Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
09:44 (GMT +7)

Nuôi gà ở đảo chìm

VNTN - Làm nghề viết, tôi đã vinh dự được hai lần theo hải trình "mang Xuân đất liền ra với Trường Sa". Không thể nói kỷ niệm nào đối với tôi là đáng nhớ nhất. Bởi lẽ, mỗi người tôi gặp, mỗi cảnh tôi qua, mỗi việc tôi biết..., tất thảy đều ghi lại những ấn tượng vô cùng sâu đậm trong trái tim và tâm thức tôi. Một trong số đó là tiếng gà rộn rã báo sáng trong đêm biển động ở đảo Thuyền Chài.


Đêm biển động nghe gà báo sáng

Hôm ấy, tàu dừng trước đảo, cánh báo chí chúng tôi ai nấy chuẩn bị tư trang, nhanh chóng có mặt trên boong tàu để sẵn sàng làm nhiệm vụ thì nghe cậu Vĩnh Thành, phóng viên trẻ của báo Khánh Hòa thốt lên:

- Ủa, các anh chị ơi, cái chi kia mà lạ vậy?

Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn về phía đuôi tàu, nơi dải san hô Thuyền Chài chạy dài như một vệt sao băng màu ngọc bích nổi bật trên mặt biển xanh đen.

Theo tài liệu về biển đảo Việt Nam, đảo chìm Thuyền Chài là một rạn san hô thuộc cụm đảo An Bang của quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 08010'00'' Bắc, kinh độ 113018'00'' Đông, cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 87 hải lý về phía Đông Đông Nam. Đây là một trong những rạn san hô dài nhất ở quần đảo Trường Sa, chạy dài khoảng 17 hải lý theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Điểm đảo Thuyền Chài B vững vàng giữa sóng gió.

Thuyền Chài có hình dạng một chiếc thuyền đánh cá, hai đầu nhỏ, ở giữa phình to, nơi rộng nhất khoảng 3 hải lý, bên trong có một hồ dài khoảng 6 hải lý.

Dọc theo dải san hô ấy, có 3 điểm đảo đã được xây dựng khang trang với tên gọi Thuyền Chài A, Thuyền Chài B, Thuyền Chài C.

Thông thường, tại mỗi đảo, đoàn công tác chia một số ít phóng viên đi cùng, tác nghiệp trong vòng 1 giờ rồi trở lại tàu để không ảnh hưởng đến sinh hoạt và chiến đấu của đảo. Tôi cùng với Đoàn Lan Ngọc, phóng viên báo Lao Động xin đi Thuyền Chài B cùng xuồng chở hàng để chụp được ảnh bộ đội bốc dỡ hàng Tết.

Mặc mưa to gió lớn, 2 chị em xuống boong đợi từ sớm, chụp cảnh hạ xuồng, đưa hàng từ tàu xuống xuồng. Lại mất cả giờ đồng hồ ngồi xuồng dưới mưa bão, hai nữ phóng viên và đoàn công tác đều ướt nhẹp bởi mưa và sóng biển. Tuy nhiên, đã có kinh nghiệm, tư trang thiết bị đều gói kỹ trong túi bảo quản, gọn gàng hết sức có thể. Hầu như, mỗi chúng tôi chỉ mang theo máy ảnh, sổ ghi chép. Giữa mênh mông đại dương, đảo hiện lên thật thân thương và kiêu hãnh.

Tuy việc tác nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều vì thời tiết, nhưng trong rủi có may, chúng tôi vô cùng sung sướng khi bất ngờ được thông báo vì sóng quá lớn, đoàn không thể ra được tàu, sẽ nghỉ đêm tại đảo để ngày hôm sau tiếp tục đến thẳng điểm A.

Không bỏ lỡ dịp đặc biệt, chỉ huy đảo đã nhanh chóng triển khai cho cán bộ chiến sỹ đón Xuân sớm cùng đoàn công tác và các phóng viên.

Bữa cơm đón năm mới rất đầm ấm nhưng không kém phần thịnh soạn, anh em đãi đoàn những đặc sản quý nhất của Trường Sa như ngao tai tượng thái mỏng xào với măng hộp, ốc nhảy hấp, ruốc cá thu...

Đêm văn nghệ chào Xuân mới kéo dài với những tiết mục cây nhà lá vườn thật nhiều cảm xúc. Ấn tượng về đêm đảo chìm còn là gió mưa ràn rạt tạt vào các căn phòng, mặn chát vị biển, tiếng những cánh quạt gió năng lượng bền bỉ quay, nổi bật trong ánh sáng chan hòa của đèn năng lượng là bóng chiến sỹ nghiêm trang trong ca gác đêm, an nhiên giữa sóng gió khơi xa. Trong miên man suy nghĩ và cảm nhận về một đêm thức với đảo chìm, chúng tôi đã được nghe nao nức tiếng gà gọi sáng. Cái âm thanh vô cùng quen thuộc ấy càng thêm muôn phần thân thương, cất lên dõng dạc mặc tiếng sóng đang cuồng nộ ầm ầm dội vào thềm đảo.

Xôn xao giai điệu quê nhà

Trường Sa với màu xanh bất khuất và tiếng gà mang đậm nét làng quê luôn là đề tài hấp dẫn của báo chí, văn chương. Tuy nhiên, những hình ảnh đó mặc định là thuộc về các đảo nổi, nơi dù thiên nhiên khắc nghiệt đến mấy nhưng vẫn còn có những khu dân cư khang trang, những giàn mướp hoa vàng rực rỡ, những hàng dừa, hàng cây phong ba tỏa bóng râm mát trên nền cát san hô. Nuôi được gà ở các đảo nổi đã là kỳ tích của Trường Sa.

Khó có thể nói hết về điều kiện khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa nói chung và tại các đảo chìm nói riêng. Đảo nổi, còn có nước lợ để tắm rửa thường xuyên, có đất đai, có cây cối, có không gian để luyện tập, thư giãn. Trong khi đó, đảo chìm với không gian vô cùng chật hẹp, không có đất, không có nguồn nước ngọt. Thế nhưng, các đảo chìm cũng khắc phục khó khăn để sản xuất tăng gia với kết quả đáng ghi nhận.

Sân nuôi gà vịt tại đảo Thuyền Chài B

Đảo Thuyền Chài B hàng năm thu được khoảng gần một tấn rau xanh, vài tạ thịt chó, đánh bắt trên dưới nửa tấn cá phục vụ bữa ăn cho bộ đội. Từ vài năm nay đảo nuôi được gà vịt, số liệu cụ thể trong báo cáo bằng văn bản là đảo hiện có 12 con gà, ngan, vịt. Gà đẻ đều, ngan vịt lớn nhanh, gà mẹ ấp tốt.

Nhớ lúc gặp lãnh đạo đoàn công tác, tôi đặt vấn đề viết về gương chiến sỹ khéo tay hay làm thì các đồng chí hứa giới thiệu cho một cậu "giai tân giỏi chăm bà đẻ", tức là một chiến sỹ có nhiều thành tích trong chăn nuôi gà, vịt. Lúc đó tôi đã rất thất vọng, vì những muốn tìm một đồng chí có "hoa tay", vẽ báo tường đẹp, làm hoa ốc biển hoặc đồ mỹ nghệ...

Đến đảo chìm, tôi hết sức khâm phục sự kỳ công của các chiến sỹ hải quân để tạo ra những vườn treo rau xanh mơn mởn, những đàn gà đông đúc sinh sôi. Tiếng gà báo một ngày mới ở đảo chìm trong đêm biển động dữ dội không chỉ là thành quả đáng tự hào của đảo Thuyền Chài mà còn là minh chứng cụ thể về sức sống mãnh liệt, tinh thần bất khuất giữa gian nan sóng gió.

Chỉ huy trưởng Trần Minh Văn, sinh năm 1985, quê Tứ Kỳ, Hải Dương là một trong những "đảo trưởng" trẻ tuổi nhất của quần đảo. Vẫn mang nhiều nét thư sinh, đảo trưởng Văn cho biết:

- Ở đảo chìm, điều kiện vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao của cán bộ chiến sỹ rất hạn chế. Thường thì "khi vui ngắm mây, khi buồn đếm sóng", nên hoạt động tăng gia sản xuất, chăn nuôi ngoài cải thiện vật chất thì có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần. Với diện tích hạn chế của đảo, Chỉ huy đảo phải tính toán, cân nhắc rất kỹ vị trí đặt chuồng nuôi nhốt, số lượng gà, vịt sao cho khoa học, hợp lý, đảm bảo vệ sinh và kỹ thuật. Nói chung, cán bộ chiến sỹ đều trẻ khỏe, nhiệt huyết, yêu đời, yêu động vật nên ai cũng thích chăn nuôi gà vịt.

Ban đầu, con giống thường được bộ đội mang từ đất liền ra trong các chuyến công tác, tuy nhiên, tỷ lệ sống rất ít do không chịu được không khí mặn. Sau đó, đảo xin giống từ các đảo nổi và tự cho ấp nở tại chỗ để gà vịt quen với môi trường. Nét đặc biệt trong chăn nuôi ở đảo chìm là chuồng trại mang tính cơ động cao, sẵn sàng di chuyển bất cứ lúc nào để tránh sóng, tránh bão, bảo đảm kín để ngăn nước biển nhưng vẫn phải thoáng mát.

Nhiều sáng chế trong chăn nuôi được sử dụng rất hiệu quả trong điều kiện đảo chìm, như việc ấp trứng bằng... tủ lạnh, chế thuốc từ gừng, tỏi để chữa bệnh cho gà vịt. Thương gà vịt phải chịu thời tiết quá ư khắc nghiệt, thiệt thòi vì không có rau xanh, cán bộ chiến sỹ thường xuyên băm nhỏ cá tươi đánh bắt được để "bồi dưỡng" vật nuôi và dành phần rau ít ỏi trong bữa ăn hàng ngày để chăm sóc chúng.

Tất cả các đảo, điểm đảo của Trường Sa đều đã nuôi được gà, vịt. Một số nơi còn nuôi cả gà chọi, gà tre làm cảnh. Xuân 2016, một doanh nghiệp ở Bắc Giang cũng gửi tặng 10 đôi gà 9 cựa mang ra nhân giống tại các đảo.

Chuồng gà vừa kiên cố, vừa cơ động tại đảo Thuyền Chài

Đặc biệt, trong hành trình "mang mùa Xuân đất liền ra Trường Sa" nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã gửi tặng 2 tấn thức ăn chăn nuôi, 12.000 liều vắc xin và thuốc kháng sinh. Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên đã tặng 10 tấn thóc để cấp cho các đảo chìm như: Thuyền Chài, Đá Tây, Núi Le, Cô Lin, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ phát triển chăn nuôi gia cầm ngay trên đảo.

Chỉ mới vài năm trước đây, ngay cả những người có thâm niên công tác biển đảo rất ngạc nhiên khi thấy vịt, gà kiếm ăn quanh đảo chìm, thậm chí lội xuống nước thì nay, điều này đã trở nên quá quen thuộc. Được chăm sóc bằng cả tình thương yêu, đàn gia cầm đã nhanh chóng thích nghi với môi trường khắc nghiệt để sinh tồn và sinh sôi.

Lanh lảnh tiếng gà trống gọi bình minh. Hân hoan tiếng gà mái loan báo vừa đặt trên ổ một quả trứng hồng. Liếp chiếp tiếng gà con theo mẹ tìm mồi ngay chân vọng gác. Đó không chỉ là giai điệu tự hào của làng quê Việt nơi đầu sóng ngọn gió. Đó còn là minh chứng mãnh liệt về một Trường Sa bình yên, một Trường Sa bất khuất.

Lưu Thị Bạch Liễu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy