Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
02:17 (GMT +7)

Nói chuyện làm mới tiếng Việt

VNTN - Đầu tháng 11 vừa qua, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Thêm một lần nữa, câu chuyện về sự tùy tiện của tiếng Việt lại được nhắc tới trong các bài tham luận, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ mối lo ngại, rằng “hiện nay ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, kể cả các tài liệu báo cáo chính thức, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng và trong sách giáo khoa đang ngày càng có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển và làm mới tiếng Việt; hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, cách nói từ tiếng nước ngoài trong tiếng Việt…”

 

Nhiều năm qua, vấn đề “lệch chuẩn” ngôn ngữ, ngôn ngữ “teen”, “@”… có nguy cơ làm biến dạng tiếng Việt, cũng đã được bàn thảo khá nhiều. Từ điển từ mới (Viện Ngôn ngữ học, 2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000). Có ý kiến cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của nhiều năm đất nước mở cửa, đổi mới, hội nhập trong xu hướng toàn cầu hóa. Theo Nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình, thì ngôn ngữ liên tục xuất hiện và liên tục đào thải. Suy cho cùng thì cái gì xuất hiện và tồn tại, được xã hội chấp nhận đều có lý, áp lực của thói quen trong sử dụng ngôn ngữ vô cùng lớn. Không tung hô nhưng hãy xem xét ôn hòa - chấp nhận biên độ mở rộng nhất định của tiếng Việt để tạo ra sự phong phú, mới mẻ, như Lỗ Tấn từng nói: “Đầu tiên chưa có đường, người ta đi mãi mà thành đường”, ngôn ngữ cũng vậy.

Đã có nhiều từ mới xuất hiện, sử dụng lâu thành quen, ví dụ như, trong lĩnh vực giao tiếp xã hội có: con chip, cơm bụi cơm tù, xe dù, năm ăn năm thua, tinh vi - vi tính, căm pu chia (chia nhau trả tiền), lỗ tấn (thua lỗ), hồng lâu mộng (mơ mộng), “phối kết hợp” (để thay thế cho việc làm hợp tác, phối hợp, hoặc kết hợp, hay giao lưu); “quan thiết” (quan trọng, cần thiết)… Song, ở khía cạnh nào đó, việc sáng tạo từ mới lại gây phản ứng thiếu tích cực. Chẳng hạn, để chỉ mức độ cao, tiếng Việt thường dùng “rất”, “quá”, “lắm”, nhưng ngày càng có nhiều từ được sáng tạo như “cực kì”, “trên cả tuyệt vời”, “bá đạo”, “vãi”...; hay như chữ “tặc” là yếu tố Hán Việt có nghĩa là kẻ cắp, kẻ trộm chỉ xuất hiện trong tiếng Việt trong từ mượn nguyên khối là “hải tặc”, thì nay được dùng để tạo ra hàng loạt từ mới như “cát tặc”, “game tặc”, “cẩu tặc”, “đinh tặc”…; rồi như danh xưng “vua”, “vương”, “hoàng đế” mỗi thời chỉ có một, nay được dùng để chỉ các danh hiệu cao như “vua bóng đá”, “nữ hoàng sexy”, “ông hoàng nhạc nhẹ”, “nữ hoàng nội y”, nam vương,…

Thực tế cho thấy, tiếng Việt trong những năm gần đây đã phong phú hơn nhiều. Làm mới ngôn ngữ, đó là xu hướng tất yếu để giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Việc sử dụng tiếng nước ngoài thành chuẩn cũng khá nhiều, thay vì dùng “đường dây nóng”, “máy quay bay”, “tự chụp”, thì lại sử dụng “hotline”, “flycam”, “selfie”... rồi “show”, “festival”, “virus”,… Tuy nhiên, tìm tòi ngôn ngữ mới để ứng dụng trong đời sống, cũng cần sự chọn lọc chứ không dễ dãi, dù ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của toàn dân, việc sử dụng lộn xộn đến mức độ nào đó cũng sẽ bị đào thải theo quy luật chọn lọc tự nhiên.

Câu chuyện giữ gìn, phát triển tiếng Việt hẳn còn là chuyện dài kỳ, bởi muốn nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề tiếng Việt hiện nay liệu có đang “lệch chuẩn”, chúng ta phải có cái nhìn biện chứng, toàn cục. Ngôn ngữ có sự lệch lạc do bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như vùng miền, sự biến thể, hay xu hướng toàn cầu hóa, vì thế việc chấp nhận là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là sự dung hòa, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Có ý kiến cho rằng, nên chăng cần phải rà soát việc dùng tiếng Việt trong các văn bản lập pháp, hành pháp của các cơ quan công quyền, tổ chức chính trị xã hội… Bởi những khiếm khuyết về việc sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc câu văn trong các văn bản thuộc hệ thống công quyền, tư pháp, dịch vụ… sẽ nhanh chóng phổ cập vì nhiều người sẽ hiểu đó là ngôn ngữ chính thống.

Có lẽ, phải bắt đầu “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” từ những việc như thế!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy