Những người “vẽ tranh” trên sườn Tam Đảo
Hơn 230 triệu năm về trước, một mạch đá bắt nguồn từ Thái Nguyên, chạy đến đất Vĩnh Phúc thì đột ngột vút lên 3 ngọn chạm mây trời, gọi là Tam Đảo. Như vòng tay vạm vỡ của mẹ Đất, Tam Đảo ấp iu bao làng mạc, ruộng đồng trong cái ôm hào phóng. Và con người trong vòng ôm ấm áp đó đã không phụ lòng mẹ thiên nhiên, tiếp tục tô thêm màu no ấm lên sườn Tam Đảo.
Cây trời ban quả ngọt
Chuyện xưa kể rằng, không biết từ bao giờ, đất Hưng Yên nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng. Nhãn vùng này là sản vật tiến vua, món sang của người giàu. Thế nhưng, người dân nơi đây chưa thực sự hài lòng về giống nhãn mình có. Bởi có cây quả ngọt lịm nhưng hạt to, cùi mỏng. Có cây quả béo mẫm, cùi dày mọng nước nhưng nhạt tèo đầu lưỡi. Vậy nên, quanh năm cắm cúi bên gốc nhãn, ngày bón phân, tưới nước, đêm canh dơi diệt chuột mà thu về chẳng đáng là bao, cuộc sống vẫn đầy lo toan tất tưởi.
Ở trên cao, Ngọc Hoàng vén mây nhìn hạ giới, thấu mọi chuyện nhân gian. Người nghĩ: “Ta phải giúp dân Hưng Yên thoát khỏi cảnh này”. Nói là làm, Người phất tay áo, một sợi mây lam mỏng như tơ âm thầm bay đi, đậu xuống một căn nhà khuất nẻo ở Khoái Châu, nơi ấy là nhà của cặp vợ chồng tên là Miền và Thiết. Hai người vừa ngả lưng chợp mắt sau gần đêm thức trắng đuổi dơi canh nhãn. Vợ chồng nhà nọ không hay biết, đêm ấy, một cây nhãn lạ ẩn mình trong hàng trăm gốc nhãn quen, mang ân huệ đất trời về vùng nhãn Hưng Yên.
Tác giả (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn văn dưới gốc nhãn cổ thụ 40 năm
ở xóm Khe Đù
Chuyện trên do tôi nghĩ ra khi nghe ông Nguyễn Văn Quế, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên kể về giống nhãn cả vùng Khe Đù đang có, đó là nhãn Miền Thiết.
Chả là khoảng 40 năm về trước, ở Hưng Yên, trong vườn nhà anh chị Miền và Thiết bỗng xuất hiện một cây nhãn lạ, cho năng suất cao, quả to, múi dày, thơm dịu lại ngọt nước. Anh chị Miền Thiết cũng không biết cây nhãn này từ đâu “lọt” vào vườn nhà, âu là lộc trời cho. Hội chợ năm ấy, anh chị Miền Thiết thuê hẳn một quầy bán nhãn ngon. Người mua tíu tít, họ ăn rồi bảo nhau đến mua đông lắm. Cây nhãn tạ quả chả mấy chốc hết veo. Tiếng lành đồn đến tai cán bộ Viện cây giống Trung ương. Họ đến nhà vợ chồng Miền Thiết, đề nghị cắt mầm ghép ngọn nhân giống. Giống nhãn mới thành công, mang tên Miền Thiết. Từ năm 1986, triệu triệu mắt nhãn Miền Thiết được ghép lên những cây nhãn cũ, phủ kín vùng Hưng Yên, lan ra các vùng trồng nhãn khác như Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng... Và Khe Đù, Phúc Thuận, Phổ Yên, Thái Nguyên cũng không ngoại lệ.
Đất xấu cho trái ngọt
Lại nói về Khe Đù, Phúc Thuận (Phổ Yên), năm 1974, có 18 người là cư dân thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bìu díu nhau lên Thái Nguyên tìm kế sinh nhai. Vì sao họ chọn Khe Đù làm nơi dựng lều phát cây lập nghiệp? Có lẽ bởi khí hậu mát mẻ, đất đai rộng rãi, lại có khe nước trong vắt róc rách quanh năm tên là Khe Đù. Có người băn khoăn: Liệu cái tên Khe Đù có “ám” vào người sự đù đờ, chậm chạp không? Lại có người giải thích: Tiếng dân tộc, “đù” có nghĩa là “xấu”, chỉ rằng đây là mảnh đất nhiều sỏi đá. Nhưng cũng hiếm nơi nào được như chỗ này, dải núi Tam Đảo vòng tay vững chở che, con người được hưởng vùng tiểu khí hậu mát tươi, cây cối rờn xanh, có khác gì Đà Lạt mộng mơ. Nghe vậy, người ta vững tâm cắm cọc làm nhà dựng nghiệp ở Khe Đù.
Về vùng đất mới, 18 người Hưng Yên không mang theo nhãn. Họ trồng chè, lúa và chăn nuôi như người bản địa. Sau rồi, để tránh nắng, họ trồng vài cây nhãn lấy bóng râm. Cây nhãn “cụ” 40 năm tuổi ở nhà ông Nguyễn Văn Quế ban đầu chỉ có nhiệm vụ ấy. Nhưng lạ kỳ thay, quả nhãn ở đất Khe Đù thơm ngon chẳng kém gì nhãn chính đất Hưng Yên. Chẳng những ngả cành che mát, mỗi vụ cây còn cho tạ quả, tiền thu về không kém làm lúa và chè. Đất rộng, tội gì không cắm thêm cây, vườn bãi cứ thế tỏa ra, nay 89 hộ dân Khe Đù đều trồng và thu nhập chính từ cây nhãn. Năm 1986, họ đồng loạt cắt ngọn hàng nghìn cây nhãn cũ, cấy lên mỗi cây hàng trăm mắt nhãn Miền Thiết, để đến giờ, nhãn Miền Thiết phủ kín vùng nhãn Khe Đù.
Chúng tôi đến Khe Đù vào lúc nhãn đang thời kỳ “lên nước”. Trước mắt, sau lưng, hai bên đường vàng ươm màu nhãn chín. Nhiều nhà không xây hàng rào, nhãn chín ngả ra đường như mời chào. “Trông thế nhưng nhãn năm nay mất mùa, năng suất chỉ bằng 60% năm ngoái” - ông Quế bảo - đó là nhãn “giả lộc” đất, thường thì một năm sai quả, một năm “giả lộc”. Mất mùa nhưng nông dân lại vui, vì giá bán cao hơn gần 3 lần so với năm trước được mùa. Ông Quế khoe đã bán “quạ” hết, cả vườn nhãn được 150 triệu đồng, người ta khác thuê người đến thu hái chở đi.
Được coi là “vua” nhãn Khe Đù là ông Nguyễn Viết Quỳnh. Khách đến bất ngờ, ông chạy vội ra vườn bẻ nhãn mời thay cho chén trà. “Tiếc quá, nhãn Miền Thiết còn chục ngày nữa mới “được nước”. Đây là nhãn siêu ngọt tôi thử nghiệm cho chín trái vụ, 4 năm rồi nhưng chưa thành công, vẫn chín trước dự tính. Quả nhãn “u vai” da sẫm thế này là “nhãn già” chứ không ngon như nhiều người nhầm tưởng” - ông Quỳnh xởi lởi trò chuyện. Trên 5ha đất, ông quy hoạch trồng bưởi, thanh long, nhãn. Riêng chuối tiêu hồng ông có 6.000 cây. Đồi chuối nhà ông Quỳnh như tấm áo xanh khoác kín một vạt núi. “Kia là dãy Tam Đảo, chúng tôi ở sườn Đông của núi”. Nhìn theo tay chỉ của người đàn ông tuổi lục tuần, tôi thấy xa xa một màu xanh mờ tươi mát và mộng mị. Người đàn ông ấy rủ rỉ: “Chúng tôi ăn lộc núi, nhờ núi che mà vùng này hiếm có bão, hiếm có giông, núi còn cho chúng tôi mạch đá gan gà, thức ăn ưa chuộng của loài chuối Tiêu hồng”. Thì ra cái mảng nõn nà tôi nhìn thấy khi vòng xe trên con đường bê tông rộng rãi chính là chuối. Và kia nữa, nhãn vàng lúc lỉu trĩu nặng; thanh long uốn ngọn hé nụ hoa trắng muốt. Chỉ vài tháng nữa, mỗi nụ hoa này sẽ bật ra một quả thanh long đỏ tươi, ngọt lịm lưỡi. Bức tranh đa sắc ấm no bởi những người “họa sĩ” nông dân cầm cuốc vẽ lên đất này. Đôi tay cần cù của các thành viên gia đình ông Quỳnh mỗi năm làm ra 500 triệu đồng (đã trừ chi phí), con số trong mơ của nhiều gia đình nông dân hiện nay.
Đến giờ, 3 xóm của Phúc Thuận là Khe Đù, Khe Lánh và Quân Xóm đã trở thành vùng cây ăn quả của tỉnh, được nhà nước đầu tư đường bê tông kiên cố. Một dự án dẫn nước tưới cây ăn quả đang được các hộ hưởng ứng và mong chờ. Ý tưởng về vùng du lịch miệt vườn đang ấp ủ trong đầu nông dân vùng này.
Nếu như Phổ Yên chỉ có Phúc Thuận và Thành Công nằm trong vòng ôm của Tam Đảo thì Đại Từ có đến 8 xã ngợp trong bóng núi, gồm Quân Chu, Văn Yên, Mỹ Yên, Hoàng Nông, Cát Nê, Phú Xuyên, Yên Lạc và La Bằng. Tôi không khỏi giật mình khi nhắc đến những địa danh này, không chỉ nơi đây cảnh sắc mê hồn tạo nên bởi đồng phẳng, núi cao, mây trời bảng lảng, mà còn vì những địa danh, những vĩ nhân tên tuổi lẫy lừng. Xã Quân Chu có 2 di tích lịch sử quan trọng là chùa Thiên Tây Trúc - ngôi chùa cổ xây dựng từ thời hậu Lê - Nguyễn, gắn liền với câu chuyện về “Ngũ hổ Tam Đảo” và địa danh Lán Than - nơi thành lập đội du kích Cao Sơn, sau đổi tên thành Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái trong thời kỳ kháng Nhật - chống Pháp. Trên cánh đồng xã Ký Phú và Văn Yên có núi Văn và núi Võ sừng sững, là 2 ngọn núi đá duy nhất trong vùng liên quan đến vị anh hùng Lưu Nhân Chú, một trong 18 người dự Hội thề Lũng Nhai khi xưa… Và nữa, vùng chè Phú Xuyên, La Bằng tỏa hương thơm khắp nước cùng với khu du lịch Suối Kẹm với đặc sản cá nước lạnh, lộc vùng tiểu khí hậu Tam Đảo ban tặng con người.
Chưa hết ngỡ ngàng khi đi trên những con đường nông thôn mới hoa tím dẫn dụ đến những nương chè mướt mát, chúng tôi tiếp tục ngỡ ngàng khi tiếp xúc với ông Nguyễn Tiến Tuất và bà Đào Thị Thoi, hai vợ chồng nông dân chính hiệu, là Giám đốc và Phó giám đốc Công ty TNHH Trà Tuất Thoi ở xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên. Ông bà có vùng chè nguyên liệu đặc sản trải khắp Phú Xuyên và La Bằng. Ông bà Tuất Thoi đều ở tuổi trên dưới 60, quê gốc Hà Nam, trở thành người đất chè từ năm 2 tuổi. Lớn lên trong hương chè, bàn tay sần cứng da lửa cảm nhận tinh tế độ giòn căng của cánh chè vừa đến độ. Khi cơ giới hóa về làng, máy sao, máy vò “cứu” tay người hết đen nhẻm cóc cáy bởi nhựa chè, cứu mặt người hết rát bỏng bởi lửa táp cũng là lúc ông Tuất tự tin mang sản phẩm nhà mình đi Thủ đô chào bán cùng hoài bão làm ăn lớn. Ông tin lợi thế vùng đất quý làm nên chất chè ngọt, đậm, sánh, thơm không nơi nào có sẽ được nhiều người tin dùng. Quả nhiên, chè nhà ông bán được ngày càng nhiều, cơ sở sản xuất lớn dần, trở thành công ty năm 2018.
Sản xuất chè ở gia đình ông Nguyễn Tiến Tuất (La Bằng, Đại Từ)
Câu chuyện nghề chè của chúng tôi liên tục ngắt quãng bởi người dân mang chè đến bán. 50 hộ trong vùng mỗi ngày cung cấp chè tươi, cho ra thành phẩm 2 đến 3 tạ chè khô. Bà Thoi kể cho chúng tôi tên 5 “đứa con” của ông bà gồm: Chè cành tuyết, Nhụy hương trà, Tuyết bảo trà, Tôm nõn và chè Đinh. Những cái tên mỹ miều này không phải kết quả của trí tưởng tượng mà dựa trên đặc tính thực tế của cây chè. Ví như Tuyết bảo trà làm ra từ giống chè cành tuyết, búp chè phủ một lớp phấn trắng tinh, rất thơm và đậm nước. Bà Thoi tự tin nói về chè Đinh, loại chè đắt nhất của công ty. Bà bảo: Thông thường, người làm chè đinh hái 2 lần, lần 1 chỉ hái phần “đinh” búp; lần 2 hái tiếp phần còn lại để làm ra chè thường. Nhưng bà không thế, búp chè chỉ nhú lên 1 “đinh” mập mạp là bà hái, chấp nhận 1ha chè chỉ làm được 15kg chè đinh khô, bằng 1/20 so với chè tôm nõn. Chưa kể công hái trả cao gấp 4 lần hái chè thường. Bù lại, đinh trà của bà ngon nức tiếng, khách Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đặt mua tới tấp. Vậy mà, vẫn không hài lòng với sản phẩm bán trong nước, ông bà Tuất Thoi đang muốn xuất khẩu bằng con đường chính ngạch. Tấm “visa” cho những “đứa con” của ông bà chính là độ sạch tuyệt đối của sản phẩm. “Chúng tôi đang tham gia chương trình làm chè hữu cơ của Hợp tác xã chè La Bằng. Tại vườn nhà, tôi đã dành 1 mẫu thuê người đào lớp đất mặt đổ đi, chỉ lại để lại đất thịt tuyệt đối an toàn để làm chè hữu cơ”.
Đến vùng chè bên sườn Tam Đảo này, tôi luôn được nghe người dân ở đây nhắc đến bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng. Để chè La Bằng nổi danh như hôm nay, công của bà rất lớn. Chưa kể, sản phẩm “Đinh tâm trà” của Hợp tác xã chè La Bằng đã trở thành 1 trong 2 món quà của Thái Nguyên tặng Hội nghị cấp cao APEC. Bà là người tô đậm màu chè trên bức tranh tuyệt đẹp bên sườn Tam Đảo.
Những con người tôi nhắc đến trên đây chỉ là rất ít trong số những người ngày đêm đổ mồ hôi “vẽ tranh, tô màu” cho đất. Mảng màu no ấm mà họ phết lên đó như “giả lộc”, dâng lại thiên nhiên kì vĩ, hiền hậu và hào phóng này.
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...