Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:25 (GMT +7)

Nơi không ai muốn đến

VNTN - Một ngày đầu tháng Bảy, nhiệt kế chỉ 38 độ, nghĩa trang Dốc Lim (T.P Thái Nguyên) lặng phắc, hiếm lắm mới có ngọn gió vờn, hú gọi hoang vắng. Tôi như kẻ lạc loài lang thang trong nghĩa địa, không tìm mộ người thân, cũng không để tìm cho mình một mảnh đất cỏn con cho ngày hậu sự của chính mình. Tôi đã đi như con chuột đồng rình tìm cái ăn người đời bỏ lại trên nấm mồ người xấu số.

Nhẫn nại, tôi đặt từng bước chân len vào giữa những mộ chí, đi lòng vòng, vô định. Các cụ bảo đấy là cái cách đi của người bị ma trơi dẫn đường. Nghĩ thế, chợt thấy sống lưng mình có luồng khí chạy dọc lên. Tôi định thần, nhận ra lưng áo mình ướt rượt mồ hôi. Một cơn gió lạc loài, hiếm hoi, hoang hoải trườn qua từng bia mộ, tôi nghe lẫn trong tiếng gió có bước chân ai đó như muốn theo sát mình. Ù òa, một người đàn ông bất chợt xuất hiện trước mặt tôi, anh ta cười hiền lành làm thân. Cổ họng tôi cứng lại vì chưa định hình được “kẻ” đứng trước mặt mình là người hay một vãng vong cô hồn hiện về xin ăn. Anh ta hỏi:

- Trông chú không giống người đi tìm mộ. Chắc chú là “kỹ sư ngành khảo sát, thiết kế mồ mả”.

Tôi suýt bật cười vì câu nói hồn nhiên của anh ta. Nhưng rồi gật đầu ừ à cho qua chuyện.

 

- Chú không thạo đường đất ở đây, để cháu dẫn chú đi. Công cán bao nhiêu tùy tâm chú trả.

Ông Đặng Thanh Bình thu dọn phần mộ sau khi đã bốc

Nhìn anh ta cũng hiền lành, chất phác, tôi thấy tin ngay. Hơn nữa, ngay như lúc này có một người như anh ta làm bạn, cùng lang thang trong nghĩa địa, bước qua những nấm mồ cũng đỡ lạnh sống lưng và rơi mồ hôi hạt.

Người bạn xa lạ dẫn tôi đi, hết lên dốc, lại xuống dốc, qua các khu đồi người dân địa phương vẫn quen gọi bằng những cái tên, đồi Hoàng Tô, đồi Tròn, đồi Cột Điện và đồi Ông Thử. Dọc đường qua những nấm mồ nằm lặng im, tiếng của người bạn mới gặp nghe buồn như đưa đám. Anh ta là cư dân của xã Thịnh Đức, hằng ngày vào nghĩa địa chăn thả trâu, gặp ai thuê dọn dẹp mồ mả thì nhận làm.

Anh ta bảo: Nhiều người trong xã đi chăn thả trâu cũng làm như cháu. Thỉnh thoảng có người đến lễ tạ mồ mả, không mang về thứ gì, thế là chúng cháu được ăn thoải mái. Có lần cháu còn lấy được một con gà, nải chuối, đĩa xôi mang về cho cả nhà cùng ăn. Gắp cái phao câu, mẹ cháu bảo: Đây là lộc giời hành con ạ.

24 tuổi, nhưng anh bạn xa lạ của tôi đã gắn bó với nghĩa địa này bằng “nghề chăn trâu” từ hơn chục năm rồi. Anh bạn tỏ ra rất thông thạo đường qua, lối lại, ở đâu có tổ chim mới bắt, tổ ong mới đốt, anh kể vanh vách và có vẻ rất khoái chí như một chiến tích. Ngày nào cũng lên nghĩa địa thả trâu, thấy góc nào có đám chôn cất, bốc hót, là nấn ná, nghiêng ngó.

Xuỵt! Anh bạn tỏ vẻ quan trọng: Cái hố trước mặt cỏ mọc lấp kín, chú bước cẩn thận. Quả nhiên, trông hố huyệt như một cái bẫy, lỡ sơ ý, sa chân xuống, dẵm phải cái đinh gỉ thì chắc chết vì vi trùng uốn ván. Anh bạn kể: Cuối năm 2006, có một số người vào Ban Quản trang đòi mộ mẹ. Các bác làm bảo vệ cùng người nhà xông xốc chạy lên nghĩa địa, thấy chỉ còn bên hố huyệt mới đào là những tấm ván mục, đỏ lờ nhờ. Nhưng chỉ sau ít ngày các bác trong đội bảo vệ đã truy tìm được thủ phạm, thế mới tài chứ. Mà chú có tin dưới âm ti, người chết vẫn đang sống không?... Vụ đó, người đào trộm mồ không phải là để tống tiền như trên phim ảnh bạo lực, mà do bị tâm thần. Ông ta tự khắc bia ghi tên mẹ mình, vác vào nghĩa địa, nhổ bỏ một tấm bia mộ và đặt bia mẹ mình thay vào đó. Cháu còn nghe nói: Sau khi gia đình nạn nhân tìm được cốt nhục, đi gọi hồn, người mẹ từ âm ti bảo với các con: Người ta chuyển nhà cho mẹ đến nơi ở mới. Người ta đối xử tốt với mẹ, các con không phải chuyển mẹ đi đâu nữa. Nghe lời mẹ, những người con của bà không đi kiện cáo, đòi mộ nữa.

Nhiều chuyện ly kỳ lắm chú ạ. Một chiều cuối năm 2009, nghĩa trang lập lòe đèn đóm của những người đi bốc mồ. Chợt có tiếng hò hét, tiếng đấm đá bịch bịch, tiếng chửi bới, tiếng người van xin... Cháu chạy đến xem thấy một người đàn ông mồm miệng chảy đầy máu đang nằm khóc hưng hức trên quan tài trong hố huyệt. Nghe loáng thoáng cháu biết: Người nằm dưới hố huyệt là anh con bà vợ cả. Người chửi bới, đánh đấm là người con trai của bà vợ hai và người nhà. Nguyên do vì khi bốc mộ bố, người con của bà vợ cả đã tự ý làm mà không bàn bạc với ai. Ăn đòn là phải chú nhỉ.

Giây lát ngừng lời để thở, anh bạn tiếp tục kể: Đận cuối năm 2014, có bà ở tận trên Bắc Kạn còn thuê dân xã hội vào canh mộ bố cả tháng trời. Cháu lân la hỏi một anh có tóc đỏ, anh ấy hiền lắm, bảo: Bà ấy thuê canh mộ bố, vì không muốn cho người anh cả ở huyện Võ Nhai đến đào. Bà ấy còn bảo: Mộ đang phát, nên không ai trong dòng họ được động đến.

Thấy tôi chẳng nói gì, anh bạn đồng hành trong nghĩa địa thở dài, rồi chìa bàn tay đen đúa bảo: Chú cho cháu xin 200.000 đồng. Thế là hữu nghị, coi như một ngày công lao động.

Cất tiền vào túi, anh ta luýnh quýnh chạy đi tìm đàn trâu của mình. Còn tôi tiếp tục một hành trình như kẻ bị ma dẫn nhập trên vùng đất chẳng ai muốn đến. Tôi thong thả lấy điếu thuốc ra hút, chợt nhận ra ở nơi này khói hương không sền sệt, không đặc quánh, mà chỉ có mùi tử khí bao trùm. Nhìn những ngôi mộ chẳng cái nào giống cái nào, chen chúc không thành hàng lối, tôi liên tưởng tới chuyện dưới ba tấc đất này, những hồn ma cũng giật giành hơn thiệt, cũng cấu xé, cũng xưng hùng, xưng bá như ở thế gian. Ở khắp các triền đồi thuộc đất nghĩa địa, mồ mả san sát, cái cao, cái thấp. Có mộ xây cao vượt đầu người, ốp đá xẻ Thanh Hóa, đỉnh mái có hình “lưỡng long chầu nguyệt”, song có ngôi mộ thấp lè tè, cỏ mọc phủ dày, bia mộ tạm bợ, bát hương lạt khói, thưa chân nhang.

Thế mới hay, nơi dù không muốn đến, nhưng rồi ai cũng một lần phải về cũng còn lắm chuyện bon chen.

Phóng mắt nhìn lên các sườn đồi thấy lộn xộn, rối rắm những mộ chí cao thấp, to nhỏ, cũng giống như nhiều phố phường của người trần thế, nhà cửa chẳng cái nào ra cái nào, ai có tiền đến đâu, xây đến đó. Có một lần ông Đặng Thanh Bình, Đội trưởng Đội Bảo vệ công cộng (Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên), người được Công ty giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách nghĩa địa này cho tôi biết: Người Việt Nam có quan niệm “sống vì mồ mả”, nên khi trong nhà có người nằm xuống, thường mời thầy về xem giờ mai táng, đặt hướng mộ, nên ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý nghĩa địa. Việc này đã xảy ra từ hàng chục năm nay.

Khuyết điểm do lịch sử để lại. Tôi nghĩ thế, vì từ hàng chục năm rồi, kể từ ngày tỉnh Thái Nguyên quy hoạch khu đất nghĩa địa, khi giao cho cơ quan chức năng quản lý, lại không hướng dẫn, hoặc chỉ đạo cho đơn vị quản lý xây dựng, quy định việc chôn cất mồ mả theo hàng lối, trồng cây xanh. Cũng bởi trước đây, nghĩa địa đất đai rộng rãi, “cư dân” vào nhập mộ thưa thớt; cùng đó là sự dễ dãi, cả nể của những người làm công tác quản trang, mặc kệ ai muốn chôn như thế nào thì tùy mới dẫn đến cảnh nghĩa địa mồ mả lộn xộn không ra hàng lối. Có dạo, sau khi chôn cất người nhà, người ta mang vật liệu đến xây tường bao rộng ra xung quanh, xí luôn phần cho người thân sắp về miền thiên cổ. Lại nữa, nhiều trường hợp sau khi bốc mộ mang cải táng, gỗ quan tài, vải khâm niệm... vất bừa bãi, không chỉ gây mất vệ sinh mà còn làm ảnh hưởng đến những ngôi mộ xung quanh.

 

Ai là người dọn dẹp? Nghĩa địa Dốc Lim rộng mệnh mông hàng chục héc ta, nhưng chỉ có 4 người của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên được giao nhiệm vụ làm công tác bảo vệ, chứ không phải làm vệ sinh môi trường bãi tha ma. Qua thực tế mới thấu hiểu, cảm thông cho những người như ông Bình quản trang hiện nay. Ông Bình cho biết: Từ hơn chục năm nay, nghĩa địa Dốc Lim đã lấp đầy các phần mộ, nhưng diện tích vẫn chỉ có thế, chẳng thể mở mang được. Chúng tôi phải lựa những phần đất giữa các ngôi mộ để cấp cho “công dân” mới nhập địa. Nhiều trường hợp nhờ thầy địa lý, thầy cúng vào tìm đất, chọn hướng, chúng tôi chấp nhận theo tâm nguyện của gia đình, cho phép tự đi chọn vị trí, nhưng thực ra cũng chỉ là nhưng lô đất nằm xen cùng những mộ cũ, chứ tìm đâu ra khu đất mới.

Tổ dịch vụ chuẩn bị đào huyệt mộ mới

Ăn, ở, ngủ, nghỉ và làm việc bên nghĩa địa nhiều năm, ông Bình “say” nghề, luôn trăn trở tìm giải pháp tối ưu giúp mọi người, với nghĩ suy làm giảm bớt đau thương cho gia đình người khuất núi. Dựa trên quan niệm: “Trần sao âm vậy”, nhiều người khi vào xin cấp đất xây mộ cho thân nhân xấu số, được ông Bình giải thích rằng: Ví như ở phố xá, nhà cửa san sát, người ta vẫn mua lại đất, nhà của nhau để ở. Người dương trần như thế, thì người âm thế cũng có thể nằm lại chỗ mộ phần của người trước đã bốc chuyển đi. Bây giờ, người dân đã không còn ngại ngần khi chôn cất người thân qua đời tại các vị trí mộ cũ nữa. Ông Bình còn cho biết thêm: Để nghĩa địa không bừa bộn những ván thiên, vải liệm, chúng tôi yêu cầu các trường hợp vào bốc mộ người thân đặt cược 500.000 đồng/mộ, có ghi biên bản đặt cược với gia đình. Số tiền này chúng tôi mua dầu, thuê người vào đốt ván áo quan và những thứ liên quan tới nấm mộ. Trong trường hợp gia đình tự làm, chúng tôi hoàn trả lại cho họ số tiền đó.

Tôi lầm lũi bước trong khu nghĩa địa, thỉnh thoảng lại bắt gặp những huyệt mới được đào, thấy ván áo quan ải mục, vải liệm nằm phơi trong nắng, đợi khô nỏ mới được đem đốt. Có tấm đang cháy dở dang. Sau khi đốt, lao công sẽ dồn toàn bộ tro xuống hố mộ, không để vương vãi trên mặt đất.

Gặp một nhóm người đang cùng nhau xây mộ chí. Giây phút bùi ngùi, như thế là nghĩa địa chuẩn bị đón thêm một “công dân” mới. Họ già hay trẻ, họ chết bất đắc kỳ tử hay chết vì yểu bệnh. Họ có công với nhân dân hay có lỗi với mọi người trong thiên hạ..., thôi, nghĩa tử là nghĩa tận, dù sao cũng xong một kiếp người, luận bàn làm gì, về đây, họ được bình yên, nghỉ ngơi, buông kệ những chuyện trần đời... Anh Đinh Văn Lợi, 41 tuổi, người cao tuổi nhất của nhóm cho biết: Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu vào nghĩa địa này kiếm sống bằng nghề thợ xây. Chủ yếu là đào huyệt, xây mồ, khi quen với việc chôn cất người chết, tôi tham gia bốc hài cốt, những ngày đầu cũng thấy kinh hãi, sau rồi quen.

Lợi cùng các thanh niên: Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Thạch, Lê Đình Thư và Nguyễn Văn Minh ký hợp đồng lao động thời vụ với Ban Quản trang. Công xá phụ thuộc vào “sản phẩm” lao động hằng ngày. Công việc của nhóm chủ yếu là đào huyệt, lấp mộ. Còn các phần việc như xây mộ, bốc mộ, nhóm được phép thỏa thuận với thân nhân người nằm dưới mồ. Thạch bảo: Tôi có trình độ văn hóa lớp 2/12, vào đây lao động, sống nhờ người chết. Công việc nặng nhọc lắm, hằng ngày hít thở toàn âm khí nặng nề, nhất là những đêm đi bốc hài cốt, có nhiều lần phải dùng dao để lóc xương, dù đã làm nghề hơn 10 năm nay, nhưng mỗi lần bốc mồ, về ăn cơm, nhìn thấy thịt luộc, sườn xào chua ngọt, ngon là thế mà vẫn muốn ọe ra khỏi cổ.

Tôi tin, đó là câu nói thật lòng của Thạch. Bởi có cái nghề nào vất vả, độc hại hơn là nghề hằng ngày phải chứng kiến, chôn cất những người chết và đào bốc lên những bộ xương người. Nhưng vì cuộc mưu sinh, họ phải chấp nhận, coi đó là một nghề để sống. Nhưng tôi nghĩ: Để theo đuổi được nghề này, họ cũng là những người lao động có tâm, có tình nghĩa con người. Anh Mạnh kể: Một lần đi bốc mộ, khi bật ván thiên, thấy người nằm trong quan tài mới mốc trắng, còn nguyên vẹn. Hơi thối nồng nặc. Chúng tôi sợ lắm, bảo gia đình người chết lấp lại, làm sau, chứ dùng dao mà dóc xương, lọc thịt thì rợn người lắm. Khi đó, một cụ bà hơn 80 tuổi đã chắp tay van xin, bảo chúng tôi cố gắng giúp đỡ gia đình, chứ lấp xuống còn có tội hơn với người đã khuất...

Chúng tôi bảo nhau lặng lẽ mà làm. Vì có ai muốn thế đâu.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước