Nuôi dưỡng, lan tỏa những cảm xúc đẹp tươi
Được chan hòa trong bầu không khí của tình thân ái sẻ chia, được làm giàu có thêm lên đời sống tâm hồn và tri thức văn chương nghệ thuật, được khơi gợi mạnh mẽ hơn những nguồn cảm hứng sáng tạo… Đó là những điều các trại viên “thu hoạch” được sau 10 ngày (từ 15 đến 24/8/2020) tham gia Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2020 (Trại sáng tác) - chương trình dành cho những tác giả có niềm yêu thích văn học thanh thiếu nhi, được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức.
Một chương trình giàu tâm sức
Điểm mới đầu tiên và thú vị của Trại sáng tác năm nay là đối tượng tham gia. Với mong muốn kết nối hai thế hệ - thanh thiếu nhi và những người lớn viết về thanh thiếu nhi - để tạo nên sự gắn kết, thấu hiểu nhau hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sáng tác, cho nên trại viên Trại sáng tác bao gồm cả 2 thành phần trên. Như vậy, vấn đề đặt ra với Ban tổ chức (BTC) là thiết kế một chương trình hoạt động đảm bảo được sự phù hợp, hài hòa, hiệu quả cho cả “người lớn” và “trẻ em”.
Với hoạt động học tập tại chỗ - thu nhận kiến thức, các trại viên đã trải qua 3 ngày thực sự bổ ích. Tại đây, các trại viên được gặp gỡ, giao lưu, lắng nghe nhà văn Phong Điệp, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, trao đổi, giải đáp các vấn đề về văn chương nghệ thuật nói chung và văn học thanh thiếu nhi nói riêng.
Bằng kinh nghiệm của một người sáng tác đã thành danh và nhiều kinh nghiệm, nhất là về văn học thiếu nhi, qua hình thức góp ý trực tiếp trên từng bản thảo tác phẩm của trại viên, nhà văn Phong Điệp đã cung cấp cho người tham gia những kiến thức, kỹ năng rất căn bản về văn học thiếu nhi. Ở đó, một số vấn đề như cách hóa thân vào nhân vật, cách phát huy mạnh mẽ trí tưởng tượng của bản thân, cách khắc ghi dấu ấn cá nhân qua từng trang viết, việc am hiểu và xác định được được đối tượng và lứa tuổi mình định viết… được nhà văn nhấn mạnh và chia sẻ khá chi tiết, cụ thể.
Trong một không khí sôi động khác, ở ngày làm việc với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, các trại viên được đến gần hơn với các kỹ năng điển hình của công việc viết lách qua phần thực hành làm các dạng bài tập về sáng tạo văn chương. Qua đó, các trại viên học được cách tự định nghĩa về một đối tượng, một trạng thái… nào đó bằng chính cảm xúc, suy nghĩ của mình; cách xây dựng, hình thành một cốt truyện thông qua việc đặt ra và tìm câu trả lời cho hàng loạt các câu hỏi xung quanh một sự việc, hiện tượng nào đó. Trại viên cũng được giới thiệu những cuốn sách hay cùng các kỹ năng đọc sách cần thiết.
Những điều có được sau 2 ngày học tập đầu tiên như được củng cố và làm đầy sâu thêm khi các trại viên được lắng nghe những câu chuyện vô cùng quý giá và tràn đầy cảm xúc về đời sống, văn chương, con người… từ nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Hãy bắt đầu bằng cách kể chân thực câu chuyện của chính mình; hãy kể những câu chuyện tốt đẹp nhất cho thế gian này; thơ ca ở ngay dưới chân mỗi chúng ta, hãy cúi xuống và nhặt lấy… Đó là những mệnh đề được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặc biệt quan tâm và lý giải. Những điều đó như tỏa ra cho tất cả những ai được nghemột niềm cảm hứng tuyệt vời và một tình yêu mạnh mẽ đối với văn chương.
Kết thúc 3 ngày học tập tại chỗ, trại viên được đi thực tế sáng tác. Với mục đích làm giàu có hơn nguồn cảm xúc với thiên nhiên tươi đẹp, tìm hiểu thêm về văn hóa, về đời sống con người, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương… nên điểm đến của đoàn là một số địa danh, di tích thuộc 2 huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên là Phú Lương (Đền Đuổm, hợp tác xã chè Khe Cốc, Thung lũng Tình yêu) và Định Hóa (một số điểm di tích thuộc ATK Định Hóa).
Hẳn các trại viên không thể quên đêm “chung khảo” Cuộc thi “Bộ sưu tập của chúng tôi”tại Thung Lũng Tình yêu. Theo thể lệ, từ trước đócác trại viên đãcùng nhau sưu tầm các loại thực vật, côn trùng tại các điểm đến và xây dựng một câu chuyện văn chương về chính bộ tập của mình. Ý tưởng tổ chức cuộc thi xuất phát từ mong muốn làm phong phú hơn vốn hiểu biết và tình yêu thiên nhiên với mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Hơn thế, BTC cũng mong muốn, những gì các bạn sưu tập được - những chiếc lá nhành cây con vật, chúng sẽ trở thành những “người bạn” để làm giàu có hơn đời sống tâm hồn mỗi người, và xa hơn có thể trở thành những “nhân vật” đi vào các tác phẩm tương lai. 3 đội thi (với đầy đủ cả thành phần là người lớn tuổi và thanh thiếu nhi) đã giúp các trại viên có cơ hội làm việc nhóm, tương tác, chia sẻ, hiểu nhau hơn. Kết quả thật ấn tượng khi đã có hơn 100 loại côn trùng, thực vật được sưu tập. Gần như ngay lập tức, 3 câu chuyện thú vị được hình thành. Đội có câu chuyện hay nhất được trao một phần thưởng rất đặc biệt - một bộ sách hay mà BTC đã chu đáo lựa chọn. Và tiếng đàn, tiếng nhạc, giọng thơ, giọng ca vang lên giữa núi rừng hùng vĩ, bên những mái nhà sàn, dòng suối xanh mát lượn quanh…
Ở ngày thực tế thứ hai, đoàn đã có một chuyến về nguồn thật ý nghĩa khi đến thăm các địa điểm được lựa chọn và chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu từ BTC và BQL Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, đó là: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Lán Tỉn Keo, Đồi Phong tướng, Đồi Khau Tý.
ATK Định Hóa, vùng đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, trung tâm của Thủ đô kháng chiến. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ở và làm việc trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp. Lán Tỉn Keo - nơi Bác Hồ, Bộ Chính trị đã họp bàn, ra nhiều quyết định quan trọng, mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đồi Phong tướng - nơi Bác chủ trì Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; Đồi Khau Tý - nơi Bác ở và sáng tác bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng cùng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” bất hủ…
Hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương này đã giúp các trại viên hiểu hơn về vùng đất Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng, từ đó khơi dậy mạnh mẽ hơn trong mỗi người niềm tự hào về quê hương, đất nước.
Sau những ngày được học tập, trải nghiệm thực tế và tự dành thời gian sáng tác, các trại viên đã ngồi lại cùng nhau trong ngày tổng kết với nhiều điều lắng đọng. Tại đây, các tác giả đã chia sẻ những cảm xúc dự trại, đọc cho nhau nghe những tác phẩm mới của mình, và cùng nhau đón nhận một “món quà” nữa của BTC, đó là cuộc tọa đàm văn học, với chủ đề “Khám phá những điều người viết trẻ quan tâm”. Nhờ vậy, không chỉ được lắng nghe, được đặt câu hỏi, được trải nghiệm thực tế, mà Trại sáng tác còn đem đến cho người viết cơ hội được tự mình bày tỏ, cất lên tiếng nói. Các tác giả đã rất cởi mở, thẳng thắn nói về chính những điều mình đang quan tâm, trăn trở, lo lắng; cách thể hiện những điều mình quan tâm qua trang viết; những dự định, kế hoạch trên hành trình văn chương phía trước của mình. Những điều này cũng đã nhận được sự lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ nhiệt thành của những trại viên lớn tuổi.
Như vậy có thể thấy, chương trình của Trại được thiết kế rất sinh động và chất lượng, thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo từ phía người tổ chức. Đó là sự phong phú về hoạt động, sự bổ ích về nội dung, và cái khó nhất, đó là sự hài hòa giữa nhu cầu của các đối tượng tham gia. Có thể nói, với chương trình này, BTC đã đạt được những mục đích đặt ra, mà quan trọng nhất, dường như ở đó “người lớn được là trẻ con, và trẻ con được là chính mình”.
Những niềm hy vọng phía trước
Chia sẻ cảm xúc của mình sau khi tham dự Trại sáng tác, một đại diện của phía người lớn là trại viên Minh Hằng (hội viên chi hội Văn xuôi - Hội VHNT tỉnh) phấn khởi: “Cảm giác háo hức của tôi có từ ngày mở trại đến ngày kết trại. Các hoạt động trong thời gian dự trại không chỉ lấp đầy những lỗ hổng hiểu biết về sáng tác văn học cho thanh thiếu niên của tôi mà còn tiếp thêm cảm hứng, năng lượng để tôi tiếp tục cầm bút”.
Đó là những cảm nhận của một tác giả lớn tuổi, còn các bạn viết trẻ thì sao? Minh Phương (học sinh trường THPT Gang Thép, TP. Thái Nguyên), một đại diện của phía trẻ em tâm sự: “Trước tiên cho em gửi lời cảm ơn đến BTC Trại sáng tác. Vốn là một người nhút nhát, những ngày đầu tiên tham gia em còn rất nhiều bỡ ngỡ và vụng về. Nhưng nhờ sự quan tâm của BTC, sự hòa đồng, nhiệt tình của các trại viên khiến em cởi mở hơn rất nhiều. Trong thời đại công nghệ như hiện nay thì các chuyến đi, những cuộc gặp là hết sức ý nghĩa đối với thế hệ trẻ như chúng em, điều đó đã góp trong nhật ký trưởng thành của em thêm phong phú và trọn vẹn. Em hoàn thiện hơn từ trang viết đến bản thân và bắt đầu nghiêm túc hơn trong suy nghĩ về việc sáng tác và tình yêu với văn chương. Em xin gửi lại một lời hứa, một lời hứa về sự cố gắng của chính mình trong tương lai. Một lời nữa cho em gửi lời cảm ơn rất nhiều đến BTC và toàn thể các trại viên!”.
Phát biểu tại buổi tổng kết, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên bày tỏ niềm vui, sự cảm kích khi tất cả đã cùng nhau ghi được những dấu ấn trong từng thời khắc trôi qua, từng ngày trôi qua, để làm nên một hoạt động đầy ấm áp, hạnh phúc, vang vọng trong mỗi người với những tình cảm đẹp về nhau và cảm xúc tươi mới về cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh gửi gắm lời nhắn nhủ: “Mong các bạn trẻ biết yêu quý tuổi thơ, yêu quý những gì mình đang có, mang những điều thiện lương nhất để sống một cách hào hứng nhất. Có thể trở thành nhà văn hay không - không quan trọng. Quan trọng là chúng ta sẽ sống thật tốt, thật đẹp, thật nhiều cảm xúc”.
Trước khi kết lại bài viết này, xin được trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc niềm hy vọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những dòng cảm xúc được ông yêu quý dành tặng Trại sáng tác trên trang Facebook cá nhân, ngay sau khi tham dự chương trình:
“Trong lúc đời sống ngập tràn những thách thức, phiền muộn và đôi khi tuyệt vọng về con người thì tôi được trò chuyện với những người viết trẻ của Thái Nguyên.
Tôi nhận được từ họ sự trong sáng, lòng nhân ái và những giấc mơ đẹp. Tràn ngập trong những trang viết của họ mà tôi được đọc là sự chia sẻ với những thân phận, là niềm cảm thông và tình yêu con người. Đó là điều hệ trọng nhất và là nền tảng bền vững nhất cho mọi sự sáng tạo. Trái tim nhân ái và khát vọng là chỉ huy trưởng cho mọi cung bậc của những hành vi nhân tính. Để làm bất cứ điều gì tốt đẹp, bất cứ công việc gì tốt đẹp thì điều đầu tiên và mãi mãi phải biết làm một người tử tế. Họ đã mang tới cho tôi niềm hy vọng về một mùa người trên mảnh đất này”.
Những ánh mắt, những câu chuyện, những bản thảo mà các trại viên chăm chút gửi lại trong dịp này cho chúng ta niềm tin rằng, chúng ta sẽ cùng nhau ứng xử cho thật xứng đáng với với niềm hy vọng vô cùng tốt đẹp ấy của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!
Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...