Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin
VNTN - Thu nhập chỉ là một phần chứ không phải tất cả; cơ hội làm việc phải do mình tạo ra; thành công của mỗi cá nhân đều cần sự đóng góp của cả một tập thể… Đó là những câu nói nằm lòng của bất kỳ một cán bộ, y bác sĩ nào của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Bằng sự nỗ lực của tập thể; tấm lòng tận tụy của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, nhiều năm qua nơi đây đã trở thành nơi gửi gắm sự sống của người bệnh.
Tự tạo ra “đất dụng võ”
“Bệnh viện là nơi tôi đã chọn, tôi gắn bó nó không thể tách rời ra khỏi cuộc đời tôi được. Nơi đây tôi và bạn bè, đồng nghiệp đã trưởng thành, nó chính là cơ duyên của cuộc đời tôi, và tôi đã gắn bó với nó suốt một đời làm việc. Sắp tới nghỉ hưu tôi sẽ nhớ lắm…”. Bác sĩ CKII Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bắt đầu bằng những lời như thế. Gần gũi, ân cần đấy là điều ai cũng thấy khi gặp ông. Ông là thế hệ thứ hai kế tiếp thế hệ đầu - những viên gạch hồng xây dựng bệnh viện. Hơn 30 năm gắn bó với nơi đây, nhắc về quá khứ, ông bồi hồi lặng đi đôi chút để ngăn dòng cảm xúc đang chực trào ra rồi chậm rãi: “Được các bậc đàn anh đi trước dìu dắt, thế hệ chúng tôi trưởng thành trong khó khăn và đến giờ chúng tôi luôn nói với lớp cán bộ trẻ như thế này: Người bệnh đến với mình là người ta gửi gắm tất cả cho bác sĩ. Mình đau ốm như thế nào, mình nằm viện tâm tư suy nghĩ mình như thế nào thì tâm tư người bệnh cũng như vậy. Mình ăn ở có nhân có đức thì sẽ gặp may mắn…”. Và những trăn trở của người bệnh như sợ đau, sợ tiêm, bệnh như thế này các bác sĩ có biết không, chẩn đoán bệnh có đúng không, bệnh tiến triển ra sao, hôm nào được ra viện… đã được ông và các đồng nghiệp cảm thông, giải đáp, giúp họ yên tâm để điều trị nhanh khỏi bệnh.
Bác sĩ Khoa Thần kinh dặn dò ông Luyện trước khi ra viện
Trong quá trình làm việc, dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, số lượng bệnh nhân lại khá đông nhưng bác sĩ Sơn và đồng nghiệp luôn động viên nhau cố gắng khắc phục hoàn cảnh. Giờ viện đã quy mô, hiện đại và chỉ riêng Khoa Ngoại đã tách ra rất nhiều khoa khác nhau, ít ai biết khoảng hai mươi năm về trước bệnh viện chỉ có một Khoa Ngoại. Hồi đó, có những phẫu thuật như khâu nối mạch máu dù bệnh viện chưa có dụng cụ như: chỉ khâu mạch máu, kẹp mạch máu… nhưng bằng chiếc phẫu tích tự chế và những sợi chỉ khâu mạch máu tự kiếm được cùng một số dụng cụ khác, bác sĩ Sơn đã nối mạch máu để điều trị chạy thận nhân tạo và mổ thận…
Mỗi một ca phẫu thuật thành công, người bệnh điều trị hồi phục, ra viện, bác sĩ Sơn thấy hạnh phúc và đó là niềm động viên để ông thêm yêu nghề gắn bó với đồng nghiệp, bệnh viện. Ông cũng rất hiểu, để điều trị mỗi một ca bệnh thành công cần rất nhiều khâu, rất nhiều người tâm huyết, từ bác sĩ đón tiếp bệnh nhân đến cán bộ điều dưỡng tiêm, truyền, cho uống thuốc, thay băng, cắt chỉ… như một dây chuyền khép kín đòi hỏi công sức của cả một tập thể.
Ở đời mọi người thường chọn đến nơi có thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt hơn. Bác sĩ Sơn cũng đã đôi lần phân vân trước những lời mời của các bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng vì tình yêu với cơ quan đồng nghiệp ông lại nghĩ, thu nhập cũng chỉ là một phần chứ không phải là tất cả. Và điều kiện làm việc cũng vậy, đó là một sự tác động tương hỗ. Mình là người được đào tạo, mình phải phấn đấu, hôm nay điều kiện chưa tốt mình phải cải tạo ra điều kiện làm việc tốt hơn. Cũng như các trường hợp phẫu thuật ông đã từng làm chẳng trường hợp nào giống nhau. Sách dạy chỉ là cơ bản, nhưng bệnh tật thực tế muôn hình vạn trạng, người phẫu thuật viên luôn luôn phải sáng tạo, linh hoạt nếu không “lần này gặp vỏ dưa” lần sau lại “gặp vỏ dừa” vẫn cứ trượt bệnh bình thường.
Chung suy nghĩ với bác sĩ Sơn là bác sĩ trẻ Nguyễn Trường Giang, Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Tự tin và đầy đam mê khi nói về nghề, anh tâm sự: Các thế hệ trước đã truyền cho chúng tôi tình yêu nghề, hoài bão và niềm đam mê, chúng tôi phải có trách nhiệm giúp đỡ, làm chỗ dựa cho những thế hệ tiếp theo. Nghề này không giống với những nghề gia truyền, là chỉ có thể truyền cho con cháu. Ngược lại mình phải truyền cho anh em đồng nghiệp, lớp trẻ để làm sao cho những kỹ thuật đó, kinh nghiệm đó càng nhiều người biết càng tốt để khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Là cựu sinh viên Trường Đại học Y Thái Nguyên ra trường anh làm việc tại viện, rồi tiếp tục đi đào tạo nâng cao tại Ô-xtrây-li-a chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, hiện bác sĩ Giang là Tiến sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh. Nhiều lúc có người hỏi bác sĩ Giang, sao gắn bó với bệnh viện như vậy, sao không ở lại công tác ở nước ngoài…? Anh lại có quan niệm hoàn toàn khác. Những tình cảm và sự đóng góp của đồng nghiệp, khiến anh nghĩ phải có trách nhiệm ở lại viện để cùng mọi người xây dựng. Và có như vậy thì đội ngũ, bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tại Thái Nguyên sẽ mạnh lên nhiều. Anh tự hào: Trình độ bác sĩ ở Thái Nguyên rất tốt. Toàn bộ những kỹ thuật chúng tôi làm hiện nay đều là những kiến thức học ở trong nước. Đào tạo ở nước ngoài chỉ giúp chúng tôi hoàn thiện và tự tin hơn. Hiện tại khoa đang áp dụng và làm rất tốt những kỹ thuật về chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm nâng cao, xquang can thiệp; nút mạch phế quản, tử cung, gan; nút phình não, tuyến tiền liệt; bơm xi măng tái tạo đốt sống; đặt sten đường mật…
Phẫu thuật cho bệnh nhân tại Khoa Ngoại Tim mạch lồng ngực
Thầy thuốc thời 4.0
Trắng đêm với những ca trực, hôm nay các thầy thuốc Khoa Thần kinh vui mừng, phấn khởi lắm. Những ca điều trị đột quỵ đã thành công tốt đẹp. Nụ cười rạng ngời hạnh phúc của các bệnh nhân cùng người thân khiến tất cả các bác sĩ, y tá, trong ca trực như vơi đi mệt mỏi sau một đêm vất vả và căng thẳng… “Tôi mang ơn các bác sĩ trong khoa nhiều lắm! Nếu không có các bác sĩ, y tá tận tình, cứu chữa kịp thời thì tôi đã…chết… không thì cũng liệt nửa người”- Bệnh nhân Vũ Thế Luyện 85 tuổi, Tổ dân phố 3 phường Hương Sơn nghẹn ngào. Sau đúng 24 giờ điều trị đột quị sức khỏe ông đã trở lại bình thường. Ông Luyện bị bất tỉnh ở giữa đường, người dân khiêng vào bệnh viện Gang thép cấp cứu. Qua chẩn đoán thấy bệnh tình ông rất nặng, “Hệ thống báo động đỏ” của bệnh viện Gang thép đã kịp thời kết nối và tức tốc đưa ông Luyện lên Bệnh viện Trung ương, lúc đó ông đã liệt nửa người và méo miệng. Qua chẩn đoán hình ảnh ngay từ những giờ đầu các bác sĩ đã chỉ định cho ông uống thuốc tiêu sợi huyết, sau 24h ông đã hồi phục hoàn toàn và chuẩn bị ra viện về ăn Tết.
Tôi tò mò về “Hệ thống báo động đỏ” và “Trung tâm đột quỵ”. Chỉ vào chiếc điện thoại các bác sĩ vui vẻ: Có gì đâu, chúng tôi kết nối nhau qua phần mềm zalo, hội chẩn nhanh, chụp và gửi hình ảnh với nhau vừa nhanh lại không tốn tiền. Thì ra là vậy, nghe các bác sĩ của khoa nói về “Hệ thống báo động đỏ” mới đầu cứ tôi cứ nghĩ nó là những thiết bị quy mô, hiện đại và đắt tiền mới được trang bị cho các bệnh viện. Có ai ngờ chỉ qua một phần mềm thông minh trên điện thoại mà đã giải quyết được những điều như không tưởng. Xuất phát từ việc phải cấp cứu các bệnh nhân đột quỵ kịp thời trong 3 giờ đầu nên các bác sĩ trong viện đã có sáng kiến thành lập “Trung tâm đột quỵ” gồm các Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Khoa Thần kinh. Trung tâm sẽ kết nối với nhau qua nhóm kín bằng phần mềm zalo sau thời gian đi vào hoạt động rất hiệu quả gần đây nhóm đã phát triển rộng hơn, kết nối với các bác sĩ ở các bệnh viện khác như: Bệnh viện Đồng Hỷ, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện A… và trong tương lai sẽ lan rộng hơn để cứu chữa kịp thời các bệnh nhân, đột quỵ, tai biến mạch máu não trên toàn tỉnh.
Câu chuyện của các bác sĩ khiến tôi càng tin tưởng về những điều họ khẳng định: cơ hội làm việc phải do mình tạo ra và chắc chắn không có tình yêu và niềm đam mê với nghề họ sẽ không làm được những việc như vậy.
Khám bệnh ở Khoa Nhi
Khẳng định thương hiệu
Cách xây dựng thương hiệu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên là bằng chính sự nỗ lực của mỗi cán bộ y, bác sĩ; bằng tấm lòng tận tụỵ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.
Là bệnh viện hạng một tuyến trung ương với đội ngũ gần 1 nghìn cán bộ, y, bác sĩ được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn cao, trong những năm qua bệnh viện đã làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc. Quy mô từ 1 nghìn đến 1,5 nghìn giường bệnh; trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 1 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú.
Bệnh viện đã cải tạo nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, phát triển đội ngũ khoa học chuyên sâu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến trước, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bệnh viện đưa đi đào tạo trong và ngoài nước hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, mở ra hướng phát triển mới cho y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao của Bệnh viện khu vực. Hiện nay, Bệnh viện có đầy đủ các phòng, khoa chuyên môn, đáp ứng được các yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều khoa đã áp dụng những tiến bộ mới, như: Khoa Ngoại Tim mạch lồng ngực mổ tim hở dưới tuần hoàn ngoài cơ thể để điều trị các bệnh tim bẩm sinh: Thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp, hở van tim, trong đó có một số ca thay cùng lúc hai van hai lá và động mạch chủ, sửa van 3 lá, phẫu thuật cắt u trung thất, phẫu thuật nội soi lồng ngực sinh thiết và điều trị rối loạn thần kinh giao cảm ra nhiều mồ hôi tay. Khoa Chấn thương, chỉnh hình đã tiến hành vi phẫu thuật nối chi thể đứt rời, thay khớp gối, khớp háng… Khoa Ngoại thần kinh phẫu thuật lấy bỏ u não, phẫu thuật cột sống. Khoa Ngoại tổng hợp gan, mật đã phẫu thuật thành công cắt khối tá tụy, cắt u gan để điều trị lấy bỏ khối u vùng đầu tụy, khối u gan... Trung tâm Ung bướu triển khai phẫu thuật nội soi cắt buồng trứng, nội soi cắt tuyến giáp… Chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao, thủ tục hành chính được cải cách, rút ngắn thời gian khám bệnh và điều trị nội trú nên Bệnh viện thu hút ngày càng đông bệnh nhân tới khám, chữa bệnh.
Những thành tựu ấy đủ lớn để đội ngũ thầy thuốc thế hệ thứ hai - đứng đầu là PGS.TS Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện - tự hào và yên tâm chuyển giao trách nhiệm cho các thế hệ kế tiếp.
Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, mong muốn mang đến sức khỏe và niềm vui cho bệnh nhân bằng chất lượng dịch vụ và lấy điều đó làm tiêu chí, thước đo hiệu quả công việc, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên không những hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân mà còn tạo dựng được hình ảnh đẹp, niềm tin, tình cảm của người dân trong tỉnh và khu vực. Trong thời gian tới bệnh viện phấn đấu thành bệnh viện nòng cốt khu vực miền núi phía Bắc.
Bệnh viện được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và ngành như: Huân chương độc lập hạng Ba (năm 2011); Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (năm 2012, 2015); Nhiều năm liền được Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen. |
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...