Nỗi buồn khó nói
VNTN - Tôi vội lao xe đến quán cà phê quen, nơi có thằng bạn “nối khố” đang chờ. Nó vừa “ra lệnh” cho tôi qua điện thoại: Ông ra ngay, trước khi tôi làm điều dại dột. Đón tôi bằng gương mặt rất căng thẳng, nó bảo: “Ông trả tiền cà phê đấy, tôi chẳng có đồng nào đâu”. “Đại gia tiêu tiền quyển mà không có tiền uống cà phê” - tôi đùa. “Đại mới điếc gì, đang lộn hết cả tiết lên đây”. Ngồi thừ ra, quên cả ly cà phê đang nguội trước mặt, nó nói như trút một hơi thở dài: “Có lẽ tôi bỏ vợ”. Ái chà, tình hình có vẻ căng đây. Vợ chồng nó giận nhau như cơm bữa, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó buột ra ý nghĩ này. “Vớ vẩn, đúng là trẻ con, bỏ với biếc cái gì, bát đũa còn có khi xô nữa là” - Tôi lên giọng đàn anh mắng át đi. “Chán lắm rồi cái cảnh này. Nếu không ly dị thì tôi chuyển cơ quan ông ạ”. Chúng tôi là bạn thân từ hồi cấp ba. Tốt nghiệp đại học, nó xin được việc ở cơ quan vật tư của tỉnh, sáu tháng sau, vợ nó (khi ấy là cô gái nhí nhảnh, xinh đẹp) cũng được tiếp nhận vào làm. Hai người thích nhau ngay, ríu ran trò chuyện, hò hẹn, cuối cùng nên vợ nên chồng. Thời gian đầu, nó vui ra mặt: “Vợ cùng cơ quan sướng lắm ông ạ. Sáng kẹp nhau đi chiều kẹp nhau về, công việc của nhau thì biết rồi, lương lậu cũng biết rồi, chả có gì phải trình bày…”. Nhưng chẳng được bao lâu, tần suất giận dỗi của chúng nó dần tăng lên, mỗi lần như thế tôi lại thành “thùng trút”. Lần thì: “Bực lắm ông ạ, tôi bị tước quyền lĩnh lương, quyền giữ tiền, muốn tiêu gì phải ngửa tay “xin” vợ”. Lần thì: “Phụ nữ phức tạp thật, chồng bị sếp mắng là việc của chồng, cũng “nhảy” vào can thiệp làm rối chuyện thêm ra”. Lần thì: “Cuộc sống gia đình tôi đơn điệu lắm, về nhà vợ chồng chả có chuyện để nói với nhau”… Nhưng lần này, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn. Tôi im lặng ngắm cây ngọc lan đang trổ búp như những ngón tay trắng nõn chỉ lên trời, nhấp từng chút cà phê “câu” thời gian cho nó bình tĩnh lại. “Có lẽ tôi ly dị hoặc chuyển cơ quan khác ông ạ”. Nó nhắc lại câu nói lúc nãy. “Chồng làm lãnh đạo của vợ, mệt mỏi thật”. Thì ra, chuyện là thế này: Phòng nó được lãnh đạo giao làm dự án. Nó là trưởng phòng nên giữ ý không đưa vợ vào nhóm thực hiện dự án. Giải thích thế nào vợ nó cũng không nghe, cô ta cho rằng nó có tình ý với đồng nghiệp cùng phòng nên “gạt” vợ ra cho tự do quan hệ. Mấy ngày qua nhóm đi thu thập tài liệu, nó liên tục nhận được tin nhắn tra vấn của vợ, nhưng bận việc quá không trả lời. Tối qua, cả nhóm đang họp bàn công việc thì cô bạn cùng phòng nhận được điện thoại của vợ nó. Vợ nó mắng nhiếc cô này không tiếc lời, nói đã biết hết mọi chuyện và sẽ đến nhà nói cho chồng con cô ấy biết rằng cô ấy đang “câu” sếp, làm hỏng hạnh phúc gia đình nhà “sếp”… “Tôi không biết để mặt đâu cho hết xấu hổ, chỉ biết xin lỗi cô bạn đồng nghiệp. Đêm qua tôi về nhà thì cô ta đã cho con về bên ngoại, cửa nhà lạnh tanh, gạo hết, tủ lạnh trống không, két không có một xu, ý cô ta để mặc tôi chết đói” - Nó kể mà mặt đỏ căng lên vì tức giận. Chờ nó uống hết cốc nước, tôi nhẹ nhàng tư vấn: Chuyện vợ chồng làm việc cùng cơ quan đâu chỉ có mình nhà cậu, mà người ta vẫn hạnh phúc vui vẻ đấy chứ. Tôi nghĩ vấn đề chính là ngay từ đầu vợ chồng cậu đã không thống nhất rõ ràng cách cư xử. Quan hệ vợ - chồng là quan hệ ở nhà, đến cơ quan là quan hệ đồng nghiệp. Vợ chồng cậu lẫn lộn hai mối quan hệ này nên can thiệp quá sâu vào công việc và cuộc sống của nhau, từ đó mang áp lực từ cơ quan về nhà. Trước mắt, cậu cứ để cho vợ bình tâm suy nghĩ, khi cô ấy trở về hai người nên ngồi lại trao đổi thẳng thắn, rõ ràng mọi vấn đề. Cậu cũng nên đề nghị lãnh đạo cơ quan chuyển vợ cậu (hoặc cậu) sang phòng khác làm việc. Tôi tin rằng cô ấy là người có trình độ, lại hiểu biết, sẽ dần điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Ngô Minh0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...