Những sinh viên vượt lên mọi hoàn cảnh
Hoàn cảnh không được như các bạn đồng trang lứa, nhưng họ đã luôn cố gắng để thực hiện những mơ ước của mình. Đó là những sinh viên ưu tú biết vượt lên số phận để khẳng định bản thân, làm chủ cuộc sống.
Chiến thắng chính mình
Là con út trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xóm Đông Yên, Thượng Đình, Phú Bình, năm lên 7, Dương Đức Thắng trong một lần bị viêm lợi không kịp chữa trị đã phát triển thành u xương quai hàm. Cả nhà chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng, thu nhập chẳng đủ ăn, nhưng thương con đau đớn, bố mẹ chạy vạy khắp nơi lo thuốc thang cho Thắng, vậy mà càng chữa, bệnh lại càng nặng.
Cơ thể Thắng cứ yếu dần từ khi mang bạo bệnh. Năm lớp 8, bố lại mắc căn bệnh tai biến mạch máu não. Khoản tiền dành chữa bệnh cho Thắng vốn đã ít ỏi nay lại phải chia nhỏ để mua thuốc cho bố. Sang lớp 9, câu chuyện của Thắng được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam biết đến, họ quyên góp một số tiền giúp Thắng sang Hàn Quốc phẫu thuật cắt bỏ phần xương bị u, lắp xương quai hàm bằng nhôm, dùng thịt ở đùi để cấy ghép nhưng kết quả không được như mong đợi. Hai năm sau, Thắng được trở lại Hàn Quốc để thực hiện lắp răng nhưng do sức khỏe còn yếu, phần xương hàm chưa đủ tiêu chuẩn nên việc cấy ghép đã không được thực hiện.
Căn bệnh u xương quai hàm khiến cấu tạo miệng của Thắng nhỏ lại, phát âm không chuẩn, giọng nói ngọng nghịu như đứa trẻ lên 3. Thắng luôn tự ti trước đám đông, cứ cúi gằm mặt xuống đất để tránh né ánh nhìn từ người đối diện. Học cấp 3, Thắng chẳng hề có lấy một người bạn chơi cùng, cứ lủi thủi một mình, bị các bạn châm chọc cũng chỉ biết lặng im.
Đỗ đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên, Thắng chỉ nặng có 38 cân, lại mất đi 71% sức khỏe, cơ thể xanh xao, yếu ớt. Chưa ghép được răng nên Thắng chỉ ăn được các thức ăn đơn giản và hầu hết phải xay nhuyễn. Những lúc giở giời vết thương đau nhức, cái sức vóc bé nhỏ tưởng như muốn gục ngã khi chỉ có một mình, còn bị mọi người xa lánh, khiến Thắng tủi hổ vô cùng.
“Lúc đó, mình chỉ mong ước cơ thể lành lặn để hòa nhập với cộng đồng và bớt đi là gánh nặng cho bố mẹ. Mình rất sợ bố mẹ sẽ bán nhà để chữa bệnh cho mình, khi ấy không biết bố mẹ sẽ sống thế nào”, Thắng nhớ lại, mắt rơm rớm.
Câu chuyện của Thắng đã từng được Báo Văn nghệ Thái Nguyên đăng tải và chia sẻ, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến Thắng động viên, khích lệ. Chính sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân cùng suy nghĩ không muốn là gánh nặng cho gia đình đã trở thành động lực khiến chàng trai bao năm sống khép mình quyết thay đổi bản thân. Thắng tập gym để cải thiện sức khỏe, từ anh chàng ốm nhắt, xanh xao giờ trông vạm vỡ, đầy cơ bắp. Có sức khỏe, Thắng xin làm thêm ở xưởng sản xuất tai nghe để có tiền tự trang trải cuộc sống và phụ giúp cha mẹ. Hiện giờ Thắng đang học năm cuối, còn tranh thủ đi học thêm lớp tiếng Anh và tiếng Hàn buổi tối với mong muốn mở rộng cơ hội việc làm cho mình.
Dương Đức Thắng đã khỏe mạnh, tự tin hơn với bản thân.
“Mình muốn được đi làm ở công ty nước ngoài, như SamSung chẳng hạn, để có thể kiếm tiền giúp cha mẹ đỡ vất vả hơn”. Ước muốn là vậy nhưng Thắng biết phía trước mình còn rất nhiều trở ngại. Thắng cần được ghép răng chỉnh hình mới hoàn thiện chức năng nhai. Còn hiện giờ với khẩu phần ăn uống chỉ một vài loại thực phẩm mềm sẽ là một bất tiện lớn khi làm việc và sinh hoạt trong môi trường tập thể. Nhưng việc chiến thắng bản thân, dám đối diện với thực tại và dám mơ ước đã là một nghị lực sống khiến mọi người khâm phục và trân quý Thắng nhiều hơn.
Gạt nước mắt để vượt lên
Trần Thu Phương (quê Tân Yên, Bắc Giang) sinh viên ngành Hóa dược, trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, một cô gái hoạt bát, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Không ai nghĩ đằng sau cô gái đầy sức sống ấy lại là một tuổi thơ mang đầy nước mắt.
Sinh Phương ra, mẹ đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nên thay vì được bú sữa mẹ, Phương phải sống nhờ nước gạo đun sôi. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lúc nào cũng phải gom góp tiền lo thuốc thang cho mẹ vậy mà bệnh tình của bà càng lúc càng nặng, phải nằm liệt giường. Cha chán nản bỏ đi, không lâu sau ông cũng qua đời. Lúc này, gánh nặng đứa con gái bệnh tật và đứa cháu ngoại mới 2 tuổi bơ vơ đổ dồn lên đôi vai người ông ngoại già yếu đã gần 70 tuổi. Trong một lần nguy kịch, mẹ Phương phải đi cấp cứu, bị bệnh viện trả về. Lo cho tương lai của Phương và thương người cha già, mẹ định gửi em cho một người thành phố những mong em có một tương lai tốt đẹp hơn và cũng là để có một khoản tiền lo đám tang cho chính mình… May mắn thay, ông ngoại nhất quyết không đồng ý, lại được người quen giới thiệu cho một thầy thuốc giỏi. Hợp thầy, hợp thuốc bệnh của mẹ thuyên giảm từng ngày, rồi dần đi lại được, nhưng nhiều lúc những cơn đau như cắt xương cắt thịt lại hành hạ khiến bà không làm gì nổi.
Trần Thu Phương trong buổi Giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ và học liệu giai đoạn 2012 - 2017 tại Trung tâm học liệu Thái Nguyên.
Hoàn cảnh gia đình cùng ngoại hình đen đúa trở thành cái cớ để Phương bị bạn bè trêu chọc, hắt hủi... Phương luôn trở thành nạn nhân của những trò đùa do đám bạn cùng lớp gây ra, chẳng thể nhớ nổi số lần bị chúng bạn lấy đinh chọc thủng lốp xe phải dắt bộ về nhà suốt quãng đường dài; rồi những câu đùa ác của bọn trẻ vô tâm... Nhưng Phương luôn biết gạt bỏ mọi uất ức, tủi hờn, lấy đó làm động lực để học hành chăm chỉ, với giấc mơ trở thành bác sĩ có thể chữa khỏi căn bệnh quái ác cho mẹ. Sự cố gắng của Phương được đền đáp bằng những thành tích học tập rất đáng nể: 12 năm đều đạt học sinh giỏi và nhiều giải thưởng học sinh giỏi các cấp về các môn, trong đó đặc biệt là môn sinh học…
Phương chia sẻ bằng giọng trầm buồn: “Mình cũng rất muốn được xuống Hà Nội để có thể tiếp cận với môi trường năng động hơn, học hỏi nhiều hơn. Nhưng không có tiền vì mọi thứ ở Hà Nội quá đắt đỏ, mẹ lại bị bệnh nên mình chọn học ở Thái Nguyên để tiết kiệm chi phí và có thể thường xuyên về thăm mẹ được”. Năm 2014 làm hồ sơ thi vào trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, Phương vẫn bị thiếu một điểm vào ngành Bác sỹ đa khoa. Quyết theo ngành y, Phương nộp hồ sơ vào ngành Hóa dược trường Đại học Khoa học. Ngoài giờ lên lớp, Phương tranh thủ làm thêm. Cô tâm sự: “mỗi ngày mình đi làm khoảng 6 tiếng, lương 60 nghìn, mình chi khoảng 30 nghìn cho bữa trưa và tối, dư ra chút nào thì bù vào tiền học thêm hàng tháng”. Dù đi làm thêm nhưng Phương luôn sắp xếp mọi thứ khoa học để việc học không bị bỏ bê. Bởi vậy mà, nhiều năm liền Phương đều giành được học bổng của trường. Năm 2017, Phương tham gia nghiên cứu khoa học cấp sinh viên đạt loại giỏi với tên đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của tinh dầu sài đất” do PGS.TS Phạm Thế Chính - Trưởng khoa Hóa học làm giáo viên hướng dẫn. Với những nỗ lực đó, hai năm liền Phương đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường (năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017). Năm học 2016 - 2017, cô còn đạt danh hiệu sinh viên giỏi cấp trường và “Sinh viên 5 tốt” cấp Đại học Thái Nguyên và cấp tỉnh. Hiện Phương đang trong đội tuyển thi “Olympic hóa học sinh viên toàn quốc” của nhà trường năm 2018.
Hỏi về mơ ước sau khi ra trường, cô sinh viên nhỏ bộc bạch: “Mình muốn phấn đấu đạt được học bổng Fulbright của Mỹ. Được ra nước ngoài mình sẽ học hỏi được nhiều điều hơn, có thể tìm ra cách chữa bệnh cho mẹ…”.
Bền lòng đeo đuổi sự học
Cũng ở ngôi trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, có một chàng trai vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên 2 năm liên tiếp không về quê ăn tết, bởi lo tiền tầu xe tốn kém mà ở lại thành phố làm rửa bát thuê kiếm thêm thu nhập, nhằm phụ giúp mẹ điều trị bệnh ung thư. Đó là Lò Văn Thiếu, sinh viên năm 3, Khoa Luật của trường.
Thiếu sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại bản vùng cao xã Noong Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu. Không chỉ bị cái nghèo đeo bám, gia đình Thiếu lại chẳng được may mắn khi trong nhà có tới 2 con (anh trai trên Thiếu và em trai dưới Thiếu) bị tàn tật, mẹ mang trong mình căn bệnh ung thư vú quái ác, phải chuyển về Hà Nội truyền hóa chất. Bố mẹ không nói được tiếng Kinh nên cứ 20 ngày, Thiếu lại phải về Hà Nội để chăm sóc cũng như “phiên dịch” cho các bác sĩ.
Lò Văn Thiếu năng nổ tham gia hoạt động sinh viên tình nguyện.
Thiếu bắt đầu đi làm vàng từ năm lớp 7, nhưng em luôn nỗ lực trong học tập. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng muốn thoát đói nghèo, em quyết tâm đăng kí thi đại học dù không ai trong gia đình ủng hộ. Một mình vật lộn thực hiện giấc mơ đại học, em phải vừa đi làm kiếm tiền vừa tự học ôn thi.
Trở thành sinh viên, Thiếu vẫn vừa đi học, vừa đi làm thêm. Em đi bộ mỗi ngày 3km đến chỗ làm với công việc chạy bàn và rửa bát thuê đến tận đêm muộn. Số tiền 1,5 triệu đồng kiếm được mỗi tháng, Thiếu dành cho mẹ 1 triệu chữa bệnh, chỉ để lại 5 trăm nghìn cho bản thân. Số tiền ít ỏi nên bữa sáng em đều nhịn, bữa trưa thường là mì gói ăn tạm, chỉ có bữa tối mới được ăn no ở chỗ làm.
Thấu hiểu những hoàn cảnh nghèo khó như mình, khi Đoàn trường phát động các chiến dịch thanh niên tình nguyện Thiếu luôn cố gắng thu xếp mọi việc để có thể tham gia. Năm 2016, tham gia tình nguyện tại thị trấn Chợ Mới, Bắc Kạn, Thiếu vinh dự nhận được giấy khen của Bí thư Huyện Đoàn Chợ Mới. Em chia sẻ: “Tham gia tình nguyện, em có cơ hội được đi nhiều hơn để mở rộng kiến thức cho bản thân, có thể sẻ chia không phải bằng tiền bạc mà bằng sức lực và tình cảm đến những người cùng cảnh ngộ khó khăn như mình”.
Trước tấm gương hiếu học và nghị lực vượt khó của Thiếu, thầy Nguyễn Văn Đăng, Hiệu phó nhà trường xúc động: “Tôi cảm phục em ấy - người chưa bao giờ chia sẻ hoàn cảnh của mình với bạn bè mà ngược lại luôn chủ động vượt lên khó khăn”.
Nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ dành cho Thiếu: miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, miễn phí ở ký túc xá nhằm giảm bớt gánh nặng cho em và hy vọng em có thể hoàn thành giấc mơ học tập của mình.
***
Kể lại câu chuyện vượt khó của ba sinh viên trên như một lí do để mỗi chúng ta thêm quý trọng những gì mình đang có, đồng thời mong muốn cộng đồng sẽ dành những sự động viên bằng vật chất cũng như tinh thần để họ có thêm nghị lực bước tiếp trên chặng đường phía trước. Mọi sự quan tâm ủng hộ của quý vị, xin liên hệ trực tiếp với các nhân vật: Dương Đức Thắng: 0968427591; Trần Thu Phương: 0948580982; Lò Văn Thiếu: 01695099644; hoặc: Tòa soạn báo Văn nghệ Thái Nguyên, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. ĐT: 0208 3656514 (trong giờ hành chính, gặp chị Hường).
Khánh Hiệp - Văn Vượng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...