Núi thiêng hoa vẫn tím
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuậtvề Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng
VNTN - Mấy năm trước, tôi được phân công về vùng mỏ Linh Sơn thực hiện dự án khai thác quặng sắt cung cấp cho luyện kim. Trong chuyến khảo sát mặt bằng, bất chợt gặp mùi thị chín lan nhẹ. Ngỡ ngàng nhìn quanh tôi phát hiện mé chân đồi có một cây thị lớn, dễ đã vài chục năm tuổi, cành lá xum xuê, quả chín lúc lỉu, dưới gốc cây tua tủa vài chân nhang cả mới và cũ. Thấy tôi tỏ vẻ lạ lẫm, anh bạn đi trong đoàn, vốn từng có “thâm niên” ở vùng đất này từ khi lập thiết kế quy hoạch mỏ cho biết: Bà con xóm Làng Phan kể năm 1972, khu vực này bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt. Mùa thị chín năm đó, một tiểu đội nữ thanh niên xung phong (TNXP) trúng bom, một chị hy sinh và tám người bị thương. Nơi chị ngã xuống, ít lâu sau mọc lên cây thị. Bà con trong xóm chủ yếu là người dân tộc quan niệm người chết ở đâu, linh hồn vẫn lẩn khuất ở đó, nên ngày giỗ chị thường đến thắp hương… Lần ấy, tôi cũng thắp nén nhang và ngỏ lời xin lộc chị mấy quả cho cô con gái nhỏ, vốn rất thích mùi thị chín.
Chân dung Liệt sĩ Hoàng Thị Cát
Tiến hành công việc tại dự án, tôi được biết xã Linh Sơn là nơi đóng quân của Đại đội TNXP 915, từ ngày thành lập đến khi diễn ra sự kiện bi tráng đêm Noel 24/12/1972. Trong đại đội, ngay tại xóm Làng Phan cũng có hai nữ liệt sỹ là Lương Thị Thúy và Lương Thị Phương, các chị rủ nhau trốn nhà đi TNXP, được Đội 91 khi đó đóng quân tại Thịnh Đán điều về Đại đội 915 và hy sinh trong đêm Noel cùng đồng đội. Mới đây, ông Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã cho biết ở Linh Sơn có bà Đỗ Thị Hoàn, cựu đội viên của Đại đội, quê gốc tại huyện Đại Từ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã lấy chồng người Linh Sơn, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại xóm Bến Đò. Tôi đã tìm gặp bà và được nghe kể lại những kỷ niệm thật ấn tượng.
Dù rất yêu thích sáng tác văn học, tôi cũng chưa dám nghĩ mình sẽ viết gì đó về đơn vị TNXP này, bởi các nhà văn lớp trước là Hồ Thủy Giang đã có tiểu thuyết “Những người mở đường”, Ngọc Thị Kẹo có truyện dài “Nhật ký cô văn thư”. Tìm hiểu kỹ hơn về Đại đội, tôi liên tục phát hiện những điều thú vị và càng thêm trân trọng, nể phục các chàng trai cô gái trong những năm tháng bom đạn ác liệt ấy. Miền ký ức về một thời hoa lửa hiện ra thật sống động.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu cấp bách tập trung sức người sức của cho tiền tuyến, tháng 6/1972 Đội 91 TNXP Bắc Thái quyết định thành lập Đại đội 915, gồm các đoàn viên thanh niên tuổi đời còn rất trẻ của các huyện thành thị trong tỉnh (nay thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn). Thời điểm đó, tất cả các cảng biển cửa sông đều bị ngư lôi Mỹ phong tỏa, quốc lộ 16A và 1B là hai tuyến giao thông huyết mạch tiếp nhận hàng hóa viện trợ của nước bạn chi viện cho chiến trường miền Nam. Đại đội 915 được giao nhiệm vụ sửa chữa quốc lộ 16A (nay là quộc lộ 17) đoạn Chùa Hang đi Trại Cau và bốc xếp hàng hóa lên các xe quân sự.
Tuyến đường này nền đất đá cấp phối. Máy bay Mỹ phát hiện và thường xuyên ném bom đánh phá ác liệt. Đêm Noel 24/12/1972, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá, 60 cán bộ đội viên Đại đội 915, Đội 91 Thanh niên xung phong Bắc Thái đã anh dũng hy sinh trong trận bom B52 của máy bay Mỹ, 7 đội viên bị trọng thương và may mắn sống sót. Hành động anh dũng của Đại đội đã được Nhà nước vinh danh xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Thật may mắn khi tỉnh Thái Nguyên triển khai kế hoạch xuất bản tập sách văn học nghệ thuật về Đại đội, tôi được tham gia nhóm biên soạn và cùng tổ công tác của tỉnh tới gặp gỡ thân nhân các liệt sỹ, các nhân chứng còn sống của Đại đội để tìm hiểu, sưu tầm tư liệu.
Như thể có mối liên hệ tình cảm với một miền ký ức, sau các chuyến thăm viếng mộ liệt sỹ tại nghĩa trang và nhà tưởng niệm TNXP Đại đội 915 tại Lưu Xá, giữa tháng 6, nghĩ về dịp thành lập của Đại đội năm xưa, tôi cùng nhà văn Hồ Thủy Giang, nhà báo Kim Ngân, phóng viên Báo Thái Nguyên vô tình gặp nhau và chung ý tưởng đi thực tế, tìm hiểu về các địa danh, nơi Đại đội đóng quân và làm nhiệm vụ tại xã Linh Sơn.
Cựu Thanh niên xung phong Đỗ Thị Hoàn (thứ 2 bên phải) trò chuyện cùng Đoàn công tác Khai thác, sưu tầm lịch sử về Đại đội 915
Buổi sáng, mưa bụi giăng nhẹ nhưng chân trời phía đông lại phớt hồng, hứa hẹn ngày nắng đẹp. Khu xóm Bến Đò ánh lên ngời ngợi màu xanh non của cây trái. Người đẫn đường cho chúng tôi không ai khác chính là bà Đỗ Thị Hoàn, cựu đội viên của Đại đội 915. Bà bảo dạo này không được khỏe, nhưng chân vẫn sải những bước dài xăm xắm, hồn hậu kể: “Ngày đó, ban chỉ huy ở trọ tại nhà ông Huấn, các tiểu đội ở trọ các nhà quanh xóm như nhà ông Thứ, ông Mạc An, bà Cả Sinh… Đại đội toàn trẻ cả, vô tư lắm. Gian khổ nhưng mà vui. Ngặt nỗi đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa nào cũng nhanh đói…”.
Nhà ông Huấn nằm không cách bao xa con đường bê tông liên xóm. Bà Hoàn khoát tay chỉ xung quanh: “So với mấy chục năm về trước, chỉ có nhà cửa được xây mới, vườn tược hầu như vẫn vậy. Vợ chồng ông Huấn đã mất…”. Thật may, anh Thắng, con trai ông Huấn đang làm ruộng gần đó. Anh bỏ dở công việc niềm nở về nhà tiếp chuyện chúng tôi. Quanh ấm trà, tôi lại như được đắm mình trong không gian của những hồi ức. Anh kể ngày đó anh mới 13 - 14 tuổi. Ban chỉ huy Đại đội đóng tại nhà, liền kề là nhà ăn nên ngoài buổi đi học và chăn trâu, anh được tiếp xúc nhiều với các anh chị đội viên. Bên chái nhà là căn lán nhỏ dùng làm nhà kho, có 4 đội viên nam giới ở. Các anh trẻ, vui tính nên hễ lúc nào rỗi rãi, các anh đều cùng anh Thắng vui vẻ đùa nghịch. Đại đội phần lớn là nữ người dân tộc, tuổi chênh lệch nhau không nhiều. Anh luôn thấy mọi người rất cởi mở hồn hậu. Đến giờ, trực ban đánh kẻng, mọi người chỉ việc mang bát đến ăn trên các mâm cơm cấp dưỡng chia sẵn. Buổi tối các hôm tạnh ráo, Đại đội tập trung trên bãi cỏ sinh hoạt chính trị, văn hóa văn nghệ. Lớp bổ túc văn hóa cũng được tổ chức trên bãi cỏ ấy… Xung quanh khu này, Đại đội làm mấy chiếc hầm kèo và rất nhiều “tăng xê”, khi báo động mọi người xuống trú ẩn.
Đứng trên nền nhà ăn của Đại đội khi xưa, bà Hoàn trầm tư: Để làm nhà ăn này, Đại đội cắt cử người lên rừng lấy gỗ và xin thanh tre của dân về dựng. Bàn ăn chỉ là các thanh tre ghép lại để đặt cơm và thức ăn, còn đội viên ăn đứng. Lớp học bên cạnh, học viên trải chiếu ngồi kê sách vở trên đùi. Quy định các buổi học vào thứ bảy, chủ nhật, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ của các tiểu đội, lớp học được bố trí linh hoạt. Ngày mưa gió thì chia về các tiểu đội tự dạy kèm nhau.
Tại bờ sông Mo Linh (người dân địa phương quen gọi là sông Con) bà Hoàn chia sẻ: Các buổi chiều, Đại đội thường ra đây tắm giặt, hát hò. Hồi đó con sông này rất trong, bến rộng và sạch sẽ. Con trai tắm ở bến trên cách vài chục mét. Bến tắm của con gái chỗ này có con thuyền chở cát bị đắm. Con gái ngồi trên thuyền hò đối đáp với con trai phía trên kia.
Nhà văn Hồ Thủy Giang ý nhị: “Chị có nhớ câu hò nào không?”. “Bọn con gái chỉ có cái Mai, cái Loan chúng nó hò hay nên thuộc nhiều. Tôi nhớ một số câu, đại loại thế này: Nếu con trai hò trêu: Thuyền than lại gặp bến than/ Thấy em vất vả cơ hàn anh thương. Con gái đáp lại: “Thuyền than lại gặp bến than/ Em không vất vả lấy gì nuôi anh…”. Tôi tò mò: “Hồi đó chắc các chị tắm tiên?”. “Tắm gì?”. “Tắm tiên. Nghĩa là…Tắm cởi trần ấy ạ!”. “Không! Bọn tôi mặc cả quần áo xuống sông tắm. Tắm chán để nguyên ướt thế leo lên thuyền hò”.
Tôi cho xe chạy chậm trên quốc lộ 17. Con đường giờ đã được trải nhựa. Bà Hoàn không giấu nổi xúc động khi nghe chúng tôi kể lại những kỷ niệm của đội viên Đại đội 915 trên các cung đường. Dầu không phải người trong cuộc, nhưng nhà văn Hồ Thủy Giang, nhà báo Kim Ngân đã ghi chép cẩn thận lời kể thân nhân liệt sỹ và các cựu đội viên tại hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn. Ngày ấy trong các trận bom, làng mạc tan hoang, rất nhiều bộ đội và dân thường bị thiệt mạng. Các đội viên với tinh thần “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, thể hiện bản lĩnh và lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh xương máu để huyết mạch giao thông này luôn được thông tuyến. Cái để họ trụ vững dưới bom đạn tàn khốc, ngoài mục đích cao nhất “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong suy nghĩ của mỗi người, đó còn là để đồng đội không thấy mình hèn nhát.
Con đường nối xóm Bến Đò với quốc lộ 17 cắt qua “cánh đồng trận” đã được đổ bê tông khá rộng rãi. Tương truyền mấy trăm năm trước, quân Tống ồ ạt xâm lược nước ta. Vua tôi nhà Lý dựa vào thế đồi núi dựng phòng tuyến chặn bước quân thù. Đại bản doanh chỉ huy đặt tại hang bên sườn núi Linh Sơn. Cánh đồng này diễn ra nhiều trận đánh ác liệt buộc chúng phải lui binh.
Xóm Núi Hột, xóm Làng Phan, nơi Đại đội từng đóng quân, Cảnh vật đã hoàn toàn đổi khác. Các doanh trại quân đội, cơ quan, trường học, hàng quán, khu tái định cư lấp lóa màu sơn mới làm cho vùng đất còn hoang sơ xưa kia mang nét thị thành.
Dừng xe bên hồ Bi Gù, chúng tôi vòng theo lối nhỏ vào nơi một tiểu đội trúng bom làm chị Hoàng Thị Cát hy sinh và 8 người bị thương, cũng là nơi tôi đã hái những trái thị thơm. Bà Hoàn rưng rưng: Hôm đó tiểu đội tôi sửa đường cách đây một đoạn. Sau trận bom, anh Tấn Đại đội phó cùng tôi và một số đội viên đưa những người bị thương ra sân kho bên hồ để xe chở đi cấp cứu. Chị Hoàng Thị Cát bị bom phạt ngang người, ruột sổ ra ngoài. Cát hy sinh nhưng mắt vẫn mở như nói với chúng tôi điều gì đó.
Về sự kiện này, tôi may mắn được gặp bà Lê Thị Đoàn, một trong số 8 người bị thương, hiện sinh sống tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và được nghe kể lại tường tận. Bà bị mảnh bom cắm vào mặt, bị thương nặng nhất nên điều trị xong, Đại đội cho bà đi điều dưỡng, sau ngày 24/12 mới về đơn vị. Một số đội viên khác nhẹ hơn, ra viện lại tiếp tục công tác và đều hy sinh…
Nắng nhẹ xiên ngang làn mưa bụi như rắc lên vai chúng tôi muôn sợi tơ trời óng ánh. Những khu vườn lá cây ướt đẵm và cánh đồng ánh lên màu xanh nõn. Hồ Bi Gù mặt nước như được dát bạc sáng lấp lánh. Thấy tôi và nhà báo Kim Ngân mải mê chụp ảnh, bà Hoàn buột miệng: “Thời ấy hiệu ảnh hiếm quá. Bọn chúng tôi chưa kịp ra phố chụp, nhiều đứa hy sinh chẳng có cái ảnh nào”…
* * *
Chia tay bà Hoàn, tôi cho xe vòng sang con đường vào núi Linh Sơn (Núi Thiêng). Các bậc cao niên nói linh hồn những người ngã xuống vì dân vì nước quy tụ về núi. Trong một lần kinh lý, Nguyên Phi Ỷ Lan đã làm lễ chiêu hồn tử sỹ và lập ban thờ. Ngoài hang núi vẫn sừng sững tấm bia đá khắc những vần thơ trác tuyệt của bà. Từ ngang sườn Núi Thiêng, có thể nhìn thấy quốc lộ 17 và “cánh đồng trận” rộng mênh mông giữa xóm Núi Hột, Làng Phan. Bên núi những nhành hoa mua, hoa sim rung rinh tím biếc. Tôi tin miền ký ức về một thời hoa lửa Đại đội 915 đã sống và chiến đấu, sẽ mãi như những cánh hoa nhỏ đầy huyền cảm khảm khắc trong tình sông thế núi của đất nước hôm nay và mai sau.
Ký. Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...