Những số phận bất hạnh
VNTN - Ba lần đến thăm chị Nguyễn Thị Liên ở xóm Ngói, xã Hà Châu, huyện Phú Bình là cả 3 lần chúng tôi chứng kiến chị giàn giụa nước mắt. Chị khóc thương con, thương cho chính bản thân của mình khi bây giờ chỉ ngồi một chỗ trên giường mà không làm được việc gì để giúp chồng giúp con.
Sinh năm 1973, tại xóm Núi, xã Hà Châu. Năm 1994, chị Liên lấy chồng về xóm Ngói cùng xã. Anh chị sinh được một trai, một gái. Hai vợ chồng cần mẫn chăm chỉ làm 2 sào ruộng, nuôi dạy 2 con, phụng dưỡng mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi. Những tưởng cuộc sống êm trôi với cuộc đời chị, thế nhưng, tai họa liên tiếp ập xuống gia đình khiến chị gần như ngã khuỵu. Năm 2010, chị bị viêm da tiếp xúc phải chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Năm 2012, chị đi hái sấu thuê thì bất ngờ bị ngã từ độ cao 10m xuống đất, gãy cột sống. Khi vết thương chưa kịp lành thì chị tiếp tục nhận được tin dữ, cậu con trai sinh năm 1995, trên đường đi làm về qua cầu tràn ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), trong cơn bão số 5 bị nước cuốn trôi.
Mặc dù được nhiều người động viên nhưng chị Liên không thể gượng dậy bởi vết thương thể xác lẫn tinh thần. Chị kể trong nước mắt: Lúc ấy, chị không thiết sống nhưng nhìn con gái đang tuổi ăn học chị lại cố tập luyện, gượng đi lại để chóng hồi phục sức khỏe. Tâm lý chán nản, chồng chị đã sa vào tệ nạn xã hội. Dù vết thương vẫn đau ê ẩm mỗi khi thay đổi thời tiết nhưng chị vẫn cố gắng chạy chợ. Năm 2014, chị sinh thêm được một cậu con trai, những tưởng sẽ giúp chồng tu chí làm ăn nhưng anh ngày càng lún sâu vào tệ nạn. Nhà đã khó khăn lại càng khó khăn hơn bởi chồng chị thường lén mang đồ đi bán hết. Nhìn mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi già yếu cùng các con còn nhỏ dại, bản thân lại ốm đau bệnh tật, chị chỉ biết ôm gối khóc. Sức khỏe yếu lại hay phải suy nghĩ nên trong một lần đi xe máy, chị bị tai nạn và gãy xương cánh tay. Không có tiền chạy chữa tại bệnh viện, chị chỉ nhờ người đắp thuốc nam và chịu những cơn đau buốt mỗi khi trái gió trở giời. Ngồi trong nhà chị, chỗ nào cũng có thể thấy gió lùa qua từng vết nứt của bờ tường được che chắn tạm bợ bởi những chiếc giẻ lau hay tấm nilông rách. Trời mưa thì mái ngói dột nhiều chỗ. Ngôi nhà ọp ẹp xây dựng từ những năm 1970, cửa tuềnh toàng che chắn bằng mấy tấm liếp. Niềm an ủi lớn nhất đối với chị bây giờ có lẽ là con gái Nguyễn Thị Ca, hiện đang học lớp 9 trường THCS Hà Châu và cậu con trai đang bi bô tập nói. 9 năm liền cháu Ca đều đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Chị Liên nói trong nước mắt: Tôi chỉ thương cháu không có điều kiện được học bằng bạn bằng bè. Ngoài giờ học cháu cũng đã biết giúp đỡ gia đình nhiều việc nên tôi cũng yên tâm. Chỉ mong sức khỏe của tôi ổn định để có thể nuôi dạy các cháu nên người.
Ông Nguyễn Hoàng Trường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hà Châu, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện xã Hà Châu cho biết: Hoàn cảnh chị Liên là trường hợp khó khăn nhất trên địa bàn xã Hà Châu. CLB thiện nguyện xã cũng thường xuyên đến thăm và tặng quà. Tuy nhiên, cũng chỉ giúp đỡ được mẹ con chị phần nào trong dịp tết vừa rồi, còn về lâu dài rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để chị Liên sớm ổn định cuộc sống.
Rời nhà chị Liên, chúng tôi tiếp tục hành trình về xóm Điếm, xã Nga My. Phải hỏi thăm vài lần mới tìm được đến nhà chị Nguyễn Thị Thúy bởi đường vào nhà chị khá ngoằn ngoèo và nhiều khúc cua. Đứng trước một ngôi nhà nhỏ bé, xung quanh tuềnh toàng không có tường rào, chị Thúy đang lúi húi lau mặt cho con. Hơn 5 năm nay, con trai chị là Nguyễn Duy Thảo, sinh năm 2005 bị liệt hai chân chỉ ngồi im một chỗ. Chị Thúy nước mắt lưng tròng kể lại: Số phận tôi hẩm hiu, kiếm được một mụn con làm hạnh phúc nhưng năm học lớp 1, cháu Thảo đã phải gác lại việc học do chân tự nhiên bị tê liệt, dần dần không đi được.
Mong con được bằng chúng bằng bạn, gần 2 năm trời, ngày nắng cũng như ngày mưa chị Thúy cõng con đi bộ hơn 2 cây số đến trường Tiểu học Nga My để con biết đọc biết viết. Cháu Thảo rất ham học nhưng bệnh tình ngày một nặng, không ngồi được lâu, chị đành cho con ở nhà. Ngày ngày, Thảo làm bạn với tấm ván được mẹ trải trước hiên nhà. Tấm ván cáu bẩn, mòn vẹt bởi suốt hơn 5 năm nay Thảo lăn lê trên đó. Nhìn chúng bạn đi học, em cũng ao ước được đứng trên đôi chân của mình đến trường mà không thực hiện được vì gia cảnh khó khăn, không đủ tiền chữa bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lương, bác ruột của Thảo cho biết: Nhìn hoàn cảnh hai mẹ con thế, ai cũng thương xót. Hàng xóm xung quanh cuộc sống cũng chỉ hơn chút ít nên chỉ biết giúp đỡ động viên bằng ngày công hoặc mớ rau, bát gạo thôi. Còn việc chạy chữa cho cháu thì cần phải có khoản tiền lớn. Với hoàn cảnh như vậy thì kiếm đâu ra tiền để chữa bệnh cho con. Bây giờ người mẹ mắt cũng tự nhiên mờ đi chỉ nhìn được cách xa 2m.
Từ xã Nga My, men theo dòng sông Cầu, chúng tôi về xóm Múc, xã Úc Kỳ tìm gặp gia đình anh Thọ chị Xuyến. Đã hơn 5 năm nay, vợ chồng anh chị gắn liền với những tiếng kêu, rên rỉ ú ớ của cậu con trai Dương Quốc Việt. Cháu Việt sinh năm 2011, bị bại não. Gia đình cũng đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không có biến chuyển. Cuộc sống của cháu chỉ quanh quẩn bên chiếc giường cũ kỹ, ọp ẹp. Đến nay, cháu Việt đã 5 tuổi nhưng chỉ biết kêu ú ớ, co quắp chân tay, gào thét suốt ngày đêm. Mỗi khi thay đổi thời tiết, cháu lại bị khó thở.
Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc anh chị vừa đưa cháu đi điều trị hơn 10 ngày ở viện về. Nhìn cháu co quắp, ánh mắt ngây dại, ú ớ nằm một mình trên giường, xung quanh quây bởi những chiếc chăn bông dày cho khỏi rơi xuống đất khiến ai chứng kiến cũng phải thương xót. Lau vội giọt nước mắt, chị Xuyến kể: Cháu quằn quại người ú ớ liên hồi như vậy. Ban đêm cháu chỉ ngủ được từ 2 đến 3 tiếng. Bình quân mỗi năm cháu đi viện 5-6 lần. Mỗi lần đều điều trị hơn 10 ngày. Không đi viện thì nhìn cháu khó thở xót ruột lắm.
Tai họa tiếp tục ập xuống gia đình khi anh Thọ bị tai nạn giao thông gãy tay, chấn thương sọ não. Một mình vừa chăm chồng vừa chăm con bị liệt nhìn chị Xuyến gầy gò, già đi nhiều so với tuổi (chị Xuyến sinh năm 1985). Từ ngày bị tại nạn, anh Thọ chỉ làm được những việc nhẹ, lúc nhớ lúc quên. Niềm vui lớn nhất của anh chị bây giờ là cô con gái 2 tuổi đang bi bô tập nói. Tranh thủ những lúc hai con ngủ, chị Xuyến lại cặm cụi buộc chổi tre nhưng bán cũng không được là bao. Khi được hỏi mơ ước lớn nhất, chị Xuyến nói trong nước mắt: Chúng tôi chỉ mơ ước có một ngôi nhà nhỏ của riêng mình vì ngôi nhà đang ở bây giờ vẫn là ở nhờ của một gia đình trong xóm từ gần chục năm nay.
Ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Nói về hoàn cảnh thì gia đình anh Thọ chị Xuyến là éo le và khó khăn nhất xã. Hàng năm, vào dịp lễ tết, xã cũng có những phần quà hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, để ổn định được cuộc sống thì gia đình anh Thọ rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Ba người phụ nữ, ba hoàn cảnh khác nhau. Họ đang từng ngày, từng giờ đối mặt với những khó khăn thách thức, những nỗi đau dày vò cả thể xác và tâm hồn. Ẩn sâu trong mỗi ánh nhìn, chúng tôi biết họ đang mơ ước về một mái ấm, dù nhỏ nhoi thôi nhưng tràn ngập tiếng nói cười của con trẻ, của người thân trong gia đình. Thế nhưng chính gia cảnh khó khăn đang khiến họ vẫn quẩn quanh với những ốm đau, bệnh tật. Qua bài viết này, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ ba gia đình trên để họ sớm vượt qua nỗi đau vươn lên trong cuộc sống.
1. Ủng hộ chị Nguyễn Thị Liên, xóm Ngói, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
ĐT: 01696.629.574
2. Ủng hộ chị Nguyễn Thị Thúy, xóm Điếm, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
ĐT: 01699.135.835
3. Ủng hộ chị Nguyễn Thị Xuyến, xóm Múc, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
ĐT: 01664.840.059
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...