Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
15:56 (GMT +7)

Nửa dòng máu mang màu diệp lục

Đó là tên cuốn sách thứ 31 của mình, mà tôi quyết định cho in chuyên về các vấn đề môi trường Việt Nam và một số xó góc của địa cầu mà tôi từng may mắn đặt chân đến rồi ít nhiều gắn bó. Việc này diễn ra khá muộn so với các dự án in ấn sách báo khác tôi từng làm. Quả thật, khi tôi và các cộng sự đứng ra đồng sáng lập Diễn đàn các Nhà báo Bảo vệ Môi trường Việt Nam từ hàng chục năm trước, với các chuyến điều tra kinh điển dọc ngang Việt Nam và sau này là nhiều quốc gia trên thế giới thì tôi chưa từng nghĩ tới điều này. Đơn giản, vấn đề môi trường lúc bấy giờ chưa thật sự cấp thiết và chưa được sự quan tâm mạnh mẽ như hiện nay.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhận Giải A - Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 (Hà Nội, 21/6/2022)

Không hiểu cơ duyên thế nào, dường như có một sự thôi thúc nội sinh, tự các câu chuyện và chân lý của cuộc sống đã vô tình hay hữu ý dồn đẩy tôi đến với các vấn đề nóng bỏng của môi trường sống ở Việt Nam và thế giới. Cuốn sách “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” ra đời như một điều phải thế. Ít nhiều, ở tuổi “nhi bất hoặc” hay “tri thiên mệnh” - tôi hiểu được rằng, các giá trị mà mình đeo đẳng, bỏ tâm sức mong nó thay đổi theo chiều hướng tích cực của một ngòi bút điều tra, quả là không nhiều như mình vẫn ảo tưởng. Và, nói như người “bạn vong niên” của tôi (cụ cho phép gọi thế) là nhà sử học Lê Văn Lan trong một lần hàn huyên đầy ám ảnh: anh sinh ra và diệt vong, “xẹt một cái” qua bầu trời này, nếu không làm được gì thì cũng đừng để lại tổn thất phá phách đáng xấu hổ nào cả.

Trong cảm giác vô thường đó, tôi chợt nghĩ đến chuyện về ai đó “xẹt” qua bầu trời bằng một phần ba vạn sáu nghìn ngày trước quả đất vừa già vừa trẻ 4,7 tỷ năm tuổi. Hãy gìn giữ và đảm bảo là sự sinh diệt của anh đừng xúc xiểm hay làm sứt mẻ gì cho những sáng tạo bao la của vũ trụ.

Ngẫm lại, giữa hàng nghìn trang viết mình dốc công thực hiện và để lại, biết đâu, chuyện ít viển vông và hoang tưởng nhất lại là các cuộc chiến bảo vệ và truyền cảm hứng cho bảo vệ môi trường? Tôi đã thoáng nghĩ như vậy rồi lại thận trọng: biết đâu như thế cũng đã là quá ảo tưởng rồi.

Song, gì thì gì, cảm giác đó là có thật.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm tôi lên 10 và trước nữa một chút, tức là gần 40 năm trước. Tôi đã phá rừng, giết chết bao nhiêu sinh linh hoang dã vô tội, đã đầu độc đồng bào mình theo đúng nghĩa đen. Nói thì có lỗi với bà ngoại, với mẹ và với xóm Đô, xóm Trám, xóm Búi Thông, xã Ba Trại thanh bình thuở ấy, song sự ân hận cứ như sóng biển ru bờ ùa ập trở lại mãi, chắc là phải nói ra thôi.

Thực tế trong rừng nghiến ở Hà Giang

Quê tôi chốn đồng rừng và có nghề trồng chè đã nhiều thế hệ. Tôi đã cùng nhiều người đi giết các rừng thông cổ thụ, thẳng đuỗn, cao vời. Các cụ thông đứng sừng sững như cột chống trời. Các đại thụ đổ kềnh. Lập đại công trường để các tráng đinh kéo cưa lừa xẻ. Cưa lớn, dài hơn 2m, mỗi răng cưa nhìn đã tởn. Chúng sáng choang, nhọn sắc và to bằng ngón tay cái! Móc gỗ vào vạy, cho trâu kéo về ngâm dưới ao đầm để giấu kiểm lâm.

Chiều nào tôi cũng cầm sào lớn, vào rừng, đẽo lớp vỏ dày đến hai đốt ngón tay ở phần gốc của các cây thông vừa bị giết trước đó ít ngày. Trong cái chết đứng sầu tủi “làm cây thông đứng (chết) giữa trời mà reo” ấy, nhựa thông dễ cháy lắm. Miếng gỗ thông cầm lên thơm lựng, vàng óng và trong veo, dấp dính như phấn sáp. Chúng tôi đã đốt các gốc thông, để từng cục nhựa vàng đùn ra tròn như các bầu ngực hay núm vú. Cây thông chết, cây sào dài bằng vầu chỉ việc luồn vào lớp đang bong tróc giữa thân cây và lớp vỏ dày mà chọc. Tôi xé toạc tấm giáp trụ tưởng như cường tráng lắm của cụ thông. Oạc! Từng tảng vỏ rơi xuống, có khi cả bộ khiên giáp của tráng sỹ thông già cùng ngã sụp. Như chiến tướng oai phong bị trúng đạn và tan nát.

Bấy giờ ngây thơ, tôi và bà cứ oán hận nguyền rủa mấy chú trong xóm Đô, rằng “nó” hay uống rượu với kiểm lâm, chắc là “nó” chỉ điểm để họ đến khu ao bà Bằng để tịch thu gỗ thông do bà cháu nhà tôi thuê trâu kéo từ rừng về cất giấu. Chứ làm sao cánh lâm sinh lâm nghiệp thính mũi thế được. Sau này, mới biết là nhà tôi đã nghi oan cho các anh các chú hay tửu hay tăm đó (chú tôi hay tửu hay tăm, hay uống trà đặc hay nằm ngủ trưa!). Đơn giản là: kiểm lâm đi theo vệt kéo gỗ hằn trên cỏ, trên đất mà dò ra điểm bị cất giấu của các tán rừng vừa ngã đổ.

Bây giờ, mỗi lần đi qua, thấy các thắng cảnh “rừng thông hai mộ”, thấy các cánh rừng cổ tích ven sông Đà (nay là xung quanh khu vực Di tích, tưởng niệm K9, thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội), tôi đều không khỏi xót xa.

Và, trong những lần được mời giảng dạy về môi trường, viết giáo trình báo chí bảo vệ màu xanh của quả đất, được mời đi châu Phi và nhiều quốc gia khác với các chuyến thực địa về nạn săn bắt tàn sát động vật hoang dã, được Sứ quán các nước mời gặp và đối thoại độc quyền với các “VIP” như Hoàng tử Anh, tỷ phú Richard Branson, đặc biệt là các chuyến nhận giải thưởng danh giá, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế và đưa các đoàn nhà báo năm châu bốn biển đi tác nghiệp… Tất cả, khi họ hỏi về lý do dành “thời lượng” làm báo quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, tôi đều nghĩ đến một ám ảnh tuổi thơ thế này. Dù chưa khi nào nói ra.

Trong một lần tác nghiệp tại Nam Phi

Ấy là ám ảnh về các phát đạn súng cao su. Nhà 4 anh em, 3 trai, tôi là thứ 2. Con thứ bao giờ cũng láu hơn con cả. Tôi bắn chim thiện xạ, bẫy chim cũng khét tiếng, nuôi chim non cũng cực siêu, đến mức mỗi khi tôi huýt sáo thì cả mấy con sáo sậu, chào mào đồng loạt bậu vào vai mình như trong tiểu thuyết. Nếu có ai hỏi, cảm giác nào đau đớn nhất của tuổi thơ tôi, thì đó chính là những buổi sáng ngủ dậy phát hiện ra mèo đã ăn mất con chim quý.

Mất bao công theo dõi chim mẹ cắp rác làm tổ, theo dõi độ bé đi của các miếng mồi chim mẹ cắp về mỗi sáng (chim non càng lớn lên thì phần mồi chim bố mẹ tha về càng bé đi) để ní nót chờ ngày leo lên bắt trộm chim non. Mải mốt đi bắt châu chấu đêm ngày, chu đáo bóp vỡ đầu châu chấu cào cào, bài bản thả vào mỗi con mồi một hạt muối bé xíu, với mong muốn vị mặn mòi đó (giờ tôi hiểu, thế giới gọi điều này bằng thuật ngữ: nghiện muối) sẽ là thứ mà lớn lên chim ta không thể nào dám phụ bạc, rời bỏ “bố Hoàng” để bay mất lên giời. Thế mà nay tay trắng vì mấy con mèo động dục, hỏi sao không đau! Vậy là bao nhiêu súng cao su quay ra rình bắn mèo để trả thù.

Như đã nói ở trên, tôi là một tay thiện xạ súng cao su. Việc vào rừng chọn cắng (chạc cây hai nhánh, về đẽo gọt cầu kỳ để buộc dây chun vào bắn) đã chiếm khá nhiều năng lượng của tuổi thơ tôi. Cắng gỗ xịn, tỏa mùi thơm, khắc tên “Hoàng”, mỗi lần bắn rụng bầu trời (với các xác chim) là lấy máu chim bôi vào cắng. Tôi không nhớ là ai dạy mình điều đó, sau này đi nhiều quốc gia trên thế giới, tôi thấy họ cũng làm tương tự thế. Có khi treo bộ hàm, cái sừng, cái xương sọ con thú, cái lông con chim lên để “đánh dấu chiến công”, có bộ tộc còn treo cả… đầu lâu đối thủ (kể cả người) lên để tưởng nhớ chiến thắng một cách… mông muội nhất.

Đến mức, vừa rồi, có đứa cháu gần 40 tuổi thổn thức thừa nhận: thức ăn tuổi thơ của nó là chim do tôi và thằng Cường (bạn tôi) bắn. Hồi ấy tôi say sưa với những chiến công sát thủ. Đến một lần, mở toang ngực con chim vừa nướng chín ra, tôi thấy gan, tim, ruột, phổi, toàn bộ nội tạng của nó được sắp xếp vô cùng ngăn nắp, chuẩn chỉ (chắc thế thì nó mới thành sinh thể bay lượn khôn ngoan khỏe khoắn được chứ!). Bất giác, tôi như thấy được sự cơ huyền của tạo hóa, sự bí ẩn của thiên nhiên. Các sinh thể tí xíu đó mà các bộ phận được “ai đó” tạo ra và vận hành quá hoàn hảo. Lòng không khỏi “khâm phục trời đất”, tự dưng tôi nhận ra: con chim chắc chắn có xúc cảm và một “linh hồn” biết nghĩ đủ thứ như ta. Có một gia đình và không muốn biệt ly hay vướng vào tròng ách sinh lão bệnh tử như ta.

Giác ngộ thế! Tự dưng, món chim nướng không còn ngon nữa. Và sự ân hận bắt đầu len lén nổi lên. Cũng giống như, chắc là suốt cuộc đời mình, tôi ân hận vì mình và gia tộc ở Ba Vì đã đổ không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu loại kịch độc Vô-pha-tốc, Đê-đê-tê (DDT) vào các vườn chè cho bà con mình uống. Lứa đến, cái hấp dẫn của cân chè tương đương một yến gạo, cái đói khát của các “con tàu há mồm”, khiến bà và mẹ hái không biết bao nhiêu lứa chè phun thuốc trừ sâu đi bán. Tôi phun thuốc trừ sâu, tôi chơi những hòn bi ve tuyệt sắc từ trong cái máy bơm thuốc đó (ngày xưa bi ve cực hiếm). Chú Tiến của tôi đi bơm thuốc trừ sâu thuê cho các nương chè dài rộng như phận người buồn ấy mà bị cảm rồi chết gục ngoài bờ giếng. Sau này tôi đọc sách báo, mới biết là các thuốc trừ sâu kia cả nghìn năm chưa phân hủy trong môi trường và càng ngày càng căm phẫn sự thiếu hiểu biết bôi thuốc trừ sâu vào đầu để trừ chấy của bà con mình độ đó. (Và, dù nhớ quê, dù vương vấn với cuốn rốn sơ sinh của mình ở đó, song, không bao giờ tôi dám quay về mua lại mảnh vườn xưa yêu dấu, vì sợ cảnh họ phun thuốc trừ sâu mỗi tuần trên mỗi nương chè).

Càng đi dần về phía tóc bạc da mồi, trong cái phấp phỏng chờ ngày tuyên bố được làm ông nội, tôi càng thấy mình khó thở hơn khi ở thành phố. Càng khát thèm màu xanh của rừng và sự kì diệu của muông thú. Và tôi lên rừng, làm việc sinh sống với màu xanh. Tôi xây nhà treo lơ lửng trên cây. Tôi thích cắm trại giữa ngàn sao thay vì ở khách sạn 5 sao. Và, trong một bài trả lời phỏng vấn: tôi bảo, hình như nửa dòng màu tôi đã mang màu xanh của diệp lục…

Từ một “quá khứ” như vậy, không biết tự lúc nào tôi “trượt” dần theo các câu chuyện và các nỗ lực quyết liệt làm một cái gì đó vì môi trường. Dần dà, như có một thế lực nào đó tự thân đã dẫn dắt, tôi đi sâu dần vào lĩnh vực này. Chỉ những bài viết, chủ đề hiện diện trong cuốn sách này đã đủ nói lên điều đó.

Vâng, chữ nghĩa và sự nghiệp, hành vi và nhân cách của mỗi người, nó hình thành từ rất sớm, có khi trước cả khi ta 15 tuổi, mà người đời ít để ý hoặc chịu công nhận điều đó. Vẻ đẹp sum vầy và sức quyến rũ nhiệm màu của núi Tổ nước Nam - Non Tản linh thiêng, những ám ảnh trút giáp trụ oai phong quy hàng rồi bị hạ sát tập thể của các rừng thông đại thụ; những bầu ngực vỡ toang và được lắp ghép bằng các lá gan, quả tim, khúc ruột bé như hạt thóc, như đầu tăm của chú chim sâu vừa mới vỗ cánh đầy uy lực trong gió hoang… đã trở thành thế lực có gì đó siêu nhiên quyết định nhiều đến phần đời còn lại của tôi. Kể từ thơ ấu ở “nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt/ Trong cơn mơ còn vọng tiếng nai chiều” đó.

Bút ký. Đỗ Doãn Hoàng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục