Nỗi niềm người trong cuộc
VNTN - Bà ngồi đó, ngay trước mặt tôi, mệt mỏi với khuôn mặt buồn. Nhiều thứ bệnh xồng xộc ập đến báo hiệu cho bà biết quỹ thời gian dành cho cuộc đời mình không còn nhiều. Không sợ những điều đó, vì bà hiểu quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” đời người. Nhưng trong lòng bà dường như có ngọn lửa vô hình thiêu đốt, dồn nén thành nỗi niềm trăn trở, băn khoăn. Vì bà là một trong số 7 trường hợp của Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 915, Đội 91 Bắc Thái may mắn sống sót sau trận bom B52 tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên) vào đêm noel năm 1972. Bị sức ép bom đạn và thân thể mang nhiều thương tích, đau đớn đến chết đi, sống lại, song đến nay bà vẫn chưa được hưởng chế độ như thương binh.
Bà Lương Thị Hội (thứ 2 bên trái) cùng đồng đội cũ tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên)
Người đàn bà tôi kể trong câu chuyện này là cựu TNXP Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ). Rất bình thường như hàng ngàn TNXP thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng bà trở thành một nhân vật của câu chuyện huyền thoại lịch sử trên vùng đất thép Thái Nguyên. Bởi một lẽ giản đơn rằng: Bà đã sống sót dưới tọa độ bom B52 của giặc Mỹ, trở thành một nhân chứng, và hiện đang sống như bao người. Ảnh chân dung bà cùng đồng đội được treo trang trọng ở Gian trưng bày của Nhà Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đại đội TNXP 915. Và bà tự hào về điều đó.
Giọng man mác buồn, bà kể: Hôm rồi (3/10), Đoàn cán bộ Kho Dự trữ Quốc gia từ Hà Nội lên Thái Nguyên công tác, các anh chị đến tận nhà đón tôi về Khu Di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915 dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Nhưng vừa đến nơi, tôi bị hoa mắt, chóng mặt, ngã vật ra đất. Vậy là chưa kịp vào thắp cho đồng đội mình nén hương đã phải nhập viện cấp cứu.
Màu thời gian hằn sâu thành nếp nhăn trên khuôn mặt, khiến bà già hơn so với tuổi 66 của mình rất nhiều. Bà tự hào nhớ lại: 19 tuổi, tôi trúng tuyển TNXP Đội 91, được biên chế vào Đại đội 915. Cùng xã còn có các anh chị: Hoàng Văn Tung, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Lý và Hoàng Văn Chấm trúng tuyển và cùng được biên chế về Đại đội 915. Do điều kiện bấy giờ khó khăn, nên Đại đội được chia thành từng nhóm nhỏ và được bố trí, sắp xếp ở nhờ nhà dân tại khu vực xã Linh Sơn (bấy giờ thuộc huyện Đồng Hỷ, nay thuộc T.P Thái Nguyên). Trong Đại đội, mỗi người một quê, một cảnh khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi cùng chung nhiệm vụ là bám cầu, bám đường, bảo đảm giao thông thông suốt; tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Nhiều khi phải làm việc thâu đêm lấp hố bom, vá ổ gà để từng đoàn xe vận tải chuyển quân, lương ra mặt trận. Trong tay chỉ có cuốc chim, xà beng, xẻng… nhưng hào khí thì ngút trời. Cứ có lệnh là lên đường, có những hôm cả đội làm việc ngay lúc bom thù vừa lặng tiếng, máy bay địch còn kêu lì rì trên bầu trời, mùi khói đen khét lẹt, nhức hết mắt mũi. Trên mặt đường, ai nấy mồ hôi bết mặt, màu bụi đất vàng ệch trộn lẫn với khói đen làm bao khuôn mặt trở nên gân guốc hơn. Vậy mà khi có đoàn xe qua, các anh bộ đội nói bông đùa: Các em ơi, nhà cháy ở đâu mà đen nhẻm như thế? Bà Hội cùng chị em đáp lại: Đó là thứ phấn son từ bom đạn của giặc Mỹ dành cho con gái thời chiến tranh.
Cái tuổi hồn nhiên ấy của bà được cống hiến cho chiến tranh. Thời TNXP, bà Hội 2 lần bị bom giật, bom văng đến chết đi sống lại. Lần 1 xảy ra hôm 13 tháng 9 năm 1972. Hôm đó, bà đang cùng đơn vị làm nhiệm vụ san lấp, vá ổ gà tại đoạn đường ở khu vực xóm Làng Phan, xã Linh Sơn. Bất thình lình, một tốp máy bay địch xuất hiện, bổ nhào ném bom vào trận địa. Tất cả vội chạy tìm hầm trú ẩn. Bà kể: Tôi vừa xấp mặt xuống, 2 tay ôm chặt đầu thì thấy có tiếng nổ inh tai, nhức óc, ngực như bị nén lại, không thở được. Khi tỉnh lại tôi thấy đồng đội đang xúm quanh mình. Mọi người reo lên: “Nó sống lại rồi”. Tôi ú ớ hỏi: Còn các chị… Một nữ TNXP òa khóc, nói: Chị Hoàng Thị Cát, người Bắc Kạn hy sinh tại chỗ, 8 chị em khác bị thương phải đưa vào bệnh viện cứu chữa.
Sau gần 1 tuần dưỡng thương tại Bệnh viện Khu (ngoại trú), sức khỏe bình phục, bà trở về đơn vị, tiếp tục cùng đồng đội làm nhiệm vụ. Vẫn hồn nhiên yêu đời như bao “cánh hoa của đại ngàn”, nhưng đó là những cánh hoa được tôi luyện trong lửa thép, bởi đó là những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc cực kỳ khốc liệt, nhiều khu vực của T.P Thái Nguyên đổ nát tan hoang, chết chóc, đau đớn, khắp vùng thoảng đưa mùi khói hương tiễn biệt người thân. Kinh hoàng nhất phải kể tới trận bom B52 xảy ra vào buổi tối 24 tháng 12 năm 1972. Trận bom cướp đi mạng sống của 60 TNXP Đại đội 915, và 2 cán bộ Ty lương thực Bắc Thái đang làm nhiệm vụ tại khu vực ga Lưu Xá. Bà Hội kể: Ngày hôm ấy chúng tôi đã làm việc từ sáng sớm cho tới lúc mặt trời lặn. Vừa nhận được lệnh nghỉ ngơi tại chỗ, chuẩn bị ăn cơm thì tiếng máy bay ầm ì rõ dần trên đầu. Còi báo động hú lên, chúng tôi được lệnh xuống hầm trú ẩn. Thình lình cả mặt đất rung lên bần bật, căn hầm xập xuống, cả một khối bê tông lớn cùng đất, đá nặng hàng nghìn tấn đè lên xương thịt con người. Bom nổ không chỉ làm xập hầm, còn tạo ra một sức ép kinh khủng, nhiều anh chị bị xé toác thân thể, hất văng xương thịt trên mặt đất. Bản thân tôi cũng bị hất tung lên cao, ném vào giữa đống bê tông đổ nát. Đất đá văng ào ào, máu mồm ứa ra, mặn chát. Chỉ một lát sau đó, khu vực sân ga trở nên im lặng báo hiệu một sự tàn phá kinh khủng của chết chóc rùng rợn. Chợt từ đống bê tông gần đó, tôi nghe rõ tiếng gọi yếu ớt của anh Hoàng Văn Thắng, quê ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn): “Hội ơi, cứu anh”… rồi tiếng gọi ấy lả đi. Tôi cũng mê man bất tỉnh vì đau đớn. Tôi không biết mình đã ngất đi bao nhiêu thời gian, rồi khi tỉnh lại trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, hoang mang, không biết đồng đội mình ai sống, ai chết.
Ông Vũ Văn Mão (bên phải), Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đoàn công tác của tỉnh đến nhà thăm, động viên bà Lương Thị Hội yên tâm, tin tưởng vào chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Vào cái khoảnh khắc nhận ra mình còn sống sót ấy, bà Hội thấy gần chỗ mình nằm có tiếng rên i ỉ vì đau đớn. Bà Liêu Thị Ly, quê ở thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Hai người lết lại, ôm ghì lấy nhau mà khóc. Rồi lê lết, trườn bò trong tình cảnh quần áo tơi tả, da thịt tướp táp máu. Họ cố gắng nhích lên từng mét đường vì đau đớn đến cạn sức. Bà Hội nhớ lại: Cực nhất là lúc 2 chị em vượt qua cầu phao bến Oánh. Cầu dập dênh như muốn hất chúng tôi xuống lòng sông. Vừa trườn bò, vừa khóc vì tủi thân, chúng tôi muốn trở về đơn vị thật nhanh để báo tin cho đồng đội. Gần sáng, tôi ngất đi vì vết thương ở đầu, ở trán, ở đùi trái và ngực bị bóp nghẹt, nhức nhối… Một số người dân xã Linh Sơn đã đưa chúng tôi về nhà sơ cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Khu cấp cứu. Cũng ở đây, tôi đau đớn khi nhận được thông tin: 67 cán bộ, đội viên trong Đại đội TNXP 915 nhận lệnh đến ga Lưu Xá giải tỏa hoàng hóa, thì 60 người hy sinh, 7 người còn lại, trong đó có tôi phải vào viện trong tình trạng đau đớn cả thể xác và tinh thần… Bà nói như giãi bầy: Vậy là có 2 lần bom Mỹ nó tránh mình.
Sau 2 lần chết hụt vì bom đạn của quân đội Mỹ, bà tiếp tục tham gia TNXP cho đến năm 1975, đơn vị giải tán, bà xin chuyển ngành sang Công ty Xây lắp 1 Bắc Thái. Cuối năm đó, bà lấy chồng. Cưới nhau được ít ngày thì chồng bà, ông Trần Quang Vinh tình nguyện nhập ngũ. Đành gác sự nghiệp riêng, bà xin thôi việc, về thay chồng chăm nom mẹ chồng già gần 90 tuổi. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ông Vinh được chính quyền địa phương giữ lại làm cán bộ xã. Còn bà bằng lòng với cuộc sống thôn dã. Bà chia sẻ: Chưa đầy 10 năm, từ 1976 đến 1985, tôi sinh 5 đứa con, cuộc sống của cả nhà trông vào 6 sào ruộng và 4 sào đất trồng chè. Bản thân đau yếu, kinh tế gia đình thường xuyên đứng ở lằn danh nghèo và cận nghèo. Nhiều lần vợ chồng phải mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp Ngân hàng Chính sách Xã hội để vay tiền cho các con ăn học.
Cuộc sống kham khổ, nhọc nhằn cộng với di chứng do sức ép của bom đạn chiến tranh, khiến nhiều thứ bệnh ùa về tàn phá sức khỏe, tinh thần, khiến sức khỏe bà suy kiệt. Bà kể: Nhiều lần vừa chợp mắt đã thấy chúng nó (đồng đội cũ của bà) ùa về, đứa cầm tay, đứa níu áo rủ đi chơi. Rồi chúng nó khóc. Đứa kêu đau đầu, đứa bảo bị vỡ tim, có đứa ôm bụng bảo bị dập gan, có đứa không nói gì, ngồi trầm ngâm nhìn tôi… Mồ hôi nhễ nhãi, người sốt đùng đùng, tôi giật mình tỉnh dậy, khóc. Sớm ra, đạp xe đến thăm bố mẹ anh Tung, chị Mai, chị Lý, xin phép các cụ thắp nén hương gửi tới vong linh người nơi chín suối. Lần nào gặp tôi các cụ cũng khóc, bảo: Hội ơi, mấy đứa đi với nhau, sao mày không rủ chúng nó cùng về… Mỗi lần như thế, bà cắn răng đến bật máu môi vì tủi. Tủi vì thấy mình như người có tội với mẹ của đồng đội. Tủi vì mình được sống, nhưng thường xuyên bị đau ốm...
Ông Hà Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP nói đầy trăn trở: Về trường hợp của chị Hội, chúng tôi nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành chức năng liên quan, đề nghị nghiên cứu, giải quyết cho chị được hưởng chế độ chính sách như thương binh… Về việc này, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội đã có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Cựu TNXP tỉnh… trong đó ghi rõ việc bà Lương Thị Hội đã 2 lần được khám giám định thương tật. Lần 1 ngày 9/8/1974, Hội đồng Khám xét thương tật tỉnh Bắc Thái xác định tỷ lệ thương tật 5%. Lần 2 ngày 18/10/2001, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Thái Nguyên, kết luận tỷ lệ thương tật 16%. Bà Hội đã được giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, như các chế độ trợ cấp đối với TNXP. Gần đây nhất, năm 2018 bà Hội được hỗ trợ sửa nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ 20 triệu đồng. Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện bà Hội có đơn đề nghị khám bổ sung vết thương trước đây chưa khai, như vết thương trên đầu, ở trán và bên đùi trái, là viết thương thực thể còn để lại sẹo. Sở đã xác minh và được các nhân chứng xác nhận. Trên cơ sở đó, Sở đã có văn bản gửi Cục Người có công để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời đề nghị Cục tạo điều kiện cho trường hợp bà Hội được giám định tiếp vết thương còn sót chưa kê khai. Sở luôn làm hết trách nhiệm. Vì đó là lương tâm con người, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với đất nước.
Bà Hội bùi ngùi: Nhiều đồng đội tôi được yên giấc ở cõi người hiền. Còn tôi được sống cùng đau đớn vết tích đạn bom. Tôi mong được hưởng chế độ chính sách như thương binh. Và tôi đã chờ đợi đến nay đã gần nửa thế kỷ. Và tôi tiếp tục chờ đợi, hy vọng, vì tôi có niềm tin sắt son vào Đảng, Nhà nước.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...