Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:25 (GMT +7)

Những người phụ nữ đi đầu trong “Tuần lễ vàng”

VNTN - Cách đây 72 năm, vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Bản Tuyên ngôn có đoạn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Lời hiệu triệu của non sông đất nước

Chỉ 2 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”. Bởi ngay sau Cách mạng Tháng Tám, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng, trong đó có 580.000 đồng bằng hào nát. Không những thế, nền kinh tế Việt Nam cũng kiệt quệ vì trước đó Pháp - Nhật cấu kết nhau bóc lột nhân dân ta “đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều” và “từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói” (Tuyên ngôn Độc lập) rồi lại thêm quân đồng minh tràn vào, Ngân hàng Đông Dương lại nằm trong tay tư bản Pháp.

Và trong khuôn khổ “Quỹ độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nói rõ về việc này. Người viết:

“Cùng toàn quốc đồng bào...

Nhờ sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào ngót 80 nǎm nay, nhất là trong 5 nǎm nay, chúng ta đã xây đắp được nền tự do độc lập của chúng ta. Ngày nay chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với sự dã tâm xâm lǎng của bọn đế quốc Pháp.

Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có.

Ý nghĩa “Tuần lễ vàng” là ở đó.

Tuần lễ vàng sẽ thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng.

Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc.

Như thế Tuần lễ vàng không những có ý nghĩa giúp vào nền tài chính quốc phòng, nó còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng.

Vì vậy tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh.

Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận.

Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ.

Việt Nam độc lập muôn nǎm!”

(Báo “Cứu quốc”, số 45, ngày 17/9/1945)

Ở các địa phương, như Đà Lạt có khẩu hiệu “Máu chiến sĩ không tiếc, vàng ta há tiếc sao!”. Báo “Quyết chiến” hồi ấy viết rằng: “Một phân vàng là một cây súng tối tân, một ly vàng là một viên đạn lớn”. Trong nhân dân cũng xuất hiện ca dao cổ động quần chúng: “Đeo bông chỉ tổ nặng tai/ Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng!/ Làm dân một nước vẻ vang/ Đem vàng cứu nước giàu sang nào tày!/ Góp vàng đổi súng cối xay/ Bắn tan giặc, nước có ngày vinh quang/ Mỗi khi người bước ra đàng/ Cổ tay chẳng xuyến, chẳng vàng dễ coi/ Lúc này làm dáng càng nhơ/ Hãy đem vàng để phụng thờ nước non!/ Người còn thì của hãy còn/ Nước tan, nhà mất vàng son làm gì!”.

Những tấm gương đi đầu trong “Tuần lễ vàng”

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời Các Mác, rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời Lênin, rằng: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”.

Ngày 17/9/1945, ngày đầu tiên của “Tuần lễ vàng”, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dân thủ đô đã nô nức đem vàng đến đóng góp. Trong dòng người tấp nập ấy, phụ nữ là đa số.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) nhớ lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng... Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”. Kể cả đóng góp trong “Tuần lễ vàng”, tổng cộng vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng. Bà Hoàng Thị Minh Hồ khẳng định: “Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dốc toàn bộ tiền bạc cho cách mạng. Tôi không hối hận vì những việc mình làm vì đó là trách nhiệm của một người dân trong thời kỳ đất nước khó khăn”. Ghi nhận những đóng góp cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã truy tặng vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn tơ lụa Lợi Quyền (Hà Nội) đóng góp 109 lạng vàng cho “Tuần lễ vàng”. Trân trọng sự đóng góp của bà, ngày 10/11/1945, Hội Phụ nữ đã tổ chức “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam bộ kháng chiến” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, mang theo tấm huy chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh, giữa có chữ V.M tặng cho bà Vương Thị Lai. Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới. “Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”, đó là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Vương Thị Lai sau đó đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành trong những ngày cuối năm 1946. Sau này bà tham gia Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, là Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới của Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam.

Bà Vương Thị Lai (ngồi) và con cháu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Gecko (Hà Nội) đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg cho “Tuần lễ vàng”.

Bà Nguyễn Thị Lãm, vợ ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ (Hà Nội) đã đem 300 lạng vàng đóng góp cho “Tuần lễ vàng”.

Vợ chồng bà Trịnh Thị Điền, chủ cửa hàng buôn bán tơ lụa tại 54 Hàng Gai, Hà Nội; chủ một nhà máy dệt ở Gia Lâm, Hà Nội và một đồn điền lớn tại Chi Nê, Hòa Bình ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào “Quỹ Độc lập” và 100 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng”. Bà Trịnh Thị Điền sau đó đã tham gia Ủy ban Hành chính Kháng chiến khu Hoàn Kiếm, Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1955. Năm 1950, vợ chồng bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng khác như: Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Huy chương “Vì sự nghiệp tài chính của Đảng”, Huy chương “Vì sự nghiệp giải phòng phụ nữ”. Riêng bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 1991.

Tổng cộng “Tuần lễ vàng” tại Hà Nội đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương.

Ở Huế, vào ngày 17/9/1945, “Tuần lễ vàng” khai mạc tại phía Nam sông Hương. Cựu Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại mới thoái vị) là người đầu tiên cởi toàn bộ trang sức kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người ra quyên góp giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của dân chúng. Với nghĩa cử cao đẹp và gương mẫu đi đầu đó, bà được mời làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” tại Huế. Từ hành động của cựu Hoàng hậu Nam Phương mà làn sóng ủng hộ lan rộng ra khắp các tầng lớp dân chúng ở Huế. Chỉ trên dưới một tuần lễ, thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng. Bà Nam Phương đã tuyên bố trước giới phụ nữ nước nhà: “Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất mau trên con đường cứu nước... nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc” (Theo báo “Quyết Tiến” ngày 18/9/1945).

Cựu Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại mới thoái vị) đã hiến tặng toàn bộ trang sức kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người.

Ở Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Thềm, dòng dõi vua Chăm, đã hiến chiếc mão của vua và dĩa đựng trầu cau bằng vàng từ bao đời trước để lại.

Bà Dương Thị Lịch ở Sông Cầu (Phú Yên) có tên thật là Paulette Jovanic (người Ý, quốc tịch Pháp) đã ủng hộ Chính phủ 2 lượng vàng.

Ở Đắc Lắc, bà H'Lay, người Êđê đã hiến 5 chỉ vàng.

Nhân dân miền Tây Nam bộ cũng hăng hái đóng góp nữ trang, đồ gia bảo, ai không có vàng thì đóng góp tiền. Cuối đợt vận động, miền Tây Nam bộ đã gửi ra Trung ương 2.500 lượng vàng và 20.000 đồng (tiền Đông Dương ngân hàng).

Trong “Tuần lễ vàng” các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lạng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lạng (khoảng 1.923 kg). Như vậy, “Tuần lễ vàng” tổng cộng thu được 2.293 kg hoặc 59.618 lạng vàng.

Các tầng lớp nhân dân thủ đô đi ủng hộ “Tuần lễ vàng”. Ảnh: tư liệu lịch sử

Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Đồng thời, đây còn là cơ sở để cuối tháng 1/1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam. Mặt khác, những kết quả đó còn góp phần quan trọng nâng cao uy tín của chính quyền cách mạng non trẻ trước quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, nhất là các nhà tư sản dân tộc, các điền chủ yêu nước... Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc”.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy