Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
11:43 (GMT +7)

“Nước mắt” Nặm Păm và công cuộc tái thiết cuộc sống sau lũ

VNTN - Cơn lũ lịch sử ngày 3/8 vừa qua đã khiến bà con xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La phải hứng chịu quá nhiều mất mát, đau khổ. Họ vẫn đang từng ngày cố gắng gượng dậy, gồng mình đương đầu với muôn vàn khó khăn. Với sự nỗ lực của nhân dân, chính quyền địa phương và sự chung tay của cộng đồng khắp cả nước hy vọng rằng cuộc sống tại đây sẽ sớm được “hồi sinh”.


Hành trình vào “rốn” lũ

Ngày 25/8, tôi cùng với đoàn thiện nguyện Áo đỏ, mang theo hơn 122 triệu đồng do 48 nhà hảo tâm trên cả nước và một phần nhỏ do tập thể cán bộ, viên chức Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đến với bà con vùng lũ. Đoàn có 9 người chủ yếu là các chị em đến từ Sài Gòn, Bình Định, Gia Lai, Hà Nội. Xuất phát tại Hà Nội lúc 9h tối, sau gần một ngày di chuyển liên tục bằng xe khách, xe bus và cả đi bộ, băng qua những cung đường ngoằn ngoèo, đèo dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến thị trấn Ít Ong, trung tâm huyện Mường La lúc 9h sáng hôm sau. Không có thời gian nghỉ ngơi, ai nấy đều thấm mệt nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần. Lúc này, chúng tôi chỉ mong sao được gặp bà con sớm nhất, tận tay trao những món quà nhỏ bé để người dân nơi đây cảm nhận được hơi ấm tình người, có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn trước mắt.

Theo lời kể của người dân tại thị trấn Ít Ong, trận lũ tại Nặm Păm đã làm sạt lở đường, đất đá ngổn ngang khắp nơi nên việc đi lại vô cùng khó khăn, xe ô tô gầm cao và máy khỏe mới “bò” vào trong được. Huyện đã bố trí cho chúng tôi đi cùng một chiếc xe bán tải của công ty xây dựng đang thi công trong đó. Một số ngồi nép vào nhau ở phía trước, khỏe hơn thì ngồi ở thùng chở hàng phía sau. Từ Ít Ong đến Ủy ban xã Nặm Păm chỉ 7km nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ ngồi mới đến nơi. Chiếc xe liên tục chao đảo, ì ạch và rú ga vượt qua con đường ngổn ngang đá, đất bùn. Thi thoảng xe ôtô lịm đi và chết máy bởi phía trước đường có đoạn hiểm trở… chúng tôi lại phải xuống xe để đi bộ.

Nặm Păm cứ thế hiện dần ra trước mắt. Đã gần 1 tháng cơn lũ dữ đi qua, nhưng khung cảnh hoang tàn, thê lương vẫn bao trùm cả một vùng rộng lớn. Nơi đây đã từng là những bản làng trù phú với những thửa ruộng xanh ngát, vậy mà giờ khắp nơi chỉ toàn là đất đá, cây cối, cột điện ngổn ngang. Dọc hai bên đường còn xót lại một vài ngôi nhà đã bị dòng nước cuốn phăng gần hết nhưng chưa bị sập hẳn, chỉ còn lại một phần cột nhà, nhà vệ sinh... Bà con vẫn đang nhặt nhạnh trong đống đổ nát những khúc gỗ, những kèo, cột bị nước cuốn gẫy, nằm lẫn vào đá, bùn và cát cùng với gỗ mục. Trên các bãi đá lởm chởm là những khung nhôm, sắt đã bị biến dạng, đó là những bộ phận còn sót lại từ những tivi, xe đạp, xe máy của bà con bị lũ phá hủy. Phía xa, dưới lòng suối Nặm Păm, một số phụ nữ địu con trên lưng cùng với ít đồ cứu trợ vừa nhận được, chẳng ai buồn nói với nhau câu gì, chỉ lầm lũi gắng vượt suối để trở về lán tạm tại vùng cao hơn. Con suối Nặm Păm nước vẫn chảy xiết, đục ngầu, khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Tận mắt chứng kiến những gì mà thiên tai đã gây ra, cảm giác của tất cả mọi người đều là xót xa vô bờ…

 

Cả một khu dân cư trù phú giờ thành bãi đất đá ngổn ngang củi, gỗ, bùn…

Đau đớn bao giờ nguôi?

Anh Cà Văn Quân (bản Hốc), bần thần ngồi trước nền nhà cũ của mình: “Chưa bao giờ thấy nước đổ lớn như thế. Trước đây, dù có mưa to, thì nó cũng chảy xiết thôi, chứ không ào ào đổ như đêm ấy. Nửa đêm, đang ở trong nhà, thấy mọi người xung quanh hô hoán, cả nhà tôi 6 người chẳng còn nghĩ được gì nữa chỉ biết bỏ lại tất cả chạy thẳng lên trên triền núi. Người lớn ôm trẻ nhỏ, chạy được một đoạn thì nghe thấy một tiếng nổ bùm đinh tai nhức óc, rồi tất cả đổ sụp xuống và bị nước cuốn trôi hết. Nơi đây là xóm bản, nhà và ruộng nương đang trồng hoa màu, lúa. Nay thì tất cả chỉ còn toàn đá”.

Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản mất đi có thể kiếm lại được nhưng nỗi đau mất đi người thân thì sẽ thật khó nguôi ngoai và mãi mãi không có gì có thể bù đắp được.

Trao đổi với ông Lò Văn Cẩn - Chủ tịch UBND xã Nặm Păm, chúng tôi được biết: trận lũ đầu tháng 8/2017 xã có 7 người bị chết và 2 người mất tích rất thương tâm, trong đó có trường hợp anh Lò Văn Cu (bản Huổi Hốc) có mẹ vợ và vợ đã bị lũ cuốn trôi. Vì đau buồn, những ngày qua anh Cu đi lang thang quanh Nặm Păm, có lúc bỏ ăn uống. Hay anh Cà Văn Hưởng (bản Hốc) đã đưa vợ, con nhỏ đến nơi an toàn. Nhưng vì muốn di chuyển một số tài sản trong nhà, anh quay lại thì nước lũ dâng quá nhanh, khiến anh Hưởng không kịp thoát ra ngoài và thiệt mạng.

Thỉnh thoảng, quanh trụ sở UBND xã Nặm Păm, mọi người lại bắt gặp cháu Lò Văn Hóa (8 tuổi) ở bản Huổi Hốc, hoàn cảnh của cháu khiến mọi người không khỏi ngậm ngùi. Cháu Hóa là con trai anh Lò Văn Kíu đã qua đời trong trận lũ vừa qua. Mồ côi cha, mẹ lại đau ốm thường xuyên, tương lai của cháu sau này không biết sẽ ra sao. Quần áo nhem nhuốc, đầu vẫn cuốn khăn tang, Hóa vẫn vô tư vui đùa cùng lũ bạn. Đôi mắt cháu vẫn trong veo. Cháu còn nhỏ quá nên chưa ý thức hết nỗi đau thương tột cùng này.

Thương xót hơn cả là trường hợp của anh Cà Văn Uẩn (30 tuổi, bản Huổi Liếng). Hiện anh Uẩn ở trong lán tạm vừa được dựng lên trên nền nhà cũ, ngoài những đồ dùng sơ sài được cứu trợ thì còn có... 3 bát hương thờ vợ và 2 đứa con vừa bị cơn lũ quái ác vừa qua cướp đi. Con trai lớn của anh năm nay lên lớp 8, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Mặc cho trưởng bản, mọi người đang hô hào khắp bản ra nhận quà từ đoàn từ thiện nhưng anh vẫn chỉ ngồi trơ một chỗ như cái xác không hồn, đôi mắt thâm quầng hướng về phía suối Nặm Păm.

Người em họ từ xã khác lên ở để động viên anh Uẩn trong lúc cùng quẫn này, cho biết: Hôm đó, anh Uẩn đi kè đê về muộn nên may mắn thoát chết. Về cách nhà khoảng 50 mét thì dòng nước xiết lao đến. Anh buộc phải nhảy lên đu vào cột điện rồi gào thét cho vợ con trong nhà chạy lũ... nhưng vô vọng. Hôm sau, người ta tìm thấy xác 3 vợ con của anh bị vùi dưới lớp đất đá, cách nhà gần 100 mét theo dòng nước chảy. Trong tích tắc, anh mất tất cả!

Tận mắt chứng kiến sự ra đi của vợ con nhưng bất lực không làm được gì khiến anh Uẩn suy sụp hoàn toàn, tâm thần bất ổn, suy nghĩ “chỉ muốn chết” để gặp lại vợ con cứ luẩn quẩn trong đầu anh. Ban ngày anh chẳng buồn ăn uống gì, chỉ ngồi thẫn thờ một chỗ, ban đêm cứ chợp mắt thì hình ảnh vợ con và cơn lũ xiết lại hiện về khiến anh choàng tỉnh, gào thét, la hét không ngừng. Dù cha mẹ của anh ở ngay bản trên, nhưng họ cũng đều bị mất hết tài sản và bị thương nên cũng không giúp đỡ được anh nhiều. Anh Uẩn cũng cương quyết ở lại lán dựng tạm ngay trên nền nhà cũ để được gần với vợ con hơn...

Tôi chỉ biết động viên và thuyết phục anh đi nhận quà. Anh Uẩn vẫn im lặng một lúc lâu, rồi lên tiếng. Giọng anh thều thào, nấc lên từng chập: “Hôm ấy thấy nước lên nhanh nên em cùng mấy người bảo nhau đi kiểm tra, kè lại đê. Trước khi đi, con trai em còn vui vẻ bảo bố đi nhanh về sớm nhé. Sắp vào năm học mới, vợ chồng em mãi mới dành dụm được ít tiền bảo mai đưa nó đi mua ít sách vở, một hai bộ quần áo mới. Cháu học khá lắm, năm nào cũng được học sinh giỏi và đi thi trên huyện. Thấy bố không biết chữ, cháu động viên em đi học xóa mù chữ, rồi làm “thầy giáo” cho em luôn. Em đã kè cái đê lại cẩn thận lắm rồi mà, tại sao vậy?...”.

Khóe mắt anh Uẩn ngấn lệ nhưng nước mắt chẳng thể nào chảy ra nổi. Gần 1 tháng qua, kể từ sau đêm định mệnh đó anh đã quá tuyệt vọng, đau khổ đến nước mắt cũng chẳng còn. Vô tình khơi lại nỗi đau trong anh, tôi chợt cảm thấy mình thật tàn nhẫn. Anh mới chỉ 30 tuổi, bằng tuổi với tôi nhưng sao số phận lại quá nghiệt ngã với anh như vậy. Tôi trao cho anh số tiền nhỏ, dù không có nhiều ý nghĩa với anh lúc này, những mong anh vững tâm cố gắng vượt qua nỗi đau. Anh Uẩn run rẩy nắm chặt lấy tay tôi cảm ơn, rồi lại hướng mắt về phía suối Nặm Păm, nơi dòng nước đục ngầu vẫn đang chảy xiết...

Anh Cà Văn Uẩn (xóm Huổi Liếng, xã Nặm Păm) bị mất vợ và 2 con cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản sau cơn lũ quét.

Chung tay “hồi sinh” sự sống

Ngay từ sau khi con lũ đi qua, Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, Bộ chỉ huy quân sự đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên khắc phục thiên tai “4 tại chỗ”. Đồng thời tiến hành hỗ trợ đột xuất cho các hộ dân bị thiệt hại về người và nhà bằng tiền và các nhu yếu phẩm đồ dùng sinh hoạt và triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp để nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống.

Nặm Păm những ngày này không khác một đại công trường. Khắp nơi vang tiếng máy xúc, máy ủi, ô tô tải chở bùn đất, đá sỏi nườm nượp ra vào. Hiện nay, có ít nhất 20 công ty, đơn vị với số lượng nhân công và lực lượng tham gia phối hợp lên đến trên 3 ngàn người đang thi công dọn dẹp và sửa chữa, xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Dọc con đường dẫn vào bản Hốc, bản Piệng, bản Pâu, bản Huổi Liếng… những lán trại được công nhân, người lao động, bộ đội, công an dựng lên tạm bợ phục vụ cho nhu cầu tạm trú, thực hiện công cuộc tái thiết hạ tầng. Tất cả họ đều khẩn trương làm ngày làm đêm bất kể trời nắng mưa, với tinh thần trách nhiệm cao hết lòng vì bà con.

“Đại công trường” tại Nặm Păm, hoạt động không ngừng nghỉ để tái thiết lại cuộc sống cho bà con vùng lũ.

Giữa trời nắng nóng, anh Trịnh Viết Tùng (phòng PK20 - Phòng cảnh sát cơ động tỉnh Sơn La) cùng một số đồng đội tranh thủ chợp mắt một lúc tại ghế đá trong UBND xã. Anh chia sẻ: “Chúng tôi lên hỗ trợ bà con ngay từ những ngày đầu diễn ra lũ. Chủ yếu là dựng lại nhà, bê tấm tôn, thùng nước, dây dẫn nước lên cao, cũng thường xuyên bị thương do dẫm phải đinh, cột kèo đổ vào người... nhưng cũng chẳng ăn thua gì với bà con cả. Cứ nghĩ đến cảnh họ mất trắng tất cả, lại có người thân chết, anh em chúng tôi lại tự nhủ phải cố gắng hoàn thành công việc nhanh nhất”.

Từ ngày trận lũ đi qua, người dân xã Nặm Păm phải sống trong cảnh không có điện. Bí thư Đảng ủy xã Nặm Păm Quàng Văn Loa cho biết, nước lũ đã khiến nhiều cột điện trên địa bàn xã bị gãy, đổ. Trước tình hình đó, địa phương đã phải bố trí cho mỗi thôn, bản một máy phát điện và loa phát thanh cỡ lớn, nhằm bảo đảm nguồn điện phục vụ thông tin, liên lạc. Cùng với hệ thống giao thông, hàng loạt cột điện bằng bê tông được vận chuyển tới xã Nặm Păm. Ông Quàng Văn Loa cho hay, Công ty Điện lực huyện Mường La đang tập trung thi công, phục hồi hệ thống điện, phấn đấu cấp điện trở lại cho người dân địa phương trước ngày 30/9/2017.

Công an, bộ đội, nhân công di dời và dựng lại nhà cho bà con.

Cùng với khắc phục hậu quả về hạ tầng, công tác bố trí, sắp xếp nhà ở cho cư dân bị mất nhà cửa cũng đang được địa phương gấp rút triển khai. Ở lưng chừng ngọn đồi hướng về UBND xã Nặm Păm, hàng chục ngôi nhà lắp ghép đang được thi công. Sau khi hoàn tất, các hộ dân đang sinh sống tại khu vực lán trại tập trung sẽ được bố trí tạm trú trong những ngôi nhà này chờ tái định cư. Hàng trăm nền nhà tại chỗ ở mới cho bà con cũng đã được san xong, bắt đầu đi vào xây dựng.

Những ngôi nhà lắp ghép được dựng trên cao để bà con tạm trú.

Sau cơn lũ, một trong hai điểm trường mầm non của xã Nặm Păm đã bị hư hỏng nặng. Người dân địa phương đang tổ chức tháo dỡ để tận dụng một số vật dụng sắt thép, gạch ngói còn dùng được. Trường Tiểu học xã đã bị cuốn trôi hoàn toàn, chỉ còn xót lại một vài mảng tường đổ vỡ, trường THCS may mắn khi chỉ bị bùn đất vùi lấp một phần. Ngoài việc dọn dẹp bùn đất, di chuyển đất đá ra khỏi khuôn viên trường tiểu học và THCS, những ngày qua, địa phương đã tổ chức xây lắp một số phòng học tạm, phục vụ năm học mới. Địa phương cũng tích cực vận động học sinh và bố mẹ các em tạo điều kiện để con em trở lại trường lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Không thể không kể đến việc chung tay ủng hộ bà con vùng lũ từ các tổ chức, tập thể, cá nhân trong cả nước. Tính đến ngày 23/8, đã có trên 500 đoàn cứu trợ đến với huyện Mường La, những ngày đầu sau lũ có ngày Ban tiếp nhận cứu trợ đón cả trăm đoàn, các phương tiện tắc nghẽn ngay từ đoạn đường vào huyện ủy, đoàn xa nhất ở tận đất mũi Cà Mau. Huyện Mường La đã nhận được số tiền mặt và chuyển khoản trên 41 tỉ đồng, trên 83 tấn gạo, 15.500 thùng mỳ tôm, 6,5 tấn muối, hơn 3800 thùng quần áo và nhiều vật dụng khác...

Ông Lò Văn Tưởng - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường La, chia sẻ: “Đúng là trong thiên tai, hoạn nạn mới biết tấm lòng tình cảm của người Việt chúng ta. Đồng bào vùng lũ Mường La thật sự cảm kích, biết ơn mọi người, đó là những món quà vật chất lẫn tinh thần quan trọng để họ vực dậy. Ban tiếp nhận cứu trợ huyện đã và sẽ trao tất cả đến tận tay và phân phối phục vụ cho lợi ích, cuộc sống của bà con”.

Chiều muộn, chúng tôi lên xe rời Nặm Păm. Bà con, các em nhỏ chạy ra nắm tay thật chặt rồi nở nụ cười tươi vẫy tay tạm biệt. Dọc theo con suối Nặm Păm trở về, chúng tôi mang trong mình nỗi niềm rất khó tả. Mong và tin rằng khi trở lại đây cuộc sống bà con đã được ổn định, bản làng đã được trù phú trở lại. Dòng suối Nặm Păm sẽ không còn chảy xiết và đục ngầu, chất chứa bao nỗi niềm bi ai nữa mà đã quay trở về là người bạn hiền hòa của dân làng như nó đã từng bao đời như vậy.

Đêm mồng 2, rạng sáng mồng 3/8, trên địa bàn một số xã của huyện Mường La xảy ra mưa to đến rất to, gây ra lũ ống, lũ quét. Đây là trận lũ lịch sử trong suốt 70 năm qua, gây thiệt hại lớn cho nhiều xã thuộc huyện Mường La, trong đó Nặm Păm là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến 17h, ngày 22/8 toàn huyện đã có 13 người thiệt mạng, 02 người mất tích và 15 người bị thương; tổng số nhà bị thiệt hại là 578, trong đó 179 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn; 598,1 ha ruộng, cây cối, hoa màu bị phá hoại; 314 trâu bò, 1477 lợn, 700 dê, 15.797 gia cầm bị nước cuốn trôi; nhiều hệ thống điện, đường trường trạm bị hư hỏng nặng và phá hủy hoàn toàn... Ước tính thiệt hại khoảng 705 tỷ đồng.

 

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi con sông quê hương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước