Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
13:50 (GMT +7)

Nơi bồi đắp tình yêu với sách

VNTN - Giới trẻ bây giờ ngại đọc sách; thứ mà thanh, thiếu niên đam mê bây giờ là mạng xã hội và game… Đó không chỉ là nhận định mà còn là lời “thú nhận” của khá nhiều người trẻ tuổi. Nhưng khi đặt chân đến mái trường THPT Chu Văn An, TP. Thái Nguyên thì tôi biết, ý kiến trên không dành cho tất cả.


“Sách giúp em tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống”

Giờ sinh hoạt của lớp 11A5, Trường THPT Chu Văn An ngoài việc đánh giá lại công việc của lớp trong tuần vừa qua, còn có một nội dung khác - đọc sách. Với nhiều trường khác, đây có thể là việc khá đặc biệt trong giờ sinh hoạt lớp, nhưng lại là việc làm thường xuyên của thày và trò Trường THPT Chu Văn An. Hôm nay, các em nghe tiếp trích đoạn của tác phẩm Trong gia đình. Một cuốn sách nổi tiếng nhất của nhà văn Hector Malot qua giọng đọc truyền cảm của em Bùi Thị Ngọc Ly.

Nhìn cách Ly nâng niu cuốn sách trên tay, nhập tâm vào lời thoại của từng nhân vật trong sách, ít ai nghĩ mới chỉ hơn 2 năm trước đây thôi, trừ sách giáo khoa Ly không bao giờ đọc thêm bất kể một cuốn sách nào khác.

Bùi Thị Ngọc Ly là một trong những giọng đọc mẫu trong mỗi giờ đọc sách trên lớp

Khi lên lớp 6, Ly vẫn giữ được học lực khá tốt, nhưng 2 năm sau đó, vì quá mải mê với mạng xã hội nên kết quả học tập của em giảm sút hẳn. Những điểm số đáng thất vọng cứ thế theo em thế đến năm lớp 9. Em bắt đầu lo lắng vì nếu không cải thiện được tình hình, em sẽ không thể đỗ được vào trường cấp 3 như em mong muốn. Nhưng làm sao để thay đổi thì em lại không biết khi mà face book và tiktok vẫn rất thu hút sự tập trung của em. Ly đã mang những băn khoăn ấy nói chuyện với người bác ruột của mình. Đồng thời em đã hỏi bác lý do gì đã giúp bác đạt được những thành công như thế.

Ly chia sẻ: Khi đó, bác đã trả lời bác có được như ngày hôm nay là nhờ sách. Sau khi đọc xong cuốn đầu tiên mà bác đưa cho, càng ngày em càng cảm thấy việc bứt phá trong học tập không khó như trước đây em đã nghĩ. Thay vì mục tiêu là lấy lại phong độ học tập, em đã đề ra mục tiêu mới cho mình là phải lọt “top” xuất sắc nhất của lớp.

Giờ đọc sách, cả lớp sẽ cùng nghe những trích đoạn trong các tác phẩm văn học nổi tiếng, có ý nghĩa sâu sắc

Duy trì các giờ đọc sách là một trong nhiều cách các thầy cô giáo của Nhà trường bồi đắp tình yêu văn học, thói quen đọc sách cho học sinh của mình. Bởi trong số những học trò ở đây rất nhiều người đã có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ sách.

Đã có thời điểm, em Trần Thị Hương Giang cảm thấy cuộc sống thật ngột ngạt. Em không tìm được niềm vui, sự ấm áp từ gia đình và bạn bè. Tình cờ một ngày, sau khi tan ca học thứ 3, em được mẹ đón về. Radio trên xe hôm ấy phát chương trình sách nói. Nội dung của chương trình đã rất thu hút em vì em thấy mình trong đó. Về đến nhà Hương Giang lập tức tìm hiểu và được biết cuốn sách mình vừa được nghe có tựa đề Mình là cá việc của mình là bơi.

Em đã mua cuốn sách đó về đọc lại và em thấy bản thân mình như được giải thoát. Em hiểu ra một điều, mọi thứ trong cuộc sống đến với mình tiêu cực hay tích cực đều tùy thuộc vào suy nghĩ của mình. Khi mình nghĩ theo hướng tích cực thì sẽ luôn bình tĩnh và có hướng giải quyết cho dù có gặp phải bất kỳ chuyện gì” – Giang chia sẻ.

Thông qua các giờ đọc sách trên lớp đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu với sách đối với Trần Thị Hương Giang và các bạn học sinh lớp 11A5

Suy nghĩ ấy đã giúp cô bé Hương Giang vui vẻ trở lại, cảm nhận được tình yêu thương của gia đình và cũng nhận ra rất nhiều bạn bè tốt với em hơn em từng nghĩ. Điều ấy đã khiến thành tích học tập của em ngày càng khởi sắc. Cuối năm lớp 9, Hương Giang được tuyển thẳng vào một trường cấp 3 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, một lần nữa sách lại làm thay đổi cuộc sống của em. Cách kỳ thi tốt nghiệp THCS một tháng cũng là thời điểm em dọc được cuốn sách Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ. Giang đã quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường Chu Văn An vừa để thử sức mình, vừa là vì em không muốn cái suy nghĩ tự cho mình là người xuất sắc mà hưởng thụ quá sớm. Cho đến nay, em rất hài lòng với quyết định thi vào Trường Chu Văn An của mình. Em biết ơn sách vì điều đó.

Không chỉ phải đối mặt với những khủng hoảng tâm lý ở tuổi mới lớn như các bạn đồng trang lứa, hoàn cảnh của Nguyễn Thu Huyền Trang đặc biệt hơn khi bố mẹ không còn, em sống cùng bà. Khoảng cách thế hệ quá xa khiến 2 bà cháu không có tiếng nói chung. Điều đó khiến Trang cảm thấy cuộc sống như một sự chịu đựng. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi em đọc được cuốn sách Điềm tĩnh và nóng giận.

Lấy từ trong cặp ra cuốn sách với rất nhiều chỗ được đánh dấu bằng bút màu, Trang bộc bạch: Bà thương em lắm nhưng tính bà rất nóng. Trước đây mỗi lần bị bà mắng em hay cảm thấy ấm ức vì nghĩ bà không hiểu mình. Nhưng cuốn sách này này đã dạy cho em biết cách kiềm chế cảm xúc, không để cho cơn giận điều khiển mình. Nhờ thế mà không khí trong nhà cũng vui vẻ hơn.

Em luôn mang theo cuốn sách này bên mình, khi nào có chuyện làm em thấy bực dọc, em lại lấy ra để đọc và đánh dấu vào những từ, những đoạn em tâm đắc nhất như một cách tự nhắc nhở mình phải biết kiềm chế cơn nóng giận. Sách giúp em tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A5 bày tỏ: Nhìn thấy các em ngày một trưởng thành. Học được những bài học quý giá từ sách. Đó là điều khiến những người làm thầy, làm cô như chúng tôi vô cùng hạnh phúc.

Tôi rèn sự tự tin và bản lĩnh

Thầy giáo Nguyễn Đức Anh (áo đen) Phó Chủ nhiệm CLB Văn học tham dự giờ đọc sách của học sinh lớp 11A5

Duy trì các giờ đọc sách là một trong những hoạt động của CLB Văn học của Trường PTTH Chu Văn An. Ban Chủ nhiệm CLB là các thầy, cô dạy môn Văn học trong Nhà trường. Ai yêu Văn học đều có thể trở thành thành viên của CLB.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, đồng thời là Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Thực sự học trò của mình rất giỏi. Các em đều là những người có năng lực trong việc cảm thụ các tác phẩm văn học. Việc của thầy, cô khi tổ chức CLB này chỉ là khơi gợi năng lực đó lên và tập hợp các em lại để các em phát huy được khả năng của mình.

Không khô cằn giáo lý, không cứng nhắc, hàn lâm, để nuôi dưỡng tình yêu dành cho sách của mỗi học sinh, các thầy, cô trong Ban Chủ nhiệm không đồng nhất việc định hướng với việc bắt học trò phải thích, phải đọc những cuốn sách được cho là khuôn mẫu, điển hình mà khuyến khích học trò tìm hiểu, giới thiệu về những cuốn sách bản thân các em yêu thích.

Ngoài các hoạt động như: đọc sách, giới thiệu sách, bình sách mà còn được hòa vào các hoạt động đầy màu sắc sáng tạo như thi đọc diễn cảm, hóa thân nhân vật… Qua đó, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về các nhân vật trong từng tác phẩm cũng như thấm thía những thông điệp mà mỗi cuốn sách muốn truyền tải, từ đó liên hệ với chính mình.

Các thành viên trong CLB thường xuyên trao đổi, giới thiệu với nhau những cuốn sách hay

Song song với CLB Văn học, Trường THPT Chu Văn An còn có CLB Sách và hành động. Ở đây, ngoài tình yêu với văn chương, các em còn bộc lộ sự tự tin, năng động của mình. Bên cạnh vệc giới thiệu những cuốn sách hay, các thành viên trong CLB còn được thỏa sức trong việc lên ý tưởng và tổ chức sự kiện. Điều này đã giúp các em phát huy tối đa sự sáng tạo và tôi rèn bản lĩnh của người tổ chức.

Là người luôn tràn đầy năng lượng và đầy ắp ý tưởng sáng tạo, cũng là người dẫn dắt nhiều sự kiện do CLB tổ chức, Hồng Ngọc (lớp 11A5) chia sẻ: Dù có là người có sẵn sự tự tin hay không thì sau khi tham gia CLB chúng em đều sẽ có được những kỹ năng đó. Một trong những hoạt động lớn nhất của CLB Sách và hành động hàng năm là tổ chức chương trình Mysterious school, dành cho học sinh khối 10.

Ở hoạt động này, các thành viên trong CLB sẽ cùng nhau từ việc lên ý tưởng đến tổ chức ra sao để thu hút được nhiều người tham gia nhất và mang lại hiệu quả nhất. Đây cũng là chương trình thầy cô cho phép và ủng hộ chúng em phát huy tối đa ý tưởng của mình.

Bên cạnh đó, tính hiệu quả của việc tạo ra một môi trường để học sinh nuôi dưỡng tình yêu với sách của Trường THPT Chu Văn An đã phần nào được định lượng thông qua Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 vừa qua.

Cuộc thi được tỉnh Thái Nguyên được phát động từ tháng 4/2021. Trường THPT Chu Văn An là một trong những đơn vị có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất với 20 bài dự thi cấp tỉnh. Tham gia cuộc thi, các em đã chia sẻ về cuốn sách mình yêu thích; phương pháp đọc hiệu quả; sáng tác tác phẩm hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện; đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc.

Hài lòng về các học trò của mình, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh cho biết thêm: Mặc dù dịch bệnh, sau khi phát động các em phải học online, chúng tôi không hướng dẫn cho các em được nhiều nhưng các em đã làm được nhiều hơn những gì chúng tôi mong đợi. Nhiều bài tham dự cuộc thi được đầu tư nghiêm túc, công phu với các hình thức thể hiện vô cùng sáng tạo và độc đáo.Về nội dung phần lớn các bài dự thi có chất lượng tốt; lời văn hồn nhiên và trong sáng; nêu bật được những giá trị và cảm nhận sâu sắc của các em về sách; có nhiều ý tưởng hay và mới lạ; tạo sự xúc động và hiệu ứng mạnh đối với người đọc.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh và em Dương Thị Ngọc Anh, giải khuyến khích Quốc gia Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2021

Kết quả, Trường THPT Chu Văn An đã xuất sắc đạt giải Nhất Khối THPT. Em Dương Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 10A5 đã giành giải Nhất hạng mục Giải cá nhân. Đây cũng là bài dự thi đạt giải Chuyên đề Bài chia sẻ cảm tưởng hay nhất trong Cuộc thi. Ngoài ra Nhà trường còn có 2 em  giành giải Ba hạng mục Giải cá nhân và giải chuyên đề Ý tưởng khuyến đọc sáng tạo và có tính thuyết phục nhất. Đặc biệt, trong số 5 bài dự thi Quốc gia của tỉnh, bài dự thi của em Dương Thị Ngọc Anh đã đạt giải Khuyến khích.

Có thể thấy, bằng sự nhiệt huyết và tình yêu thương học trò các thầy, cô giáo Trường THPT Chu Văn  An, TP. Thái Nguyên đã và đang góp phần kiến tạo một tương lai tươi đẹp cho lớp lớp thế hệ học sinh thông qua việc bồi đắp tình yêu với sách.

Diệp Đức Vinh, thành viên CLB Văn học: Có nhiều cách để đọc sách, không chỉ là đọc sách giấy. Nếu biết sử dụng hợp lý thì mạng xã hội cũng rất hữu ích. Em thường đọc các bài tự sự trên mạng của các tác giả nổi tiếng.

Nguyễn Thành Luân, thành viên CLB Văn học: Một lần có bạn hỏi em, mất bao nhiêu thời gian để đọc hết 1.200 chữ. Bạn ấy đã quay mặt rời đi khi em trả lời chưa bao giờ em đọc được quá 2 dòng ở một cuốn sách. Điều đó khiến em suy nghĩ. Về nhà em thử đọc sách. Không ngờ em lại bị sách cuốn hút và cảm giác mình được mở mang đầu óc. Một trong những cuốn sách có tác động lớn nhất với em là cuốn Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coelho. 

 Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy