Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:43 (GMT +7)

“Những người muôn năm cũ” mà đâu đã cũ

VNTN - Giữa khoảng thời gian ở thập niên 80 của thế kỉ trước, tôi vô tình được làm quen với ông trong một hiệu ảnh cạnh Hồ Gươm. Cũng tại bởi trước đó đọc trên báo, có một bài giới thiệu về nhà nhiếp ảnh Hà Tường, tôi đã thích thú với cái “thương hiệu” mà cô phóng viên gán cho ông trong bài viết: “nghệ sĩ nhiếp ảnh bụi đời”. Thế rồi hễ cứ có cơ hội, tôi lại tìm đến ông ở căn hộ nhỏ bé tại số 6 Hàng Gai, lật tung những tệp ảnh mà ông vừa mới đi chụp mãi tận đâu đó, để “dòm ngó” xem ông chụp những gì, chụp như thế nào (?) Và trước lúc về luôn không quên đưa những thứ mình ghi được để nhờ ông “xem hộ”. Những bức ảnh mà ông nhặt riêng ra, mỗi khi ông cộc lốc nói “lạ” hoặc “được” tôi liền phóng to đem đi dự thi, chúng luôn có tỉ lệ lọt triển lãm và đoạt giải khá cao. Chả bù cho mấy năm trước đó, ảnh của tôi luôn bị loại văng mạng ở những cuộc thi, tốn tiền thì đã đành, còn vương vãi bao niềm hy vọng và buồn một nỗi rằng đã chẳng ai thèm nói cho mà biết đám ảnh ấy kém ở cái gì… Tôi âm ỉ sướng, khi sau này có người bảo tôi là một trong những “đệ của Hà Tường”.

Từ trái sang: Nhạc sĩ Hồng Đăng, Diễn viên điện ảnh Phương Thanh, Nhà phê bình Ngô Thảo, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (đứng sau), vợ chồng Nhạc sĩ Văn Cao, Nhà thơ Thu Bồn và Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng.

Có người nghĩ ông bẳn gắt, khó chịu và khó gần. Câu nói mà ông ưa thích và hay thả tõm vào mạch chuyện khi muốn tắt một cuộc tranh luận đi quá đà là: “thiên hạ nhân, thiên hạ tài”, ý ông ngầm thách đố ai đó có giỏi thì ra mà tranh giành với thiên hạ, còn đây là chốn bạn bè... Ông giao du khuôn gọn lại với những người mà ông thấy dễ chịu và ngại tiếp xúc với ai đó, khi ông cho là có thần tướng “không chơi được”, dù đó là một quan chức đang tại vị.…

Cái miệng ông khi mím lại lúc xem ảnh thì hay kéo theo sau đó là những lời nói chan tương, đổ mẻ mà ông không ngần ngại trút vào từng bức ảnh còn mắc lỗi, khiến người đối diện là tác giả hay làm giám khảo luôn thấy ngán và ngại tranh cãi phản biện với ông. Bù lại, ông có một nụ cười mà tôi cho rằng ngay các nghệ sĩ cũng phải ghen tị, muốn được sở hữu vì mỗi lần tung tẩy thì “chẳng cho gì mà vẫn có người theo”. Song cũng nhờ cái tính thẳng thắn chẳng bao giờ giấu được cảm xúc thật, mà ông khiến đám em út ít tuổi chúng tôi luôn thấy thoải mái vì không phải giữ ý tứ với ông. Và khi hiểu ông rồi, lại thấy ông đặc biệt dễ chịu bởi vẻ quyến rũ cùng cách cư xử xuề xòa, dễ mến và hài hước.

Nếu ai đã từng “qua lại” với nghệ sĩ Hà Tường, thì khi xem cuốn “Những người muôn năm cũ” của ông, chắc hẳn đều hiểu: Đây chỉ là một mảng sản phẩm trong cuộc đời đắm say với nhiếp ảnh của người nghệ sĩ già. Tuy vẫn được tiếng là cầu kì sử dụng ánh sáng trong lúc chụp. Nhưng khi chọn ảnh để in sách, ông dường như đã rũ bỏ cái “khẩu hiệu” mà ông cứ ra rả nhắc nhở chúng tôi lúc ghi hình là “ánh sáng phải ly kì…”. Đại đa số các bức ảnh ông đưa vào “Những người muôn năm cũ”, tôi và một số người gần gũi thường qua lại đã từng được ông cho xem nhiều lần. Thực ra với ông, nhóm ảnh ấy đã đau đáu ôm giữ những kỉ niệm cay mặn của một thời sóng gió nhiều hơn là giá trị về nghệ thuật. Và sở dĩ người ta thích xem những bức hình ấy, bởi đó đều là gương mặt các văn nghệ sĩ nổi tiếng một thời. Những người mà ông có dịp được quan hệ, giao du, qua lại ở giữa những năm tháng khi đất nước còn nghèo khó, ấu trĩ với bao nhiêu là mặc cảm. Cuộc đời xô đẩy cùng những bất hạnh họ chuốc phải với bao nỗi khó khăn đã vô tình dồn cục họ lại. Những con người tài hoa và đầy bản lĩnh đã tìm thấy ở nhau sự động viên, chia sẻ… Họ co cụm, nén nhịn để tồn tại mà sáng tạo. Bản thân mỗi nhân vật trong những bức ảnh, đều ít nhiều đã góp công, hoặc chịu hạn với cái nghiệp mình theo đuổi. Thực thế, nếu làm nghề nông mà để lỗi một đường cày thì cũng chẳng sao, bởi họ sẵn sàng cày lại! Làm một người thợ, người ta có thể cẩu thả mà để gãy một mũi khoan, thì công việc cũng chỉ đình trệ một vài giờ.… Nhưng ở đây họ lại vướng víu vào văn chương, vào sáng tạo nghệ thuật. Và vì “những đứa con tinh thần” mà có người đã bị bầm dập cả thể xác; tâm lý. Thậm chí đa đoan; đọa đày vào cái gọi là Nhân văn giai phẩm; quyền tự do tư tưởng, hay chống chủ nghĩa sùng bái cá nhân… Thời gian đã chứng minh, rằng những tài nhân ấy đã yêu quê hương, đất nước thế nào. Họ tôn thờ cái đẹp, họ cao thượng, hay cũng có khi họ thơ ngây đến quên cả bản thân mình. Khi muốn ứng xử tử tế và công bằng hơn với họ, thì nhiều người trong số ấy đã bước vào cõi vĩnh hằng. Mỗi người trong ảnh khi đương thời có một kiếp phận khác nhau, nhưng họ lại chung cảnh ngộ khi ít nhiều cùng vương theo mình mối hiềm khích âm ỉ mà xã hội vô tình hay cố chấp trùm đụp lên cuộc đời và sự nghiệp của họ.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái tại xưởng vẽ ở nhà riêng, phố Thuốc Bắc, Hà Nội năm 1986

Nếu giở đến trang 12 của cuốn sách, nhìn vào gương mặt tươi tắn, hóm hỉnh của nhạc sĩ Văn Cao trong bức ảnh chân dung một nhóm người. Chúng ta ít ai nghĩ đó là thời kì mà cả nước Việt đang bình xét những tác phẩm vào chung kết để chọn ra một bản Quốc ca thay thế cho “Tiến quân ca” của ông. Xem trang 11, thì những độc giả của “Vang bóng một thời” sẽ phải ồ lên kinh ngạc, khi nhìn vào bộ dạng một Nguyễn Tuân luộm thuộm trong cái quần vén gấu, thụng ống và đặc sệt quê mùa khi chân luồn tất mà loẹt quẹt dép lê. Một người từng tự ghi vào lí lịch là “chuyên gia tiếng Việt” người viết nên “Thiếu quê hương”, “Tùy bút Sông Đà”… có nghĩ hành trang của cá nhân mình khiến hậu thế nhìn đến phải bật cười (?). Nhưng rồi khi tiếng cười lịm đi, ấy là lúc họ như muốn sống thật chậm, để cân nhắc về những khao khát đang thừa mứa vẫn luồn lách sôi chảy trong tâm, mà tự biết kìm nén sao cho phải lẽ…

Có quá nhiều những bức ảnh trong cuốn sách, khiến người ta phải nhìn lại và hiểu thêm về các nhân vật được coi là xuất sắc của một thời văn hóa, văn nghệ như: Hình ảnh nhà thơ Tố Hữu trong đám tang Lưu Trọng Lư, kịch tác gia Tào Mạt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Hữu Loan, Nhà sử học Trần Quốc Vượng… Để mà tìm câu trả lời về đám trẻ sinh ra ở thế kỉ 21, tại sao ngồi nhâm nhi cà phê và ngắm nhìn nhau, lại vẫn cứ muốn được thả hồn theo nhạc Trịnh? Thì ra chúng kéo nhau lên núi ngắm sắc tím của hoa sim giữa ngày hè oi nóng, ấy là vì đã đọc thơ của Hữu Loan. Chúng háo hức thực hiện nghĩa vụ quân sự, bởi tuổi trẻ cũng muốn được lây cảm giác ngất ngưởng ở bài thơ “Xe không kính” khi san sẻ với đám bạn trên “di động” trang thơ Phạm Tiến Duật...

Năm 2009 tôi rủ ông cùng đi một chuyến xuyên Việt để chụp ảnh… Ông cân nhắc mấy hôm rồi mới nhận lời, với một điều kiện là lịch trình khi đi thì mốc điểm đến là Mũi Cà Mau và khi quay về phải ghé qua Đà Lạt. Ngày tới Mũi Cà Mau thấy ông tươi tỉnh và rất phấn khởi, vì lần đầu tiên ông được chụp ảnh ở đây, lại được NSNA Trương Hoàng Thêm cùng các bạn ảnh trong đó quý mến và chu đáo giúp đỡ. Ngày đến Đà Lạt, tôi cứ nghĩ ông có kế hoạch gì đó chụp tại xứ sở của ngàn hoa, nhưng khi vừa mới cập vào nhà khách để nhận phòng, thì ông đã gọi xe ôm… Sau vài giờ trở lại ông mới cho biết: “Mình vừa đến viếng Lưu Công Nhân” (người họa sĩ mới mất gần thời điểm ấy). Buổi tối trước ngày về, ông lại đến thắp hương người quá cố và ở đó rất lâu để dùng cơm với gia đình nhà danh họa. Trên đường ông nói nhiều chuyện quanh những kỉ niệm của mình với cố họa sĩ Lưu Công Nhân… Và ông hay lẩm nhẩm một câu thơ của Vũ Đình Liên (cũng là người được ông chụp ảnh và đưa vào cuốn sách): “…Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”.

Nhà biên kịch Tào Mạt trên giường bệnh

Ngày khai mạc triển lãm thấy ông vui thực lòng, ông vui vì được gặp lại một số những người thân mà ông quen biết của các nhân vật trong mỗi bức ảnh triển lãm. Ông mải mê kí tặng sách cho gia đình của “những người muôn năm cũ” để họ nhớ lại một thời xa xưa ấm áp và thô ráp tình người. Đọc lời dẫn của một “người trong sách” Nguyễn Thụy Kha, hay chỉ xem một bức thư trao đổi tâm tình của Bùi Xuân Phái với Lưu Công Nhân và khi thấy ông đôi lần xuất hiện trong những bức ảnh của cuốn sách, thì người ta hiểu ông Trần Hà Tường cũng là một phần tạo nên các cuộc hội tụ phía sau cánh gà sân khấu cuộc đời của nhiều văn nghệ sĩ.

Một điều đáng nói: Không ít bức ảnh in vào sách mà còn nguyên vết trầy xước do lỗi bảo quản phim. Với công nghệ hôm nay nếu muốn, thì chỉ một loáng là người thợ in phóng xử lý hết ngay. Ông và người biên tập thông minh vẫn cố tình để nguyên, như muốn cho người xem nhận ra vẻ mộc mạc của đời thực tựa thứ đồ gỗ chưa hề đánh véc ni, chúng giản dị giống mảnh toan vừa mới căng lên khung vẽ, lại có gì đó khiến người ta phiêu lãng mà trôi lạc từ âm giọng ca trù của bà Quách Thị Hồ tan lẫn sang âm thanh của nhạc Trịnh mà sao vẫn cứ thấy nhẹ như không (?). Chuyếnh choáng như đang cùng quây quần nâng chút rượu nếp cuối chai, cảm thấy nồng thơm hơn khi rượu được san đều vào những chén vại…

“Những người muôn năm cũ” mà đâu đã cũ. Cuốn sách ảnh của Hà Tường tựa một bài ca chưa kết thúc; tựa một khối điêu khắc chưa kịp đặt lên giá trưng bày, hay như một bài thơ còn thiếu câu kết. Dường như nó chỉ giữ vai trò của cái gạch đầu dòng - để thế hệ hôm nay, ngày mai tìm hiểu tiếp về cuộc đời (hay tác phẩm) của mỗi nhân vật trong sách ảnh.

Cuốn sách hẳn đem tới cho ông thêm nguồn vui, ấy là khi ông đã “tải được lòng” tới người xem ảnh một góc nhìn khác đầy bất ngờ, nhạt màu thời gian, nhưng bình dị, thân thương, rất giản đơn đời thực của các văn nhân.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy