Có một thời, trong cuốn sổ tay giới trẻ, bạn bè thường chép cho nhau bài thơ “Nhắn bạn”. Đó là bài thơ của Hoàng Văn Thụ viết trên một chiếc quạt giấy, gửi cho chị Vân (tức Hoàng Ngân) lúc ấy đang bị giam bên trại tù nữ, trước ngày anh hy sinh: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/ Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo đuổi mộng tung hoành/ Hỡi bạn gần xa hăng chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành". Lòng vững như bàn thạch, họ không nao núng trước mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn tàn độc nhất của chế độ nhà tù. Và lòng sắt son thủy chung với tổ chức Đảng, với người mình yêu của hai con người bằng xương, bằng thịt trở thành biểu tượng về tình yêu đôi lứa - từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, và đến mãi mãi sau này.

Không khuất phục được người Cộng sản trẻ tuổi kiên trung đó, tháng 5/1944, địch đưa Hoàng Văn Thụ ra pháp trường xử bắn. Chị đau đớn, lòng căm thù giặc thêm uất nghẹn. Chị tự động viên mình phải tiếp tục sống, chiến đấu cho anh, cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Tháng 3/1945, chị được đồng đội giải cứu khỏi hỏa ngục, tiếp tục với nhiệm vụ của người đảng viên Cộng sản. Năm 1947, chị được bầu làm Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đầu tiên. Năm 1948, chị sáng lập tờ Báo “Tiếng gọi phụ nữ”, tiền thân của tờ báo “Phụ nữ Việt Nam” ngày nay. Trong lần đi dự Hội nghị Phụ nữ tại Trung Quốc, trên đường trở về, đoàn công tác bị địch phục kích, chị bị thương, được đồng đội đưa về khu vực đồi Pù Ngạm Ngà, thôn Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) an toàn. Năm 1949, vết thương tái phát, bệnh sốt rét rừng ập đến, đồng đội đưa chị đến Y xá Trần Quốc Toản tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ chữa trị (nay là Bệnh viện quân y 354 - Hà Nội) nhưng không qua khỏi.

 

Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ ở thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn), một điểm đến thu hút nhiều nhân dân, du khách.

Hai con người đã vì Tổ quốc hy sinh. Hai trái tim mang đi một tình yêu trong trắng. Dù chưa một ngày trở thành vợ chồng, nhưng người cùng thời với anh, chị và hậu sinh bây giờ đều cho rằng giữa Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân đã có một mái ấm hạnh phúc. Bởi quả ngọt của tình yêu ấy đã cổ vũ cho bao bạn trẻ, bao lớp người dám dấn thân, thà “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”, sẵn sàng góp xương máu mình xây nền Tổ quốc. Hơn nữa, hai nỗi nhớ được hóa thân thành một tình yêu cách mạng. Một tình yêu bất diệt, là tấm gương sáng đời đời ghi vào sử xanh. Nhiều vùng đất trên quê hương Việt Nam, trong đó có Lạng Sơn, quê hương Hoàng Văn Thụ; Hải Phòng, quê hương Hoàng Ngân được mang tên anh, chị. Những tên đường, tên phố, những di tích lịch sử và những công trình văn hóa ấy từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Để mỗi ngày, sải bước trên con đường ấy, lại thêm ghi tạc vào tâm khảm của mỗi người về những công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng tuổi xuân, hiến trọn thân mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc.

Một ngày đầu xuân, tham gia hành trình về nguồn, khởi hành từ đồi Pù Ngạm Ngà (nay là đồi Hoàng Ngân, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đến xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), thăm di tích mang tên Hoàng Văn Thụ, nghe thuyết trình viên du lịch giới thiệu thân thế, sự nghiệp của hai đảng viên Cộng sản, tôi như vẫn nghe rõ nhịp đập thổn thức của 2 trái tim yêu thương... Rồi lặng đi, để câu hát tình yêu ùa về “Ở hai đầu nỗi nhớ…”.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước