Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
08:32 (GMT +7)

Nỗi lo “lỗ hổng” trong kiểm soát dịch bệnh

VNTN - 21 hộ dân nằm dọc quốc lộ 37, thuộc địa phận phố Cầu Ca, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (đoạn giáp ranh với tỉnh Bắc Giang) đang bất an như “ngồi trên đống lửa”.

Người dân tiếp xúc trực tiếp với các thương lái ngoại tỉnh để nhận hàng mang vào tỉnh Thái Nguyên.

Các hộ dân ở đây bày tỏ nỗi lo khi nơi mình đang sinh sống hiện hữu nguy cơ dịch COVID-19 có thể xâm nhập, bởi kể từ khi các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh phía Nam bùng phát COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4, tiếp đó là Hà Nội liên tiếp phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng, thì ở khu vực này số lượng người ngoài tỉnh qua lại khá đông, nhưng không được kiểm soát tốt.

Cụ thể, trong khu vực 21 hộ dân sinh sống có Phòng khám đa khoa Hà Nội - Phú Bình hàng ngày đều tiếp nhận bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành, nhất là Bắc Ninh và Bắc Giang (căn cứ theo biển số xe). Đáng lo hơn khi đây còn là nơi thực hiện các mẫu test nhanh và xét nghiệm SAR-CoV-2. Mỗi ngày, đều có đông người dân đi từ ngoại tỉnh về dừng tại đây làm xét nghiệm, dấy lên mối lo dịch bệnh có thể xâm nhập vào khu dân cư. Cùng với đó, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các xe chở hàng không thể tự do đi vào tỉnh như trước, thì khu vực này đã bị “biến” thành nơi trung chuyển hàng hóa của người và phương tiện ngoại tỉnh với các thương lái và người buôn bán nhỏ lẻ ở Thái Nguyên.

Cách đây không lâu, người dân cũng đã từng phát hiện một số người trở về từ vùng dịch dừng tại đây để tìm cách vào tỉnh. Thậm chí có người về từ TP. Hồ Chí Minh còn “mắc võng” nằm ngay sát nhà họ. Theo hình ảnh người dân cung cấp, đã có trường hợp người dân trốn trong thùng xe tải về đến đây họ xuống xe với lỉnh kỉnh đồ đạc như xô, chậu, quần áo, chăn màn. Ngay cả xe máy cũng được đưa xuống từ thùng xe. Người dân đã phải báo cáo với cán bộ trực chốt gần đó để xử lý theo quy định.

Những chiếc xe biển kiểm soát ngoại tỉnh chiếm dụng lòng đường, dừng, đỗ để giao, nhận hàng.

Tại khu vực phố Cầu Ca, đoạn giáp ranh với tỉnh Bắc Giang, không khó để chứng kiến hàng chục chiếc xe tải lớn, nhỏ có biển kiểm soát ngoại tỉnh đến đây dừng đỗ, trao đổi hàng hóa với người và phương tiện ở Thái Nguyên. Lòng đường bị nhiều xe chiếm dụng ngang nhiên, đấu đầu đuôi để bốc, xếp hàng. Có xe đỗ, chiếm hết ½ lòng đường. Hàng hóa giao dịch gồm nhiều loại như: lợn con, gà con, thức ăn chăn nuôi, phân bón,… Bên cạnh các xe ô tô tải cỡ lớn và vừa còn có đông người điều khiển xe máy ngoại tỉnh cũng dừng tại đây để trao đổi hàng hóa như thực phẩm, hoa quả,… với người dân của Thái Nguyên. Đáng nói là việc trao đổi hàng hóa này diễn ra trực tiếp, nghĩa là bên giao hàng và nhận hàng tiếp xúc trực tiếp với nhau. Không nói thì ai cũng hiểu, việc đó có thể lây lan dịch bệnh bất cứ lúc nào, mặt khác không đúng với quy định của yêu cầu phòng, chống dịch của tỉnh.

Tại Phòng khám đa khoa Hà Nội - Phú Bình, cũng có hàng chục lượt xe ô tô con có biển kiểm soát ngoại tỉnh lui tới. Vì Phòng khám bám mặt đường nên các phương tiện của người ra vào đây thường đỗ sát ngay trước cửa nhà của người dân.

Ông Ngô Văn Tính, một trong số 21 hộ dân sinh sống tại đây trăn trở: Chúng tôi rất lo lắng khi bị “bỏ” ra khỏi vùng kiểm soát dịch COVID-19 như thế này. 21 hộ dân chúng tôi nằm trên đoạn đường khoảng 400 - 500m tính từ sau chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên đến vị trí giáp ranh tỉnh Bắc Giang. Vì chưa đến điểm chốt nên không có ai kiểm soát nên người và phương tiện ở ngoài tỉnh dừng tại đây. Các hộ dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh và đề đạt nguyện vọng tới chính quyền địa phương có phương án kiểm soát dịch bệnh ở khu dân cư bám theo đoạn đường cuối cùng này của tỉnh để chúng tôi được bảo vệ nhưng chưa được giải quyết. Điều chúng tôi băn khoăn là, tại sao chúng tôi là người dân nằm trên địa phận đất Phú Bình, có hộ khẩu thường trú tại xã Kha Sơn mà lại bị nằm ngoài vùng được kiểm soát dịch bệnh như thế?

Còn ông Nguyễn Việt Hùng bày tỏ: Người dân chúng tôi nhìn chung đều rất có ý thức trong việc phòng, chống dịch. Tôi đã tạm dừng các dịch vụ kinh doanh của mình, đóng cửa để góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nhưng ngược lại, có biết bao người từ nơi khác đến giao dịch hàng hóa ngay trước cửa nhà chúng tôi. Một ngày không biết có đến bao nhiêu lượt xe giao hàng hoặc phải quay đầu, cứ vòng vèo tại khu vực này, lấy gì đảm bảo là trong số họ sẽ không ai mang mầm bệnh có thể phát tán. Vì sao bỗng nhiên chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ cao bị dịch COVID-19 xâm nhập như thế? Khi mà chúng tôi không an toàn thì huyện Phú Bình và tỉnh mình liệu có an toàn?!.

Việc giao dịch hàng hóa thường xuyên diễn ra trước cửa nhà khiến nhiều người phải xếp các ụ gạch, chăng dây để tạo ranh giới đảm bảo an toàn.

Cũng theo phản ánh của người dân, đã có nhiều người trở về Thái Nguyên từ các tỉnh, thành khác nhưng không thể qua chốt liên ngành phòng, chống dịch. Họ đã để lại đồ đạc tại khu vực 21 hộ dân đang sinh sống rồi đi bộ theo lối tắt vào tỉnh, sau khi vào được tỉnh, bản thân họ quay lại hoặc nhờ người thân đàng hoàng đi đường chính qua chốt để lấy đồ rồi quay trở vào. Theo chân người dân, chúng tôi ghi nhận được, một lối tắt vào tỉnh đã được rào lại, có người dân địa phương trực 24/24 giờ. Trong điều kiện hết sức khó khăn, nằm giữa cánh đồng không có điện, không có nước, song lực lượng trực chốt đã khắc phục điều kiện duy trì chốt, không để người ngoài xâm nhập. Tuy nhiên, ngay cạnh quốc lộ 37, cách vị trí giáp ranh tỉnh Bắc Giang khoảng 200m còn một lối đi tắt qua một cánh đồng nhỏ. Chúng tôi đã men thử theo đường bờ ruộng, chỉ mất vài phút đã có thể ra đến đường chính, vào địa bàn huyện Phú Bình mà không gặp khó khăn gì.

Chỉ cần men theo bờ mấy thửa ruộng này là người đi từ địa phận tỉnh Bắc Giang có thể vào địa bàn huyện Phú Bình một cách dễ dàng.

Trước những thực tế trên, mong mỏi được nằm trong vùng kiểm soát dịch bệnh của 21 hộ dân đang sinh sống ở đoạn giáp ranh với tỉnh bạn là hoàn toàn chính đáng. Nỗi lo và sự cảnh giác trước đại dịch mang tính “hủy diệt” toàn cầu này của họ không thể gọi là “lo xa” khi mà trong nước ta vẫn đang tiếp tục ghi nhận sự lây lan nhanh chóng của dịch. Sự việc này rất cần được xem xét và giải quyết thấu đáo, bởi trong cuộc chiến với dịch bệnh, có làm tốt ở “vùng biên” thì “vùng lõi” mới có thể an toàn.

Linh Trà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy