Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:49 (GMT +7)

Những người đồng hành tận tâm của chúng tôi

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6


VNTN - Đồng hành cùng sự phát triển và lớn mạnh của Văn nghệ Thái Nguyên nhiều năm qua luôn có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, nhiệt thành. Nói chuyện về họ, là nói đến những cánh tay nối dài mà tờ báo luôn trân trọng, tự hào…


Họ ở nhiều lứa tuổi, làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, không được đào tạo gì về nghiệp vụ báo chí, nhưng điểm chung là mê viết. Có người viết vì cảm thấy cần góp sức cho tờ báo tốt hơn; có người viết vì sự thúc bách của trái tim, giải phóng vốn hiểu biết; có người viết như cái duyên không định sẵn mà lại sâu nặng suốt nhiều năm… Không ràng buộc, không hưởng lương từ tòa soạn, chỉ “làm và nhận” theo giá trị “hàng hóa” đã “lao tâm khổ tứ” hoàn thành, song tinh thần và trách nhiệm lại vô cùng chuyên nghiệp.

Nhà thơ trẻ Phạm Văn Vũ (sinh năm 1984, trước đây là giáo viên dạy văn tại trường cấp 3 Định Hóa, hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên) bén duyên với Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) từ những ngày là học sinh Trung học phổ thông. Đọc báo, yêu thích rồi gửi tác phẩm cộng tác, bài thơ đầu tiên được đăng khi học lớp 12 là dấu ấn khó quên với Vũ. Những năm sau này, ngoài việc thường xuyên có thơ được đăng tải, anh còn viết các bài thuộc lĩnh vực báo chí ở các trang, tiểu mục. Nhận thấy khả năng viết lách vượt trội của anh, lãnh đạo tòa soạn đã tin tưởng đặt Vũ giữ mục Thư biên tập (từ 2011). Nhắc chuyện cũ, anh bộc bạch rằng: ban đầu tôi không thể hình dung là mình sẽ viết cái gì, nghĩ là làm độ vài cái thôi là hết vấn đề. Nhưng nó cứ cuốn đi. Mỗi lần viết là một lần tự học, tự nhắc chính mình. Đến giờ không tin nổi là mình đã viết hơn trăm bài. Bởi viết/bàn về chuyện sáng tạo thì thú vị, nhưng áp lực là làm sao để không lặp lại vấn đề, nhiều khi cũng khiến mình lo lắng đấy.

Ẩn dưới bút danh Bạn Văn ở mục Thư biên tập thì coi như… mất tên, nhưng người đọc hẳn đã biết tới Phạm Văn Vũ ở những bài ký báo chí, ký văn học, rồi các bài lý luận phê bình... Vũ bảo, anh coi ký [văn học] là sự mở rộng của thơ, coi Lý luận phê bình như là sự đào sâu của sáng tạo, cho nên nó vẫn là một con người mà thôi, chẳng qua là trong một hình thức khác. Những thứ đấy nó ràng níu nhau rất tự nhiên. Cứ tự nhiên viết và khám phá chính mình, không chỉ được tặng thưởng cộng tác viên tích cực trong nhiều năm liên tục, anh còn đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi viết do Hội VHNT, báo VNTN tổ chức.

Nhận lời đặt bài, hay nhiều khi chủ động đề xuất đề tài, ý tưởng với ban biên tập, Vũ nói rằng, lúc đầu anh viết vì trách nhiệm, nhưng sau còn vì mình thấy muốn khám phá nữa. Viết là được biết, được nghĩ, được hiểu, được nhiều thứ. Nói đoạn, Vũ kể chúng tôi nghe câu chuyện tác nghiệp đầy thú vị cuối năm 2017, khi khi anh gặp 2 vợ chồng Péter và Linh - đạp xe từ Hunggary về Việt Nam để thực hiện bài viết “Bên ngoài những vòng xe”. Ban đầu nhân vật khá ngần ngại hợp tác và khó chia sẻ, họ nói thẳng là đã bị nhiều người làm phiền, một số nhà báo viết và đưa thông tin sai. Thêm nữa, vốn tiếng Anh của Vũ hạn chế nên việc trao đổi cũng gặp khó khăn. Anh đã thuyết phục họ bằng cách sẽ trò chuyện và nhờ Linh phiên dịch, thứ nữa là sau khi viết bài xong sẽ gửi lại cho họ đọc, nếu đồng ý thì đăng báo, nếu không thì thôi, coi như kỉ niệm. Thật may là sau đó hai bên hiểu nhau, nói được rất nhiều chuyện, không chỉ xoay quanh các thông tin viết báo, mà còn chia sẻ thêm với nhau rất nhiều về đời sống. Trước khi chia tay, Péter đã chia sẻ rằng, anh ước gì mình giỏi tiếng Việt để nói chuyện với Vũ nhiều hơn. Vũ xấu hổ nói, lỗi của tôi là không giỏi tiếng Anh để nói chuyện với anh nhiều hơn.

Luôn xuất hiện với một phong thái từ tốn, nhẹ nhàng, họa sĩ Nguyễn Gia Bảy không chỉ là người có vốn kiến thức về Mỹ thuật sâu rộng, mà còn là người viết tay ngang khá chắc nữa. Trước đây, thỉnh thoảng ông tham gia gợi ý, phân tích về chuyên môn giúp phóng viên báo, mãi năm 2012 mới tập tễnh viết bài đầu tiên nói về tác phẩm “Quá tải” của họa sĩ Dương Văn Chung. Sau này thấy trong một vài bài viết liên quan đến mỹ thuật bị dùng sai thuật ngữ, nên ông đã viết bài để “chất vấn” lại… Kể từ đó, hễ có sự kiện gì liên quan đến chuyên môn mỹ thuật là ông lại được người trong tòa soạn gợi ý viết. Thấy mình có “vốn liếng” mà để đấy thì uổng, mặc dù công việc giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cũng bận bịu, song cứ rảnh rỗi là ông kỳ cạch gõ phím. Từ bấy đến nay, mỗi năm có khoảng chục bài viết đăng tải trên VNTN, tự lúc nào Gia Bảy đã là “người nhà” của báo. Lần gặp gần đây nhất, chúng tôi nghe ông hứng khởi khoe dự định trong tương lai gần, sẽ biên tập lại tất cả các bài viết, và tác phẩm đã tham dự triển lãm (đủ 60 bài, 60 tranh, 60 tuổi) thành cuốn sách kỷ niệm, bỗng thấy vui lây.

Làm việc với Nguyễn Gia Bảy nhiều năm, thấy ông là người chuẩn mực về thời gian, cầu thị và nhiệt tâm. Mỗi khi có cuộc gọi đặt bài từ biên tập viên, ông rất hào hứng nhận lời và đề xuất đề tài, nỗ lực hoàn thành. Có những tác phẩm phải sửa đi sửa lại nhiều lần, chưa khi nào thấy ông tỏ vẻ chán nản. Với Gia Bảy, viết báo ngoài hứng thú ra còn có cả trách nhiệm của người hội viên, mong muốn định hướng cho công chúng về mỹ thuật tốt hơn. Đặc biệt đã hứa, đã nhận là làm đến nơi đến chốn. “Niềm vui đến từ những bài báo tạo ra sự tươi mới trong tinh thần. VNTN đi đến từng chi bộ khu dân cư, mọi người hay đọc và mỗi lần gặp tôi họ thường trao đổi, có khen ngợi, góp ý, động viên tôi nên viết để công chúng được mở rộng hiểu biết về mỹ thuật. Rồi mấy bác nghỉ hưu cùng cơ quan lần nào gặp cũng khoe: “tao vừa đọc bài viết của chú”… Thế là trong bữa tiệc tôi lại được thưởng thêm vài ly” - Gia Bảy vui vẻ chia sẻ.

Trong lĩnh vực VHNT, có nhiều mảng mà nếu không là người có chuyên môn thì không “nói” được. Bởi thế, kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường từ lâu cũng là cây bút không chuyên mà VNTN rất quý nể. Năm 2001, sau khi nhận được lời đề nghị, nói đúng ra là sự động viên chân tình từ lãnh đạo tòa soạn báo, thấy mảng kiến trúc rất ít người viết, hầu như không có tiếng nói trên diễn đàn VHNT, thế là Nguyễn Văn Cường bắt tay thực hiện bài báo đầu tiên “Vẽ nhà kiểu Pháp”. Tác phẩm đầu tay ấy kể từ khi nhen ý tưởng đến lúc hoàn thiện mất khoảng 3 tháng. Kể từ đó, VNTN như đã khơi chạm đúng mạch nguồn để ông khai thác vốn liếng về kiến trúc và cứ thế say mê viết bất cứ khi nào có thời giờ. Ừ thì ông là tay viết không chuyên, song con số 100 tác phẩm báo chí được đăng tải từ bấy đến nay quả là không hề nhỏ.

Hằng năm, báo VNTN luôn tổ chức hoạt động gặp mặt, tri ân cộng tác viên. Ảnh: Anh Tú

Có uy tín nhất định khi viết cho VNTN, Nguyễn Văn Cường đã nhận được những lời mời cộng tác, đặt bài của nhiều tớ báo ngành khác. Dù là tuyp viết theo sự hứng thú, không ép mình “sản xuất” khi bận bịu, nhưng nhiều lúc vì trách nhiệm của một hội viên, trên hết là sự trân trọng tờ báo, trân trọng những con người của tòa soạn; với tâm niệm “trước khi nói những lời chê chưa hay chưa tốt, thì mình phải vào cuộc mà giúp sức”, vì thế mỗi khi được đặt bài ông chẳng thấy áp lực gì, chỉ thấy đó là cơ hội và quyền lợi của mình mà thôi. Viết là được thể hiện mình và cảm nhận sự lan tỏa của tác phẩm, với ông vậy là đủ!

Còn nhớ mấy năm trước (khoảng 2012) một số bài viết với bút danh là Suối Linh xuất hiện, mọi người trong tòa soạn ấn tượng bởi cái tên tác giả lạ quá. Sau này thì biết Suối Linh còn trẻ (26 tuổi, đang là giảng viên tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên). Suối Linh viết nhiều ở mảng Văn hóa đời sống, rồi chị còn viết những bài đinh ở trang phóng sự - ký sự nữa. Có dịp trò chuyện, Linh đã thổ lộ với chúng tôi rằng, chị là người đã yêu thích cái gì là yêu bất chấp. Sau những bài viết được VNTN đăng tải, mỗi khi đi đường ngó nghiêng được cái gì, hay thăng hoa trong bài giảng chị đều biến nó thành ý tưởng để viết cho VNTN đầu tiên.

Niềm vui khi được làm cộng tác viên của Suối Linh thật trong trẻo, giản đơn. Chị dí dỏm kể: “Hồi mới viết báo, mỗi khi đuợc đăng bài là tự hào lắm, vui tận mấy ngày. Có quãng thời gian mình ít viết báo khoa học đăng tạp chí chuyên ngành mà toàn viết văn hóa văn nghệ, vì thế khi báo biếu gửi về là ngay lập tức ỉm đi, giấu kỹ. Việc đó giống như một thứ ngoại tình. Mà đã ngoại tình thì càng dập càng nồng, càng day dứt, càng nhiều ý tưởng”. Với chị, vui nhất là những ngày cuối năm đi họp tổng kết và được tòa soạn tin tưởng “khoán” bài tết. Chị bảo chị thích điều đó, bởi đó là tín hiệu đầu tiên cho cảm giác mùa xuân về, năm hết tết đến. Và rồi, sự kết hợp đầy sáng tạo giữa kiến thức chuyên ngành Việt Nam học và các vấn đề thời sự, chính luận, văn hóa đời sống… đã giúp Suối Linh có nhiều tác phẩm chất lượng.

***

Là những cây bút không chuyên, ai ai cũng đều bận bịu với việc chuyên môn, nhưng cứ hễ rảnh rang là họ lại viết bằng tinh thần vô cùng chuyên nghiệp. Viết cho Văn nghệ Thái Nguyên, không biết có bao nhiêu người như Suối Linh, là ngoài chuyện có thêm thu nhập còn thêm niềm vui, thấy mình lãng mạn hơn, văn nghệ sĩ hơn. Và rằng dù là cộng tác, dù chẳng ràng buộc gì, song họ luôn ý thức mình là người viết trách nhiệm; dẫu nhiều khi nhận “đơn đặt hàng” là liều lĩnh, mất thời gian và chịu áp lực, có khi ý tưởng hay chưa chắc đã triển khai thành bài báo suôn sẻ…

Cũng theo chia sẻ của Phạm Văn Vũ thì, vì không làm theo nghiệp vụ bài bản, không có điều kiện tập trung, và chỉ tranh thủ “tác nghiệp”… là những cái khó mà anh gặp phải. Thế nên nhiều khi muốn làm đến nơi đến chốn, muốn đi đến tận cùng vấn đề, nhưng khó. Cái thuận lợi thì có lẽ anh không bị áp lực, chỉ viết những vấn đề mà mình chủ động, mình phát hiện. Nhưng mỗi khi tòa soạn đặt bài, đó là chuyện nghiêm túc, lúc đó chỉ nghĩ viết cái gì riêng cho mình là quyền của mình nhưng đã viết bài cho báo thì phải nghĩ đến tòa soạn, nghĩ đến bạn đọc.

Chính nhờ tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của các cộng tác viên như Vũ, mỗi khi nhận bản thảo mà họ gửi đến đúng hạn định, đúng yêu cầu đề ra, các biên tập viên chúng tôi cũng cảm thấy lòng đầy tin tưởng, nhẹ nhõm nhiều phần.

Phạm Văn Vũ đoạt giải Ba (ký), giải Khuyến khích (thơ) tại Cuộc thi sáng tác

văn học (2014 - 2016).                  Ảnh: Đào Tuấn

52 số báo cả số thường và số đặc biệt có tăng trang, trên dưới 650 trang báo trong một năm, với lực lượng tương đối mỏng (10 người cả thảy), nếu không nhờ có lực lượng cộng tác viên đông đảo, nhiệt tình đồng hành, VNTN khó mà có được thành quả đáng kể ấy. Nhân 93 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, Văn nghệ Thái Nguyên 27 tuổi, nói về những cây viết như Nguyễn Văn Cường, Gia Bảy, Phạm Văn Vũ, Suối Linh, và còn rất nhiều các cộng tác viên chuyên và không chuyên khác trong và ngoài tỉnh như: Nguyễn Đình Tân, Hồ Thủy Giang, Minh Hằng, Phan Thái, Phạm Ngọc Chuẩn, Vũ Kim Khoa, Nguyễn Trung, Nguyễn Đình Hưng, Mã Kiều Trâm, Lê Đình Cúc, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Khanh, Hoài Hương, Minh Quân, Phạm Đức Hùng, Phan Nam Sinh, Tiến Thành…, chúng tôi hi vọng và tin tưởng, sự đồng hành, tận tâm của họ sẽ còn tiếp nối và lan tỏa mạnh mẽ nhiều hơn nữa trên VNTN.

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước