Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:40 (GMT +7)

Nơi ấy thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Tác phẩm tham dự Cuộc thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

Bút ký. Nguyễn Thưởng

VNTN - Sau  chiến tranh biên giới 1979, gia đình tôi từ Lạng Sơn chuyển về định cư ở xã Hà Thượng, Đại Từ, Thái Nguyên, nghiễm nhiên trở thành công dân của xã.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, gần một phần tư thế kỷ ăn gạo Bao thai, Khang dân, gạo mố, ngô, khoai, sắn, uống nước, hít thở khí trời Hà Thượng. Biết bao ký ức buồn, vui, sướng khổ cùng với nhân dân đọng mãi trong lòng. Vì thế tôi muốn nói điều gì đó để tri ân mảnh đất, con người mỗi khi tâm thức ùa về hoài niệm. Đúng như câu thơ của Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn".

Điều ấp ủ đó cứ thôi thúc tôi cầm bút, thế mà hơn chục năm chuyển đến thành phố Thái Nguyên mới có dịp về thăm người thân, bạn bè, thăm những mảnh đất có các cái tên lạ lẫm: Đá Liền, Đá  Đủ, Đầm Mây, Khe Chuối, Khe Rắn, Khuôn Lình, Ao Niễng, Ao Bèo, Thủy Tinh, Gốc Sộp… mà lòng cứ phơi phới niềm vui. Vui vì một thời gian khổ đói kém, thiếu trước hụt sau đã vĩnh viễn qua đi. Vui vì diện mạo nông thôn đã khang trang, giàu có. Vui vì những công trình công nghiệp lớn lao như: mỏ đa kim Núi Pháo, mỏ than Làng Cẩm và bốn dự án mới nằm trên địa bàn của xã bề thế, hiện đại nhất nhì tỉnh Thái Nguyên. Vui vì mỗi ngày có hàng mấy chục chiếc xe bốn chỗ đưa con cháu đến trường. Vui vì thế hệ nông dân trẻ của Hà Thượng đã trở thành những người điều khiển các phương tiện sản xuất công nghiệp hiện đại, màu áo xanh công nhân đang dần thay thế màu áo nâu, áo chàm. Tiếng nói tiếng cười cũng mang sắc thái cuộc sống đã được đổi thay. Hạt thóc, hạt ngô, củ khoai, cây chè một phần đã nhường chỗ cho dòng than, vỉa quặng quý báu góp phần làm giàu cho địa phương và xã hội. Nông thôn, thị tứ đang hòa quyện về vật chất, tinh thần, nếp sống văn hóa, nơi ăn chốn ở, phúc lợi hạ tầng, ba cấp học và trạm xá đạt chuẩn quốc gia, 98% đường bê tông kiên cố, 90% nhà văn hóa to đẹp do nhân dân đóng góp từ 5 đến 6 trăm triệu đồng. Nhân dân vô cùng phấn khởi tạo thêm tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Mô hình “chè an toàn”đang được nông dân Hà Thượng áp dụng

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" là thế mạnh phát triển của Hà Thượng. Thiên nhiên "hữu tình" dành cho Hà Thượng đặc ân nhiều hơn. Người Hà Thượng biết rõ điều đó nên đã ngày đêm phát huy tối đa công sức, trí tuệ cho hai lĩnh vực tiềm năng: bề nổi, bề chìm. Bề nổi là ruộng đất màu mỡ phì nhiêu, đồi chè mơn mởn, rừng xanh biêng biếc. Đường sắt, quốc lộ, tàu xe hối hả ngày đêm, giao thông, giao lưu vô cùng thuận lợi. Bề chìm là tài nguyên khoáng sản,quặng thiếc, quặng đồng, vàng gốc, vôn-phờ-ram, than mỡ đang biến thành cơm áo gạo tiền, đang biến thành niềm vui trên gương mặt người dân, nụ cười của cụ già,em nhỏ.

Địa lý Hà Thượng được chia đôi bởi Quốc lộ 37 nối Thái Nguyên với Tuyên Quang, Hà Giang, chạy dài 5 cây số từ xã Cù Vân đến chợ Dốc Trẹo, xã Hùng Sơn, phía Tây Bắc giáp xã Phục Linh, phía Đông Nam được bao bọc bởi "thành trì" Núi Pháo. Diện tích tự nhiên 1984 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 1484 ha, đất cấy lúa trên 500 ha. Sau khi bàn giao cho mỏ than Làng Cẩm, đường sắt, mỏ Núi Pháo và 4 dự án mới đất cấy lúa chỉ còn 79 ha, tỉ lệ thuận với sản lượng nông nghiệp, tỉ lệ nghịch với nhu cầu lương thực, thực phẩm trong đời sống nhân dân. Bù vào đó các cơ quan sử dụng đất đã giải quyết được 120 lao động có công việc làm ổn định, thu nhập một tháng từ 4 - 6 triệu đồng, người lao động kỹ thuật có mức lương trên 10 triệu đồng. Số tiền đó lại được tái đầu tư mua sắm cho gia đình, cho cây lúa, cây chè, rau màu, chăn nuôi, học hành cho con cháu.

Hà Thượng trước đây là một xã thuần nông, đất rộng người thưa, sản phẩm chủ yếu là lương thực, thực phẩm. Những năm kháng chiến chống Mỹ, năm nào cũng đóng góp từ 120-150 tấn lương thực, 100-110 tấn thực phẩm. Nay những con số ấy chỉ còn giá trị thống kê lịch sử bởi chỉ còn 79 ha cấy lúa làm sao nuôi sống nổi 1610 hộ với 5954 nhân khẩu?

Thấy rõ khó khăn lâu dài đó, Đảng bộ đã ra nghị quyết "phát triển công, thương nghiệp, dịch vụ…". Dự báo ngoài năm 2020 tỉ lệ nông nghiệp ở Hà Thượng chỉ còn 13%. E rằng nếu không nhìn xa, lo xa thì sẽ có ngày dẫu nhà lầu, xe hơi cũng không biết lấy gì cho vào nồi cơm điện. Đây là trăn trở của những người lãnh đạo có tâm có tầm. Họ đang ấp ủ tham vọng trên mảnh đất hẹp người đông này cần lắm được áp dụng khoa học công nghệ cao cho ngành nông nghiệp.

Tìm hiểu lại những năm của thập kỷ sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ trước, Hà Thượng đã có một thời kỳ thịnh vượng. Cái tên Hợp tác xã Khánh Hòa được sáp nhập với 4 hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã toàn xã Khánh Hòa là cái tên pháp nhân nhưng lại ngầm nhắn gửi tới nhân dân tỉnh Khánh Hòa kết nghĩa rằng:"Chúng tôi luôn ở bên cạnh các đồng chí", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" gửi ra tiền tuyến. Ở hậu phương, những cánh đồng 5 tấn học tập Thái Bình có mặt ở hầu hết 13 đội sản xuất. Những đồi chè vì miền Nam ruột thịt, những ao cá Bác Hồ vừa giữ nước vừa cung cấp thực phẩm tươi, những lò gạch, lò vôi, lò ngói, trại chăn nuôi, cửa hàng mua bán, quỹ tín dụng phục vụ tại chỗ cho nhân dân.  Ủy ban Nhân dân và hội trường hợp tác xã 300 chỗ ngồi khang trang to đẹp  đều xây và lợp bằng gạch ngói Hà Thượng. Do những thành quả vượt trội phát triển kinh tế xã hội, Hà Thượng đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất với thành tích bắn rơi máy bay F4C của Mỹ bằng súng bộ binh, được phong tặng đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và rất nhiều bằng khen của các cấp các ngành lấp lánh trên hội trường nhà truyền thống.

Những người lãnh đạo thời kỳ đó đại diện cho 7 dân tộc anh em, như: Phùng Văn Lương, Hoàng Tân, Nguyễn Văn Việt, Phạm Thị Dy, Trần Xuân Đang, Tạc Văn Ngân, Vũ Văn Mão, Ngô Văn Ơn…, nay người còn người mất. Sự đóng góp công sức, trí tuệ của các đồng chí còn mãi trong lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân xã Hà Thượng.

Tiếp tôi tại phòng làm việc có Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Hồng và Bí thư Đảng ủy Chu Văn Tuất. Nhìn gương mặt lớp cán bộ trẻ, có học vấn tôi thầm quý mến họ, những người đang giương lá cờ đầu chăm lo đời sống nhân dân, những người đang nghĩ đến sau khi ruộng đất bị thu hẹp phải xoay xỏa thế nào trước cuộc sống lâu dài, bền vững của nhân dân!

Chủ tịch Nguyễn Văn Hồng tâm sự: Sau 30 năm đổi mới, vẫn mảnh đất, con người ấy, trên mỗi một tên xóm đặc sánh "vùng sâu vùng xa" đã mọc lên những ngôi nhà kiên cố, 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng khang trang, màu sơn tươi mới ẩn hiện bên những lùm cây xanh. Những phương tiện sinh hoạt hiện đại, ngày xưa chỉ là mơ ước nay trở thành thông dụng, xe đạp đã nhường chỗ cho xe máy, ô tô. Những cột ăng-ten cao vút nhường chỗ cho cáp quang, đầu kỹ thuật số, sóng Wifi, 3G. Truyền hình rõ nét, màn hình rộng làm sáng lại đôi mắt cụ già. Những thông tin kinh tế xã hội thế giới không còn xa lạ với bất cứ ai. Họ đã biết thế nào là VIETGAP, thế nào là rau sạch, thịt sạch, gà sạch, chè sạch, để tự mình nuôi trồng đúng cách, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Văn Hồng đặc biệt nhấn mạnh mặt bằng tri thức phủ đều trong 13 đội sản xuất. Có 437 người được đào tạo đại học và cao đẳng, trong số đó 250 người thành đạt trên các lĩnh vực chính trị, khoa học,  kinh tế đang hoạt động trên địa bàn Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Cạn, Cao Bằng... Hàng năm xã vẫn mời họ về để cổ vũ, gặp mặt đầu xuân.

Nhà thi đấu thể thao của xã Hà Thượng

Có được những người con, người cháu giỏi giang như thế công đầu phải thuộc về các bậc cha mẹ đã thắt lưng buộc bụng để họ thành tài như gia đình ông Đại, ông Hồng, ông Đức, ông Phương… Nay các ông bà đã già yếu nhưng các con cháu đều thành đạt và đang báo hiếu cha mẹ và quê hương.

Hà Thượng có 147 chiếc ô tô, máy xúc vừa kinh doanh vừa là phương tiện đi lại. Riêng đội 11 có 22 chiếc trên 70 hộ dân. Tôi thật sự ngỡ ngàng bởi nơi ấy khi tôi chuyển đi mới chỉ thoát nghèo chưa bền vững.

Bí thư Đảng uỷ Chu Văn Tuất nói thêm:

 

- Ngày chú chuyển đi, Đảng bộ có 110 đảng viên, sinh hoạt Đảng ngoài chuyện cây ngô, cây lúa, cây chè, phân bón, thủy lợi… cán bộ hưu chẳng biết gì để bàn. Nay Đảng bộ có 271 đảng  viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ việc bàn định đều xoay quanh 19 tiêu chí nông thôn mới đã được công nhận từ năm 2014, đảng viên nông thôn, đảng viên các nơi chuyển về sinh hoạt thoải mái đóng góp xây dựng bởi 19 tiêu chí đều gắn liền với  xây dựng đời sống vật chất, tinh thần ở khu dân cư. Mỗi đảng viên cũng phải lãnh đạo toàn diện như chi bộ, Đảng bộ vậy.

Còn có một điều mà cả lãnh đạo và người dân chưa thể an lòng đó là chất xả thải của mỏ đa kim loại Núi Pháo xử lý chưa sạch, mùi hôi thối, bùn đỏ chứa ở một khe núi, hệ lụy sẽ như thế nào với người dân? Những bài học từ Yên Bái, Cao Bằng, Lâm Đồng, Phú Lương đã nhắc nhở chúng ta: mùa mưa, mùa lũ đã tới gần. Nghĩ sâu hơn, sau khi đã cống hiến tất cả cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và tỉnh Thái Nguyên, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp làm giàu thì người dân Hà Thượng cũng phải nhận được sự chăm lo thỏa đáng cho đời sống hiện tại của họ và tương lai của con cháu họ, ấy mới là lẽ công bằng và lối ứng xử tử tế, có lương tri ở đời.

Với khuôn khổ bài viết tôi không thể nói hết những thành quả xuất sắc mà Đảng bộ và nhân dân đã thực hiện, nhưng với những gì Hà Thượng đang có sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Thượng tiếp tục tiến lên. Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh là mục tiêu hướng tới của Đảng và Nhà nước. Hà Thượng đang là nơi tiên phong thực hiện các mục tiêu ấy.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước