Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
02:45 (GMT +7)

Những tin yêu đi suốt cuộc đời

Chứng nhân đặc biệt

Với người làm thơ, mỗi bài thơ giống như một trang của cuộc đời họ. Xếp những trang thơ lại với nhau chúng ta gặp một cuộc đời. Trong những ngày chuẩn bị nội dung cho cuộc tọa đàm này, chúng tôi có điều kiện tiếp cận kỹ lưỡng hơn với thơ Trần Cầu. Và rồi 5 tập thơ với hơn 200 bài thơ vừa mở lối cho chúng tôi ngược chiều lịch sử, vừa xếp lại trước mắt chúng tôi một chân dung nhà  thơ Trần Cầu.

Những tin yêu đi suốt cuộc đời
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (đứng) tại buổi Tọa đàm Thơ Trần Cầu (24/10/2023). 

Nhà thơ Trần Cầu sinh năm 1934, quê ở Hưng Yên. Nhưng nơi ông lập nghiệp và gắn bó gần như cả cuộc đời mình là Thái Nguyên. Ông đã gắn bó với mảnh đất lịch sử này ngay từ ngày rời nhà tham gia cách mạng và kháng chiến.

Năm 1952, từ vùng tạm chiếm của Pháp ở đồng bằng, ông trốn lên ATK Định Hóa, trở thành anh lính Vệ quốc đoàn. Được xếp vào Tiểu đoàn 56 trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh,  ông có mặt trong cuộc diễn tập thực binh đánh “Tập đoàn cứ điểm” tại Đồng Thịnh. Sau cuộc diễn tập ấy, ông cùng đồng đội hành quân lên Tây Bắc, trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên với vai trò là thành viên Ban Tác chiến Sư đoàn 316. 

Điện Biên được giải phóng, ông lại có mặt trong đoàn quân từ ATK Thái Nguyên tiến về tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học luyện kim, trở thành kỹ sư luyện kim. Học xong cũng là lúc công trường Gang Thép được mở ra. Cuối năm 1959 đầu 1960 ông trở thành một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Khu liên hợp Gang Thép. Khi những lò luyện gang đầu tiên được dựng lên, ông làm trưởng ca, rồi làm chủ nhiệm ca của cả ba lò cao luyện gang. Mẻ gang đầu tiên của nền công nghiệp luyện kim nước nhà có sự góp công bằng khối óc và bàn tay của kỹ sư cấp cao Trần Cầu.  Sau này ông làm Bí thư Đảng ủy Xưởng Gang, rồi làm trưởng phòng KCS của Công ty, cống hiến cho sự nghiệp gang thép cho đến khi nghỉ hưu. 

Bài thơ đầu tiên của ông được viết năm 2001, đăng ở tập san “Vì trẻ thơ” của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, mở đầu cho một lối đi mới trong cuộc đời kỹ sư Trần Cầu. Ông trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên năm 2004. Sau tập thơ đầu tay “Về bên nôi” xuất bản năm 2005, ông lần lượt  cho xuất bản các tập thơ: “Miền quê thương nhớ” (2007), “Thủng thẳng cùng thu” (2012), “Miền lửa riêng” (2017), “Phù sa bến cũ” (2021). Ông còn có nhiều thơ in chung trong các tuyển tập thơ  và đoạt giải ở một số cuộc thi thơ địa phương.

Hội VHNT Thái Nguyên, nòng cốt là Chi hội Thơ, tổ chức cuộc tọa đàm về thơ Trần Cầu. Là những người chủ trì tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về các tác giả văn học ở địa phương, lần này chúng tôi gặp được điều bất ngờ thú vị, đó là:  khi đi tìm các giá trị của thơ chúng tôi gặp được một chứng nhân lịch sử. Trần Cầu là một chứng nhân đặc biệt của công cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại. Từ những tâm sự của ông trong thơ, chúng tôi tìm đến ông ngoài đời để hỏi ngọn ngành, và rồi thêm kính phục người hội viên đặc biệt mà Hội VHNT Thái Nguyên may mắn có được (ông cũng là người cao tuổi nhất trong Hội hiện nay).

Và những “miền lửa riêng”

Nghiên cứu tiến trình vận động của thơ Việt thời kỳ hậu chiến, nhiều người khẳng định sự vận động từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng đời tư thế sự là khuynh hướng chủ đạo.

Cảm hứng đời tư thế sự hướng tới các mối quan hệ thế sự, hướng tới các số phận riêng lẻ. “Thơ đề cập đến mọi khía cạnh của đời sống, gắn bó với mỗi cá nhân, mỗi số phận. Thơ bắt nhịp cuộc sống mới đa chiều, phức tạp hơn. Cảm hứng ngợi ca trong thơ dường như lắng lại, thay vào đó là dòng thơ mang chính nội tâm của tác giả trước sự bề bộn, lo toan của đời thường. Nhà thơ hướng vào nội tâm, lấy cái tôi làm chủ đạo. Sự đổi mới trong thơ là trở về với bản chất vốn có của thơ, tạo ra giọng điệu thích hợp với thời đại mình sống” (Một số vấn đề trong thơ đương đại - Lưu Khánh Thơ, www.vhu.edu.vn).

Có thể tìm thấy những đặc điểm này trong thơ của nhiều nhà thơ Thái Nguyên, trong đó có Trần Cầu. Nhưng có lẽ vì xuất hiện muộn trong đời sống thi ca Thái Nguyên, làm thơ muộn hơn nhiều người, sau khi đã hoàn thành những bổn phận trách nhiệm khác, nên sự chuyển dịch từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư không quá rành mạch mà đan xen, song hành. Dường như thơ Trần Cầu không chịu ảnh hưởng nhiều từ sự vận động chuyển dịch lớn của dòng chảy thơ ca Việt, mà vẫn gắn bó sâu đậm với cảm hứng sử thi. Với tôi, điều này được cắt nghĩa từ chính lý tưởng và lẽ sống mà ông đã lựa chọn cho cuộc đời lao động và tận hiến của mình.

Đọc thơ Trần Cầu, tôi nhận thấy trường quan tâm của ông trải rộng so với khá nhiều người viết ở Thái Nguyên bao gồm người viết cùng thế hệ và các thế hệ kế tiếp.

Trần Cầu là người có nhiều mối quan tâm hướng đến lịch sử quê hương đất nước, lịch sử cách mạng, và đời sống xã hội. Điều này thể hiện xuyên suốt cả 5 tập thơ của ông. Thơ mang tâm thế của người sống có lý tưởng và kiên định với lý tưởng; một người yêu nước chân thành và trong sáng, một người có tầm nhìn và sống tròn đầy trách nhiệm với quê hương, đất nước, với cuộc đời.

Xin đi sâu vào hai nhóm đề tài theo tôi là chiếm khá nhiều trong thơ Trần Cầu:

1.Ông viết nhiều về Đảng, về Bác Hồ, về cách mạng với tình cảm chân thành và chung thủy, bằng niềm tin yêu đi suốt cuộc đời tận tụy cống hiến của mình. Nhất là về Bác Hồ, ông viết rất nhiều, viết như một lẽ tự nhiên, với cảm xúc thôi thúc từ trái tim và sự hiểu biết của một con người được đổi đời nhờ cách mạng, một trí thức trưởng thành qua nhiều môi trường rèn luyện, từ chiến trường đến công trường.

Tập thơ đầu tay Về bên nôi phần lớn là thơ viết về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, về những miền đất và nghề nghiệp mà tác giả gắn bó. Chỉ có một bài dè dặt về bản thân (Viết tặng tuổi mình) và đôi bài trữ tình mang tính riêng tư nhẹ nhàng. Phần sâu nặng dành cho cảm hứng lớn, tình yêu lớn, cho lý tưởng cách mạng mà ông tin theo. Những tập thơ sau có sự chia sẻ cho những đề tài khác, nhưng cảm hứng về quê hương, đất nước, về công cuộc đổi mới vẫn đầy đặn, có thể coi là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ Trần Cầu. 

Ông dành nhiều cảm xúc cho quê hương Hưng Yên, Thái Nguyên, cho những nơi đã từng gắn bó như Điện Biên, Hà Nội, đặc biệt viết nhiều về Gang Thép.

Bên cạnh đó, một số bài thơ về các danh nhân, thi nhân, các miền quê, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, về những anh hùng liệt sĩ, người có công với nước, đồng đội… thể hiện những cái nhìn và sự ngẫm ngợi về lịch sử, về thời cuộc, của một người nặng lòng với lịch sử – xã hội, cả trong quá khứ và hiện tại.

Đó là những “miền lửa riêng” hiện hữu trong cuộc đời ông.

2.Tình yêu cuộc đời qua những bài thơ về những thân phận thiệt thòi, khuất lấp và về bạn bè văn nghệ

Ông viết: “Bùa yêu ai yểm dọc đường/ Tôi còn nặng gánh yêu thương cõi người”. Trong gánh nặng ấy có một phần dành cho những người thiệt thòi, yếm thế. Bắt đầu từ tập thơ thứ hai - Miền quê thương nhớ trở về sau, thơ ông hướng sự quan tâm và sẻ chia đến những người xung quanh mình. Đặc biệt là những người yếm thế, thiệt thòi, bị khuất lấp trong cộng đồng, mà trái tim nhân hậu của một nhà thơ dẫn ông đến gặp họ, ở bên cạnh họ, buồn vui cùng họ.

Viết về các em bé khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu:

Chữ nổi hàng nối hàng/ Như rừng hoa đồng nội/ Ấm áp giọt nắng vàng/ Xóa khoảng đời trống vắng/ Chữ nổi bên chữ sáng/ Xóa tan màn đêm đen/ Hoa nắng ùa vào cửa/ Đời mỗi ngày đẹp lên” (Hoa nắng)

Người bán than tổ ong “Nhoài người đẩy mình về phía trước/ Vòng xe lăn theo tiếng gọi: Than ơi”, người mua bao bì ve chai “Cơm bụi lót lòng qua bữa/ Nhặt gom lương thiện đầy vơi”. Người vợ liệt sĩ “Vai việc nhà, vai chống chèo việc xã/ Quên riêng mình những chuyện mất còn”. Người nông dân trồng hoa ngày tết “Miên man dọc miền hương bay/ Chân xiêu vấp vào bão giá/ Sợi thương… rối bời rơm rạ/ Trời lặng mà lòng lá lay”.

Người hát rong, người phụ nữ chạy xe ôm, người bạn từ lầm lỡ trở về hoàn lương, những bệnh nhân phong…

Thương cảm, sẻ chia và nâng niu: “Lẫn trong ồn ào phố xá/ Một nhành hoa nhỏ không tên” (Tảo tần), “Chị ơi đời cát nở hoa/ Đem nghèo thế chấp bước qua phận nghèo” (Người bán bánh khúc). Với người bạn bỏ xứ ra đi, nay từ nửa vòng trái đất hồi hương “Ta cứ nhẩn nha/ Uống tới ngọn nguồn tình quê trong vắt/ Say chốc lát thôi, tỉnh ngày gặp mặt/ Mến thương ơi có chậm muộn bao giờ” (Bạn tôi).

Từ nâng niu đến đồng cảm: Chiều như chừng chùng xuống/ Nào đã say gì đâu/ Hai mặt trời soi nhau/ Dốc cạn bầu tâm sự (Uống rượu trong ngôi nhà 167).

Cũng bắt đầu xuất hiện từ tập thơ thứ hai là thơ tặng bạn văn, khá nhiều. Có thể liệt kê ra đây những bạn hữu và những câu thơ ông viết về họ, tặng riêng cho họ. Với mỗi người, ông như một họa sĩ ký họa những bức chân dung bằng những câu thơ đặc tả tính cách, hoàn cảnh, công việc, đam mê của họ.

Tặng nhà thơ Nguyễn Hữu Bài “Ngày gầy, lưng đồi lận đận/ Nuôi con từ tốn nên người/ Mái lá, đèn khuya giá lạnh/ Đằm sâu ân nghĩa thầy trò”.

Tặng nhà thơ Ma Trường Nguyên: “Nơi ấy hằn sâu ký ức/ Cánh sóng, người thơ giăng lưới lửa thiêu trời/ Rễ người dài - mạch ngầm thiêng liêng Tổ quốc/ Da diết quê nhà tiếng lá gọi đôi” (Trận địa pháo năm xưa).

Tặng nhà văn Lê Thế Thành: “Chẳng ngừng một phút an nhiên/ Anh viết như say như khát/ Đam mê nặng nợ bút nghiên/ Lợi danh không màng giành giật” (Ký ức miền sông nước).

Tặng nhà thơ Nguyễn Việt Bắc “Tựa lưng thềm đời/ Soi vạn vật ngất ngây tồn tại/ Viên phấn run lên phép biện chứng hùng hồn”.

Tặng nhà thơ Nguyễn Anh Hòa: “Sớm hôm đầu phố đông này/ Bạn ngồi với chiếc bơm gầy sửa xe … Bạn ngồi vá những niềm vui/ Giúp người đang lỡ xa xôi nẻo chiều” (Bạn tôi).

Tặng nhà văn Trần Quang Toàn: “Bạn lặng im hạ bút nhàu trang kết/ Chiều cúi mặt nghẹn ngào trang viết/ Người lực điền đồng đất Túc Duyên ơi” (Về một bạn văn).

Tặng một bạn văn có vườn tượng - là thi hữu Thanh Hà “Tôi nghe tiếng đá ẩn danh/ Về cơn mưa triền miên trong anh chưa tạnh/ Phiến đá say rêu thức buốt canh gà/ Tình phụ tử gió lùa tao tác gió/ Cánh tay trần xoay trở ấm đời con” (Tản mạn trong vườn tượng).

Tặng họa sĩ Hoàng Báu: “Tươi tắn những gam màu/ Hoan ca cùng ánh sáng/ Dòng đời vượt qua năm tháng/ Thanh tân trong mỗi ánh nhìn” (Bản Sô nát sắc màu).

Tặng nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa: “Dưới vòm trời mây trắng ngổn ngang phơi/ Cái đẹp ẩn tàng gửi trong ánh mắt/ Người nghệ sĩ tài hoa - nhưng đâu là khoảnh khắc/ Hạt gieo không mùa nắng gió mênh mông”.

Mỗi bài thơ một niềm tâm giao, một sự thấu cảm khác nhau dành cho bạn bè, nhưng có chung một sự trân trọng đặc biệt.

Nhà văn Đỗ Chu nói: “Nhà văn sống thế nào viết thế ấy”. Còn nhà văn Nguyễn Việt Hà thì nói: “Trách nhiệm của nhà văn trước hết là phải là một công dân tốt, một con người tốt, sau đấy đương nhiên sẽ trở thành nhà văn trách nhiệm, vì anh đã sống đúng bổn phận của một người có trách nhiệm rồi” (Bình tĩnh nhìn nhận và đi tiếp. Tọa đàm văn chương. https://nhandan.vn/).

Thơ Trần Cầu nói với chúng ta về một nhà thơ không chỉ trọn vẹn trách nhiệm với lý tưởng mà còn có một trái tim ấm áp với cuộc đời. Ông có nhiều câu thơ đẹp, nhiều tứ thơ hay, dù vậy tôi không chắc ông đã là một văn tài. Nhưng tôi chắc chắn ông là một cốt cách luôn khiến chúng tôi kính trọng. Có câu “sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”, mỗi lần nghĩ về Trần Cầu tôi thường nghĩ đến câu nói ấy, hôm nay đọc kỹ thơ ông tôi càng thấy có hình ảnh ông trong đó.

Nguyễn Thúy Quỳnh

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy