Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:52 (GMT +7)

Những triển lãm đương đại quốc tế nổi bật 2017

VNTN - Đáng kể về quy mô, chất lượng chuyên môn cao, ứng dụng các chất liệu đương đại và chủ đề đa dạng - đó chỉ là một số đặc điểm nổi trội của các triển lãm nghệ thuật trên khắp thế giới được các chuyên gia và công chúng bàn đến nhiều nhất trong năm vừa qua. Các sự kiện nghệ thuật đương đại giờ đây không đơn thuần chỉ là những cuộc trưng bày tranh tượng, đó là những sự kiện văn hóa tổng hợp, nơi hội tụ cả nghệ thuật thị giác, âm thanh, ánh sáng, video-art lẫn nghệ thuật trình diễn. Các không gian này ngày càng thu hút khán giả đến để chiêm ngưỡng và quan trọng hơn - được trải nghiệm với những cung bậc cảm xúc, sự tự ý thức về xã hội và con người trong thời đại toàn cầu hóa.

Peter Zumthor biến không gian bảo tàng thành tác phẩm sắp đặt và trình diễn

Triển lãm mang màu sắc giả tưởng của Damien Hirst ở Venice

Từ ngày 9/4 đến 3/12/2017, cuộc triển lãm quy mô mang tên “Treasures from the Wreck of the Unbelievable” (tạm dịch: “Kho báu từ con tàu đắm mang tên Phi Thường”) của nghệ sĩ người Anh Damien Hirst được triển khai trong những không gian rộng lớn của lâu đài Palazzo và bảo tàng Punta della Dogana tại thành phố Venice, Ý. Không gian của cả hai nơi này đã phải chờ đợi 10 năm mới đón được các tác phẩm vừa khó hiểu (“phi thường”), vừa đồ sộ, được sắp xếp đan cài trong một cốt truyện mang màu sắc truyền thuyết, kể về vụ “khai quật một chiếc tàu đắm khổng lồ từ hàng thế kỷ nay”. Các hiện vật kỳ lạ và đắt tiền trong triển lãm này trông đúng như những đồ trục vớt từ đáy biển. Nhiều năm trước đây, các tác phẩm điêu khắc kích thước lớn được Damien Hirst chế tác và thả xuống đáy biển để chúng bị phong hóa, han gỉ, và giờ đây được trục vớt lên trưng bày.

Triển lãm mang màu sắc giả tưởng của Damien Hirst ở Venice

“Lễ hội cuộc sống” của Yayoi Kusama tại phòng tranh David Zwirner

Từ ngày 2/11 đến 16/12/2017, phòng tranh David Zwirner ở thành phố New York, Mỹ, tổ chức cuộc triển lãm “Festival of Life” (Lễ hội cuộc sống) - một triển lãm đương đại mang lại rất nhiều cảm xúc đa chiều cho người xem thông qua sự tương tác với các tác phẩm mới của nữ nghệ sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama. Triển lãm bao gồm 66 bức tranh trong loạt tác phẩm “Linh hồn vĩnh cửu” đậm tính biểu tượng; một số tác phẩm điêu khắc lớn hình hoa; những không gian đa tạp, và hai “phòng gương vô hạn”. Khán giả đặc biệt thích thú trải nghiệm hai “phòng gương vô hạn”. Những căn phòng này tràn ngập các quả bóng bằng thép không rỉ, tạo ra cảm giác vô tận nhờ hiệu hứng phản xạ giữa các hình tròn và những chếc gương được gắn xung quanh tường.

“Tổ ong” khổng lồ của Studio Gang làm từ 2.700 ống giấy phế liệu

Từ 4/7 đến 4/9/2017, “tổ ong” khổng lồ và sống động của nhóm kiến trúc sư và họa sĩ thiết kế người Mỹ “Studio Gang” đã được lắp dựng trong đại sảnh của Bảo tàng Xây dựng Quốc gia Washington DC. Tổ hợp điêu khắc tương tác này bao gồm 3 căn ba phòng có mái vòm liên hoàn được tạo dựng từ hơn 2.700 ống giấy phế liệu - một tác phẩm sử dụng vật liệu tái chế, nhẹ và khổng lồ. Mái vòm cao nhất là 18 mét, đường kính 30 mét; bên trong “tổ ong” này, du khách có thể khám phá cách vật liệu có thể thay đổi và phản xạ âm thanh, ánh sáng và quy mô. Tác phẩm nghệ thuật không gian này không những có tác dụng “định hình âm thanh” mà còn là nơi “lý tưởng cho các cuộc hội thoại và tụ họp thân mật”.

Không gian “giám sát” của Herzog & de Meuron và Ngải Vị Vị

Mùa hè vừa qua (từ 7/6 đến 6/8), các kiến ​​trúc sư nổi tiếng người Thụy Sĩ Jacques Herzog và Pierre de Meuron đã hợp tác với nghệ sĩ người Trung Quốc Ai Weiwei để thiết kế một tác phẩm sắp đặt biệt vị (site-specific) trong Trung tâm Văn hóa Park Avenue Armony ở New York. Với tiêu đề rút từ tên câu chuyện cổ tích “Hansel & Gretel”, tác phẩm có tính tương tác cao này muốn khảo sát bản chất thay đổi của không gian công cộng trong kỷ nguyên con người luôn giám sát nhau và bị giám sát. Tác phẩm sắp đặt ứng dụng các công nghệ hình ảnh hiện đại này có công năng như một sàn nhảy hiện đại; các du khách khi tham gia các trò chơi tương tác ở đây sẽ trở thành người quan sát và cũng là người bị quan sát. Trong những không gian dường như bị mất phương hướng, mỗi chuyển động của bất kỳ ai đều được ghi lại bằng máy ảnh hồng ngoại. Những cảnh quay camera từ các căn phòng được phát sóng trực tiếp cho khán giả trực tuyến toàn cầu và họ có thể gửi phản hồi về căn phòng này.

Daniel Buren biến nội thất Bortolami gallery thành không gian trừu tượng

Từ ngày 12/5 đến 24/6/2017, nghệ sĩ ý niệm nổi tiếng người Pháp Daniel Buren đã thay đổi hoàn toàn không gian gallery Tribeca ở New York với những ô kính màu vui tươi và những mảng cột - tường được sơn lại. Các đặc tính kiến ​​trúc của nội thất trong gallery này nổi bật hẳn lên nhờ sự chỉnh sửa những tín hiệu điều hướng không gian, tăng cường ánh sáng, che chắn tầm nhìn, và bố trí các sọc màu vui tươi. Toàn bộ không gian với những ô và sọc màu sặc sỡ tạo nên ảo giác thị giác chính là một tác phẩm “nghệ thuật sắp đặt lại không gian” mới giàu tính ý niệm.

Dự án “Pixel Forest” đầy ảo mộng của Pipilotti Rist

Bắt đầu cuối năm 2016 kéo dài đến hết ngày 15/1/2017, nữ nghệ sỹ nổi tiếng người Thụy Điển Pipilotti Rist đã mang những giấc mơ ảo giác đầy thơ mộng tới cho công chúng New York.

Trong những không gian của Bảo tàng The New Museum, các tác phẩm sắp đặt không gian của bà phối hợp với những thiết bị chiếu hình hiện đại nhất đã đưa người xem vào những khung cảnh gợi cảm, pha trộn thế giới tự nhiên và thế giới công nghệ. Triển lãm mang tên “Pixel Forest” (Khu rừng chấm) này có thể nói đã trở thành một cuộc trưng bày toàn diện các tác phẩm tiêu biểu của nữ nghệ sỹ trong những năm gần đây.

Dự án “Pixel Forest” đầy ảo mộng của Pipilotti Rist

Không gian thiền và đồng hồ cát của Daniel Arsham

Tháng 3/2017, nghệ sĩ người Mỹ Daniel Arsham tạo nên một sự kiện lớn ở thành phố Atlanta, Mỹ với cụm tác phẩm sắp đặt quy mô mang tên “Hourglass” (Đồng hồ cát) tại bảo tàng The High Museum of Art. Với sự kết hợp âm thanh, kiến ​​trúc, điêu khắc, trình diễn cũng như một số tác phẩm mới nhất của ông với chủ đề chính là màu sắc, ba tác phẩm sắp đặt chính tại đây bao gồm: một loạt các vật đúc đặt trong những đồng hồ cát khổng lồ; khu vườn thiền màu xanh với căn trà thất kiểu Nhật; một kiến trúc kiểu hang động ghép bằng vô số vật thể mềm màu tím. Triển lãm này dường như thách thức sự hiểu biết của người xem về mối quan hệ với lịch sử thông qua những sáng tạo tổng hợp âm thanh, điêu khắc, kiến ​​trúc và nghệ thuật trình diễn.

Những hành lang “xuyên văn hóa” bằng vải của Do Ho Suh

Vào tháng 2/2017, tại triển lãm mang tên “Passage/s” (tạm dịch: “những Hành lang”) ở phòng tranh Victoria Miro ở thành phố New York, Mỹ, nghệ sĩ điêu khắc sắp đặt người Hàn Quốc Do Ho Suh đã dựng lên những cụm hành lang “vừa rõ ràng vừa huyền bí”, với các cấu trúc bán trong suốt bằng chất liệu vải mỏng liên thông nhau. Chuyên sử dụng vải mỏng như chất liệu chính, Suh đã từng tái tạo những kiến ​​trúc của những nơi ông từng sinh sống, và việc chuyển tới London gần đây đã cung cấp một chủ đề bao quát cho triển lãm này.

Peter Zumthor biến không gian bảo tàng thành tác phẩm sắp đặt và trình diễn

Từ giữa tháng 9/2017 đến 7/1/2018, Peter Zumthor - kiến trúc sư từng đoạt giải kiến trúc Pritzker, người thiết kế tòa nhà nổi tiếng cho Viện bảo tàng Nghệ thuật của thành phố Bregenz (Áo), đã được ban giám đốc bảo tàng mời chủ trì một triển lãm lớn mang tên “Dear to Me” (tạm dịch: Với tôi nơi đây thật thân thiết). Peter Zumthor đã biến đổi không gian bảo tàng từ một địa điểm trưng bày hiện vật thuần tuý thành “không gian văn hóa mới - nơi tiếp nhận mọi suy tư và lắng nghe ý kiến”. Các căn phòng của bảo tàng được sắp xếp thành những thư viện, phòng ăn, gian hòa nhạc, khu trưng bày nghệ thuật đương đại, v.v… Ông đã mời rất nhiều nghệ sĩ thị giác, âm thanh, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà giáo dục, nhà văn hóa nổi tiếng của Áo cùng tham dự trong hơn 150 sự kiện nghệ thuật diễn ra tại không gian của dự án “Dear to Me”.

Thái Quốc Cường trưng bày tác phẩm “Tinh thần hội họa” ở Madrid, Tây Ban Nha

Thái Quốc Cường trưng bày tác phẩm “Tinh thần hội họa”

ở Madrid, Tây Ban Nha

Tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Prado ở thủ đô Tây Ban Nha, ngày 25/10/2017, trong buổi khai trương cuộc triển lãm cá nhân mang tên “The Spirit of Painting” (Tinh thần Hội họa) với các bức tranh khổ lớn vẽ bằng thuốc súng, nghệ sĩ thị giác người Trung Quốc Thái Quốc Cường đã trực tiếp thực hiện một tác phẩm ngay trong nội thất bảo tàng giữa những tiếng trầm trồ của công chúng. Với nguồn cảm hứng từ di sản của danh họa, điêu khắc gia và kiến trúc sư người Tây Ban Nha thời Phục hưng El Greco, nghệ sĩ Thái Quốc Cường đã sáng tác loạt tác phẩm mang tính đương đại cho triển lãm này (kéo dài đến hết 4/3/2018) với lòng ngưỡng mộ sâu sắc bậc thầy vĩ đại Tây Ban Nha - người cũng có nhiều tác phẩm hiện đang được trưng bày trong bảo tàng Prado.

Andrea Trần (Tổng hợp báo chí quốc tế)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy