Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:56 (GMT +7)

Những người sẵn sàng đi trước

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Trong hành trình làm báo của mình, tôi luôn thích đến những nơi xa và khó khăn nhất. Ở những vùng đất xa và sâu đó có đồng bào Mông, Dao, Sán Chí…, yêu núi rừng như yêu sinh mệnh dù cuộc sống còn bộn bề thiếu thốn, cực nhọc. Những lũng, những núi ấy có những người đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ như ngọn đuốc sáng, vững tâm soi đường để dân bản noi theo, vươn lên sống cuộc đời thật khác… 


Giản dị là một tấm gương

Trở đi trở lại nhiều lần với xóm người Mông Lân Quan (Tân Long, Đồng Hỷ), nhưng mỗi lần đến, tâm trạng tôi lại khác. Lần đầu đến đây cũng đã 6 năm có lẻ, tôi chỉ để ý cầm chắc tay lái sao cho không trượt bánh xe ở đoạn đường trơn, không lơ đãng đi vào sống trâu luội chuội. Cứ gồng mình lên suốt 12 km từ UBND xã vào bản, và chẳng thể để ý xem có gì hay, đẹp xung quanh. Vào được rồi, trở ra còn sợ hơn gấp bội. Lần thứ 2, rồi lần 3, lần 4, Lân Quan giờ không còn đường đất, không còn cảnh leo bộ thở ra đằng tai như trước. Lúa giống mới trĩu hạt vàng mẩy, vạt ngô trổ cờ ra bắp đều tăm tắp. Cán bộ của bản người trẻ, người lớn tuổi đều nói năng hoạt bát, tư duy mạch lạc. Họ phần đa là đảng viên, tận tụy “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chỉ với cái lẽ rất giản đơn: chẳng cam tâm nhìn dân mình nghèo khổ mãi, nên sẵn lòng đi học, đi tìm những cái hay, cái tốt đem về xóm núi, mình làm trước, đúng - sai, mình chịu trước. Có thế dân mới tin, mới nghe cán bộ, tin Đảng và Nhà nước.

Làm trưởng xóm Lân Quan được 4 năm (1999) thì anh Dương Văn Lầu được bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Ngày ấy xóm thậm chí chưa có tổ chức Đoàn Thanh niên, anh là đảng viên duy nhất phải sinh hoạt ghép với chi bộ xóm Làng Giếng. 15 năm làm Trưởng xóm (từ 1995 - 2010), 7 năm nay giữ vai trò Bí thư chi bộ (từ 2010 đến nay), Dương Văn Lầu đã trở thành người có uy tín, được nhân dân hết lòng tin tưởng. Dù rằng việc xây dựng một cơ sở Đảng ở vùng dân tộc thiểu số là chuyện không đơn giản, nhưng tính đến nay Lân Quan đã có 5 đảng viên, người trẻ nhất mới 27 tuổi; thành lập được chi bộ, hoạt động khá mạnh và hiệu quả so với các xóm, bản người Mông trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tay về phía quán tạp hóa mới mở hơn năm nay ở đỉnh dốc, Bí thư Dương Văn Lầu không giấu giếm niềm hân hoan trong đáy mắt: “Xóm giờ vui lắm, có quán hàng phục vụ các mặt hàng sinh hoạt cần thiết; hầu như nhà nào cũng có ti vi, bà con còn tụ tập hát karaoke khi rảnh rỗi nữa đấy. Có con đường như ý nguyện, nuôi lợn, trồng ngô giờ muốn bán, có xe ô tô đến tận nơi, tiện và khỏe lắm”. Kể chuyện làm cán bộ, anh Lầu thật thà: ngày đầu làm trưởng xóm, phụ cấp chỉ 80 nghìn/tháng, sau tăng dần lên 145 nghìn/tháng, đường đất lầy lội, mưa trơn trượt, mỗi lần ra xã đi họp phải cuốc bộ mất hơn hai tiếng. Sau này dành dụm tiền mua ngựa, rồi đến xe đạp, xe minsk cũ kỹ…, cứ thế ì ạch mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ngược đường về bản. Sống trên đỉnh núi, sóng điện thoại giờ vẫn lúc có lúc không, nhưng thanh niên cũng tập quen công nghệ internet, nhà nào cũng có ti vi, nghe/ xem được nhiều thứ, cách nghĩ cũng tiến bộ hơn nhiều lắm rồi.

Tích cực đọc tài liệu, sách, báo, Bí thư chi bộ Lân Quan tiếp thu nhiều thông tin, bổ trợ cho công tác dân vận của mình.

Để được dân tin, nghe theo, người cán bộ phải là người tiên phong trong mọi việc, như cánh chim đầu đàn vậy. Dù rằng mức lương phụ cấp hiện tại khiêm tốn chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng Dương Văn Lầu vẫn không nề hà việc khó. Ngày trước đi vận động, tuyên truyền người dân kế hoạch hóa gia đình, họ bảo “tôi đẻ tôi nuôi, cán bộ việc gì phải lo”. Anh phải chỉ cho bà con thấy rằng, ông bà xưa đẻ nhiều không chăm lo được, đói và rách. Rồi nêu những gương điển hình ở xóm nọ xóm kia sinh ít con, cuộc sống no ấm hơn nhà nheo nhóc thế nào, thế mà hiệu quả. Bây giờ người sinh con thứ 3 ở xóm hiếm lắm. Còn chuyện “làm gương”, thì cứ có chủ trương gì mới, nuôi con gì, trồng cây gì mà cấp trên chỉ đạo tới, anh đem đồng đất nhà mình ra “thí điểm” trước. Mong ước giúp bà con giảm đói nghèo cứ đau đáu trong lòng suốt nhiều năm, anh năng nổ đi họp, lĩnh ngộ kiến thức, vận động dân trồng giống ngô mới, từ DK888, DK999, NK43… Rồi căn nhà lợp ngói, lát gạch của gia đình anh đã trở thành nơi học lớp xóa mù những năm 1995 - 2000. “Lân Quan đã cải thiện cơ bản về nhà ở, không còn nhà đất lụp xụp, tranh tre mái lá nữa. Dân mình là cứ phải nhìn, phải trải nghiệm thì mới tin, mới làm theo. Mình là đảng viên, mình làm gương là thế” - anh chia sẻ.

Trong cái gió heo may nắng se ngọt, chúng tôi tản bộ trên đường, nghe mùi thơm rơm rạ, anh Lầu kể thêm rằng, cái khéo, cái hay ở đây là đã bồi dưỡng, động viên được những nhân tố tham gia công tác ở các ban như phụ nữ, nông dân…, đưa họ vào lực lượng đảng viên nòng cốt. Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhưng vận động bà con hiến đất làm con đường này cũng chật vật lắm. Nhà anh có đất nằm trong diện quy hoạch, anh tiên phong ủng hộ ngay. Cái lý lẽ thuyết phục của anh đến từng hộ dân chỉ thế này: “không có đường thì suốt ngày bà con trên thung lũng, nuôi được con lợn to, có bao ngô nỏ đều phải mượn người khiêng xuống núi, 4 giờ sáng đã phải đốt đuốc mà gồng gánh. Muốn khổ cực như thế mãi hay là muốn có xe máy, ô tô chạy vù mấy phút là tới tận cổng nhà, mua bán nhanh chóng, mình không mất sức, lại có thời gian làm nhiều việc khác”. Anh cười bảo: mình nói thế và rồi có đất làm đường ngay đấy, nhà báo ạ.

Vững vàng niềm tin

Di cư từ vùng biên Cao Bằng xuống Thái Nguyên từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, nhiều năm sống ở lưng chừng núi rồi rủ nhau hạ sơn, xóm người Mông ở Mỏ Chì (Cúc Đường, Võ Nhai) từ 8 - 9 hộ ban đầu nay đã ngót nghét 135 hộ với hơn 600 nhân khẩu. Cái tác phong mà Bí thư chi bộ xóm Hoàng Văn Tài chỉn chu lời ăn tiếng nói, khéo léo, mềm mỏng tiếp chuyện làm chúng tôi thực sự “xiêu lòng”. Nói câu nào thì chắc và chất câu đấy. Không quá bất ngờ nhưng điều đó khiến tôi rất nể. Mình mới gặp, mới nghe mà còn tin và mến anh thế, thì dân bản sao có thể không nghe, không tin một người cán bộ như thế cho được.

Nhà của Bí thư Hoàng Văn Tài (thứ 3 từ phải qua) thường xuyên

là nơi diễn ra các cuộc họp chi bộ xóm.

Ừ thì, ở Mỏ Chì, 100% là dân tộc Mông, hộ nghèo vẫn chiếm gần 100%, nhưng hơn 10 năm nay, nơi đây không còn đói nữa. Cái đói đeo bám suốt bao nhiêu năm đã lùi bước, và rồi thoát nghèo hẳn cũng sẽ là quy luật tất yếu trước thời cuộc khi bà con đã dần chủ động, trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giống cây, phân bón, điện, đường, trường, trạm…, sản lượng ngô, lúa thu về tính hàng tấn chứ không còn đếm cân, đếm tạ như trước.

Người Mông quen di canh di cư, sống trên núi cao, để họ thay đổi tư duy hạ sơn không phải chuyện dễ làm trong ngày một ngày hai. Những năm 2000, khi Nhà nước có chính sách cho vay vốn sản xuất, thì anh Tài linh hoạt dùng số vốn ấy đi buôn bò. Có duyên buôn bán, 4 năm sau anh có được số vốn tích lũy chừng 20 triệu đồng, mua đất xuống ở chân núi, có đường giao thông thuận tiện hơn. 43 tuổi đời, hơn 15 năm làm công tác xã hội, từ Trưởng xóm, rồi Bí thư chi bộ, anh đã vận động bà con cùng xuống núi như mình; nhiệt tâm đi tiếp thu kỹ thuật, đem các giống cây, vật nuôi mới về cho dân gieo xuống đất đồi, nào ngô lai 4300, lúa nhị ưu 838, nếp nàng hương… Anh khảng khái khoe: “Người Mông ở đây không ai theo đạo Dương Văn Mình chống đối Đảng, Nhà nước. Số hộ dân hạ sơn chỉ chiếm 50%, còn lại vẫn sống lưng chừng núi, nhưng bà con sử dụng được điện thoại, có việc gì tuyên truyền vẫn thuận lợi lắm”. Nói chuyện về Đảng, về công tác chính trị, không như nhiều người khác nghĩ nó hành chính, khô cứng, Bí thư Tài lại hết sức hào hứng, tin tưởng. Anh trở thành đảng viên với một ý niệm rất chân phương: Đảng vì lợi ích nhân dân, giúp đỡ nhân dân, không tin theo sao được.

Xây dựng tổ chức Đảng cần những cá nhân nhiệt huyết, đi đầu làm gương trong nhân dân. Chi bộ Mỏ Chì hiện có 4 đảng viên, năm 2017 này đang tiến hành xác minh, phát triển 2 đảng viên mới, và có nguồn là 4 quần chúng ưu tú khác. Ông Hoàng Văn Sào là đảng viên cao tuổi nhất (76 tuổi), sắp tới sẽ được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn, mang chủ trương, chính sách mới của Nhà nước truyền đạt đến nhân dân. Đảng viên Lý Văn Nùng vừa qua tuổi 30, là Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm, anh rèn luyện để đứng trong hàng ngũ của Đảng chẳng phải vì quyền lợi gì cho bản thân. Giữa họ là khoảng cách thế hệ, song ngồi cùng nhau trong cuộc họp chi bộ là họ cùng chung những lý tưởng, những mong muốn tốt lành cho dân bản. Chính cái tình, niềm tin với Đảng sắt son ấy, Bí thư Tài và đội ngũ lãnh đạo cốt cán của xóm đã dành nhiều tâm sức cho nhiệm vụ tuyên truyền, thay đổi về tư duy, nhận thức bà con, giúp bản làng chuyển mình theo hướng tích cực. Dù rằng kinh tế còn khó, chưa có ai học lên cao, nhưng trẻ em đã được cha mẹ cho đến trường 100%, chuyện sinh con thứ 3 giờ là của hiếm. Nơi đây không còn tình trạng “phép vua thua lệ làng”, bà con biết tuân thủ pháp luật, nghe cái lý mà chấp hành.

Tác nghiệp ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gặp được các cán bộ, người có uy tín, họ thông suốt cái ý, cái tứ của mình thì đến dân ai nấy cũng đều cởi mở, thân thiện. Tôi cứ ấn tượng mãi với Dương Văn Phong, anh Bí thư chi bộ xóm người Mông Đồng Tâm (Động Đạt, Phú Lương) bởi phong thái chỉn chu, sự mạch lạc, sáng tạo đi đầu. Học hết cấp 2 rồi tình nguyện đi lính, anh Phong phấn đấu vào Đảng khi còn trong Trung đoàn 246. Ra quân, giữ vai trò Bí thư Chi đoàn gần chục năm trước khi làm Bí thư chi bộ, Phong mạnh dạn tìm các giống cây mới, trồng thử nghiệm, giúp bà con chuyển đổi, bước đầu tạo ra những tiềm năng mới cho đồng đất, cho đời sống người dân Đồng Tâm ngày càng hiệu quả.

Đồng bào dân tộc Mông đang dần có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn trước.

Tuy rằng còn khó…

Thái nguyên hiện có 47 xóm có người dân tộc Mông sinh sống; tính đến tháng 6/2017 có tổng số 1.521 hộ, gần 7.800 nhân khẩu. Số đảng viên người Mông là 95 người. Có 10 xóm thành lập được chi bộ. Nguồn lực đoàn viên thì không thiếu, song việc phát triển đảng viên lại khó. Cái khó ở Mỏ Chì, Lân Quan, hay ở Đồng Tâm nói riêng, các xóm bản người Mông nói chung, ấy là trình độ dân trí chưa cao, lớp trẻ không có người nhiệt tình với công tác Đảng. Ở Mỏ Chì, khâu xác minh lý lịch cũng là rào cản lớn, bởi phần đa di cư từ Cao Bằng xuống, xa xôi cách trở, mỗi một chuyến đi tốn kém cả mấy triệu đồng. Rồi tình trạng thanh niên ly nông cũng phổ biến, công tác vận động, bồi dưỡng không thuận lợi.

Bí thư xóm Lân Quan Dương Văn Lầu chia sẻ, rằng những năm trước, điều kiện đảng viên phải tốt nghiệp lớp 9, nhưng do đặc thù vùng dân tộc, đã có kiến nghị lên trên hạ tiêu chuẩn trình độ xuống, yêu cầu tốt nghiệp hết lớp 5. Một cái khó nữa là bởi chuyện thời hạn quy định sau khi học đối tượng Đảng, hết thời hạn 3 năm mà chưa có điều kiện kết nạp thì phải đi học lại, nhiều người bận bịu làm ăn, nghe thế thì nản và không tham gia nữa.

***

Có thể là ý nghĩ chủ quan, nhưng nhờ nhiều chuyến đi tới các xóm, bản có người dân tộc Mông sinh sống, thấy rằng nơi nào có đội ngũ đảng viên uy tín, trách nhiệm, nơi đó đời sống người dân tiến bộ, phát triển có vóc có tầm hơn. Tuy là vẫn vương lại những điều chưa trọn như trên, nhưng vượt lên những điều đó, chúng tôi vẫn thấy lòng nhẹ vui. Ở những lũng, những núi cao này không có loa phát thanh gắn trên các cây cột điện, người cán bộ chẳng hô hào khẩu hiệu, chẳng ra rả những văn bản hành chính pháp quy kiểu lời nói gió bay, họ cứ làm gương, sẵn sàng đi trước để dân bản soi vào, giản dị vậy thôi…

. Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước