Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
04:36 (GMT +7)

Nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc

VNTN - Ngày hội sách và văn hóa đọc tỉnh Thái Nguyên lần thứ 8 - năm 2021, diễn ra ngày 16/4, tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh và bạn đọc trên địa bàn, góp phần lan tỏa giá trị của văn hóa đọc đến công chúng.

Học sinh và độc giả trên địa bàn tham dự sự kiện

Sự kiện năm nay có nhiều hoạt động bổ ích, phong phú, với sự tham gia của 11 đơn vị trong và ngoài tỉnh: Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà sách Tiền phong, Công ty cổ phần Phát hành sách Thái Nguyên, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Trại giam Phú Sơn 4 - Bộ Công an, các trường THPT Chuyên, Lương Ngọc Quyến,…

Điểm nhấn của Ngày hội năm nay là buổi nói chuyện chuyên đề “Sách và văn hóa đọc trong cuộc sống”, do TS. Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen trực tiếp truyền đạt. Bằng câu chuyện chân thực của chính bản thân mình và người thân về khao khát được đọc sách, TS. Bùi Trân Phượng đã đánh thức và thôi thúc người nghe về mong muốn thay đổi việc đọc sách. Mỗi người cần rèn luyện để việc đọc trở thành một thói quen sẽ thực hành hàng ngày, bởi theo bà, “mù đọc” còn nguy hiểm hơn cả mù chữ. Không chỉ phân tích cụ thể giá trị của việc đọc sách, bà còn khiến người nghe phải suy ngẫm khi nói về cái giá phải trả của việc không đọc sách. Bà gợi ý một số cách để tạo ra văn hóa đọc đối với các bạn học sinh, trong đó nhấn mạnh về việc xây dựng một thư viện mỗi lớp học, ở đó các em được tự nguyện đọc sách, tự chọn cuốn sách mình yêu thích dưới sự gợi ý của thầy cô. Người lớn hãy biết cách khơi dậy trong trẻ niềm khao khát được sở hữu sách. Hãy cùng nhau đọc sách để rút ngắn khoảng cách về văn hóa đọc giữa người Việt và thế giới, từ đó góp phần thay đổi cuộc sống…

Diễn giả, TS. Bùi Trân Phượng, khách mời giao lưu với các em học sinh tại chương trình

“Em được hiểu hơn về sách và em thấy mình thích đọc sách hơn khi được nghe câu chuyện của cô Phượng.” - Em Trần Nhật Phương, lớp 6D, trường THCS Trưng Vương hào hứng cho biết.

Em Trần Nhật Phương (bên trái), lớp 6D, trường THCS Trưng Vương

Ngày hội còn diễn ra các hoạt động khác như: thi tìm hiểu về sách và văn hóa đọc, thi vẽ tranh, cấp thẻ bạn đọc, tặng chữ thư pháp, tặng sách để xây dựng thư viện, tủ sách ở những địa bàn khó khăn, trưng bày, giới thiệu sách, xếp sách nghệ thuật của các đơn vị tham gia. Trong các gian sách trưng bày, đáng chú là gian sách của Trại giam Phú Sơn 4 - Bộ Công an, với các bài cảm nhận của phạm nhân về những cuốn sách được đọc. Qua đó giúp độc giả hiểu rõ hơn sức mạnh lớn lao của sách khi đã nâng đỡ, cảm hóa biết bao số phận trái ngang của cuộc đời, giúp họ vượt lên lầm lỗi để hoàn lương.

Đông đảo học sinh tham quan các gian hàng trưng bày

Một số đơn vị tham gia trưng bày, xếp sách nghệ thuật

Bày tỏ mong muốn của đơn vị tổ chức, ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng sau khi tham dự các hoạt động tại Ngày hội, mỗi chúng ta càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về sách và vai trò to lớn của sách, văn hóa đọc với cuộc sống, đồng thời góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành, các lực lượng làm cho văn hóa đọc thấm sâu vào nhận thức của mỗi người, khơi dậy tình yêu sách, niềm đam mê đọc và làm theo sách, nhất là thanh thiếu niên; từng bước hình thành xã hội học tập và chế độ học tập suốt đời”.

Sự kiện là một hoạt động thiết thực, vừa tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng, vừa góp phần nâng cao nhận thức của bạn đọc, nhất là học sinh sinh viên, cùng với đó tôn vinh nghề thư viện, xuất bản, phát hành.

Bài: Thanh Tâm. Ảnh: Anh Tú – Đỗ Tuấn 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy