Nước mắt tiến sĩ
LTS: Sau khi đăng bài phóng sự dự thi “Không khóc ở Đài Loan” của tác giả Nguyễn Nhật Huy trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên số 10, đã có nhiều phản hồi từ phía độc giả, là những thông cảm, sẻ chia đồng thời cũng là những mong muốn hiểu thêm về đời sống của những người Việt đang sống và học tập tại đất nước Đài Loan. Đáp ứng nhu cầu thông tin của một bộ phận độc giả, VNTN tiếp tục đăng tải bài viết thứ hai của Nguyễn Nhật Huy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tiến sĩ nước ngoài là ước ao của nhiều người. Có một tấm bằng danh giá, giỏi ngoại ngữ, về nước có một công việc thu nhập tốt, được nhiều người nể trọng. Đó là một bức tranh rất đẹp về nghề nghiên cứu nhưng chẳng có con đường nào là bằng phẳng cả. Để lấy được cái bằng tiến sĩ thực sự tất cả những du học sinh đều phải đánh đổi rất nhiều. Đấy là những người may mắn lấy được bằng. Còn một số đôi khi bằng không lấy được, mà mọi sự lại thành dở dang.
1.
Gia đình tôi cũng chưa hề có ai đi học nước ngoài nên tôi chỉ có một niềm tin là cứ lao vào học và nghiên cứu rồi sẽ thành công. Nhưng con đường của tôi và khá nhiều bạn học ở Đài Loan đều gập ghềnh và nhiều ngã rẽ.
Trong giờ thực hành tiếng Trung
Về cơ bản, các sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài đều rất chăm chỉ chịu khó. Bản thân tôi cũng luôn nghĩ là nếu mình cố gấp mười lần người khác thì mình sẽ về đích nhanh nhưng tôi đã quá nhầm. Khi bước ra nước ngoài, đủ thứ sốc sẽ xảy ra và bạn cần một thời gian dài để thích nghi. Đầu tiên là sốc về ngôn ngữ. Nhất là với những người nghĩ rằng đi học ở Đài Loan chỉ cần tiếng Anh là đủ. Thực tế, tiếng Anh ở Đài Loan chỉ là bổ trợ còn tiếng Trung mới là thứ tiếng thiết yếu mà người dân dùng trong cuộc sống hàng ngày. Có những khi ra đường, tôi phải dùng tất cả ngôn ngữ hình thể để diễn tả hay rơi vào những tình huống khó xử chỉ vì không hiểu người ta nói và viết cái gì. Và ngay cả khi được học bằng tiếng Anh thì nó vẫn là thử thách cho rất nhiều học sinh Việt Nam. Đặc biệt là khi vào học chuyên ngành đa phần ai cũng ù ù cạc cạc không hiểu giáo sư đang nói gì.
Một suất cơm sinh viên ở Đài Loan thường không đủ no
Thứ hai là về đồ ăn. Tuy cùng là những nước Á Đông nhưng đa phần các du học sinh cần một thời gian dài để làm quen với đồ ăn của Đài Loan bởi đa phần các món ăn khá nhiều dầu và hầu hết các món chính đều là đồ chiên rán. Cứ mỗi kì học mới bắt đầu, đội du học sinh cũ chúng tôi lại đón tiếp các sinh viên mới bằng cách dẫn đi ăn “cơm chó”. Gọi đùa là “cơm chó” vì nó khó ăn lắm nhưng được cái rẻ. Một bát chỉ tầm 20 đến 30 nghìn tiền Việt. Về bản chất nó gần như cơm chan mỡ cùng một quả trứng kho. Anh em sinh viên cũ sẽ ngồi xem sinh viên mới ăn được hết bát không. Ai ăn được hết thì được xem là có khả năng ra trường vì có khả năng chịu đựng tốt. Còn ai mà không ăn nổi thì chúng tôi xem như có nguy cơ bỏ học. Cơm toàn mỡ nên nóng bụng lắm. Có khi cơm không tiêu được phải nằm thao thức cả đêm.
Nhưng những cú sốc đấy sẽ sớm qua để thay vào là nỗi lo về kinh tế vì đa phần du học sinh đi Đài chỉ nhận được số tiền học bổng ít ỏi từ giáo sư và nhà trường để duy trì kinh tế. Số tiền học bổng này sẽ được xét lại theo từng kì tùy theo học lực của học sinh. Với những học sinh nào không nghiên cứu kĩ điều kiện học bổng, không tự xem xét khả năng hay có sự chuẩn bị kỹ thì những ngày tháng du học sẽ không khác gì cực hình vì áp lực bủa vây.
2.
Nhưng ăn uống, hay văn hóa so với việc học khó, nghiên cứu khó chỉ là chuyện vặt. Việc bế tắc trong nghiên cứu do đi sai hướng, đề tài không đủ dữ liệu, hay không hợp với giáo sư kinh khủng hơn rất nhiều. Nó gây ra những căn bệnh gọi là trầm cảm tiến sĩ. Bản thân tôi khi bảo vệ đề cương lần thứ hai không qua tôi đã nhiều đêm không ngủ được. Rất nhiều cảm xúc tiêu cực, dằn vặt, hối hận, sợ hãi xuất hiện trong đầu. H, một nghiên cứu sinh ngành dược, tâm sự với tôi rằng: Khi H bị giáo sư đuổi khỏi phòng thí nghiệm, mười đêm liền H không ngủ. Lúc đấy H đã nghĩ đến cái chết. Và nếu bạn bè không kịp giữ lại thì giờ H đã không còn nữa rồi.
Một góc ký túc xá tại Đài Loan
Tùng là một cựu du học sinh ở Nga, sau khi tốt nghiệp đại học Tùng sang Đài Loan để học thạc sĩ ngành kĩ thuật. Tùng gày guộc, nước da xanh bủng vì ăn rau suốt ngày nên chúng tôi gọi là “Tùng ma”. Giáo sư của Tùng chỉ cấp cho Tùng một số tiền không bằng lương cơ bản ở Việt Nam nhưng lại đòi Tùng ba bài báo để tốt nghiệp thạc sĩ (trong khi tiến sĩ chỉ cần hai bài để tốt nghiệp). Vì thế, Tùng vừa phải cày ngày cày đêm để ra trường vừa phải làm thêm để có tiền sống. Bữa tối của Tùng thường là một hộp rau bắp cải sống và ba bốn quả cà chua bi ở cửa hàng tiện lợi. Có đêm, chỉ thấy Tùng đi lang thang trong sân kí túc xá dưới những gốc cây cổ thụ. Một số sinh viên người Đài bảo trường này nhiều sinh viên tự tử lắm. Căn phòng nào có cửa sơn màu đen là trước kia có người tử tử ở đó. Thế nhưng Tùng đã vượt qua. Sau bốn năm rưỡi Tùng đã lấy được bằng thạc sĩ bằng thời gian nhiều người lấy được bằng tiến sĩ. Nhưng không phải ai cũng có kết thúc tốt đẹp như Tùng. Bên cạnh những người lấy được bằng, tìm được công việc tốt với lương cao thì cũng có những người kết thúc hành trình bằng sự dở dang.
Để được đi du học đa số mọi người đều phải cố gắng rất nhiều. Họ phải hy sinh tiền bạc, thời gian để có thể có tấm visa đi nước ngoài. Sau đó họ lại miệt mài nhiều năm với hy vọng có được tấm bằng danh giá để tìm được công việc như ý. Nhưng số phận luôn có nhiều ngã rẽ. T - một nghiên cứu sinh ngành kĩ thuật, đã sống năm năm ở Đài Loan. Ở lâu đến mức giỏi cả tiếng Trung rồi vẫn không tốt nghiệp được vì giáo sư ra ngoài kinh doanh bỏ lại một mình T làm thí nghiệm ở lab. Cuối cùng T cũng bỏ dở giấc mơ tiến sĩ của mình để đi tìm một công việc khác.
3.
T.A - một giảng viên đại học ở Việt Nam đã bỏ lại vợ và con nhỏ ở nhà với giấc mơ học hành của mình. Sau sáu năm ở Đài Loan vì hướng nghiên cứu không khả thi anh đã dừng lại việc học tập. Đây là điều khá nhiều sinh viên gặp phải nếu không có sự định hướng nghiên cứu tốt. Thậm chí ngay cả khi có sự định hướng tốt nhưng đen đủi vẫn có thể thất bại như phòng thí nghiệm không đủ máy móc để nghiên cứu, dự án bị dừng hay giáo sư mặc kệ. Vậy là sau sáu năm T.A không còn gì cả, khi vợ con thì bỏ đi, không lấy được bằng về thì coi như cũng mất việc.
Tôi ngồi với T.A trong một buổi chiều ở Việt Nam sau khi anh đã bỏ học ở Đài Loan. Anh kể: Về nhà, anh trắng tay. Gia đình coi anh như một sự thất bại. Ngày anh đi họ hàng, gia đình chúc tụng bao nhiêu thì ngày anh trở về cay đắng bấy nhiêu. Muốn tìm một công việc để làm thì sức khỏe không có, kĩ năng không có vì bấy nhiều năm chỉ biết học và nghiên cứu. Bố mẹ thấy con cái bất ổn càng làm anh áp lực.
4.
Vất vả nhất là những sinh viên bị thôi học trong bệnh dịch Covid. Lúc ấy khi vừa bị giáo sư đuổi khỏi phòng nghiên cứu, vừa mắc kẹt không về được, theo như tôi biết thì một số sinh viên gần như chết đói. Th, một sinh viên ngành môi trường, sau ba năm nghiên cứu nhưng không ra được kết quả đã phải rời phòng nghiên cứu. Đúng thời điểm ấy, các quốc gia lại phong tỏa vì bệnh dịch. Giáo sư không cấp tiền, nhà thì không về được, việc làm trong dịch cũng không có đã khiến Th có một giai đoan khốn khó. Đi làm tay chân thì không công ty hay nhà hàng nào nhận kiểu người bé nhỏ như Th. Một thời gian dài ngày Th chỉ dám ăn có một bữa cơm rồi nằm ngủ cho qua cơn đói.
Bản thân tôi cũng từng nếm trải cảm giác khổn khổ trong bệnh dịch. Ở nơi đất khách quê người không biết bám víu vào đâu, không việc làm, không tiền, nghiên cứu bế tắc thì thật sự ám ảnh. Nhiều khi cũng tự trách mình sao lại đi chọn con đường này. Rồi cảm giác sợ thất bại, sợ trở về với tay trắng, hay sợ mọi người đánh giá. Những cảm xúc tiêu cực ấy cứ từng ngày hút cạn sức lực của tôi.
Một năm sau dịch, nghiên cứu của tôi cũng có tiến triển, tôi gặp lại Th, anh bạn suýt chết đói bên trên, Th cũng tìm được một giáo sư mới. Hai anh em ngậm ngùi rằng may mà mình vẫn còn sống. Th khóc bảo: đời em sẽ không bao giờ chịu đói nữa anh ạ.
Tác giả (giữa) và bạn học thảo luận về một đề tài
Những câu chuyện của tôi, của H, của T.A hay của Th có lẽ cũng chỉ là một số ít trong rất nhiều điều chưa biết về nghề học tiến sĩ. Tôi không nghĩ ai trong chúng tôi là lười hay kém cỏi cả. Người đã bước chân đến một xứ sở xa lạ để học hành sinh sống, ít nhiều ai cũng có bản lĩnh của mình nhưng cuộc đời đôi khi thuận lợi, đôi khi trắc trở. Với du học sinh nước ngoài, cái khổ sở có khi không phải những gập ghềnh của đường đời mà đôi khi là cái kì vọng quá lớn của bản thân và gia đình. Họ bước qua cánh cửa máy bay là sau lưng không còn ai để nhìn lại nữa. Nước mắt thì tự mình chịu.
Nguyễn Nhật Huy
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...