Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:27 (GMT +7)

Những người tôi biết

VNTN - Trong giai đoạn lịch sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm giành lại sự bình yên cho dân tộc, nửa cuối thế kỷ 20, Việt Nam đã có 2 cuộc chiến tranh lớn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đi bên cạnh lực lượng quân đội, có một lực lượng bán vũ trang, đó là thanh niên xung phong (TNXP) do Bác Hồ sáng lập ngày 15/7/1950, để trực tiếp phục vụ chiến đấu. Họ đã trở thành biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, được nhân dân yêu mến.

Ở nhiều miền của Tổ quốc, nhiều tượng đài và nhà tưởng niệm TNXP đã được xây dựng nên, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến những cán bộ, chiến sỹ TNXP đã ngã xuống cho nền độc lập của dân tộc. Ôn lại những thành quả của TNXP, với tôi - một cựu TNXP chống Mỹ cứu nước Đội N91-P11 Bắc Thái thì những kỷ niệm vui buồn, sự hy sinh của đơn vị, những công việc tôi được làm, được chứng kiến, những đồng đội tôi đã cùng sống và hiến dâng cho Tổ quốc sẽ sống mãi trong tôi.

Hôm nay, gặp lại những cựu TNXP còn sống và thân nhân của người đã khuất, trong tôi lại trào dâng bao niềm xúc động bùi ngùi.

***

Buổi sáng ngày 8/4/2018, tôi hẹn chị Nguyễn Thị Mận, cán bộ tổ chức của Đội 91 TNXP năm xưa cùng đến thăm gia đình thủ trưởng Đội cũ của chúng tôi, người đã lãnh đạo Đội 91 hoạt động gần hết một thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông Nghiêm Xuân Đạo, mặc dù ông mất cách nay đã 4 năm rồi.

Đón tôi là anh Nghiêm Xuân Thạo, con trai cả của ông. Anh Thạo 68 tuổi, đã từng công tác ở Tỉnh ủy Thái Nguyên rồi về công tác ở Huyện ủy Phổ yên. Anh cũng đã nghỉ hưu được 8 năm rồi. Nhà anhThạo ở tổ dân phố Ga, thị xã Phổ Yên.

Đến nơi, chưa thấy chị Mận, tôi bảo Thạo:

- Em đi đón chị Mận đi!

(Thạo kém tuổi tôi nên chúng tôi vẫn xưng hô như thế từ ngày xưa).

Thạo cười:

-Chị Mận chẳng đến trước chị hơn một tiếng đồng hồ rồi, đợi chị nóng ruột, chị ấy tranh thủ sang thăm nhà chị Gái. Chị ấy về đây bây giờ (Gái cũng là cựu TNXP thuộc Đại đội 912).

Đặt đĩa quả lên bàn thờ. Rưng rưng nhìn tấm ảnh thủ trưởng cũ, lòng tôi lại trào lên bao kỷ niệm vui buồn của những năm ở môi trường TNXP mà tôi là một chiến sỹ được phân công làm công tác văn thư đánh máy chữ kiêm liên lạc và y tá, được sống cùng ông trên cơ quan Ban Chỉ huy Đội (ngang với tiểu đoàn bộ của quân đội). Tôi lại như thấy ông đang chửi thân mật tôi, cái câu mà ông hay chửi dạo ấy: “Tông môn mày, con gái gì mà lắm nước mắt thế!”.

Tôi bần thần ngắm ngôi nhà cấp 4 của ông có vẻn vẹn 3 gian thông chật chội mà anh Thạo vẫn giữ nguyên để làm nơi thờ cúng. Ngôi nhà này, bao nhiêu năm trừ ông ra thì luôn có 6 nhân khẩu sống ở đó (cụ bà thân sinh ra ông, vợ cùng 4 người con trai của ông), đây chính là hậu phương vững chắc để ông yên tâm đi làm nhiệm vụ. Bên cạnh ngôi nhà cũ là một dinh cơ khang trang mà vợ chồng anh Thạo đã từ mảnh đất của bố mẹ mình phát triển thành một cơ ngơi thoáng rộng, ngăn nắp, lại có thêm hơn chục phòng trọ cho công nhân Samsung đến ở.

 

Ông Nghiêm Xuân Đạo trong một chuyến thăm các gia đình liệt sĩ TNXP tại Bắc Cạn

Chị Mận ùa vào như một cái bóng, ôm chầm lấy tôi và hỏi luôn:

- Đi bằng cái gì thế?- Tôi giật mình quay ra rồi phấn khởi:

- Em nhờ người đưa xe máy đi đấy chị ạ. Thế ai đưa chị đến đây?

Chị Mận cười. 73 tuổi, những nếp nhăn, hàm răng thưa thớt, mái tóc bạc lưa thưa trên con người chỉ nặng khoảng chưa đến 40 cân, đã xóa hết những nét xuân tươi, duyên dáng ở tuổi đôi mươi của người cán bộ tổ chức năng nổ nhanh nhẹn, tháo vát đã luôn hoàn thành xuất sắc công việc được phân công của mình. Chị còn thường xuyên tất bật giúp đỡ công việc cho các bộ phận khác trong cơ quan. Đóng quân ở nhà dân, nhiều lúc chị còn làm giúp chủ nhà rất nhiều việc nên chị như một bà nội trợ đảm đang của Đội TNXP 91 năm nào. Chị vỗ vỗ vào hai chân:

-Đây đây! Người này đưa!

Tôi tròn mắt: - Chị đạp xe 6-7 cây số đến đây rồi tý nữa lại về?

Chị lại cười hài hước: - Sợ bố con thằng nào mà không dám đạp xe!

Thạo nói xen vào:

-Em bảo đi đón. Chị không đồng ý. Chị viện lý do để tự đi một mình.

Tôi ôm chị. Chị gầy nhỏ ngả trong vòng tay tôi và rồi những tên người, tên công việc của Đội TNXP 91 đã cách đây cả nửa thế kỷ cứ hiển nhiên là chủ đề chính trong buổi tâm sự của chúng tôi. Ai mất. Ai còn. Lúc sướng vui cũng như lúc đầy gian khó. Bao kỷ niệm xưa lại như mới nguyên hiện lên trong trí nhớ từng người… Có những kỷ niệm làm chúng tôi cười chảy nước mắt, nhưng cũng có những kỷ niệm khiến chúng tôi phải rơi nước mắt xót xa, buồn thương, nuối tiếc…

Tôi lại hỏi cái câu mà nhiều người đồng đội đã hỏi chị:

-Suốt ngần ấy năm, có bao giờ nghĩ lại, chị thấy ghê sợ khi trong mưa rét và tối mịt mùng như thế mà dám tự tay bê từng cơ thể người chết, từng mảnh thịt, mảnh xương đầy máu me hôm Đại đội 915 hy sinh ở ga Lưu Xá không?

Chị phát vào tay tôi tỏ một ý phê bình:

-Biết rồi còn hỏi lại làm gì nữa? Đã coi đồng đội của mình như ruột thịt thì còn sợ gì. Vừa bới vừa khóc. Vừa bê vừa khóc. Vừa gói vừa khóc. Vừa chôn vừa khóc… Người còn nguyên. Người tan nát chỉ là những mảnh, những vụn bầy nhầy. Thương xót lắm. Nhất là khi gói “chúng nó” vào mảnh vải mưa thì lòng mình cũng tan nát đớn đau không sao tả nổi. Lúc ấy chỉ còn nghĩ tìm sao cho đủ. Nếu không bới kịp thời, lôi được mấy đứa đang thoi thóp lên nhanh thì số người chết sẽ không chỉ là 60 đâu. Nhưng…

Chị im bặt, rồi để tránh cảm xúc lây sang tôi, chị cười giả vờ tán tếu:

-Cũng may mà vía của mình khỏe hơn vía của ma nghĩa địa chứ không thì… Chị lại im lặng.

Vâng! “đủ” số gói thôi chứ đủ toàn thân tất cả 60 người thì làm sao có thể được bởi mấy quả bom B52 khi ấy đã dội đúng căn hầm mà đồng đội của tôi đang ngồi trong đó! Rồi chị nói tiếp:

-Nhưng cũng không can đảm bằng thủ trưởng Đạo. Khi nhận điện 915 bị bom, ông đã tự lái chiếc xe ben của Đội cùng chị xuống Lưu Xá bấm đèn pin soi xét. Khi xác định đúng là quân mình bị bom rồi, hai thầy trò vội lội khắp nơi tìm bới lôi được mấy đứa thoi thóp lên. Đất đá lấp nặng không thể bới thêm được nữa. Bất lực, ông bảo chị ngồi canh rồi ông lại một mình lái xe về thành phố để tìm cách báo cho các đại đội cử người. Một số đến để tìm, đưa khỏi hầm và tập trung nạn nhân vào một chỗ. Một số vào ngay nghĩa địa Dốc Lim để đào huyệt rồi mới đi mua quan tài. Chị ngừng một lát: Mà nào đã xong, người bán quan tài thì làm gì có sẵn 60 chiếc. Thế là “cụ” lại nhờ họ đi thu gom hộ cho đủ rồi chở vào Dốc Lim giùm. Không biết làm thế nào mà một lúc “cụ” điều hành được ngần ấy việc?

Tôi bảo:

- Đêm tối om lại mưa rét như thế mà chị dám ngồi một mình cùng toàn người chết để chờ thủ trưởng đi điều hành. Kinh quá!

Chị nhìn thẳng vào mắt tôi:

-Việc như núi ở trước mắt thì nhảy vào mà làm chứ sao nữa. Có! Có mấy đứa còn sống mà hai thầy trò vừa lôi lên khỏi hầm. Nếu để muộn thì cũng chết hết. Lúc ấy thì nhìn chúng nó còn sợ hơn nhìn người chết, hoảng loạn, bò quềnh quàng, rú khóc và nằm ngất. Một hồi lâu anh Hùng (lái xe của Đội) và mọi người cũng đã đến, “cụ” lại phân công chị theo chuyến xe đầu tiên chở thi hài vào nghĩa địa để “điều binh” ở trong đó. Mà sao lúc ấy chị cũng linh hoạt thế? Biết điều người về Đội bộ, bảo cô Vê thủ kho xuất 60 bộ quần áo mới, 60 mảnh vải ni lông mới để gói và liệm cho “chúng nó” chỉnh tề…

 

Chị Nguyễn Thị Mận (áo xanh) và tác giả cùng các con trai của ông Nghiêm Xuân Đạo

Tôi rùng mình: Chị gan thật đấy. Có nhiều người không làm được như thế!

Chị gật đầu:

- Đúng thế! Một vài vị nữ của các đại đội được điều về đấy lại quá sợ, cứ dúm vào một chỗ, tránh xa những người đã chết, làm xong một cái huyệt rồi vẫn giả vờ sang sang sửa sửa để không bị phân công cùng liệm và đưa người chết vào quan tài.

-Có mấy tiểu đội mà đào 60 chiếc huyệt trong đêm thì giỏi chị nhỉ?

-Không! Đào mới một số thôi, còn thì sang sửa lại những huyệt đã sang tiểu bỏ lại hố cũ ấy mà. Nhưng cũng vất lắm, cây cỏ sim mua mọc um tùm chưa kể rắn rết rồi ván lạt họ vứt lại ngổn ngang. Dọn cũng không nhanh đâu, làm khẩn trương suốt đêm, đến sáng muộn hôm sau mới hoàn thành việc đào huyệt.

Thương người chết lại thương người sống. Suốt 4 - 5 ngày chẳng thấy thủ trưởng Đạo nhà mình tắm giặt thay quần áo gì cả. Máu me. Đất cát thậm chí có cả những vụn thịt của quân mình dính vào. Nhìn cụ gầy rộc, già hẳn đi. Cơm thì chỉ ăn vài miếng một bữa, có bữa còn không ăn…

Tôi buột miệng: -Và chị cũng không kém?

Chị nghiêm mặt: -Thì biết làm sao những ngày như thế hả em? Việc của “nhà mình”! Đồng đội nằm chết kia, mình còn bụng dạ nào!

- Giả sử lúc chị ngồi chờ ở Lưu Xá, bọn Mỹ quay lại thả bom thì căng chị nhỉ?

Chị nuốt nước miếng:

-Ừ. Cũng may là thả bom xong, chúng cút luôn để đi ném bom ở nơi khác, chứ nếu nó quay lại thì tất cả anh em mình chắc chắn chết luôn hôm ấy. Đào bới, nhặt nhạnh xong 60 người. Đưa vào đủ trong Dốc Lim mọi người mới thở phào tạm yên tâm. Quân của các đại đội đã được cụ Đạo điều đến mang theo cuốc xẻng nên việc chôn cất cũng nhanh. Đến ngày hôm sau cũng xong hết để tránh máy bay, vừa làm vừa canh chừng bọn “giặc trời”. - Chị cười mỉa mai - Chắc bọn chúng còn vội về để dự lễ Nô - en cầu Chúa ban phước lành! Tiên sư bố chúng nó!

Tôi bảo: - Giá ở một thời điểm nào đó, những công việc của chị và thủ trưởng Đạo có thể phong danh hiệu Anh hùng!

Chị lắc đầu quầy quậy: - Không! Người khác sự hy sinh cá nhân của họ còn bằng vạn mình ấy chứ. Mình thấm tháp vào đâu!

Lâu ngày không gặp nhau, tôi tranh thủ hỏi chị:

-Bây giờ lương của chị thế nào nhỉ?

Chị không nhìn tôi mà chị nhìn ra khoảng không, cười nhạt:

- Phục vụ trong TNXP suốt cả một nhiệm kỳ đánh Mỹ, chẳng một công ốm nào. Hòa bình, TNXP giải thể. Họ cho chị về với hồ sơ mất sức. Cho đến năm 2018 này, chị có lương là 1,5 triệu.

Rồi muốn xí xóa cái chuyện tiền nong ấy, chị cười bảo:

- Thôi, có nhiều ta tiêu nhiều, có ít ta tiêu ít. Ở TNXP phụ cấp mỗi tháng 5 đồng mà “đời vẫn tươi rời rợi” đấy thôi. Ăn ở cùng nhau trong TNXP ngần ấy năm em còn lạ gì tính chị? Nhất là bét. Đúng không?

Chúng tôi đi ra sân. Mảnh đất rậm rịt um tùm của thủ trưởng Nghiêm Xuân Đạo của chúng tôi năm xưa nay được các con ông cải tạo gọn ghẽ. Thạo giữ lại mấy cây si, mấy cây mai tứ quý… mà bố anh trồng để làm kỷ niệm. Nay nhìn chúng đã có vẻ “cổ thụ” nhưng hoa lá xanh non. Cây mai tứ quý đầy quả đỏ tươi chi chít. Tôi hỏi Thạo:

-Năm còn thủ trưởng, chị về thăm thấy đất như hẹp hơn thế này?

Thạo cười:

-Vâng! Đúng thế. Bây giờ nó rộng hơn một ngàn mét vuông. Thực ra dinh cơ nhà em đang nằm trên 5 chiếc hố bom của Mỹ ném xuống năm xưa nhằm phá ga Phổ Yên nhưng nó ném trượt vào đây. Bố em tranh thủ san lấp dần, ông đi công tác suốt. Trước đây nhà em ở trong xóm, đất chật, sau chuyển ra đây. Khi nào được về bố em lại tranh thủ san dần, lấp dần bao nhiêu năm những hố bom ấy, nên đất nhà mới được rộng ra như thế đấy chị ạ. Lúc ấy chúng em còn đi học nên chẳng giúp được bố cái gì cả, sau này trưởng thành chúng em cho cải tạo dần nó mới phẳng được như thế này. Thạo chỉ sang nhà sát cạnh:

-Đây là nhà chú Dưỡng, em út của em. Hai anh em ở liền thổ. Còn chú thứ hai là chú Quân ở cách đây mấy nhà. Nhà ai bây giờ cũng to rộng. Hiềm một nỗi chú Quân bị bệnh hiểm nghèo nên mất sau bố em một năm.

Mọi người chuẩn bị ăn cơm thì anh Nghiêm Xuân Cước, con trai thứ 3 của ông Đạo đến (Cước hiện là Trạm trưởng Trạm truyền tải điện tại phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên).Vừa ngồi xuống mâm anh vừa nói:

-Thấy anh Thạo bảo có chị đến thăm, mừng quá, em tranh thủ ghé về.

Trong câu chuyện nhắc về bố, anh cười như đứa trẻ:

-Hồi bố em xúc đất ở hố bom lên để làm vườn, nghĩ lại buồn cười. Bố thì cởi trần lội hố bom xúc đất hắt lên bờ, em với anh Quân lại cứ thi nhau vác đất trên bờ ném xuống, mà bố em chẳng mắng.

Cước nhắc đi nhắc lại câu mời:

-Chị nhớ đến nhà em đấy nhé, bốn anh em trai nhưng em ở xa hơn một chút, nhà em ở phường Đồng Quang trên thành phố.

Lúc chia tay nhau ở nhà Thạo. Hình ảnh in đậm trong tôi là bóng dáng chị Nguyễn Thị Mận bé nhỏ gầy gò, đạp chiếc xe cũ kỹ đi 6 - 7 km trong nắng trưa về nhà. Ngồi sau xe máy của người bạn, tôi lau nước mắt.

Hôm sau, tôi đến nhà Cước theo lời mời là một lý do, nhưng còn một lý do nữa thôi thúc tôi đến đó là bà Đỗ Thị Phệ - vợ của thủ trưởng Nghiêm Xuân Đạo đang ở đó. Tôi đến, thấy bà đang ngồi một mình xem vô tuyến ở phòng khách. Hải vợ Cước đang ở phía trong bếp. Ngôi nhà ống hai tầng đẹp đẽ. Bức ảnh gia đình rộng như tờ báo Nhân dân rất đẹp, là thứ trang trí nổi bật trong phòng tiếp khách. Hai cậu con trai đẹp như tranh, nhìn rất “Hàn Quốc” lồng khung màu cà phê rất hài hòa. Hai cậu đang đi học.

Hải lên chào tôi rồi bảo: -Anh Cước nhà em đánh ô tô đi đón anh Huy chị Thủy về đây gặp chị cho vui.

Anh Huy và chị Thủy là hai người đồng đội TNXP của tôi hồi mới nhập ngũ. Chúng tôi cùng ở Đại đội 913, anh Huy ở tiểu đội 5, tôi và chị Thủy ở tiểu đội 1.

Chị Thủy có tuổi thơ rất đáng thương. Năm 1949, khi mới ra đời được hơn một tháng tuổi, mẹ chị đi chợ bị trúng bom do giặc Pháp thả xuống chết. Được ít lâu thì cha cũng mất, bỏ lại hai anh em Thủy. Khát sữa mẹ, hàng ngày anh của Thủy phải bế em ra đón ở cổng làng để các bá, các cô đang nuôi con nhỏ đi làm đồng, họ thương tình lại vạch vú cho Thủy bú. Khi biết đi, Thủy tự đi ra ngồi ở cổng làng để chờ các cô các bá đi qua họ cho bú tí rồi lại tự lũn cũn đi về. Thủy 5 tuổi, anh trai lấy vợ. Hàng ngày đi làm đồng, chị dâu đem Thủy đi cùng, rồi đặt ngồi trên bờ để chị xuống ruộng làm. Chị đội cho Thủy chiếc nón nên nhìn Thủy như chiếc nấm bởi thế nên Thủy được đặt tên là Nấm. Đi TNXP được đổi tên là Thủy - Trần Thị Thanh Thủy.

Là một vị lãnh đạo luôn đi sâu đi sát quan tâm đến quần chúng, thủ trưởng Nghiêm Xuân Đạo biết được hoàn cảnh đặc biệt của Thủy. Ông nhận Thủy làm con nuôi để Thủy bớt phần nào thiệt thòi. Thủy cũng ngoan, tốt. Chị cũng tiến bộ. Ở nhà học lớp 4 phổ thông, đi TNXP học bổ túc rồi đi đại học và duyên số đã đưa chị và anh Huy sau này trở thành vợ chồng. Hai người đều được kết nạp Đảng ở Đại đội 913. Anh Huy từ C913 được điều lên công tác tại huyện miền núi Mèo Vạc, Hà Giang hơn chục năm. Năm 1982 anh về công tác tại Tỉnh ủy Bắc Thái. Năm 1987, về công tác tại trường Đại học Cơ điện rồi hai vợ chồng cùng về hưu. Hiện anh chị đang là cư dân của phường Tích Lương, TP Thái Nguyên. Chị Thủy hơn anh Thạo 1 tuổi nên anh chị Huy Thủy được làm con cả của ông bà Nghiêm Xuân Đạo.

Trong lúc chờ mọi người về đông đủ, tôi ngồi nói chuyện với bà vợ của ông Đạo. Thấy tôi giới thiệu là lính TNXP của chồng bà năm xưa, bà cười thân thiện và nói chuyện với tôi rất rõ ràng rành mạch, rất minh mẫn ở tuổi 90 của mình. Bà bảo Cước mới đón bà ở Phổ Yên lên. Bốn anh con trai, bà ở với mỗi đứa một dạo cho công bằng. Bây giờ ăn ở chẳng là bao. Nhà cửa đứa nào cũng “sang trang”. Gần chúng nó ngày nào hay ngày đấy.

Tôi cười đùa:

- Bà có bốn người con, chứ giá mà có tám người thì phân phối mệt đấy nhỉ!

Bà vỗ vỗ vào người tôi để ngắt tiếng cười:

- Được bốn là phúc bằng đình đấy. Lúc đầu tưởng chẳng được đứa nào. Rồi bà kể bà xây dựng gia đình với ông Đạo năm 19 tuổi. Thế mà tận năm 22 mới đẻ được anh Thạo. Ở nông thôn mà lấy chồng 3 năm chưa có con, người ta cho là có vấn đề về sinh đẻ nên bà xấu hổ lắm. Nhưng người ta có biết đâu ông ấy cứ đi công tác liên miên. Năm 1950 đẻ được thằng Thạo rồi ông lại đi TNXP chống Pháp tận những Việt Bắc, Tây Bắc. Ngóng đỏ mắt chẳng thấy về. Từ mong rồi đến giận. Giặc giã, đói kém, làm dâu và vò võ nuôi con. Rồi năm 1958, con lên 7 tuổi ông ấy vẫn chưa về. Tôi phải giấu mẹ chồng cho áo của ông ấy vào chảo, đốt lửa thật to, rang lên để ông ấy nóng ruột mà về. (Bà che miệng cười xấu hổ). Năm sau ông ấy về thật. 5 người đang cấy dưới ruộng, tôi nhìn thấy và nhận ra ông ấy đầu tiên. Ông ấy đi cái xe đạp cũ, chẳng mũ mão gì, có xâu thịt lợn treo đủng điểng ở ghi đông. Vừa đạp xe vừa thổi sáo miệng. Mừng quá nhưng cũng giận quá.

Nhưng giận thì mình thiệt. Thế là đến tận năm 1959 mới đẻ tiếp được thằng Quân. Khi ông ấy về công tác trên tỉnh, gần nhà hơn. Vài tháng đảo qua nhà nên 2 năm sau, 1961, lại đẻ được thằng Cước và rồi công tác của ông ấy lại cuốn ông ấy đi. Ông lại chuyển sang lãnh đạo Đội TNXP của Bắc Thái.

Những lần thoảng về nhà tính trên đầu ngón tay. Tận 7 năm sau nữa, 1968 đẻ nốt thằng Dưỡng thì thôi hẳn. Rằm ba tết bảy mẹ con mong ngóng bố về cũng chẳng thấy. Vắng ông ấy quanh năm cũng bắt buộc mình phải quen.

Khi thằng Thạo 18 tuổi, đáng ra nó được đi học đại học ở nước Đức nhưng ông ấy bắt phải đi bộ đội. Tôi ngăn không được. Ông ấy đả thông tôi: “Mình động viên con người ta đi bộ đội mà con mình ngồi ghế mà học coi sao được”. Tôi đành phải nghe. Năm 1971 nó đi. Năm 1973 vào chiến trường miền Nam. Con nhảy vào nơi hòn tên mũi đạn cô bảo tôi yên tâm sao được? May mà nó trở về lành lặn…

Càng nghe bà kể, tôi càng thấu hiểu hơn sự thiệt thòi của bà phải làm vợ một người lúc nào cũng đặt công việc chung lên trên hết. Tôi nhớ có một lần khi đã hòa bình, tốp cựu TNXP chúng tôi có dịp gặp nhau. Khi nói về thủ trưởng Nghiêm Xuân Đạo, có một người bảo: “Này, suốt những năm ở TNXP, chẳng thấy thủ trưởng nghỉ phép bao giờ nhỉ!”. Và chúng tôi ngẩn người nhớ lại rồi cùng xác nhận điều đó là hoàn toàn đúng. Lãnh đạo 5 đại đội. Ông luôn dành thời gian xuống các đơn vị kiểm tra, giám sát, động viên mọi người thì thời gian rảnh rỗi đối với ông quả là quá hiếm hoi.

Nhìn bà đang im lặng đắm chìm trong kí ức của mình, tôi đùa:

-Thời chiến là thế bà ạ, thỉnh thoảng ông về đưa tiền nuôi con là được rồi…Bà vội ngắt lời tôi:

- Làm gì có tiền mà đưa? Những năm ấy làm gì có lương nhiều để đem về đâu nên mấy mẹ con chỉ trông vào mấy sào ruộng mà nuôi nhau. Những năm 50 ông ấy đi TNXP chống Pháp rồi lại đi TNXP chống Mỹ. Nhiều lần đi, tôi còn dúi cho ít tiền tiêu vặt. Tính đến lúc ông ấy mất, Nhà nước tăng bao nhiêu lần mới được hơn 3 triệu thì cô bảo ăn gì? Nhà cửa bây giờ là do chúng nó (các con bà) phát triển lên cả. Được cái tiền thì nghèo nhưng giàu tình cảm. Về hưu rồi càng hiểu là ông ấy tốt quá. Chẳng mấy khi không có bạn hữu cùng công tác đến thăm. Lúc ông ấy mất, hàng tháng trời tiếp khách của ông ấy đến viếng bởi vì họ ở xa, người nọ thông báo cho người kia họ mới biết mà về. Bà bỗng cười: - Lúc còn trẻ, nằm bên ông ấy, nói chuyện nhà cửa con cái thì ngắn ngun ngủn nhưng nói chuyện cơ quan thì dài tràng giang đại hải. Cái năm đại đội của ông ấy bị bom ở ga Lưu Xá chết những 60 người, ông ấy về nhà đận ấy nhìn gầy rộc đi, ăn uống thất thường. Ai đến chơi, ông ấy cũng đem chuyện ấy ra kể. Suốt ngày ông ấy bảo đấy là sự hy sinh lớn nhất của TNXP tỉnh mình so với TNXP cả nước. Sao bọn Mỹ nó ác thế? Con của người ta mới 17 - 18 tuổi đầu đã phải chết.

Chuyện cứ thế, tôi ngồi nghe bà kể mà không biết chán. Kể về ông, lúc bà cười nhìn rất vui, lúc bà lặng đi. Tôi hiểu được tâm trạng của bà.

Lúc sắp chia tay bà bảo:

-Thôi! Cầu mong đừng có giặc giã gì cả để mọi người bình yên mà sống! Trời có bắt chết thì cũng được chết lành lặn…

Câu “lành lặn” của bà làm tôi lại giật mình nhớ một câu chuyện nữa mà thủ trưởng Nghiêm Xuân Đạo đã có lần kể với tôi:

“Hồi ông đi TNXP chống Pháp. Ông ở Đội TNXP 40, Đại đội 407, ngủ ở rừng. Đêm hôm ấy, mọi người ngủ trong lán, sáng ra thấy mất anh trung đội trưởng. Mọi người đi tìm thì thấy hùm nó kéo anh ra một đoạn xa để ăn thịt. Chỉ còn mỗi cái đầu và mấy mẩu chân tay. Mọi người gói lại rồi chôn ở một gốc cây lim có 3 chẽ bên suối. Chuyện lâu quá rồi nên thủ trưởng chỉ còn nhớ người ấy quê tỉnh Bắc Giang. Ông rất muốn tìm về tận nhà người đó để báo cho biết nơi chôn cất mà không biết ở xã nào, huyện nào mà tìm. Ông ân hận lắm”.

Được sống cùng ông mấy năm, tôi cũng hiểu được rất nhiều về ông. Một con người quên mình vì công việc tập thể, sống nhân hậu, vị tha nhưng cũng kiên quyết với những việc làm sai trái. Chẳng thế mà sau khi hòa bình, có chế độ đãi ngộ cho TNXP, mặc dù đã về hưu nhưng ông vẫn tình nguyện giúp sức cho Tỉnh Đoàn Thái Nguyên rà soát gạt bỏ được rất nhiều người mạo nhận mình là TNXP để hưởng chế độ.

Tác giả cùng bà Đỗ Thị Phệ - vợ ông Nghiêm Xuân Đạo

Sự mất mát hy sinh trong chiến tranh thì rất nhiều mà tôi đã được nghe qua lời kể của người khác trên mọi miền của Tổ quốc. Nhưng những người bằng xương bằng thịt đã sống, công tác cùng tôi như những người đồng đội C915 sẵn sàng hy sinh làm ngoài giờ để kịp có hàng gửi ra tiền tuyến. Như ông Nghiêm Xuân Đạo và chị Nguyễn Thị Mận lội giữa một đại đội người chết tanh bành, dấn thân trong mưa rét và máu me để bới tìm, quả thật không phải ai cũng làm được như thế.

Những sự hy sinh ấy cứ âm thầm trôi theo năm tháng và những người thân của họ gần một đời thiệt thòi để chồng con yên tâm cống hiến như bà vợ của ông Đạo mà tôi chứng kiến đây, sẽ ám ảnh tôi không biết đến bao giờ!.

Ký. Ngọc Thị Kẹo

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước