Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
06:47 (GMT +7)

Nơi “cái chết” treo trên đầu

VNTN - 101 hộ, 467 công dân ở xóm Đồng Ca (Tân Hòa, Phú Bình) đang sống dưới đường điện bị hư hỏng nặng. Nhiều cột điện bị gẫy ngang thân phải buộc gá tạm có thể đổ đè chết người; nhiều đoạn dây điện trần võng xuống có thể giật chết người. Từ nhiều năm nay, đường điện ở đây đang giống như một cái bẫy treo trên đầu người dân Đồng Ca.


Phóng sự. Quang Huy, Ngọc Chuẩn

VNTN - Đó là những ngày đầu tháng tám của năm con dê (2015), từng cơn mưa đột ngột ào đổ như xối xuống đồng đất Tân Hòa (Phú Bình). Trận mưa như vớt vát, níu kéo một mùa lũ đầy hờn giận đã đi qua, làm hàng cây bên đường phờ phạc, lúa trên đồng bị xô nghiêng, run rẩy vì thiên nhiên dọa nạt.

Dù hôm chúng tôi về Đồng Ca, một xóm cuối của thẻo đất Tân Hòa, mưa đã tạnh, mây đã xanh cho nắng buông gọi Thu về, nhưng con đường dưới chân chúng tôi đi bết quánh bùn đất đỏ, trơn nhềnh nhệch. Trên con đường cơ man khổ ải ấy, tôi liên tiếp phải lựa lái để chiếc xe máy cà khổ đắp đầy bùn đất, đi men bên mép vũng lầy như cách đi của nghệ sĩ đường phố.

Người dân xóm Đồng Ca có ti vi nhưng không xem được chương trình thời sự.

 

Ông Đào Tiến Khoa, cư dân của xóm Đồng Ca nói khích tướng: Các bác về thăm Đồng Ca, đi trên cái đường xấu, thấy khổ một giờ, thì dân Đồng Ca chúng tôi phải khổ nhiều đời vì cái đường hằng ngày đi về lầy lội cả khi trời nắng. Nhưng với người dân Đồng Ca, nỗi khổ lớn hơn cả cái khổ đường đi dưới chân, là đường điện trên đầu. Toàn dây thép trần buộc trên ngọn cột bị đổ ngả xuống, nhìn mà hãi, chỉ lo sơ ý là điện giật chết người.

Hàng cột dẫn điện về Đồng Ca không có hình họa cảnh báo nguy hiểm chết người, nhưng hiện trạng đường điện ở Đồng Ca như vừa trải qua một trận bão táp hay động đất gì đó. Vô số những cột điện bị gẫy ngang, người dân phải dùng cây gỗ và dây thép buộc gá tạm bợ. Nhiều đoạn đường điện bằng dây thép để trần bị võng xuống thấp hơn đầu người. Ông Nguyễn Văn Quý, phó xóm cho biết: Đã 20 năm điện về Đồng Ca là suốt 20 năm người dân Đồng Ca được sử dụng điện phập phù như nhà có ma chơi. Vào các giờ cao điểm trong ngày, tức là buổi trưa và buổi tối, có tí điện đỏ như đom đóm đực là hạnh phúc rồi.

Cột điện trước cổng nhà bà Tống Thị Lực bị gẫy, đổ hẳn nhưng

vẫn phải gánh đường dây điện trần phía trên.

 

Nhấp chén trà tươi được hái từ vườn nhà hãm vội, ông Phạm Văn Bội, Chi hội trưởng Cựu Chiến binh xóm suy tư, nhẹ đặt cái chén sành xuống bàn, mắt đăm chiêu nhìn mông lung ra cánh đồng trước nhà. Giây lát, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe “lịch sử” điện về Đồng Ca.

Chuyện rằng: Năm 1995, tám hộ dân của xóm tự đóng góp tiền để kéo một đường điện từ bên xóm Làng Vầu về sử dụng. Bà con ai nấy phấn chấn, mừng có điện về làm sáng cả trời đêm. Thấy vậy, các hộ lân cận qua lại cầu thân, xin nhờ đường điện thắp sáng. Toàn chỗ anh em, bà con lân cận, số hộ tham gia sử dụng điện trong xóm tăng vọt. Nhà nhà rủ nhau đi mua bóng đèn, quạt máy và ti vi… độ chừng non tháng, đường điện từ Làng Vầu kéo về trở nên quá tải, không đủ nhiệt cung cấp cho các “thượng đế” ở Đồng Ca. Những bóng điện tròn bắt đầu lom dom đỏ sợi tóc, không phát sáng. Những bóng điện tuýp bắt đầu chớp, chớp liên hồi như bầu trời sắp đổ mưa. Đám phụ nữ chẳng hiểu gì về điện thi nhau nhiếc móc chồng do không biết mua bóng điện tốt; đám đàn ông thi nhau xoay đặt lại bóng với mong muốn… sáng lên đi điện ơi. Rồi một ngày, những bóng điện của người dân xóm Đồng Ca không còn đỏ lòm lòm, mà chỉ chớp lóe như ánh lân tinh giữa ban ngày. Nhiều bóng điện treo trên tường đột nhiên nổ vỡ, mảnh vụn thủy tinh bắn tung tóe xuống nền nhà.

Thấy bên xóm Làng Ngò điện sáng 24/24 giờ trong ngày, người dân Đồng Ca lại bàn bạc, thống nhất bỏ đường điện kéo từ Làng Vầu trước đó để cùng góp tiền xây dựng một đường điện mới, kéo trực tiếp từ Trạm điện Làng Ngò về sử dụng, với hy vọng có điện sáng thay sao trời. Đó là năm 1997, khi đa số các hộ dân trong xóm đều còn rất khó khăn về kinh tế, nhiều nhà chưa tới vụ gặt, thóc trong bồ đã không còn. Với suy nghĩ để cái bụng đói nhưng cái mắt không bị tối, bà con hăm hở giục nhau đóng tiền mua cây làm cột, mua dây dẫn điện và một đường điện từ Làng Ngò đã nhanh chóng được kéo về đến từng ngõ nhỏ của Đồng Ca. Bữa cơm tối nhà nhà được ăn dưới ánh đèn điện, vui nhất là lúc trưa hè, vợ chồng, con cái nằm khểnh ra nền nhà, nhấn núm công tắc, cánh quạt quay vù vù, mát như có người quạt hầu, cả xóm ai cũng nức nở vì sung sướng.

Có nguồn điện ổn định, bà con phấn khởi bán con lợn, đàn gà, dành tiền tiết kiệm rủ nhau lên phố huyện mua sắm ti vi, tủ lạnh và các thiết bị điện về dùng. Được dăm tháng sau, những bóng điện lại bắt đầu phập phù như trêu ngươi, ti vi đang xem chợt thấy một vạch sáng kẻ ngang màn hình, nhấp nháy dọa cháy rồi vụt tắt giữa tiếng vỡ òa tức tối của chủ nhân.

Vào những buổi tối trên kênh truyền hình có phim hay, đang xem dở, ti vi bị tắt, “họ” chạy ra sân, ngó sang nhà hàng xóm và hỏi vu vơ: Bên ấy có xem được không? Câu trả lời tức tối: Xem thế… nào được. Đám đàn ông trong xóm lại gọi nhau pha trà, bàn chuyện điện, đèn. Còn đám đàn bà túm nhau lại chửi đổng mấy bác ngành điện cho đỡ nhạt miệng.

Điện kéo từ Làng Ngò về không sáng bằng đít con đom đóm đực, nên cuối năm 1998, bà con lại hò nhau bỏ đường điện Làng Ngò, cùng đóng tiền làm đường điện kéo từ xóm Làng Hân về. Gì chứ, việc đóng góp xây dựng các quỹ Nhà nước quy định, có người còn chần chừ. Nhưng việc đóng góp làm đường điện, nó thiết thực, cụ thể, không đóng góp thì nghiễm nhiên không được dùng.

Được sự nhất trí của ngành điện, nhân dân xóm Đồng Ca tự mua xi măng, cát, sỏi, sắt thép về đổ cột bê tông. Rồi tự mua dây điện trần về căng mắc làm đường dẫn điện về từng ngõ của xóm. Nhà nhà đèn điện lại sáng choang, xem ti vi không bị gián đoạn, con cháu trong xóm đi làm ăn xa về thăm nhà, thấy vậy mừng lây, dành tiền tích cóp được mua sắm cho bố mẹ tủ lạnh, máy bơm nước… Loa đài xập xình, tiếng hát karaoke từ sớm tới khuya muộn mới chịu dừng nghỉ.

“Con gà tức nhau tiếng gáy”, các hộ đua nhau đi mua sắm đồ điện về dùng, vậy là lại quá tải. Tiếng hát karaoke của nhà nông chợt tắt lịm, bóng đèn tắt vụt, chiếc tủ lạnh kê trong góc nhà kêu lộc cộc như xe bò leo dốc đá. Ông Quý phàn nàn: Do ở cuối nguồn điện, nên đã 3 lần chuyển đường dây, là 3 lần người dân xóm Đồng Ca có niềm vui chưa trọn vẹn.

Để bảo đảm an toàn lưới điện và bảo đảm sinh mạng cho người dân, theo chỉ đạo của UBND huyện Phú Bình và UBND xã Tân Hòa, từ năm 2009, nhân dân xóm Đồng Ca đã chấp hành bàn giao lại đường điện cho Chi nhánh Điện huyện Phú Bình trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, người dân xóm Đồng Ca vẫn chịu cảnh đèn điện chẳng ra gì, phập phù khi có, khi không. Điều quan tâm là sau khi nhận bàn giao đường điện của xóm, Chi nhánh thực hiện thay lại toàn bộ công tơ cho các hộ dân; thay mới đường điện bằng dây bọc về 2 tuyến nhánh, khoảng 500 mét/tuyến, còn lại toàn bộ đường dây tuyến trục chính và tuyến về những ngõ khác được để nguyên dây thép trần. Những cột điện dân tự làm, không đạt quy chuẩn chất lượng, vừa nhỏ yếu, vừa không đủ chiều cao, cũng được Chi nhánh giữ nguyên. Bà Hà Thị Ngà bức xúc: Từ ngày đường điện của xóm bàn giao cho Chi nhánh Điện huyện quản lý, điện về Đồng Ca trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Ti vi không xem được, điện lúc cần thì không sáng, quạt lúc cần lại không chạy…

Hàng chục cột điện bị gẫy, nghiêng, đổ được nhân dân khắc phục bằng 

cách buộc gá tạm lấy điện sử dụng.

 

Để minh chứng về điện chẳng ra điện, bà Ngà bật công tắc bóng đèn; bật ti vi, bật quạt... Mỗi lần bà nhấn ngón tay trỏ vào công tắc, tôi nghe thấy tiếng cạch đanh gọn, bóng đèn có điện vừa đủ đỏ dây tóc, ti vi cất lên tiếng rẻ rè như người mắc bệnh suyễn, còn cây quạt đứng im như chưa hề có điện.

Tiễn chúng tôi ra đến cổng, bà Ngà chỉ cho chúng tôi xem đường dây dẫn điện chạy ngang trước mặt. Đó là dây điện trần gồm 2 sợi dây nhôm bện lại, có độ cao bằng một tầm tay với, có đoạn đã bị đứt 1 sợi. Bà Ngà bảo: Sợ lắm, mỗi lần có việc đi ra ngoài cổng, tôi chỉ sợ sơ ý là điện giật chết bất đắc kỳ tử. Ngay như ao rau muống của nhà có dây điện trần chạy qua, rau ngon lắm mà không dám lội xuống hái.

Rời nhà bà Ngà, đi dọc theo đường điện của xóm Đồng Ca, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đoạn đường dây điện trần bị võng xuống nhưng vẫn đang tải điện. Hàng chục cột điện bị đổ nghiêng, có cột bị đứt lìa khỏi gốc và được người dân buộc gá tạm để lấy điện sử dụng. Bà Tống Thị Lực cho biết: Do đường điện quá thấp, nên máy xúc đi qua bị vướng vào dây, kéo đổ luôn 3 cột điện trước nhà. Anh thợ máy đã bồi thường 3 triệu đồng cho anh Nguyễn Văn Quỳnh, nhân viên thu tiền điện của Chi nhánh Điện huyện Phú Bình để khắc phục sửa chữa lại. Nhưng anh Quỳnh chỉ khắc phục bằng cách gá tạm cột điện lên bờ tường rào của gia đình tôi. Nguy hiểm lắm các bác ạ!.

Khi đến khoảng dây trước nhà các ông Đào Tiến Quân và Phạm Văn Tuyến, một cột điện bị đổ nghiêng, khiến những dây điện trần tại đoạn này chỉ cao chừng 2 mét, chạy là là trên ngọn cỏ Ăng gô la (loại cỏ nông dân trồng chăn nuôi trâu bò). Chỉ cho chúng tôi xem đường dây điện trần được treo lên cây bạch đàn đang tươi tốt trước nhà, bà Nguyễn Thị Loan cho biết: Do cột bê tông bị đổ, công nhân của Chi nhánh Điện Phú Bình đã về khắc phục bằng cách treo lại những dây điện trần vào đó. Cách đây ít hôm, đoạn dây này bị hỏng, chúng tôi báo cáo, đề nghị Chi nhánh về sửa, nhưng đợi mãi không thấy, nên ông Nguyễn Văn Thắng, chồng tôi và các ông Nguyễn Văn Du, Đào Tiến Quân, Phạm Văn Tuyến liều mạng ra sửa chữa, tự nối lại dây để lấy tí điện phập phù sử dụng.

Người dân xóm Đồng Ca đang sống dưới đường điện bị hư hỏng nặng, cực kỳ nguy hiểm. Nhiều vạt ruộng, mảnh vườn có đường điện đi qua, người dân không dám canh tác. Nhất là những lúc dây điện trần chạm nhau nổ đèn đẹt trên đầu, bà con ai nấy hồn vía bay đâu, chân tay bủn rủn không còn sức để chạy. Ông Quý phân trần: Dân Đồng Ca đang phải đối diện với nỗi khổ về đường đi lối lại, nhưng hơn cả cái khổ của đường đất dưới chân - là cái chết trực chờ ập xuống từ đường điện trên đầu.

Đến bao giờ người dân Đồng Ca mới thoát khỏi cảnh này?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục