Nơi ươm mầm hạnh phúc
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Thời tiết sau Tết Nguyên đán năm nay thật khắc nghiệt, cái lạnh cảm giác như xuyên qua da thịt, thấu đến tận xương. Thế nhưng, ngay khi được bác sĩ Chuyên khoa I - Hứa Minh Tuân, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A Thái Nguyên cho xem những bức ảnh của các em bé dễ thương cùng lời nhắn nhủ của cha mẹ các em, chúng tôi dường như được niềm vui của các gia đình, niềm vui của bác sĩ Tuân sưởi ấm.
Điểm tựa của những khát khao, mong mỏi
Sau khi làm thủ tục khai báo y tế tại khu vực cổng Bệnh viện, chắc chắn mình có kết quả âm tính với với virus SARS-CoV-2, tôi được hướng dẫn đường lên gặp bác sĩ Tuân theo lịch đã hẹn trước. Vừa kịp rót mời tôi cốc nước ấm, anh đã có bệnh nhân tìm gặp.
Từ lâu, Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện A Thái Nguyên) đã trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Từ đây, đã giúp hàng nghìn người được hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng làm cha, làm mẹ. Và, cũng chừng ấy gia đình có được niềm hạnh phúc trọn vẹn khi trong nhà ăm ắp tiếng trẻ thơ.
Sau một hồi lâu, bác sĩ Tuân quay lại, anh áy náy xin lỗi vì để tôi phải đợi. Tôi thì lại thấy khá thú vị khi được chứng kiến phần nào công việc của y, bác sĩ ở nơi tôi đang muốn tìm hiểu.
“Cả 2 vợ chồng vừa rồi đều rất trẻ!” – Tôi hỏi buột miệng nhưng cũng tự trả lời. Bác sĩ Tuân cho biết, hiện nay người trẻ gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản đến Khoa khám và điều trị rất nhiều. Mặc dù mới qua Tết Nguyên đán được vài ngày nhưng Khoa đã tiếp nhận hơn 20 hồ sơ của các cặp đôi cần can thiệp. Số lượng này có thể còn lớn hơn rất nhiều nếu dịch bệnh không bùng phát mạnh sau Tết khiến người dân ở các tỉnh đi lại khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tinh thần đảm bảo an toàn trước dịch bệnh trong bệnh viện là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nên các bệnh nhân đều có thể yên tâm khi đến Bệnh viện A khám và điều trị. 100% người trước khi vào Bệnh viện được test COVID-19. Trong viện, thực hiện xét nghiệm thường quy 1 tuần 2 lần bằng phương pháp PCR (miễn phí) vào thứ 3 và thứ 5 với tất cả các cán bộ, nhân viên, bệnh nhân nội trú.
Bệnh nhân tìm đến Khoa có khoảng 60% là người dân trong tỉnh, số còn lại chủ yếu là công dân của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Bình quân mỗi năm Khoa tiếp nhận gần 20 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Riêng năm 2021, Khoa đã đồng hành tư vấn và điều trị cho khoảng 600 cặp vợ chồng. Lứa tuổi phổ biến nhất là từ 30 - 40 tuổi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn thì có nhiều, nhưng có thể kể đến một vài nguyên nhân chủ yếu, đó là do lối sống, sinh hoạt và môi trường sống tác động. Mỗi bệnh nhân có một tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh khác nhau nhưng về tâm lý thì khá giống nhau đó là lo lắng và mong mỏi. Đa phần trong số họ đều đã phải chờ đợi quá lâu mà vẫn chưa được hưởng hạnh phúc trở thành cha, mẹ.
Bởi vậy, bên cạnh việc xác định nguyên nhân, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất thì việc hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, động viên người bệnh được các y, bác sĩ ở Khoa dành nhiều tâm sức.
Thành lập tháng 8/2015, cuối năm 2016 Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A Thái Nguyên vui mừng đón 3 em bé đầu tiên chào đời, đánh dấu những bước thành công đầu tiên trong việc ứng dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Khoa. Đây cũng là sự kiện giúp Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A Thái Nguyên trở thành đơn vị đầu tiên của khu vực Trung du miền núi phía Bắc thực hiện thành công kỹ thuật này, đồng thời mở ra cơ hội có con với nhiều cặp vợ chồng.
Những thiên thần nhỏ được sinh ra tại Bệnh viện A Thái Nguyên khi các sản phụ được chăm sóc sức khỏe tại Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện.
Để có thể đậu thai từ phương pháp IVF, các cặp đôi sẽ mất nhiều công sức và tiền bạc, bởi thế mọi sự thay đổi hay các dấu hiệu khác thường ở cơ thể đều khiến họ vô cùng lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lộc, người phụ trách Nam khoa ở đây nói vui: Ở Khoa chúng tôi vẫn đùa với nhau, anh Tuân là người sướng nhất, được chị em gọi điện ngày đêm, kể cả lúc đang ngủ mà không bị vợ ghen. Bác sĩ Lộc chia sẻ thêm: Ở đây, tất cả các bác sĩ đều cho bệnh nhân số điện thoại cá nhân của mình để bệnh nhân liên lạc khi cần. Thông thường các bệnh nhân hiếm muộn thậm chí đã từng can thiệp nhưng không mang lại kết quả, tâm lý của họ rất nặng nề. Kịp thời chia sẻ thông qua những tin nhắn, cuộc gọi của bệnh nhân cũng là cách chúng tôi làm giảm bớt gánh nặng ấy với họ và giúp họ biết các xử lý những dấu hiệu bất thường, để không ảnh hưởng xấu trong quá trình điều trị.
Sau 6 năm, Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện A đã đón chào khoảng 1.500 em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhiều bệnh nhân trong số đó được đông phôi từ giai đoạn đầu Khoa mới thành lập năm 2016. Sau khi người mẹ sinh bé đầu tiên, năm 2021 phôi đó tiếp tục được sử dụng để người mẹ sinh em bé thứ hai.
Nói về phương pháp IVF, bác sĩ Tuân giải thích: Khi làm thụ tinh ống nghiệm, chúng tôi sẽ phải chọc trứng của người bệnh. Tùy thuộc buồng trứng mà số trứng chọc được nhiều hay ít. Toàn bộ số trứng đó sẽ được cấy tinh trùng vào tạo phôi. Sau đó phôi ngày 3 hoặc ngày 5 sẽ đông lại để sử dụng. Mỗi một lần chuyển tối đa 3 phôi (với phôi ngày 3), phôi ngày 5 thường chỉ chuyển từ 1 đến 2 phôi. Số phôi còn lại được đông lạnh giữ lại phòng khi có nhu cầu. Người có phôi phải trả một khoản tiền trên 1,6 triệu đồng mỗi năm để Bệnh viện giữ và bảo quản phôi trong môi trường ni tơ. Đổi lại những lần chuyển phôi sau sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Lấy tên “ân nhân” đặt cho con mình để ghi nhớ
Các bác sĩ trong Khoa còn nhớ như in trường hợp đầu tiên được thực hiện IVF tại Khoa. Bệnh nhân bị vô sinh tắc 2 vòi trứng, đã đi điều trị ở nhiều nơi, tiêu tốn số tiền hơn 300 triệu đồng, song mười mấy năm sau ngày cưới vẫn không thể sinh con. Cho đến khi tới Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A thì khao khát cháy bỏng được làm cha, làm mẹ của cặp đôi này mới thành hiện thực. Niềm vui nhân lên bội phần khi người vợ mang thai đôi. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn và ghi nhớ người đã giúp gia đình có được niềm vui trọn vẹn ấy, cặp đôi đã đặt tên cho 2 con là Bằng và My, theo tên của bác sĩ và điều dưỡng trưởng trực tiếp điều trị cho mình. Đó là vợ chồng chị Trần Thị Diện và anh Đặng Văn Bắc, xã Ký Phú, huyện Đại Từ.
Bác sĩ Chuyên khoa I - Hứa Minh Tuân, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A Thái Nguyên tư vấn cho bệnh nhân.
Hẳn là thế! Có niềm hạnh phúc nào lớn lao và sánh được với niềm vui được làm cha, làm mẹ, ông bà có cháu ẵm bồng nên niềm vui khi biết tin một sinh linh bé bỏng đã hình thành và đang lớn dần trong bụng của những cặp đôi hiếm muộn thật đặc biệt. Kể lại những kỷ niệm vui với bệnh nhân, bác sĩ Tuân mủm mỉm cười: Có lần tôi đang đứng ở sảnh tầng 1, có rất đông bệnh nhân ở đó, một cặp đôi đang khoác tay nhau đi từ cầu thang xuống. Vừa nhìn thấy tôi, chị vợ bỏ tay ra khỏi cánh tay của chồng chạy lại phía tôi hét to “anh ơi em có thai rồi”. Bao ánh mắt khi đó đều đổ dồn vào tôi. Nghĩ vừa hơi ngại vừa vui. Ngại với anh chồng của bệnh nhân nữ nhưng vui vì bệnh nhân của mình đã có được kết quả như mong muốn. Thì ra lúc đó, 2 vợ chồng họ vừa làm siêu âm và biết đã đậu thai.
Lại có lần, có cặp vợ chồng, vợ là người Việt, chồng mang quốc tịch Hà Lan. Sau nhiều lần mang thai không thành, cả hai đã đến Khoa khám và điều trị. Sau một thời gian được điều trị tích cực, cặp đôi đã có thai bằng phương pháp tự nhiên và bác sĩ Tuân là người theo dõi và chăm sóc suốt quá trình mang thai của người vợ. Đưa cho tôi xem những dòng tin nhắn của người chồng nước ngoài, bác sĩ Tuân chia sẻ, với chúng tôi đây chính là sự động viên ngược trở lại từ phía gia đình người bệnh và cũng chính là phần thưởng quý giá nhất với người thầy thuốc. Anh chồng người Hà Lan viết: Ngày 6/1/2022, con gái Hannad của chúng tôi đã chào đời sau rất nhiều khó khăn vì chúng tôi có tuổi rồi. Chúng tôi xin gửi lời biết ơn đến các bác sĩ, hộ lý tại Bệnh viện A Thái Nguyên vì sự hỗ trợ, công sức, chuyên môn và sự kiên trì, tận tình chăm sóc vợ tôi trong lúc mang bầu cũng như khi sinh tại đây. Mọi người đã cho chúng tôi sự ấm áp như ở nhà. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này. Vô cùng biết ơn các bạn!.
Cùng với dòng tin đó là hàng trăm hình ảnh các em bé vô cùng xin xắn, đáng yêu kèm theo lời nhắn nhủ của cha mẹ các em tới bác sĩ Tuân và các y, bác sĩ trong Khoa: 2 con chào bác Tuân ạ. Mẹ con bị vỡ ối ở tuần 29, mổ cấp cứu ngày 18/8. Anh 1,5kg, em gái 1,3 kg. Gia đình con cảm ơn bác nhiều ạ; Bé nhà em được 15 tháng rồi này bác sĩ ơi. Trộm vía nhờ bác theo dõi suốt thai kỳ nên cháu khỏe mạnh, giờ biết nhiều thứ lắm rồi ạ. Bé sau em mong lại được nhờ bác ạ; Thành quả của bác Tuân đây bác ơi; Nhờ bàn tay vàng của các bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản đây ạ; Chưa có dịp để cảm ơn bác sĩ. Nay con được 2 tháng 19 ngày rồi. Chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ nhiều gia đình hiếm muộn khác. Cảm ơn bác sĩ Tuân và các bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A nhiều lắm ạ; Không có các bác sĩ Bệnh viện A, gia đình em chắc không có ngày hôm nay và em cũng sẽ không biết được làm mẹ hạnh phúc đến thế này. Em không biết nói thế nào để diễn tả được sự biết ơn của em và gia đình dành cho các y, bác sĩ; Thành quả của bác Tuân đây, 3 trứng, 2 phôi, 1 chuột vàng; Bác Tuân mát tay, chỉ một lần là đậu luôn. Không có bác sĩ, không biết giờ này mẹ con em thế nào rồi, ngàn lần cảm ơn bác sĩ; Đây là con trai cháu được chú mổ và giữ thai. 2 năm trước khi cháu mang thai đôi, nhưng lại một bé trong tử cung, một bé ngoài tử cung, với thai ngoài 22mm, thai trong đang tụ dịch dọa sảy. Cháu may mắn đã được gặp chú. Chú đã cứu sống một thiên thần, đã mổ thành công cắt bỏ ống dẫn trứng khi thai được hơn 6 tuần. Bé còn lại trong bụng năm ý giờ đã tròn 1 tuổi. Cháu gửi ảnh để chú thấy mặt bé. Cháu cảm ơn tất cả các y, bác sĩ Bệnh viện A và đặc biệt là khoa Hỗ trợ sinh sản rất nhiều ạ…
Xin được chúc mừng họ, chúc mừng các gia đình, các cặp đôi đã có được kết quả viên mãn sau hành trình dài đi tìm hạnh phúc. Và, ánh sáng soi đường cho họ trong suốt hành trình ấy chính là các y, bác sĩ, những người luôn coi sự mong mỏi của người bệnh là “mệnh lệnh” cho chính mình.
Có điều, những điều trên đây mới chỉ là hành trình của những người tạm gọi là may mắn. Bởi còn rất nhiều người vẫn đang mải miết xen lẫn lo âu trong những chuyến hành trình đi tìm hạnh phúc lớn lao ấy của đời người. Ở đó còn có cả mồ hôi, giọt nước mắt và những câu chuyện sẻ chia đầy nhân văn, cảm động. VNTN sẽ gửi đến độc giả những câu chuyện ấy trong một dịp gần nhất.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...