Những người thầy của nhiếp ảnh Thái Nguyên
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (7/1987 - 7/2017)
VNTN - Trong trang sử của nhiếp ảnh Việt Nam có ghi nhận: Tại xã Điềm Mạc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chính là địa danh đã khai sinh ra Nhiếp ảnh Việt Nam (theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 15/3/1953). Nhiều nhà nhiếp ảnh tiền bối đã từng có thời kì sống, công tác và học tập tại Thái Nguyên. Thái Nguyên còn là thủ phủ Vùng tự trị Việt Bắc trong những năm 1956 - 1975. Ngoài ra ngày 26-1-1961 cũng tại Thái Nguyên, đã thành lập Chi hội văn nghệ Khu tự trị Việt Bắc. Nhưng không hiểu sao, đến khi thành lập Hội Văn nghệ tỉnh Bắc Thái (năm 1987) mà nhiếp ảnh Bắc Thái khi đó vẫn chưa có ai là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Trong khi các tỉnh như Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang… đã có hội viên Hội Trung ương.
Được Hội Văn nghệ quan tâm, ngay sau khi củng cố đội ngũ nhiếp ảnh, ông Hà Đức Toàn (Chủ tịch Hội VHNT Bắc Thái lúc bấy giờ), đã cho mời các nghệ sĩ có tên tuổi và kinh nghiệm lên giảng bài, truyền bá các phương thức để tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật cho hơn chục hội viên thuộc Phân hội nhiếp ảnh tỉnh Bắc Thái.
Cố NSNA Văn Bảo (người thứ 5 từ trái sang) và NSNA Vũ Nhật (người thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh kỉ niệm với một số lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Bắc Thái và lãnh đạo Nhà Văn hóa công nhân Gang Thép nhân dịp chuẩn bị cho Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực 6 tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ lần thứ nhất năm 1994.
Ban đầu là hai cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo, Nguyễn Long đã giành thời gian lên Thái Nguyên cả tuần giảng về nhiếp ảnh. Kế đến là các nghệ sĩ Vũ Nhật, Vũ Huyến đã lăn lộn, gắn bó với nhiếp ảnh Thái Nguyên nhiều năm liền, có thể nói gần như suốt cả quá trình làm “quan chức” ngành nhiếp ảnh của hai ông. Ngoài ra phải kể đến những vị tiền bối của giới nhiếp ảnh Việt Nam như cố nghệ sĩ Đỗ Huân, Lâm Tấn Tài, Mai Nam; hay nghệ sĩ Quang Phùng, Hoàng Kim Đáng… cũng từng góp công sức để truyền bá kinh nghiệm sáng tác và “thổi lửa” cho phong trào nhiếp ảnh Thái Nguyên.
Mỗi người, mỗi vẻ, nhưng tựu chung các “thày” đều đã hết lòng truyền đạt những hiểu biết của mình, khai mở cho nhiếp ảnh Thái Nguyên. Nhiều người trong số họ đã viết ra những trang sách để các nghệ sĩ tỉnh nhà có thể “tự học”; là những tấm gương để người học mới đầu là bắt chước, rồi muốn soi vào. Nhưng hầu hết những người “truyền lửa” đều giữ sự khiêm tốn đáng nể, khi họ nói không “dạy” ai, mà là cùng chia sẻ, truyền đạt từ những trải nghiệm của bản thân mà thôi.
Có một kỷ niệm mà về sau này chúng tôi hay đem ra kể, vừa để cho vui, vừa như để nhắc nhau rút kinh nghiệm khi tiếp khách. Lần ấy trong đoàn nhiếp ảnh lên mở trại cho Thái Nguyên có NSNA Đỗ Huân, ông khi đó cũng đã chừng tám chục tuổi. Buổi làm việc tới gần 12h trưa mới kết thúc. Chúng tôi mời cả giáo viên và học viên đi ăn đặc sản… Không ngờ, chủ quán hôm ấy thịt con dê cỡ trên chục tuổi. Ông giám đốc Nhà Văn hóa Gang Thép ngồi gần Nghệ sĩ Đỗ Huân, nhiệt thành gắp thức ăn tiếp nhà nhiếp ảnh đáng kính… Gần tới nửa bữa, thì thấy NSNA Vũ Nhật cười và nhắc nhỏ với tôi: “Bác Đỗ Huân dùng răng giả, các cậu “tử tế” đãi bác ấy dê già, định đánh đố khách mời sao…(?)”. Vì là quán đặc sản, nên không có gì khác ngoài thịt dê, chúng tôi đành đắng miệng gọi thêm hai quả trứng ốp lếp (thứ trước đó đặt riêng cho nhà văn Hà Đức Toàn, bởi ông ăn chay, nên kiêng thịt…)
Nhiếp ảnh Thái Nguyên sau một thời gian đã phát triển hội viên Trung ương rất nhanh (trung bình mỗi năm kết nạp thêm được một hội viên mới). Điều đó khẳng định chúng ta đã tìm ra đúng những “bài bản” để hướng đến và đặc biệt biết tìm thày để kèm cặp cho mình… Hiển nhiên là mỗi người thày của nhiếp ảnh Thái Nguyên, trong đời hoạt động của họ, đã tự xây dựng hình ảnh cá nhân khiến xã hội ngưỡng mộ, bằng chính những tác phẩm mà sinh thời họ tạo nên. Ví như nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo có “Từ Thần sấm xuống xe trâu”; Mai Nam có “Đi trực chiến”; Đỗ Huân với “Mưa bay mặt hồ”, Vũ Nhật với “Điểm tựa”. Hay chỉ một câu nói của Quang Phùng: “Đạo đức của nhiếp ảnh nghệ thuật là tiết kiệm” cũng khiến cả giới cầm máy phải xem lại thái độ của mình với những cơ sở vật chất có trong tay. Ngay như cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức từng tâm sự với anh em nhiếp ảnh một điều, mà chỉ qua thời gian, mới thấy được người lãnh đạo có tầm vóc phải như thế nào: “Có người hỏi tớ: Anh đoạt giải gì trong cuộc thi…, tớ chỉ trả lời: tôi không đoạt giải, mà tôi kí giấy chứng nhận cho những tác phẩm đoạt giải”.
Khi đến với các tay máy ở Thái Nguyên, các thày đã chỉ ra cho người cầm máy biết khai thác những lợi thế to lớn mà mình đang sở hữu: ít có địa phương nào mà tính đa dạng, tính đặc thù đậm nét như ở tỉnh này, Thái Nguyên là tỉnh trung du, có núi, có đồi, có sông, nhiều suối; có khu công nghiệp, có nhiều mỏ…, lại đông các dân tộc anh em. Và các thày đã chỉ ra: không chỉ các nhà văn, những người làm nhiếp ảnh cũng luôn phải biết tạo nên tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực mình hiểu biết, gắn bó. Và một loạt tác phẩm như “Dự hội bản em” của Đồng Khắc Thọ; “Nhộn nhịp ngày mùa” của Văn Chi; “Trước lò” của Thế Hoàng… đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Khi công nghệ thay đổi, đòi hỏi người chụp ảnh phải thích nghi với khoa học kĩ thuật và nhiếp ảnh cần hướng tới những sự giao lưu rộng rãi hơn trên nhiều lĩnh vực, thì những nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Lê Hồng Linh, Khắc Hường, Duy Anh, Kĩ sư Dương Trung Hiếu… đã được mời lên giảng dạy và trao đổi những điều bổ ích với các nhà nhiếp ảnh tỉnh nhà.
Thấm thoắt, thế mà ba chục năm đã lướt đi kể từ buổi học đầu tiên về nhiếp ảnh nghệ thuật ở Hội Văn nghệ Bắc Thái. Nhiều người (cả thày và trò) đã vĩnh viễn không còn có cơ hội được chiêm ngưỡng quê hương qua khuôn ngắm nữa. Và thật thiếu sót, nếu bài viết này không thêm một lần nhắc tên họ, cũng là như một lời ghi ơn tới các thày, các cố nghệ sĩ: Văn Bảo; Nguyễn Long; Đỗ Huân; Lâm Tấn Tài; Lê Phức; Mai Nam và Hoàng Tư Trai. Cũng để các bạn ảnh nhớ lại tên những người một thời cùng “đèn sách” với mình là: Phan Hoàn; Trần Lê; Minh Quyết; Trần Việt Thắng; Trần Thông; Chu Thi (chiếm một nửa cơ số của khóa bồi dưỡng nhiếp ảnh đầu tiên do Hội Văn nghệ Bắc Thái mở), cũng đã khuất núi. Trong nhiếp ảnh, người ta hay nhắc đến “khoảnh khắc” thì đời người so với vũ trụ bao la cái “khoảnh khắc” kia hẳn còn ngắn hơn chăng (?).
Suốt bao nhiêu năm, các nhà nhiếp ảnh đến với Thái Nguyên, góp công sức cho phong trào lớn mạnh, vậy mà gần như tất cả đều không muốn nhận mình là “Thày”. Các nghệ sĩ tên tuổi kết thúc buổi học thường tự xưng với học viên là “đồng nghiệp”. Phải chăng khi xóa đi một khoảng cách vời vợi xa, các thày đã tạo thêm lòng tự tin cho những người đi sau, đến muộn với nghề của Thái Nguyên mạnh dạn bước vào với một tâm thế hào sảng của người sáng tạo (?). Không biết nữa, bởi đó cũng có thể là những tâm niệm khiêm tốn, thực lòng của lớp nghệ sĩ chân chính đã thấu hiểu và trải nghiệm với mọi lẽ của cuộc sống này.
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...