Những phụ nữ Thái Nguyên mang trà ra thế giới
Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”
VNTN - Thái Nguyên là mảnh đất “Đệ nhất danh trà” và từ lâu cây chè là cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế. Thời gian gần đây, nhờ những bước đi đột phá của giới doanh nhân mà danh tiếng của trà Thái ngày càng bay xa ra thế giới. Trong số họ có hai nữ doanh nhân thành đạt của “thủ phủ” chè Thái.
Từ nông dân thành bà chủ một doanh nghiệp chè đặc sản
Đúng như hẹn chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chè Hà Thái đưa chúng tôi lên thăm quan vùng nguyên liệu. Vừa cầm vô lăng chị vừa kể chuyện về chè như một hướng dẫn viên thông thái. Chặng đường hơn 30 km từ thành phố lên vùng nguyên liệu chè tại xóm Đồng Tiến, xã La Bằng (Đại Từ) như ngắn lại, chẳng mấy chốc đã tới nơi.
Đứng trước những nương chè xanh bát ngát, hương thơm của những búp, nõn chè tỏa khắp không gian khiến mọi mệt mỏi như bay biến. Hiểu tâm trạng khách chị Hiền vui vẻ: “Thiên nhiên ban tặng cho nơi này mọi điều kiện thuận lợi để cây chè phát triển. La Bằng nằm ở bờ Đông của dãy Tam Đảo, được che chắn ẩm, mát quanh năm như Sapa nên tôi đã chọn đây làm vùng sản xuất nguyên liệu”.
Chị Lý kiểm tra sản phẩm trà của công ty
Gần 45 năm chăm sóc, chế biến chè quả thực đã cho chị một tầm nhìn xa. Cùng với Tân Cương, Trại Cài, thì La Bằng đã được mệnh danh là một trong những “thủ phủ” của chè Thái Nguyên. Không những vậy, đất La Bằng rất mầu mỡ môi trường không khí trong lành, lại xa khu công nghiệp, có nước đầu nguồn thuận lợi cho tưới tiêu nên đã tạo cho thứ chè nơi đây đậm đà, ngậy cốm, bền nước - ngon nức tiếng.
Nhìn những búp chè rời rợi, tăm tắp đón nắng, những gốc chè sạch bóng không một cọng cỏ tôi tò mò về kinh nghiệm chăm sóc. Chị Hiền khẳng khái: “Làm trà phải hiểu rõ đây là thứ dinh dưỡng rất quý và muốn làm trà được tốt phải xuất phát từ cái tâm”.
Thật vậy, chè của Hà Thái được trồng theo một quy trình hữu cơ khép kín từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch chế biến. Cả đồi chè được phân ra thành từng khu ngăn nắp, khu nào là bãi chè đinh, khu nào là bãi chè tôm. Hầu như các khâu làm chè đều làm thủ công như nhổ cỏ bằng tay, phun, bón cho chè dùng chế phẩm từ cá ngừ đại dương nhập khẩu và các chế phẩm sinh học khác... Và khâu thu hoạch chè mới thật quan trọng. Chọn những ngày trời khô ráo, từ 5 giờ sáng, khi những chiếc nõn, búp vẫn còn ngậm sương thì những thợ chè lành nghề đã lên đồi để thu hái. Hái liên tục như vậy đến khoảng 8h sáng thì dừng và chè lúc này được mang về để sao, sấy.
Hái chè kị nhất trời mưa. Mưa, chè ngậm nhiều nước búp chè nhạt và mầm chè nở ra to không đạt tiêu chuẩn. Tại đồi chè của Hà Thái, tới kỳ thu hoạch nếu mưa liên tiếp không hái được là khu vực chè đó phải chuyển thành sản phẩm chè khác chất lượng thấp hơn.
Kỹ càng và tỷ mỷ nên chất lượng trà của công ty ngày một nâng cao và được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Những năm gần đây công ty chỉ tập trung chuyên sâu vào làm hàng cao cấp là chè đinh và chè tôm. Chè sản xuất làm tới đâu bán hết đến đó và chủ yếu bán làm quà biếu giá thành từ 1 triệu đến 10 triệu đồng/1kg.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chè xã Tân Linh, huyện Đại Từ, như bao người trồng chè tâm huyết khác chị Hiền quyết không chịu cảnh lam lũ và ngày đêm đau đáu tìm ra hướng đi mới. Tìm hiểu sách về trà của Trung Quốc, thấy họ phân tích rất tỉ mỉ, rằng trà là một thứ thuốc quý chứ không phải chỉ là một thức uống thông thường. Thế là chị đã quyết tâm chuyên sâu vào chè. Năm 2001 chị thành lập Công ty cổ phần chè Hà Thái và bắt đầu xây dựng thương hiệu.
Vừa sản xuất chè vừa làm thương mại và xuất khẩu trà ra nước ngoài dù chị có duyên với buôn bán nhưng lợi nhuận thu về cũng chẳng được là bao. Phải tới năm 2007 trong một lần tình cờ sang Bắc Kinh Trung Quốc thăm con du học, chị mới có hướng đột phá về cách làm chè.
Vì muốn thưởng thức xem trà ở Trung Quốc nó như thế nào chị đã vào thưởng trà ở một quán khá cao cấp tại Bắc Kinh. Khi chị chọn uống trà Thiết Quan Âm - loại trà chưa phải là ngon nhất, thì nhân viên mang ra mỗi người một chiếc cốc thủy tinh đựng nước nóng cùng một nhúm thả vào đó bằng 1/5 gói trà ấm của người Việt. Uống xong, khi thanh toán chị mới giật mình giá hai cốc trà của mẹ con chị tính ra tiền Việt tới gần một triệu đồng. Thì ra ở Trung Quốc trà là thứ đồ uống thượng phẩm và người có tiền mới dám thưởng thức.
Chị Hiền nghĩ, có gì cái cốc trà con con này, để về nhà ta làm thử. Trở về chị bắt đầu thử hái và chế biến. Nhưng làm thì thật khó và công phu. Cả bãi chè của gia đình lớn như vậy, cấu nhặt tỉ mỉ lắm chỉ làm được gần 2kg trà đinh. Làm xong uống thấy ngon nhưng làm như vậy thì lâu quá.
Loại chè đó chị gửi về Hàng Điếu (Hà Nội) bán hết vèo, giá tới 300 nghìn/1kg, tương đương bằng cả chỉ vàng lúc bấy giờ. Chị tính, chỉ cần bán được 1kg chè đinh bằng làm cả tấn trà thường và chị mạnh dạn chuyển hẳn sang làm chè đặc sản.
Nhưng để làm lớn, chè xuất khẩu được ra thị trường thế giới chị hiểu làm chè sạch nó quan trọng như thế nào. Với một quy trình nghiêm ngặt, chị chọn những người làm chè có tâm nhất, cẩn thận nhất để thuê họ hái và làm cỏ cho chè. Đảm bảo cho bộ rễ chè phát triển tốt nhất, một năm chỉ được sới cỏ một lần còn lại phải nhổ cỏ bằng tay. Với cách này cây chè rất khỏe sẽ tránh và chống được sâu dịch, bệnh hại.
Tiếp tục phát huy ý tưởng, chị đầu tư thêm vào bao, hộp, nhãn mác... Để chè không bị ám mùi khói, mùi than… chị đặt mua những chiếc chảo sao chè rất đắt tiền chạy bằng ga, bằng điện gửi từ nước ngoài về. Dù vẫn là cách sao chè thủ công nhưng với những chiếc chảo này người sao chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ phù hợp theo từng công đoạn là những búp chè cứ khô giòn, xoắn chặt như óc đỗ mà không cháy, lại nức mùi hương cốm.
“Muốn chè Thái ra thị trường thế giới chỉ duy nhất có một con đường là người làm chè phải hiểu sâu về trà đạo. Trà đạo không chỉ là là chú ý vào cách thưởng thức mà đạo trà phải như một quy trình vòng tròn từ cái tâm con người, từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu hái, sao, thưởng thức”- chị Hiền cho hay.
Chú ý xây dựng thương hiệu
Ngày nào cũng vậy, sáng sớm chị Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Hoàng Bình đã có mặt ở Phòng Kỹ thuật để tự kiểm nghiệm chất lượng từng sản phẩm trà trước khi đóng gói bán ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Sau đó nếu không bận việc là chị lại tới những vùng chè nguyên liệu của công ty như: Tân Cương, Đại Từ, Đồng Hỷ, để thăm những người thợ chè, trao đổi về việc chăm sóc, thu hái và sản xuất… Cứ đi như vậy nhiều hôm chiều muộn mới trở về nhà. Năng động, giản dị, dễ gần nếu gặp chị bên nương chè rất dễ nhầm chị là một thợ làm chè lâu năm chứ chẳng ai nghĩ chị là lãnh đạo cao nhất của một công ty chè lớn ở Thái Nguyên.
Chị Hiền (áo đen) dẫn các chuyên gia người Mỹ thăm vùng nguyên liệu
Vì sao lúc đó chị chọn kinh doanh chè trong khi trên thị trường đã có khá nhiều tên tuổi lâu năm? - Tôi hỏi. Chị Lý cười rạng rỡ: “Đúng là trà gắn với chúng tôi như một cơ duyên”. Chi nhớ lại, khi dự khóa đào tạo kinh doanh, vị giáo sư người Mỹ giảng: ở nước Mỹ, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản thường rất giàu có và được cả xã hội kính trọng lắm. Nghe vậy chị Lý nghĩ ngay đến chè Thái Nguyên. Bởi ở “thủ phủ” chè, nơi có trà ngon nức tiếng, vậy nhưng người làm chè thì luôn lam lũ vì giá chè bán trên thị trường vẫn còn rất thấp so với công sức của người nông dân. Sống trên đất chè Thái tại sao không xây dựng được thương hiệu chè Tân Cương - vùng trà đặc sản có tiếng nhất, mang tầm quốc gia như cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc?
Về nhà chị đưa ra ý nghĩ đó với chồng, thật vui cả hai anh chị cùng chung quan điểm. Vài tháng sau nhà máy chè Tân Cương Hoàng Bình ra đời tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên.
Nhưng để nâng cao chất lượng và xây dựng một thương hiệu nông sản không phải dễ, điều đó càng khó khăn hơn với một người vốn không chuyên về chè. Tuy vậy vốn là dân kinh doanh nên kế hoạch xây dựng một thương hiệu được chị Lý hoạch định rất bài bản. Mục tiêu công ty là sản xuất chè đặc sản, nhưng mười năm đầu tiên công ty khai thác “mảnh đất chè” còn bỏ ngỏ - tận thu những loại chè có chất lượng thấp để sản xuất trà đen rồi xuất thô ra thị trường thế giới.
Khoảng thời gian này công ty cũng chấp nhận bù lỗ để tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và mở rộng thị trường xây dựng đội ngũ nhân viên làm chè thật tinh nhuệ. Khi đã khá vững về chè, công ty bắt đầu liên kết cùng với bà con trồng chè tại các vùng chè có chất lượng, xây dựng chuỗi hệ thống liên minh liên kết cung cấp và sản xuất nguyên liệu cho công ty theo mô hình sản phẩm chè có chất lượng cao, an toàn và bền vững. Và công ty bắt đầu sản xuất trà xanh thô - chè không có nhãn mác xuất khẩu ra thế giới, đồng thời cũng cho ra đời những sản phẩm trà Tân Cương Hoàng Bình phục vụ thị trường nội địa. Sản lượng trà xanh 70% xuất khẩu, 30% cung cấp trong nước.
Khi đã khẳng định được chất lượng và chiếm lĩnh được thị trường khoảng bảy năm trở lại đây sản phẩm trà của công ty không còn xuất khẩu theo dạng nguyên liệu nữa mà có đầy đủ bao bì nhãn mác của công ty. “Hữu xạ tự nhiên hương”, hiện nay sản phẩm trà của công ty được khắp nơi biết tới. Và công ty lại quay về chủ yếu phục vụ thị trường nội địa còn bỏ ngỏ với các dòng trà đặc sản. Sản phẩm trà lúc này 70% cung cấp trong nước, chỉ xuất khẩu 30%.
Chị Lý bộc bạch: “Mỗi người có một cách làm và một hướng đi riêng. Ngay từ đầu chúng tôi nghiên cứu mọi mặt của thị trường rồi chọn cách đi đường vòng, tuy hơi xa nhưng đạt được thắng lợi cao nhất”.
Nắm bắt rõ nhu cầu của người tiêu dùng Việt hiện đại, với phương châm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ mọi tầng lớp khách hàng, chè Tân Cương Hoàng Bình được biết đến với trên 30 dòng sản phẩm, được chia làm các nhóm như: sản phẩm trà chất lượng cao làm quà tặng; nhóm tiêu dùng phổ thông; nhóm văn phòng và nhóm trà thảo mộc… Trên thương trường chị Lý đã giành được những thành công liên tiếp doanh số bán hàng tăng đều mỗi năm.
Để làm tốt khâu xuất khẩu, công ty không ngừng đào tạo và tuyển dụng những nhân viên giỏi ngoại ngữ để giao dịch với bạn hàng quốc tế. Không chỉ chú ý đến chất lượng và vệ sinh thực phẩm, muốn sản phẩm của công ty neo vào lòng khách hàng thì khâu thiết kế bao bì, đặt tên cho sản phẩm cũng được chị Lý chú ý chăm chút các dòng sản phẩm như: Tri Âm trà, Lan Đình trà, Phúc Lộc trà, Chính Thái trà… mỗi cái tên đều hàm chứa nội dung và ý nghĩa.
Ngoài phục vụ thị trường trong nước nhiều năm qua sản phẩm của công ty đã chiếm lĩnh thị trường các nước như: Nga, Tiệp Khắc, Anh. Thời gian gần đây hệ thống siêu thị AEON của Nhật Bản tại Việt Nam cũng tin tưởng sử dụng sản phẩm của công ty.
Tỏa hương tại trời Tây
Nhấp chén trà sánh như mật ong, thơm ngậy hương cốm chị Lý chậm rãi: “Thị trường nước ngoài vốn khó tính và cách làm chè của người dân mình còn manh mún, dù tương lai chúng tôi đã có những kế hoạch rất dài hơi để khai thác thị trường quốc tế, tuy vậy, vẫn chưa nói trước được điều gì”.
Chị Hiền chị Lý tuy mỗi người đều có một cách làm và một hướng đi riêng, nhưng họ đều là những người tâm huyết và gắn bó vì mục tiêu nâng cao chất lượng, thương hiệu chè Thái, và những nỗ lực đó đã được đền đáp. Tháng 8/2017 mẫu chè Đinh mang tên Vương Phẩm - trà xanh tự nhiên của công ty Tân Cương Hoàng Bình đã vượt trên 60 quốc gia, lần đầu tiên đại diện cho Việt Nam giành giải Đặc biệt tại Cuộc thi Chè quốc tế do Hiệp hội chè Mỹ và Canada tổ chức tại bang Arizona (Hoa Kỳ). Cũng năm 2017 sản phẩm của chè Hà Thái đã đạt giải Bạc ở Cuộc thi trà Vàng quốc tế tại Canada.
Những sự kiện trên tiếp tục mở ra cơ hội, triển vọng xuất khẩu cho trà Thái Nguyên và trà Việt. Hy vọng với cách làm của chị Hiền, chị Lý, trong tương lai Thái Nguyên sẽ còn nhiều người tiếp tục đưa “Đệ nhất danh trà” ra thế giới.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...