Nói ngắn, nói dài
VNTN - Đứng ngoài cổng trường chờ con làm bài thi tốt nghiệp, các ông bố bà mẹ giết thời gian bằng cách tán chuyện thi cử, học hành. Cùng nỗi lo lắng khiến cánh phụ huynh trở nên gần gũi như thể thân thiết từ lâu lắm. Những câu chuyện trên trời dưới bể cứ thế tiếp nhau bất tận. Vừa nhìn đồng hồ, chị Lan vừa lẩm bẩm:
-Môn thi chiều nay có 90 phút thì vèo cái mà hết. Sáng thi Văn chờ sót ruột quá các ông bà nhỉ? Được cái, thằng con ra khoe làm được kín 3 tờ nên thấy cũng bõ công.
Mọi người lao xao:
-120 phút mà ba tờ thì giỏi quá rồi, có cho tôi quyển sách để trước mắt cũng chẳng chép kịp.
-Chưa ăn thua đâu nhé, tôi thấy bảo, năm trước nhiều bài 4, 5 tờ ấy. Dài thế không được 8, 9 điểm Văn mới là lạ.
-Con bé nhà tôi “ít Văn”, trước hôm đi thi bày cho nó bao nhiêu cách “lận” bài rồi mà được có một tờ. Nào là cách lề, nào là chép lại đề bài, mỗi đoạn cách nhau hai dòng cho lãi. Lại còn phóng chữ lên to gấp 3. Thế mà chả ăn thua. Ngắn thế ai người ta thèm chấm!
Nghe chuyện văn ngắn, văn dài, ông Hoàng chợt nhớ ra:
-Mà này ông bà ơi, nghe đâu có câu văn nghị luận xã hội yêu cầu viết 200 từ, tính ra độc nửa trang giấy. Thằng cháu nhà tôi bảo nó vẫn cứ “chém” hai trang, chẳng biết có phạm luật không?
Câu hỏi của ông Hoàng dường như gãi đúng chỗ ngứa của mọi người, lại trong “tâm bão” đề thi, nên cuộc chuyện bỗng rôm rả hẳn, mà ý kiến thì, mỗi người một ý. Người thì khẳng định, đã là văn thì càng dài càng tốt; người lại lo lắng phải theo đúng quy định của đề, người quay sang phê phán đề thi bàn vấn đề “quốc sách” mà cho có 200 từ thì chỉ kịp mở bài với kết luận… Bấy giờ, cô Nga, một cô giáo dạy Văn “xịn” hôm nay cũng đưa con đi thi mới lên tiếng:
-Các ông các bà ạ, cái món văn chương này khó luận giải chính xác đúng sai mà còn phụ thuộc vào cảm quan người chấm. Nhưng con dạy và chấm thi nhiều năm thì thấy, không phải cứ làm dài mới được điểm cao đâu. Nhiều em viết chữ thưa hay tán văn cho nhiều, thực chất chỉ nhìn qua là biết. Ngược lại, có em viết ngắn, nhưng sắc sảo, ý nào cùng tinh lọc và thấm thía, đọc dễ chịu vô cùng. Chuyện giám khảo “đo gang chấm điểm” không phải không có, nhưng chắc rất ít, ông bà cứ yên tâm.
-Vậy còn vụ bài nghị luận 200 từ? Theo cô các cháu viết lên 400, 500 từ có sao không? Thừa có bị trừ không?
-Số từ không quy định chính xác, nhưng cũng cần làm theo yêu cầu một cách tương đối. Cái giỏi của các em là phân tích được đúng, hay mà lại ngắn gọn. Làm dài quá, chứng tỏ học sinh chưa có kỹ năng khái quát vấn đề, lại ảnh hưởng đến thời gian làm các bài khác. Thời đại công nghệ mà các bác, yếu tố thời gian đáng trọng lắm, mình viết dài mà lê thê, nói nhiều mà toàn thứ vô nghĩa thì không chỉ tốn thời gian của bản thân mà còn làm mất thời gian của người đọc, người nghe nữa.
Bấy giờ, nhóm phụ huynh mới ồ lên. Hóa ra, cái quan niệm văn là phải dài, phải nhiều chữ đã lỗi thời. Người ta ra đề 200 chữ còn để thử anh cái kỹ năng thâu tóm vấn đề nữa. Nói dài tưởng khó nhưng giờ luyện để nói ngắn còn khó hơn. Tiểu thuyết nghìn trang chưa chắc đã ăn được cái anh “truyện cực ngắn”, cuốn luận văn mấy trăm trang ngồn ngộn chữ không chứng tỏ được tác giả là người tài năng. Thừa chữ không có nghĩa là vượt chất lượng! Ngoài đời thường cũng vậy, giờ phong cách giao tiếp hoa lá cành, con cà con kê đã ít được trọng dụng. Thế cho nên, trong các kỳ đại lễ, bên tây người ta phát biểu ngắn gọn, đơn giản, ai xem cũng thích, trong khi nhiều lãnh đạo nhà mình vẫn cứ giữ thói quen xưa, ôm cả tập giấy lên đọc như cuốc kêu mùa hè. Ngắn gọn xúc tích mà vẫn mạch lạc, sâu sắc thì chẳng ai bảo mình ít chữ, dù chỉ phải nói trong 200 từ!
Hiểu Mai
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...