Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:27 (GMT +7)

Niềm tin hướng thiện

VNTN - Có lẽ, chưa bao giờ sự phân hóa, khoảng cách giàu nghèo lại rõ ràng, lại nới rộng như thế trong xã hội nước ta hiện nay. Giàu thì xây biệt thự, sắm xe hơi, mặc quần áo hàng hiệu, vàng đeo rực cổ, thường xuyên rủ nhau đi tiệm ăn sơn hào hải vị và bước đi khệnh khạng, đài trang. Nghèo thì ở nhà huơ hoác, áo quần cốt là có để che thân, nắng làm son, mưa làm phấn, bữa ăn rau rừng ốc suối, lật đật bước đi, cái gì cũng ước, cái gì cũng mơ mà rốt cuộc chẳng có gì. Khi lâm bệnh hiểm, người giàu lo ra nước ngoài cứu chữa, người nghèo thì bảo con cháu khiêng thân xác về chờ chết trong niềm tin “Trước sau ai chả chết một lần, tiền chữa bệnh để cho chúng nó làm vốn”.

Có người giàu do tài năng, trí tuệ, tự công sức mình làm ra. Có người nhờ được kế thừa, may mắn, được “lộc trời” ban. Cũng có không ít người giàu có do tham ô tham nhũng, trốn thuế, lừa dối, chèn ép người khác… Người nghèo cũng muôn hình vạn trạng. Nghèo bởi công việc làm ăn khốn khó, hạn ách thiên tai; rồi hủ tục, tệ nạn, bởi địa cư trú…

Người miền núi, miền biên ải xa xôi làm sao mà giàu lên được khi lúc nào cũng phải mua đắt bán rẻ, bươn chải trên những cung đường lầy lội, cheo leo, gồng mình lên chống chọi với mưa rừng gió núi, cám dỗ của tệ nạn, hủ tục. Hay như người nông dân, quanh năm chỉ quần quật với vài sào ruộng, con lợn, con gà, cộng với sức mạnh cơ bắp,… thì bao giờ mới giàu có. Miền núi bao giờ mới tiến kịp miền xuôi, nông thôn bao giờ mới theo kịp thành thị? Kể cả việc xây dựng kết cấu hạ tầng phúc lợi công cộng, khu vực thành thị bao giờ cũng được ưu ái hơn.

Giàu thì sang, nghèo thì hèn - đúng vậy. Người giàu nhìn đời, nhìn xã hội, nhìn đồng loại bằng con mắt khác so với người nghèo. Hay nói cách khác, tư duy của người lái ô tô (sở hữu cá nhân) khác với tư duy của người đi xe đạp, xe máy. Thói đời, người giàu thường ích kỷ hơn, tham lam hơn; người nghèo thường rộng lượng, hào phóng hơn. Người giàu thường hay kể công; người nghèo thường quên những việc thiện mình đã làm. Nhưng cũng có những người giàu - thường là những người một thời nghèo khó rồi tự vươn lên bằng chính sức lực của mình - không làm, không nghĩ như vậy.

Ca sĩ nổi tiếng Thanh Tuyền một thời phải đi làm công nhân nhà máy in tại Mỹ để kiếm sống và nuôi con, sau nhờ bạn bè đồng hương giúp đỡ đã trở lại nghiệp hát, rồi dần có của ăn của để. Khi đã có chút dư dả, chị bắt đầu làm từ thiện. Chị tâm sự: “Tôi làm từ thiện suốt gần 30 năm qua một cách âm thầm với quan niệm: khi mình có bát cơm đầy đủ thức ăn, nên nghĩ đến những người vẫn đang ăn bát cơm chỉ với vài cọng rau muống. Biết đâu kiếp sau mình cũng khổ như họ, nên bây giờ, hãy trả nợ cho kiếp sau bằng tấm lòng thành thật, thì mọi khổ đau sẽ được đẩy lùi thôi”. (Theo sách “Thân phận và hào quang” của Hoàng Nguyên Vũ).

Còn với danh hài Hoài Linh thì: “Tôi không có tâm niệm trả thù những ai đã hãm hại hay nói xấu mình. Khi giúp người, tôi cũng không muốn ngày sau họ phải giúp lại tôi. Trên một phương diện tâm linh nào đó, tất cả những cái tôi đạt được bây giờ là những gì tôi đã từng cho đi và bây giờ tôi được nhận lại. Mặc dù họ không trả trực tiếp cho tôi nhưng Trời Phật sẽ cho tôi những cái đó trở lại. Đó là điều tôi rất tin tưởng”- (theo Vnexpress). 

Ca sĩ Phi Nhung có một tuổi thơ đau thương, vất vả. Cho đến bây giờ, chị vẫn không biết cha đẻ mình là ai, lên mười tuổi đã phải mồ côi mẹ. Năm 17 tuổi, Phi Nhung được bảo lãnh sang Mỹ theo diện con lai. Khi đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, Phi Nhung thường xuyên trở về Việt Nam, trở về với cội nguồn. Chị đã nhận nuôi và bảo dưỡng đến 19 người con nuôi. Phi Nhung thường cho các con đi theo trong những chuyến đi làm từ thiện. Chị nói: “Chúng phải biết cảm nhận và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, vì đó là trách nhiệm của những người may mắn. Bài học lòng nhân là điều mà tôi muốn con mình phải học đầu tiên”.

Không biết có kiếp sau, có luân hồi kiếp không, nhưng nếu mọi người giàu đều biết nghĩ và làm như danh hài Hoài Linh, các ca sĩ Thanh Tuyền, Phi Nhung, như rất nhiều người khác nữa thì chắc rằng xã hội ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều về sau.

Xưa, một vị cao tăng đã trả lời một người hỏi về nghiệp chướng, về kiếp trước, kiếp sau của mình bằng bốn câu thơ: “Dục tri tiền thế nhân, Kim sinh thụ giả thị; Dục tri hậu thế quả, Kim sinh tác giả thị”, nghĩa là: Muốn biết cái nguyên nhân của kiếp trước, cứ xem những gì mình được nhận; muốn biết hậu quả ở kiếp sau, cứ xem những gì mình đang làm.

Đó là Niềm tin - Niềm tin hướng thiện.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy