Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
07:44 (GMT +7)

Nữ đội viên Đại đội 915 và chuyện tình bên Lăng Bác

Bom đạn kẻ thù không ngăn nổi những trái tim bừng lên nhiệt huyết của tuổi trẻ. Những quả đồi đầy hoa dại xôn xao tiếng cười con gái và màu áo thanh niên xung phong - Miền kí ức của cán bộ đội viên Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái đưa tôi về năm tháng ấy. Một trong nhiều nữ đội viên góp mặt bên đồng đội khi đó là chị Lý Thị Thầm, người dân tộc Nùng, hiện sinh sống tại xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương. Từ núi rừng Việt Bắc, chị đã cùng một số đội viên được chọn về Thủ đô tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ và tình yêu của chị cũng đơm hoa kết trái.

Chị Lý Thị Thầm hiện sinh sống tại xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương

Sáng mãi một thời hoa lửa

Đại đội 915 được mệnh danh là “đại đội của những bông hoa rừng”, bởi phần lớn là nữ người dân tộc thiểu số và rất trẻ trung, xinh đẹp. Mang trong mình mục tiêu lý tưởng của những người trẻ, họ cống hiến hết mình và nhiều người đã hy sinh quả cảm.

Mấy năm trước, trong dịp tìm tư liệu về hoạt động của Đại đội, tôi đã được gặp chị Lý Thị Thầm. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng trên gương mặt và nụ cười của chị vẫn ánh lên nét xuân sắc. Năm tháng lùi xa, mọi thứ đã có nhiều thay đổi, nhưng tình cảm với đồng đội, nhất là đối với 60 đội viên Đại đội 915 hy sinh tối 24/12/1972 dường như vẫn nguyên vẹn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang tươi màu sơn mới, chị không khỏi xúc động khi nhớ về một thời tuổi trẻ đã qua. Chị kể mình sinh ngày 10/8/1956 tại xã Phương Linh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, nơi hiện đang sinh sống là quê chồng. Tháng 5/1972, vừa học xong lớp 7 và chưa tròn 16 tuổi, thấy mọi người háo hức đi thanh niên xung phong, chị cũng xin xác nhận đủ tuổi để được lên đường. Lần gặp gỡ ấy, chúng tôi đã được nghe chị chia sẻ những kỷ niệm bên đồng đội.

Trở lại thăm chị Lý Thị Thầm, tôi rất mừng vì trông chị vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như chưa bị ảnh hưởng nhiều của tuổi tác. Trong không gian sâu thẳm của những hồi ức, câu chuyện của chị về đồng đội lại tiếp nối.

                                              * * *

Ngày ấy chúng tôi trẻ lắm. Đại đội 915 hầu hết là đội viên nữ dân tộc thiểu số, tuổi mới 17 – 18, quê quán chủ yếu ở Thái Nguyên và Bắc Kạn (khi đó là tỉnh Bắc Thái). Đại đội được biên chế tổ chức giống như một đơn vị quân đội. Đội viên được trang bị quần áo đồng phục, giầy và mũ cứng gắn phù hiệu. Ban đầu chúng tôi đóng quân ở Thịnh Đán học tập chính trị, luyện tập điều lệnh vài ngày, sau đó hành quân về xóm Núi Hột, xã Linh Sơn. Chúng tôi được giao nhiệm vụ sửa chữa quốc lộ 1B, quốc lộ 16A (nay là quốc lộ 17), đồng thời tổ chức bốc xếp hàng hóa và thực hiện các nhiệm vụ góp phần chi viện cho tiền tuyến.

Đại đội ở nhờ nhà dân là chính, có thời gian ngắn ở tập trung tại khu tập thể của Phân xưởng khai thác đá Khánh Hòa của Mỏ đá Núi Voi. Do tính chất công việc, các tiểu đội chia nhau cơ động làm việc khắp nơi, làm việc ở đâu trú quân tại đó như: xóm Làng Phan, Cây Thị, có đợt lên tận Ôn Lương, Phủ Lý, Trào… huyện Phú lương.

Trong điều kiện chiến tranh, mặc dù được quan tâm về nhiều mặt, song cuộc sống cũng còn chưa hết khó khăn, thiếu thốn. Hàng tháng các đội viên được lĩnh năm đồng phụ cấp, đủ để mua xà phòng, thuốc đánh răng và mấy thứ lặt vặt khác. Tối đến mọi sinh hoạt đều diễn ra quanh ngọn đèn dầu. Mùa hè nóng nực, ai cũng tự trang bị cho mình chiếc quạt nan, vì hồi đó chưa có điện. Đóng quân ở nhà dân, bà con thường nhường cho giường, nếu thiếu chỗ trải chiếu nằm trên nền đất…

Do phần lớn đội viên đều mù chữ, nhiều người nói tiếng Kinh chưa thạo, Ban chỉ huy Đội 91 điều động anh Hà Văn Ly về làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa. Các buổi dạy và học thường diễn ra dưới vườn cây, hoặc trên bãi cỏ, chỉ có duy nhất một tấm bảng cho giáo viên, còn học viên trải chiếu ngồi kê sách vở lên đùi học.

Ở nhà lao động một mình, đi thoát ly sinh hoạt tập thể, tuy lớn nhưng ai cũng nghịch ngợm đủ kiểu. Nhiều buổi lên rừng lấy củi cho nhà bếp, chị em mang xếp giữa đường nhờ xe bộ đội chở hộ về. Di chuyển tới nơi làm nhiệm vụ, cũng chặn xe tập lái trường Tiến Bộ nhảy lên thùng.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ trong đại đội luôn diễn ra sôi nổi. Đội viên người dân tộc hát then, người Kinh hát chèo, chầu văn. Hồi đó, chúng tôi thích hát nhất là các bài như “Cô gái mở đường” “Chào em cô gái Lam Hồng” “Giải phóng miền Nam.” … Chị Trần Thị Mai, người Yên Lãng, Đại Từ hát được cả giọng nam và nữ bài “Trước ngày hội bắn”. Không ai biết Mai học lái xe khi nào. Nhiều lần sửa chữa đường, chị bước ra chặn đoàn xe ra hiệu có bom nổ chậm. Lái xe bước xuống hỏi tình hình, chị nhảy lên nổ máy lái đến cả cây số rồi lại bắt xe khác quay về. Có lần đi bốc hàng, Mai gạ lái xe cho mình lái một đoạn rồi vẫy tiểu đội trèo lên thùng. Lóng ngóng thế nào đó, Mai thao tác nhầm cần nâng ben đổ hàng làm lái xe và chúng tôi một phen sợ xanh mắt. Mai hy sinh cùng đại đội đêm ấy…

Dưới bom đạn khốc liệt, các đội viên Đại đội 915 vẫn vững vàng bám trụ trên các vị trí trọng yếu với tinh thần “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Làm việc bất kể giờ giấc, vất vả gian khổ trong điều kiện sống thời chiến, nhưng tất cả vẫn vui vẻ vô tư không một lời ca thán. Chúng tôi chỉ nằm lòng khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đôi lúc vất vả quá, thêm nỗi nhớ nhà cũng lén lút khóc dấm dứt, nhưng có việc lại lao vào công việc, cười đùa ngay được. Tôi không thể nào quên những tình cảm chân thành trong những năm tháng sống cùng đồng đội. Chúng tôi gắn bó, chia sẻ giúp đỡ nhau như chị em một nhà.

Tuyến quốc lộ 1B và 16A là hai tuyến giao thông huyết mạch, nên máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá dữ dội. Để đảm bảo giao thông thông suốt, đại đội phải căng mình làm việc trong mọi thời tiết. Đường sá hư hỏng luân phiên nhau sửa chữa không cần biết thời gian để các đoàn xe có thể qua lại. Hố bom sâu giữa mặt đường cũng chỉ dùng sức người san lấp, không hề có các phương tiên cơ giới nào. Mùa mưa hố bom vừa lấp xong xe tải qua mấy chuyến đất đã nhão ra thành bùn, xe “ba ti nê”  phải huy động sức người kéo đẩy.

Mùa hè năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá dữ dội hòng cắt đứt con đường chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Các tiểu đội thay phiên nhau làm ca kíp đảm bảo thông đường. Hàng ngày khi thực hiện nhiệm vụ, các đội viên phải mang theo ba lô quân tư trang sẵn sàng di chuyển xử lý tình huống tại các vị trí trọng yếu.

Ngày 13/9 đại đội đang sửa chữa đường và đào hầm cá nhân cho bộ đội và nhân dân qua lại trú ẩn ven quốc lộ tại Linh Sơn thì còi báo động. Các tiểu đội được lệnh sơ tán về chân đồi. Chưa kịp tới hầm trú ẩn máy bay Mỹ đã lao đến trút bom. Chị Hoàng Thị Cát bị trúng bom hy sinh, 8 chị em khác bị thương nặng.

Các ngày sau đó máy bay Mỹ liên tục trút bom, Đại đội 915 vẫn bám đường bám cầu để sửa chữa, san lấp. Ngày 25/9/1972 Mỹ ném hàng chục quả bom xuống khu vực kho xăng dầu Hóa Trung, Đồng Hỷ làm ba cụm bể chứa xăng dầu bốc cháy dữ dội. Bất chấp hiểm nguy, đại đội đã cùng nhân dân kiên trì dập tắt đám cháy, cứu được số xăng dầu còn lại.

Trong các tháng 10, 11 giặc Mỹ tiếp tục ném bom đánh phá dọc các tuyến quốc lộ 1B, quốc lộ 16A và các kho xăng dầu, bến bãi, nhà máy. Các đội viên thanh niên xung phong không hề nhụt chí khi được điều động tới làm việc tại các vị trí trọng điểm.

12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, thành phố Thái Nguyên và các vùng phụ cận bị ném bom dữ dội.

Chị Thầm và cháu

Sáng 24/12/1972, Đại đội 915 được lệnh tổ chức lực lượng đến ga Lưu Xá, phối hợp với các đơn vị bạn bốc dỡ giải tỏa hàng hóa quân sự do đồng chí Đại đội trưởng Triệu Văn Việt trực tiếp chỉ huy. Hôm ấy tôi cũng có tên trong danh sách để đi. Khoác ba lô tới vị trí tập trung, anh Nguyên y tá thấy tôi bị đậu lào đang điều trị chưa khỏi hẳn nên báo cáo với Đại đội trưởng. Thấy vậy chị Hiện cùng tiểu đội liền nhanh nhảu xin đi thay, chị bảo tôi: “Mày đang ốm, ở nhà để tao đi”.

Tối hôm đó, vòm trời như bị băm nát bởi máy bay địch gầm rú quần thảo. Các góc trời đỏ rực chớp bom nổ và lửa cháy. Nửa đêm hôm đó, tin dữ làm mọi người bàng hoàng: Cả đại đội đi làm nhiệm vụ đã chìm trong vệt bom B52…

Lời yêu thương thắp lên từ Lăng Bác

Ngay sau đêm mất mát đau thương tột cùng đó, Đội 91 điều động nhiều đội viên từ các đại đội khác bổ sung về 915 để đảm bảo quân số. Với tinh thần: “Biến đau thương thành hành động”, tôi và đồng đội tiếp tục thực hiện các công việc với một quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn. Có thể nói năm tháng ấy đã cho tôi cảm nhận sâu sắc về về tình yêu đất nước, về sức mạnh dân tộc và tình người, tình đời. Một khi niềm tin và ý chí đã trở thành lẽ sống, con người ta có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào.

Tháng 4/1973 tôi được gọi lên Văn phòng Đội 91 tập trung đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Về Hà Nội, tôi mới biết mình được chọn tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn của Đội TNXP 91 có 30 người, gồm 12 nam, 18 nữ. Riêng Đại đội 915 có tôi và chị Trần Thị Cảnh, Hoàng Thị Dung, anh Vũ Đức Là. Lúc ấy tôi hết sức vui mừng, nhưng cũng vô cùng lo lắng. Lo là bởi mình chỉ là cô gái miền rừng núi, chưa từng học qua trường lớp về kĩ thuật, không rõ có đảm đương nổi công việc được giao hay không.

Chúng tôi được bố trí ở khu Quần Ngựa và phối hợp cùng nhiều đơn vị khác thi công xây dựng Lăng. Các đồng chí nam giới tham gia làm sắt thép khu Lăng và hai khán đài, nữ làm phụ vữa, phụ nề và nấu cơm. Với tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, mọi vấn đề về chất lượng, an ninh, an toàn được các cơ quan chức năng giám sát, quản lý nghiêm ngặt. Tiến độ từng hạng mục được lên lịch tiến hành thực hiện rất khẩn trương, không khí làm việc trên công trường cũng rất sôi động. Mọi người chúng tôi xác định phải luôn cố gắng với một tinh thần trách nhiệm cao nhất để công trình Lăng Bác sớm được hoàn thành.

Tình yêu thuở đầu đời có lẽ ai cũng thật khó lý giải. Anh Lê Xuân Thơ là đội viên Đại đội 912, Đội 91 cùng được chọn cử đi tham gia xây dựng Lăng. Những buổi tối rỗi rãi, anh và chúng tôi kéo nhau ra cổng dưới ánh đèn đường ngồi tán chuyện. Một buổi tối nhân lúc vắng người anh đặt vấn đề: “Anh và em cùng quê, anh thích em từ lần đầu gặp nhau, xin phép cho anh được tìm hiểu…”. Thấy Lê Xuân Thơ đẹp trai, hiền lành tôi cảm mến và nhận lời yêu anh. Gọi là yêu nhưng bọn tôi khờ dại lắm, một chút nắm tay nhau cũng xấu hổ.

 Chúng tôi đã có những ngày tháng thật đẹp giữa Thủ đô Hà Nội. Do điều kiên làm việc ca kíp và vấn đề quản lý nhân lực, thời gian tôi và anh bên nhau tâm sự riêng tư không nhiều. Thi thoảng có ngày nghỉ, chúng tôi cùng anh chị em kéo nhau ra phố hòa vào dòng người tấp nập, hoặc lên tầu điện tới chợ Đồng Xuân, Tràng Tiền… Chỗ nào chúng tôi cũng thấy lạ lẫm và muốn đi chơi cho biết chứ chả ai mua gì. Đi mỏi cả bọn kéo nhau tới nhà hàng Thủy Tạ ăn kem. Có lần ăn kem xong hết tiền, cao hứng lên còn vét túi góp những hào lẻ mua sổ số.              

Ở miền rừng về Hà Nội, chuyện lạc đường đôi khi cũng cười ra nước mắt. Hồi đầu cứ thấy tàu điện là tất cả nhảy lên không cần biết đi đâu. Một lần từ Đồng Xuân tôi ngồi tàu điện ra tận Cầu Giấy, thấy không phải đường về đơn vị lại theo tàu về Đồng Xuân. Quen nếp sống như ở Đại đội trên Thái Nguyên, nhiều chị em vô tư nói chuyện bằng tiếng dân tộc làm mọi người ngang qua đều bật cười.

Tình yêu của tôi và anh Thơ hồn nhiên trong niềm vui đồng đội. Trên công trường, lời yêu thương nhau gửi vào ánh mắt. Mỗi ngày thấy công trình hiện dần lên vóc dáng, hình hài, chúng tôi vô cùng phấn chấn. Cuối năm 1974, anh ngỏ lời xin cưới. Chúng tôi báo cáo đơn vị và được cho nghỉ phép về quê xây dựng gia đình. Hồi đó cưới hỏi cũng đơn giản. Nhà gái thách cưới 80 kg lợn hơi, nhà trai chở hai con bằng xe đạp đến. Vào tới cổng nhà tôi lợn bị sổng, hai họ phải xúm lại cùng đuổi bắt… Vợ chồng tôi có 4 người con, 1 trai 3 gái.

                                * * *

Tôi rất tiếc không thể được gặp anh Lê Xuân Thơ, chồng chị Lý Thị Thầm, bởi anh đã mất vì không may bị đột quỵ. Sau nhiều khóa là Chủ tịch Hội Cựu TNXP của xã Yên Đổ, chị đã nghỉ vì tuổi cao sức yếu và hiện ở với người con trai.

Chia tay chị, tôi chợt cảm thấy mình thật nhỏ bé trước bao điều mà suốt một thời máu lửa dân tộc ta đã trải qua, trong đó có những đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 tuổi đời còn rất trẻ.

Trời làng quê tràn ngập nắng. Ánh mắt và nụ cười của chị cũng tỏa nắng.

Phan Thái

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy