Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
06:08 (GMT +7)

Những nốt trầm của mỹ thuật ứng dụng

VNTN - Năm 2019, lần thứ 4 Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng được tổ chức trên quy mô cả nước. Không phải là sân chơi còn quá mới mẻ, song vẫn nhiều nỗi lo về lượng tác giả, tác phẩm ít, sự lặp lại, sao chép, thậm chí phục chế tác phẩm để tham dự triển lãm... Nhiều người không thực tin tưởng, triển lãm sẽ lấp đầy khoảng trống cho những sản phẩm, mẫu mã mang đậm dấu ấn bản sắc Việt. 

Sự rạch ròi trong khái niệm

Năm 2004, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức. Tại thời điểm này, nhiều quan điểm trái chiều về khái niệm Mỹ thuật chung bao gồm: Mỹ thuật tạo hình, Mỹ thuật ứng dụng, Mỹ thuật công nghiệp đã được đặt ra. Ngay cả giới phê bình mỹ thuật cũng tỏ ra lúng túng khi đưa ra khái niệm cho từng thể loại. Và cho đến thời điểm hiện tại, nhiều câu hỏi về tác phẩm nghệ thuật A hay B có phù hợp với tiêu chí và có được tham dự triển lãm mỹ thuật ứng dụng hay không vẫn được các tác giả gửi đến cho Ban Tổ chức.

Trong khi Việt Nam còn chưa thống nhất về mặt khái niệm giữa các thể loại, thì thế giới đã chia Mỹ thuật nói chung thành hai phạm trù chuyên biệt: Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng. Trong Mỹ thuật ứng dụng lại bao gồm mỹ nghệ thủ công như: Mây tre đan, gốm sứ, sơn mài... và Mỹ thuật công nghiệp bao gồm: Design (thiết kế) sản phẩm, design công nghiệp, design môi trường, design ánh sáng, design không khí, design phế loại... Với cách phân chia để đặt đúng vị trí của từng loại hình nghệ thuật mỹ thuật nói riêng, thì không có gì sai khi khẳng định, sự ra đời của mỹ thuật ứng dụng (nói riêng) chính là đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao trong đời sống hiện đại của mỗi con người hiện nay.

Song có một thực tế, vị trí của Mỹ thuật ứng dụng trong đời sống hiện nay còn rất khiêm tốn, thậm chí trong nhiều lĩnh vực, công trình, yếu tố mỹ thuật chỉ chiếm 1%, cao hơn là 2% (tòa nhà Quốc hội). Trong khi giới mỹ thuật trong nước khuyến nghị tỉ lệ này nên dao động ở mức từ 3-5%, thế giới trung bình từ 6-7 %, thậm chí nhiều nước còn có tỷ lệ cao hơn. Đây là số liệu được họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa ra tại Hội thảo Khoa học Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt, do Trường Đại học Văn Lang và Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào năm 2014.

Điều đáng nói là, tính đến thời điểm hiện tại, vị trí của Mỹ thuật ứng dụng trong đời sống nói chung, những công trình xây dựng nói riêng vẫn chưa được cải thiện. Ông Hoàng Đức Toàn - nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, để Mỹ thuật ứng dụng thực sự phát triển thì cần có tiếng nói chung, có sự đồng hành giữa nhà quản lý về chính sách, nhà sản xuất và họa sĩ, nhà thiết kế. Còn đứng ở góc độ đào tạo, cần đảm bảo đầu ra bền vững cho sinh viên cũng như ý thức về vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong các doanh nghiệp, để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo bài bản, phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống.

Trước những năm 1985, đào tạo Mỹ thuật ứng dụng chủ yếu là bản thiết kế vẽ tay các sản phẩm (mang tính chất thủ công) và gần như không quan tâm đến thị trường tiêu thụ, thị hiếu người dùng, địa chỉ nhận sản xuất.... Sau năm 1986, khi Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế đã tạo cơ hội cho mỹ thuật ứng dụng có cơ hội phát triển. Nhưng phải từ thập kỷ 90 trở đi, các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng mới bắt đầu bắt nhịp với những cuộc cách mạng công nghiệp và có những điểm tương đồng trong việc thiết kế chương trình đào tạo. Đồng thời mỹ thuật ứng dụng trong nước cũng có những bước giao thoa với quốc tế. Song cũng từ thời điểm này, tâm lý “ăn xổi” chạy theo mẫu mã thiết kế của nước ngoài đã nảy sinh, khiến không ít người lo lắng về một tương lai của mỹ thuật ứng dụng không còn “đậm đà bản sắc Việt”.

Cơ hội cho mỹ thuật ứng dụng?

Tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 3 (2009-2014), có 459 tác phẩm, bộ tác phẩm của 222 tác giả từ 13 tỉnh, thành phố gửi đến tham dự. Hội đồng nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ trì đã tiến hành thẩm định và lựa chọn được 189 tác phẩm, bộ tác phẩm của 119 tác giả trưng bày tại triển lãm. Đồng thời tiến hành trao giải thưởng cho 27 tác phẩm gồm: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. Ngay sau lễ trao giải, những tranh luận trong và ngoài giới mỹ thuật đã nổ ra khi cho rằng, có quá ít điểm sáng để tự hào về những thiết kế mang dấu ấn Việt, thay vào đó là sự thụ động hoặc bỏ mặc việc nghiên cứu, tìm kiếm ý tưởng và làm mới những hình tượng lẫn chất liệu trong cuộc sống đời thường; đồng thời chưa phát hiện những nhân tố mới bổ sung vào đội ngũ chuyên nghiệp, trở thành những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Một đội ngũ có khả năng định hướng cho các loại sản phẩm, hướng dẫn cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng về Luật sản phẩm an toàn, Luật tiêu chuẩn hóa công nghiệp, Luật tỷ giá và thương mại quốc tế, Luật bảo tồn các loại nguyên liệu quý hiếm, Luật sở hữu trí tuệ…, góp phần đưa sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị phần thế giới.

Có lẽ, cũng xuất phát từ chính những trăn trở của giới làm nghề nói trên, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khẳng định, hiện nay, lực lượng làm nghề mỹ thuật ứng dụng có cả hàng vạn người, trong đó có cả nghệ sĩ và nghệ nhân. Tuy nhiên, các nghệ sĩ và nghệ nhân có học vấn, tay nghề, sự sáng tạo... rất khác nhau, lại rải rác ở hàng vạn xí nghiệp, làng nghề, địa phương trong cả nước, nên việc trao đổi kinh nghiệm và phát huy chất xám của lực lượng làm mỹ thuật ứng dụng không được thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong tạo dấu ấn của mỹ thuật ứng dụng trên thị trường hàng Việt Nam và trên thế giới. Cùng quan điểm với họa sĩ Trần Khánh Chương, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định, trong bối cảnh mỹ thuật ứng dụng đang ngày càng trở thành bộ phận thiết yếu trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước, việc tổ chức triển lãm không chỉ tôn vinh các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, mà còn là dịp để xã hội thấy được tiềm năng, vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống và phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa; đồng thời, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng hóa được tiếp cận với các sản phẩm và thiết kế tốt, góp phần xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa.

Một trang mới cho mỹ thuật ứng dụng đã được mở ra, đồng nghĩa với nhu cầu đối với sản phẩm mang tính đương đại cũng sẽ gia tăng. Song không có nghĩa là các sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt sẽ thiếu đất sống. Mà ngược lại, chúng luôn tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta như: sản phẩm của làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), đồ gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), mây tre đan Phú Túc (Hà Nội), v.v… Đây đều là những sản phẩm được sản xuất thủ công, thậm chí tiểu thủ công, chủ yếu dựa vào đôi bàn tay khéo léo và đầu óc sáng tạo của người thợ, người nghệ nhân. Do đó, sản phẩm làm ra vừa có giá trị sử dụng nhưng lại vừa mang dấu ấn bàn tay tài hoa của con người và phong vị độc đáo của mỗi miền quê nơi sản sinh ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Cũng chính vì vậy mà hàm lượng văn hóa ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đánh giá cao hơn nhiều so với hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt. Chỉ có điều, do chưa được đầu tư xứng đáng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn hạn chế về mẫu mã, thậm chí nhiều sản phẩm còn mô phỏng lại những tích cổ của Trung Quốc, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng hàng Trung Quốc được nhập về Việt Nam…

Do đó, rất cần những cuộc thi thiết kế tạo mẫu sản phẩm mới, những cuộc triển lãm nhằm biểu dương lực lượng để mỹ thuật ứng dụng tìm được chỗ đứng, cất lên tiếng nói chuyên biệt trong thế giới hội họa đa sắc màu hiện nay. Từ góc nhìn của nhà quản lý, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 sẽ được tổ chức vào giữa tháng 9/2019 tại Bảo tàng Hà Nội sau khi đã lựa chọn đủ số lượng tác phẩm tham dự. Đồng thời, triển lãm sẽ được diễn ra trong vòng một tháng với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, giao lưu, trình diễn hấp dẫn của các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhằm đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật một cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng trong vòng 5 năm qua.

Hi vọng về việc, triển lãm sẽ lấp đầy khoảng trống cho những sản phẩm, mẫu mã mang đậm dấu ấn bản sắc Việt, điều này không thể tiếp tục bỏ ngỏ trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, du lịch Việt cũng đang rất cần có những mẫu mã có tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu du khách.

Trúc Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy