Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
14:58 (GMT +7)

Nối tiếp mạch nguồn

Qua Đu tới Đuổm lên Trào Thêm dăm cây nữa là vào thủ đô

VNTN - Trên suốt dọc đường từ T.P Thái Nguyên về huyện Định Hóa, câu ca dân gian ấy như thôi thúc, mời gọi chúng tôi về với Thủ đô gió ngàn, nơi năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng từng ở, làm việc và lãnh đạo nhân dân ta làm nên một chiến thắng Điện Biên: “chấn động địa cầu”. Để nay, những tên làng, tên đất đi vào sử xanh, cho đời đời cháu con Tiên - Rồng kế thừa mạch nguồn truyền thống cách mạng, cùng đoàn kết viết tiếp trang sử hào hùng, làm nên diện mạo mới trên quê hương Định Hóa.

Vào dịp lễ, tết, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phú Đình, Định Hóa)

đón tiếp từ 13 đến 15 đoàn khách trong ngày, với khoảng từ 1.000

đến 1.200 khách.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mông Đình Tinh, Chánh Văn phòng UBND huyện tự hào: Với huyện vùng cao Định Hóa, khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, hoạt động giám sát của HĐND, sự chỉ đạo linh hoạt của UBND cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tình hình kinh tế, xã hội của huyện được duy trì, phát triển ổn định, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Trong một “khoảnh khắc” ngắn, anh Tinh không cung cấp được cho chúng tôi nhiều thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Anh đang sấp ngửa chuẩn bị đến dự một cuộc họp quan trọng. Tôi đành cáo lui để anh kịp có mặt ở nơi có nhiều người đang chờ đợi. Và tôi, tất tưởi bước ra ngoài trời dưới cái nắng gay gắt cuối hạ, đầu thu, vội hăm hở qua đoạn đường dẫn đến chân núi Nản. Lặng lẽ lên lưng núi để “gói ghém vào mắt mình” sự thay da, đổi thịt của một vùng quê.

Leo lên một mỏm đá nhọn chót vót của núi Nản, nhìn xuống thị trấn huyện, thấy phố xá vuông vức như kẻ ô bàn cờ. Từng dãy nhà đỏ ối màu tôn lợp mái chống nóng. Nhìn những chiếc téc đựng nước bằng inox, anh bạn người bản địa đưa đường giúp tôi lên núi Nản, buông lời rất thơ: Những chiếc téc lấp lóa trong nắng kia thể hiện nếp sống văn minh đã đến với đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao Định Hóa... Để tôi hiểu, anh giải thích thêm: Chưa kể tiện ích dùng nước sử dụng cho bình tắm nóng - lạnh, mà đơn giản là trong sinh hoạt hằng ngày, người dân đã sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm kín đáo, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Anh chàng người bản địa có nhận xét thực sự tinh tế. Tôi nghĩ như thế, rồi lật mở xấp báo cáo của huyện trong 5 năm gần đây. Báo cáo ghi rõ: Trên cơ sở các lợi thế và tiềm năng sẵn có, huyện tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích nhân dân phát triển các hoạt động dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp như: dịch vụ làm đất, thu hoạch và chế biến nông, lâm sản... đến nay, khâu làm đất và thu hoạch sản phẩm đã được cơ giới hóa khoảng 70%, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 50.500 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 574 kg/người/năm. Trong chăn nuôi, huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và duy trì phát triển một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Hiện nhân dân đang chăn nuôi 8.000 con trâu; 2.800 con bò, 16.000 con dê, 42.000 con lợn, 620.000 con gia cầm. Lĩnh vực lâm nghiệp được quan tâm đầu tư, hằng năm diện tích rừng trồng mới và trồng thay thế đạt 1.200 ha. Đặc biệt trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm gần đây, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện vận động, huy động được trên 6.000 công lao động và hơn 5 tỷ đồng tiền hỗ trợ của cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các chính sách an sinh xã hội, chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo từ 33,98% đầu năm 2011 giảm xuống còn 18,94% vào cuối năm 2014. Đến cuối năm 2015, huyện Định Hoá phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 16%. Cũng trong thời gian 5 năm vừa qua, Định Hoá đã giải quyết việc làm cho 9.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.800 lao động... Tôi xin được tóm lược lại bằng câu chung nhất là: Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, Định Hoá đều đạt và vượt nhiều phần trăm so với cùng kỳ năm trước, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao.

Nhớ độ tháng 8 năm 2014 lên Định Hóa, nghe chuyện xóa đói, giảm nghèo, cụ Ma Thị Chít, 98 tuổi, thôn Thẩm Rộc (Bình Yên) cho biết: Từ nhiều năm gần đây, gia đình cụ và bà con trong xã không phải viết đơn xin Nhà nước cứu đói ngày giáp vụ. Người dân bây giờ không chỉ đủ ăn, đủ tiêu, mà còn có tiền tham gia đóng góp vốn đối ứng cùng Nhà nước để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Được biết, cụ Chít có một người con trai là liệt sĩ, một con trai là thương binh, cụ luôn tự hào về những người con của mình. Hằng ngày, cụ nhắc nhở con, cháu trong dòng họ tích cực hưởng ứng các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Còn ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc suy tư, cho biết: Trong xóa đói, giảm nghèo xã gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp đều phụ thuộc vào tự nhiên, như cây chè, một trong những cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã, nhưng năng suất chỉ đạt trung bình 35 tạ/ha/năm. Trong khi đó năng suất chè trung bình toàn tỉnh đạt gần 90 tạ/ha.

Giây lát dừng lời, ông Vụ thở dài, tiếp: Toàn xã có 1.174 hộ, thì có tới 502 hộ cận nghèo (chiếm 42,76%), 354 hộ nghèo (chiếm 30,15%). Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp giúp nhân dân thoát nghèo, như việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân; Hỗ trợ cho nông dân vốn vay ưu đãi đầu tư cho phát triển sản xuất; ứng phân bón trả chậm cho nông dân… nhờ đó, số hộ nghèo của xã giảm nhanh.

Tôi đã gặp các cụ cán bộ lão thành cách mạng: Ma Đình Thưởng (Bản Quyên), Ma Đình Bài (Thẩm Rọoc 1) và cụ Trần Văn Kiến (Roòng Khoa), tuy đều ở tuổi lên lão, song các cụ còn minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi các cụ có nhận xét gì về đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền các cấp ở xã, thì cụ Thưởng, cụ Bài và cụ Kiến có chung câu trả lời: Lớp cán bộ trẻ hôm nay có trình độ, năng lực và dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tôi nhẩn nha bước theo từng bậc đá lên đồi Khau Tí, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, con cháu trên mọi miền đất nước vẫn về đây thăm nơi Người từng ở, làm việc. Với người dân Điềm Mặc nói riêng, người dân huyện Định Hóa nói chung luôn đầy ắp niềm tự hào là những công dân được sinh ra trên miền quê giàu truyền thống cách mạng. Niềm tự hào ấy được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Và cũng những ngày này, đi giữa lòng Thủ đô gió ngàn Định Hoá, được thong dong đi trên từng tuyến đường bê tông rộng, dài về những bản, làng xa xôi, tôi thầm nghĩ: Có thêm một tuyến đường về bản, làng, đồng nghĩa với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đó giảm đi nhiều khó khăn; vùng đất ấy được “kéo lại” gần hơn với trung tâm huyện và thủ đô Hà Nội. Nhờ bởi hạ tầng cơ sở được Nhà Nước quan tâm đầu tư xây dựng, những vùng đất một thuở nổi tiếng cả nước vì khó khăn, như bản Cà Đơ (Lam Vĩ), sản phẩm nông nghiệp của đồng bào làm ra đã có tư thương đến tận nhà hỏi mua.

Thêm một mùa Thu về trên thủ đô cách mạng Định Hóa. Cũng là lúc những người con của vùng quê cách mạng tự nhìn lại: mình đã làm được gì cho quê hương, để vững tin bước tiếp.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

An toàn trong siêu bão

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước